Thứ Ba, 6 tháng 7, 2010

Kỹ năng cho trẻ vào lớp một


Lớp một là bước ngoặt đầu đời quan trọng của trẻ, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ điều này. Nhiều bậc cha mẹ lúng túng nên chuẩn bị gì cho trẻ? Có nên dạy trẻ biết đọc biết viết trước, và liệu bé đã sẵn sàng chưa? Hai chuyên gia tâm lý trẻ em sẽ giải đáp vấn đề này vào 9h30 sáng 8/7.
Lớp một là bước ngoặt quan trọng, là nền tảng trong sự thành công trên con đường học vấn của trẻ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Trẻ 6-7 tuổi, tràn đầy cảm xúc, thích hành động theo xúc cảm, khó tập trung chú ý lâu vào những hoạt động đơn điệu, một số trẻ nhút nhát, kém tự tin, khó hoà nhập… Mỗi lời khen chê, mỗi điểm số của cô giáo đều có thể tạo ra những cảm xúc tích cực, tiêu cực, thậm trí gây “thương tổn”, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Vậy người lớn, đặc biệt là cha mẹ, cô giáo cần phải làm gì... để khơi nguồn các năng lực trí tuệ, cảm xúc, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống và tạo dựng niềm tin, hứng thú học đường... làm nền tảng cho sự thành công ở những năm học tiếp theo?

Với trẻ bắt đầu tuổi đi học, nỗi băn khoăn lo lắng lớn nhất của không ít phụ huynh là nên chọn trường nào cho là phù hợp? Sự lựa chọn này cần dựa trên những tiêu chí gì? Có nên cho trẻ học chữ trước hay không?... Những chương trình giáo dục bổ trợ như thế nào là phù hợp, không quá sức với trẻ, hay phải giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học bằng cách nào để có thực sự hiệu quả...

Những băn khoăn, vướng mắc trên đây của phụ huynh sẽ được hai chuyên gia tâm lý trẻ em của Trường Tiểu học Ngôi Sao Hà Nội: Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh và Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa giải đáp cặn kẽ trên VnExpress.net vào sáng thứ 5 tới.

Các chuyên gia cũng sẽ phân tích những thiếu hụt có nguy cơ dẫn đến thất bại học đường ngay trong năm đầu tiên của tiểu học, và cách giúp trẻ vượt qua những trở ngại đó để nuôi dưỡng sự tự tin, hứng thú học tập, giúp trẻ gặt hái thành công.

Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh từng lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Murdoch, Australia. Ông là một trong những chuyên gia đầu ngành về tâm lý giáo dục và tâm lý lâm sàng trẻ em, với trên 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực này. Ông rất tâm huyết, luôn sáng tạo và đam mê với sự nghiệp giáo dục trẻ.

Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa tốt nghiệp cử nhân tâm lý ở Nga, sau đó làm luận án tiến sĩ về tâm lý trẻ em ở Australia. Bà có trên 20 năm nghiên cứu và giảng dạy lĩnh vực này, cũng rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục trẻ em.

Với mong muốn đưa tâm lý học vào thực tiễn giáo dục trẻ em, hai tiến sĩ cùng các đồng nghiệp đã đưa ra các chương trình giáo dục bổ trợ cho lứa tuổi mầm non (Chương trình giáo dục M.A.S.T.E.R) và lứa tuổi tiểu học (Chương trình giáo dục V.I.S.E.M.I) để kích hoạt tối đa sự phát triển các năng lực trí tuệ và giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống... được phụ huynh rất ưa thích. Đồng thời các chuyên gia cũng đưa ra các chương trình tư vấn phụ huynh: Học làm cha mẹ thông minh; Làm cha mẹ thành công, phương pháp giúp trẻ phát triển trí tuệ (IQ, CQ, EQ, SQ)... giúp cha mẹ nắm được các phương pháp giáo dục khoa học, phù hợp với tâm lý trẻ để cùng nhà trường phát huy tối đa tiềm năng của mỗi trẻ em.

VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét