Thứ Ba, 30 tháng 6, 2009

Tép tái khám mắt (lần 3)




Thứ Sáu tuần rồi là lần thứ 3 Tép đi tái khám mắt (Đúng hơn là đi kiểm tra lại, hen con).

Lần này, đi như đi chơi nhé, 2 mẹ con ti toe soạn đồ đẹp từ tối trước, ti toe chuẩn bị máy ảnh . Sáng, con măm măm bột rồi đánh 1 giấc say sưa, mặc cho Ông Bà ngoại hấp tấp đánh xe đến nhà mình rồi lại phải đợi con dậy trong "vui vẻ" (cháu cưng mừ!!! )

Con ngủ dậy, thay đồ đẹp rồi làm người mẫu chính lên hình với ông bà ngoại, ba mẹ (Cái mặt vẫn còn ngái ngủ nên chẳng tươi cười tẹo nào).

Lo tí tớn chụp hình, đến bệnh viện thì chỉ còn 5phút nữa là hết nhận bệnh...phù, may quá!

Và giờ phút quan trọng đây: BS xoa đầu con bảo: "mắt bé đẹp đều rồi nhé mẹ!" Mẹ thở phào nhẹ nhõm, mà hình như con cũng mừng hay sao ấy nên dù các cô y tá lạ vây quanh chọc ghẹo rồi bế con mà con vẫn cười toe toét, còn dụi đầu vào vai cô y tá xinh đẹp nữa chứ (bình thường gặp người lạ, con chỉ nhìn chăm chăm chứ không chịu cười đâu).

Còn bây giờ là album mới tinh của con nhé, mời các Bác/Cô/Chú chiêm ngưỡng cháu có bảnh bao không nào!



Eating Chinese Food




Photobucket PhotobucketPhotobucket Photobucket

Photobucket Photobucket Photobucket Photobucket Photobucket Photobucket







Sunday June 22, 2008 - 03:09pm (ICT)



Tập leo trèo




Bữa nay tớ leo trèo cũng khá nhuyễn rồi. Vị trí tập luyện và thực hành là ở ghế salon, với độ cao khoảng 35cm.

Tớ học động tác leo lên nhanh lắm. Tớ chồm người tới, đưa 1 chân lên, hít 1 cái, đưa chân còn lại lên nữa là xong.

Còn trèo xuống mới khó nè. Ba tớ dạy: “Con hạ thấp người xuống, nghiêng người qua 1 bên, đưa 1 chân xuống trước, 2 tay vịn chặt mặt ghế, người vẫn còn tì trên ghế, đưa chân còn lại xuống, 2 chân chạm đất thì từ từ thả tay ra và ngồi phịch xuống đất”. Lúc đầu tớ còn nhát, sợ bị té nhào xuống đất. Nhưng từ từ rồi tớ đã tập trèo xuống ghế salon được rồi.



Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2009

Giới thiệu nhật ký nuôi con của chị Nguyễn Ngọc



Chị Nguyễn ngọc theo như giới thiệu tại blog yahoo 360, địa chỉ http://ca.360.yahoo.com/profile-vbuBtJo_fLNRQVjDD9WzEgsDlBBG . Chị là một người bình thường. Sống tại Hải Phòng, Vietnam. Chị làm nghề luật sư. Câu nói trên blog "Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử".

Với 199 bài viết về nuôi con trước khi yahoo 360 đóng cửa, đáng để ta học hỏi suy ngẩm về chuyện nuôi con khôn lớn. Yeucon.org mạn phép đăng tải lại bài của chị Ngọc, để chia sẻ với bạn đọc khắp nơi.

Click link dưới đây đề vào nhật ký của chị ngọc

http://blog.yeucon.org/search/label/Nhatkynuoicon_Nguyenngoc

Tản mạn về NỤ HÔN và HÔN NHÂN

Theo nghiên cứu của Giáo sư Edward Lawrey ở Los Angeles, Mỹ, 15 phút mặn nồng vào buổi sáng có tác dụng phòng bệnh không thua kém bất kỳ hình thức thể dục nào khác. Nhìn chung, hôn nhân khiến con người hạnh phúc hơn là sống độc thân. Chỉ đến tuổi 60, người độc thân và người có gia đình mới cảm nhận hạnh phúc bằng nhau.

Cái lợi của nụ hôn

Còn theo thống kê của một Viện nghiên cứu Đức, cư dân vùng Trung Âu rất lười tập thể dục buổi sáng. Một nghiên cứu khác lại cho thấy có đến 80% quý ông bà trong độ tuổi từ 40-55, nghĩa là vẫn chưa gọi là già, chẳng mấy khi chú trọng đến biện pháp vận động dưới ánh mặt trời mới ló dạng. Chỉ có 18% thỉnh thoảng chạy vài vòng sân hay hít đất mấy cái chiếu lệ. 82% còn lại chọn giải pháp ngồi yên bên tách cà phê buổi sáng. Thật ra thì 84% cho biết có vận động chút ít, nhưng chỉ để làm nóng khi đứng dưới phòng tắm trong tiết trời giá lạnh. Điều kỳ lạ là tỷ lệ bệnh tim mạch ở các quốc gia Trung Âu lại rất thấp. Họ xem nhẹ thể dục nhưng lại chọn một hình thức thể dục khác vào buổi sáng: 36% có thói quen ngủ nướng thêm ít phút trên giường để âu yếm người bạn đời. Rõ ràng, chuyện như đùa: một nụ hôn buổi sáng, một lời yêu khi ngày mới sắp bắt đầu lại có tác dụng hơn cả liều thuốc bổ.

Lý giải về vấn đề này, Lawrey nói: nụ hôn làm cho hệ tuần hoàn hưng phấn lên với tốc độ vừa phải, không quá nhanh, cũng không quá chậm, nên không gây đột biến về huyết áp sau một giấc ngủ dài. Nụ hôn cũng giúp giảm thiểu tình trạng căng thẳng lúc vừa thức giấc, bằng cách đánh tan nỗi lo cho một ngày mới, và động viên ta mạnh dạn đối diện với những gì đang chờ phía trước. Nụ hôn còn cải thiện độ nhớt của dòng máu, góp phần phòng chống hiện tượng xơ vữa mạch máu, đồng thời tối ưu hóa hoạt động co bóp của trái tim, đưa huyết áp về trạng thái ổn định. Nụ hôn cũng kích hoạt chức năng giải độc của gan trong cả ngày hôm đó. Qua nụ hôn, dung lượng không khí trong phổi cũng tăng thêm, tăng cường khả năng chống bội nhiễm của đường hô hấp.

Bằng việc cải thiện hàm lượng dưỡng khí trong tế bào thần kinh trung ương, nụ hôn nâng cao sức chịu đựng, khả năng tư duy và trí nhớ. Chưa hết, Lawrey đã chứng minh hàm lượng mỡ và đường trong máu những người có thói quen âu yếm vào buổi sáng còn ổn định hơn cả những người không biết tận dụng ưu thế của nụ hôn, hoặc chưa được thưởng thức hơi ấm của vòng tay ôm. Lawrey có lý nếu chúng ta nhìn vào endorphino, nội tiết tố tiết ra trong tình trạng sảng khoái, được phóng thích nhiều khi hôn nhau. Endorphino giúp hệ thần kinh và nội tiết lành mạnh hơn. Ngoài ra, nụ hôn hay lời thầm thì yêu đương buổi sáng còn là hình thức phòng bệnh vừa ít tốn sức hơn thể dục thể thao, mà hiệu quả không hề kém, cho dù bạn ở độ tuổi và giới tính nào. Chẳng vì thế mà Lawrey gọi “những giây phút tuyệt vời của buổi sáng” là “liều thuốc bổ của đời người”.

Và những cảnh giác

Tuy nhiên, lại có một ý kiến khác cho rằng nụ hôn sâu quá, mùi quá, có thể làm tăng nguy cơ viêm màng não. Các bác sĩ ở Anh cảnh báo hôn sâu kiểu Pháp (French kissing) với nhiều đối tượng sẽ làm tăng gấp 4 lần nguy cơ bị viêm màng não. Hôn kiểu Pháp được xem là cách thể hiện tích cực nhất sự mê đắm trong tình yêu, nhưng nghiên cứu mới cho thấy nó cũng làm tăng nguy cơ viêm màng não, dễ dẫn đến bại liệt, thậm chí tử vong. Các nhà nghiên cứu đã xem xét 144 thanh niên bị bệnh viêm màng não ở Pháp và thấy rằng những người hôn lung tung và hôn sâu có nguy cơ nhiễm bệnh cao gấp 3,7 lần người chung thủy với một bạn tình. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí British Medical Journal lại cho rằng, không biết thưởng thức nụ hôn cũng là điều tệ hại và đề nghị chỉ nên giáo dục học sinh đừng nên hôn tràn lan hoặc hôn kiểu Pháp.

Con người thích nói đến những thăng trầm của đời sống hôn nhân và các nhà khoa học cũng tìm cách đưa ra những bằng chứng về thời điểm hạnh phúc nhất của hôn nhân. Theo họ, những cặp mới cưới cảm thấy hạnh phúc nhất trước khi có con, trong vòng 1 năm sau tuần trăng mật. Nếu bạn không thấy hạnh phúc trong năm đầu tiên, thì gần như chắc chắn bạn sẽ ly hôn sau này. Tiếc thay, đa số cặp vợ chồng đều đánh mất sự mầu nhiệm của hạnh phúc khi để cho nó giảm xuống dần dần, kể từ năm thứ 3. Sau 10 năm, mức độ hạnh phúc giảm nhẹ so với trước khi cưới.

Nhưng nhìn chung, hôn nhân khiến con người hạnh phúc hơn là sống độc thân. Chỉ đến tuổi 60, người độc thân và người có gia đình mới cảm nhận hạnh phúc bằng nhau.

Theo Paula Hall, một chuyên viên tư vấn gia đình, thì trong năm đầu hôn nhân, các cặp thường sống dư dả vì chưa phải lo lắng cho con cái, trong khi cha mẹ vẫn còn khả năng kiếm ra tiền. Các mâu thuẫn về tài chính chỉ đến sau đó vài năm. Nhu cầu tình dục của phụ nữ cũng giảm sau hai năm chung sống, khiến người vợ lúng túng còn người chồng thì bực bội. Từ thời điểm này, họ cũng bắt đầu thấy những khuyết điểm của nhau nhiều hơn ưu điểm. Một ông chồng từng được vợ khen là “có cá tính đàn ông” nay biến thành “tên cục xúc, lỗ mãng”. Kẻ ngày xưa được khen là “nho nhã, hiền lành” nay biến thành “lười biếng, đần độn”

MỸ LÝ

(Theo Woman’s DayMen’ Health 3.2007)

Cách nuôi con thông minh

Trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái hầu như là vô tận, nuôi dạy một đứa trẻ nên người và thông minh là một việc đầy khó khăn...

Trí thông minh không chỉ do di truyền

Ngoài việc chăm sóc cho trẻ như: cho ăn, tắm rửa và đọc đi đọc lại những cuốn sách về nuôi dạy con cái, các bậc cha mẹ còn phải cực nhọc kiếm tiền để cung cấp nơi ăn ở tươm tất và những tiện nghi khác cho con mình. Cha mẹ đầu tư vào con cái với hy vọng chúng sẽ nên người cả về tinh thần lẫn thể chất. Chúng có thể là người tốt, là thiên tài, hoặc trở thành cái gì đó không làm bẽ mặt cha mẹ so với con của gia đình khác. May mắn cho chúng ta là các nhà khoa học phát hiện ra rằng, ai cũng có thể nuôi dạy con mình thông minh, nếu biết cách. Nếu không trở thành nhà khoa học vũ trụ thì chúng cũng làm được những điều có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Dù có lúc người ta tin rằng trí thông minh hoàn toàn do di truyền, nhưng những phát hiện mới nhất lại không đồng tình như vậy. Môi trường đứa trẻ lớn lên và người nuôi dạy chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành trí thông minh và khả năng thích nghi của trẻ với cuộc sống tương lai. Theo Tiến sĩ thần kinh học David Perlmutter tại Naples, Florida, tác giả của cuốn sách “Raise a Smarter Child by Kindergarten”, thì từ lúc ra đời đến năm lên 3, đứa trẻ nào cũng có cơ hội đạt được thương số thông minh (I.Q.) trên dưới 30. Các bậc cha mẹ nên làm mọi cách cho con mình đạt được con số khá lý tưởng này bằng các biện pháp như cho con bú sữa mẹ ít nhất một năm đầu từ ngày cháu bé ra đời, hạn chế trẻ xem truyền hình quá sớm và tăng thêm kỹ năng cảm thụ âm nhạc cho trẻ. “Trẻ sinh ra có 100 tỉ tế bào thần kinh. Trong những năm đầu đời, một số tế bào bị lãng phí, số khác thì tàn úa, chỉ có một phần được tận dụng. Chúng ta gọi đây là sự chọn lọc tự nhiên, nhưng nếu biết cách, phần tàn úa sẽ giảm nhiều” - David Perlmutter viết. Tiến sĩ Jonathan Gitlin, giáo sư nhi khoa và di truyền tại trường Y ĐH Washington ở St. Louis, đề nghị các bậc cha mẹ nên tập trung vào việc vun xén và nâng cao những năng khiếu bẩm sinh của trẻ. Vấn đề còn lại là làm sao phát hiện ra chúng. “Trong khi chúng ta thích lo từ A-Z cho con cái, thì có hai thứ thường bị các bậc cha mẹ đánh giá thấp trong việc nuôi con. Đó là dinh dưỡng và tình yêu” – Gitlin nói. Dinh dưỡng tốt không chỉ giúp trẻ mạnh khoẻ hơn, mà còn tốt cho bộ não của chúng, nơi quyết định trí thông minh. Dinh dưỡng ngay từ lúc trẻ còn trong thai, chứ không chỉ sau khi bé đã ra đời. Nói về dinh dưỡng thì dù các chất có trong sữa mẹ cũng có trong sữa bột, nhưng sữa mẹ vẫn tốt hơn, vì trong sữa mẹ còn có cả tình mẫu tử. “Tôi đánh giá cao việc nuôi con bằng sữa mẹ, vì đây là yếu tố ràng buộc tình cảm mẹ con” – Gitlin nhấn mạnh.

Đóng góp của cha mẹ và công đồng

Nhiều chuyên viên cho rằng, trí thông minh cảm xúc, tức cách con người phản ứng với xã hội chung quanh, cũng quan trọng không thua gì I.Q. trong sự thành công. “Nhiều người có I.Q. cao nhưng vẫn không được giao những chức vụ quan trọng cần đến kỹ năng tương tác xã hội, chỉ vì họ thiếu trí thông minh cảm xúc và không thể lãnh đạo được người khác” – Tiến sĩ Kathy Hirsh-Pasek, giáo sư tâm lý ĐH Temple ở Philadelphia viết trong cuốn sách “Einstein Never Used Flashcards: How Our Children Really Learn”. Đồng tác giả với bà là nhà tâm lý trẻ em Roberta Golinkoff, giáo sư ĐH Delaware. Hirsh-Pasek nói, trẻ em cho dù đó là thần đồng, cũng cần học kỹ năng tương tác xã hội từ rất sớm để dễ dàng hòa nhập sau này. “Chính trong những lúc yên tĩnh, trẻ đã tự tìm ra cách lấp đầy khoảng trống bằng giao tiếp với thế giới, bạn bè chung quanh, từ đó, chúng sẽ phát hiện ra nhiều điều phi thường” – bà nói.

Dù chưa có công thức nào và mô hình nào vĩnh cửu để nuôi dạy một đứa con thông minh, nhưng 8 bí quyết sau đây của Tiến sĩ David Perlmutter cũng đáng để các bậc cha mẹ tham khảo vì tính nghiêm túc và khoa học của nó.

1. Hãy để trẻ phát huy bản năng tự nhiên

Hãy thoải mái trong việc nuôi dạy con cái, tránh căng thẳng, đừng o ép, lèo lái trẻ đi theo hướng nào một cách khiên cưỡng, mà hãy tôn trọng bản năng tự nhiên của chúng. Tùy thực trạng của trẻ chứ không nên rập khuôn theo một phương pháp nuôi con cứng nhắc.



2. Hãy nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ chứa DHA, một chất béo cần thiết cho hoạt động của não. Chất này đã được đưa vào sữa hộp.



3. Khuyến khích trẻ giao tiếp

Dù không biết mức độ giao tiếp bao nhiêu là đủ, nhưng trẻ cần được tạo điều kiện giao tiếp để dễ hòa đồng trong tập thể khi lớn lên. Giao tiếp cũng giúp trẻ sớm bộc lộ khả năng lãnh đạo.



4. Chú ý đến dinh dưỡng trước khi trẻ ra đời

Ngay khi trẻ còn trong thai, dinh dưỡng thích hợp là yêu cầu rất quan trọng đối với trẻ. Trẻ cần các vitamin và dưỡng chất cần thiết trước khi chào đời. Cân bằng dinh dưỡng vào thời kỳ này sẽ bảo đảm trẻ không bị đần độn và suy nhược về sau. Dinh dưỡng nghèo nàn lúc thai nghén cũng ảnh hưởng phần nào đến não, dù sự phát triển của não chủ yếu là sau khi trẻ chào đời.



5. Giảm bớt thời gian trẻ tiếp cận với truyền hình

Nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng, cho trẻ tiếp xúc với truyền hình (TH) quá sớm trong những năm đầu đời sẽ có hại hơn là có lợi, nhưng Perlmutter thì nói TH chỉ trở thành vấn đề khi trẻ lên 2. TH làm chậm khả năng nói của trẻ. Trẻ chỉ nói tốt khi tương tác nhiều với những con người cụ thể chung quanh, chứ không phải với những con người trên TH.



6. Chơi đùa

Theo Hirsh-Pasek, cách học cũng quan trọng như nội dung học. Trẻ chỉ tiếp thu tốt khi đã được chơi đùa thoải mái. Học không chỉ tại lớp học, trên TH, mà còn ngoài đời, trong môi trường thật.



7. Cho trẻ sớm làm quen với những công cụ âm nhạc

Một nghiên cứu cho thấy, trẻ được làm quen sớm với nhạc cụ như tập chơi một nhạc cụ nào đó từ năm lên 4, cũng giúp tăng I.Q. thêm 6 điểm. “Một số bậc cha mẹ cho rằng tuổi này không phải là tuổi để trẻ cảm thụ âm nhạc, nhưng thực tế lại khác” – một nhà tâm lý nói.



8. Nhiều người cùng nuôi con, thay vì một người

Đối với việc chăm sóc trẻ em, càng có nhiều người tham gia càng tốt. Sự góp sức của số đông sẽ cho trẻ nhiều chọn lựa và hỗ trợ. Trẻ cũng cảm thấy an toàn và tự tin hơn khi biết mình là một phần của cộng đồng. Trí thông minh của trẻ nhờ vậy sẽ có thêm cơ hội phát triển.

LAN HẢO (Theo: How To Raise A Smarter Child của David Perlmutter)

Những đứa trẻ song sinh - Cuộc chiến từ trong bụng mẹ


Cuộc hành trình từ khi thụ thai đến ngày ra đời có lẽ là cuộc hành trình nguy hiểm nhất mà bất cứ ai trong chúng ta cũng gặp phải, nhưng cuộc hành trình của những cặp song sinh còn khủng khiếp hơn. Khi nghĩ đến những đứa trẻ song sinh giống nhau, chúng ta thường liên tưởng đến sự gần gũi đặc biệt và một sự hòa điệu hình thành ngay từ lúc còn chung một trứng. Tuy nhiên sự thật lại không phải thế. Thậm chí trong một số trường hợp, song sinh này lại là tác nhân gây ra cái chết của song sinh kia. Tiếc thay, đa số các bậc cha mẹ lại không biết có thai song sinh nguy hiểm như thế nào.

Một trường hợp hiếm
Khi Brittany 20 tuổi, cô kết hôn với anh Chris Smith và không ngờ là mình phải trải qua một năm đầy sóng gió. Trước hết, họ mất ngôi nhà ở Mississippi trong trận bão Katrina năm 2005. Sau đó, thế giới như đổ sụp xuống trước mắt Brittany, khi cô phát hiện mình bị triệu chứng dính liền hai thai (twin-to-twin transfusion syndrome – TTTS), một triệu chứng nguy hiểm chỉ ảnh hưởng đến dạng phôi song sinh giống nhau, tức là song sinh cùng trứng. Đặc điểm của song sinh TTTS là chúng có chung cuống nhau nối với hệ thống cung cấp máu của người mẹ. Như vậy, hai phôi thai phải chiến đấu để hưởng đủ lượng máu cần thiết cho sự sống còn. Theo bác sĩ Anthony Johnson, chuyên viên nghiên cứu về thụ thai nguy cơ cao tại Bệnh viện Nhi, Đại học North Carolina, có đến 60-70% nguy cơ cả hai sẽ chết. Nếu các bác sĩ không làm gì để sửa chữa lại sự không cân đối của dòng máu chảy đến thai nhi, một song sinh hoặc cả hai sẽ chết. Song sinh không nhận đủ lượng máu sẽ thiếu dưỡng chất cần cho sự phát triển, còn song sinh nhận quá nhiều máu có thể chết vì suy tim, khi nó chật vật hỗ trợ song sinh kia. Hy vọng duy nhất để cứu cả hai là một kỹ thuật giải phẫu laser, với mục đích là điều chỉnh hoạt động cung cấp máu bất bình đẳng này. Nhưng phẫu thuật phải tiến hành rất sớm và ngay trong bào thai.

Khi BS Johnson biết song sinh của Brittany rơi vào trường hợp TTTS, ông yêu cầu cô nên phẫu thuật lập tức, vì chỉ chậm một ngày, song thai có thể chết. Johnson tiến hành phẫu thuật trên phôi thai nhỏ chỉ bằng lòng bàn tay của ông. Ông cũng giải thích các nguy cơ có thể xảy ra với vợ chồng Smith và cả hai chấp nhận tất cả, để cứu những đưa bé. Vì phẫu thuật được tiến hành trong tình trạng gây mê cục bộ, Brittany tỉnh táo suốt ca giải phẫu. Đỉnh của công cụ laser nhỏ hơn 1/5 inch bề ngang được gắn với một cái ống. Màn hình cho phép nhà phẫu thuật thấy các mạch máu nhỏ li ti họ cần can thiệp vào. Bác sĩ phải định vị tia laser chính xác vào những mạch máu chung cho hai song sinh để hàn chúng lại. Nếu bắn sai, tia laser có thể làm bị thương thai nhi, xé rách nhau thai và làm cho bọn trẻ chảy máu đến chết. Chỉ đúng mục tiêu là rất khó khăn, vì thai nhi luôn nhúc nhích. Tệ hơn nữa là mỗi lần bác sĩ bắn laser, lại có thêm máu chảy vào tử cung, làm công việc định vị càng khó khăn hơn. Sau 2 tiếng rưỡi đồng hồ, Johnson ngừng phẫu thuật trong bất lực. Brittany được đưa vào phòng hồi sức, nơi đội ngũ bác sĩ y tá sẽ theo dõi cô suốt 24 giờ. Lúc cô tỉnh dậy, Johnson bảo với cô ca phẫu thuật gặp một số phức tạp ngoài dự kiến, khiến nhịp tim của một song sinh bị giảm đột ngột. Ông cũng không biết chắc ca phẫu thuật có thành công không. 36 giờ sau phẫu thuật, Johnson phát hiện ra phẫu thuật laser không hàn đủ các mạch máu chia sẻ giữa hai song sinh và ông không tin rằng mình có thể tái lập ca phẫu thuật trong điều kiện tử cung bị tràn máu.
May rủi của số phận
Sau đó, Johnson làm phần khó nhất trong công việc của mình. Ông phải thông báo với gia đình ca phẫu thuật bất thành và Brittany sẽ mất ít nhất là một trong 2 đứa bé. Không có nhịp tim ở phôi thai lớn hơn. Không có hoạt động tim mạch ở bên đó, nó đã chết. Khi Brittany được cho xuất viện, chị phải sống chung với song sinh đã chết trong vài tháng tháng nữa, để chờ đứa còn lại chào đời, vì song thai TTTS luôn chia sẻ một cuống nhau và một túi nước ối (amniotic sac) nếu mổ bỏ một thai nhi có nghĩa là giết luôn đứa còn lại. Briyttany phải chịu đựng để bảo đảm sự ra đời an toàn của song sinh còn lại. Đứa bé tên là Ian ra đời sau khi rời bệnh viện của Johnson 3 tuần, tức sinh non 14 tuần. Lý do, các bác sĩ không còn chọn lựa nào khác vì trái tim cậu quá yếu. Ivan chỉ cao có 12 inch, phải chăm sóc đặc biệt do sợ bị nhiễm trùng. Một tuần sau Brittany mới được ẵm con vào lòng, khi mọi loại dây nhợ hỗ trợ sự sống còn gắn trên người đứa bé. Cuối cùng, ngay cả Ivan cũng không cứu được, vì quá yếu. Vợ chồng Smith được gọi đến bệnh viện vào lúc nửa đêm. Brittany ôm con vào lòng chờ đứa bé trút hơi thở cuối cùng.
Nhưng không phải lúc nào kết thúc cũng tồi tệ cho những ca TTTS. Cách nay vài tháng, Johnson và đội phẫu thuật của ông đã tiến hành ca giải phẫu laser tương tự với Jennifer Terry, người mang thai lần đầu và phát hiện ra những cơn đau khủng khiếp ở vùng bụng. Cô đến gặp Johnson, chẩn đoán bị TTTS và cô có 3 chọn lựa: không làm gì cả, phẫu thuật laser để cứu cả 2 song sinh, hay hy sinh một để song sinh kia được sống. Jennifer quyết định chọn phương án thứ 2. Bác sĩ dùng kính hiển vi để xác định các mạch máu hai song sinh cùng chia sẻ, rồi hàn chúng lại bằng laser để sự chia sẻ này không còn, mà chỉ còn những mạch máu nuôi riêng rẽ từng đứa. Ca phẫu thuật có vẻ không hoàn hảo lắm, vì có quá nhiều mạch máu chung giữa hai song sinh, nên không thể hàn hết trong 2 giờ trước khi máu ngập tử cung bệnh nhân. Sau đó, qua siêu âm kiểm tra, Johnson báo với Jennifer rằng, song sinh nhận nhiều máu hơn đã chết. May mắn, thai nhi còn lại ra đời mạnh khỏe và hiện đã 6 tháng tuổi.
PHƯƠNG BỐI
(Theo Medical Mysteries Magazine 10.9)

Nỗ lực vì Cún của tôi

Hôm ấy nghe bác sĩ báo tin có thai, tôi bỗng vỡ òa những giọt lệ hân hoan. Kể từ đó, tôi ý thức hơn và biết mình phải làm gì để bảo vệ bé. Hết sức thận trọng trong từng bước đi, từng thế đứng, kiểu ngồi.

Bắt đầu theo một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, chăm lo vệ sinh, thể xác lẫn tinh thần. Tôi còn cố gắng giữ cho tâm tư luôn bình thản, không nóng giận oán ghét ai, luôn vui tươi và gạt ra ngoài những lo toan của cuộc sống. Tôi đặt kỳ vọng vào đứa con đang hình thành sẽ được khỏe mạnh về thể chất và thông tuệ về tư duy nên tôi nỗ lực.

Ngày trước, khi nghe nói về thai giáo, trong lòng bán tín bán nghi. Nhưng từ khi mầm sống hiện hữu, rồi biết biểu lộ những cử chỉ quẫy đạp, biết yên ắng lắng nghe tiếng nhạc… Tôi đã “ngộ” ra, ngoài dinh dưỡng đủ chất, thai giáo sẽ là phương pháp cơ bản giúp con ươm mầm bản lĩnh mai sau. Thế là mẹ con tôi thường xuyên “nói chuyện” với nhau và cùng thưởng thức những bản nhạc giao hưởng theo lời khuyên của các chuyên gia.


Rồi Cún chào đời trong thanh bình, trong vòng tay đón chào của ba mẹ và người thân. Tiếng khóc “oa… oa” từ miệng một đứa bé sơ sinh khác hẳn mọi tiếng khóc của con người, vì nó luôn mang lại niềm vui và thể hiện một sự sống mới khơi nguồn.

Tôi cảm thấy ngập tràn hạnh phúc trong lúc ngồi quan sát Cún đang ngủ say sưa, một sinh linh bé nhỏ có nét mặt rạng rỡ như thiên thần trong tranh vẽ. Mới ngày nào còn ngọ nguậy trong dạ, mà giờ đây Cún đã như chú mèo con biết rúc vào ngực mẹ tìm dòng sữa nóng. Cún càng lớn, niềm hoan hỉ của tôi cũng theo đó mà nhân lên, bởi vì Cún khỏe mạnh và có trí thông minh, được nhiều người công nhận. Cho tới nay, đã hơn hai mươi tám tháng trôi qua, Cún chỉ bị cảm một lần, vậy thôi. Kỳ dư còn lại, Cún ra sức ăn chơi nghịch ngợm, phá phách khiến có những lúc tôi theo mệt chịu không nổi. Tuy nhiên không vì thế mà phiền lòng, ngược lại tôi chan chứa niềm vui vì đã sinh ra một thằng bé quá kháu khỉnh và “quậy trời gầm”, đúng với bản chất của một nam nhi.

Tôi tập cho Cún những thói quen về cách ngồi ăn, cách uống nước, cách báo cho tôi biết khi buồn tiểu phải làm như thế nào. Cún tiếp thu nhanh chóng và thực hành đúng như ý mẹ. Ôi! Có gì sánh cho bằng khi có đứa con sáng dạ và có cá tính nổi bật. Hôm tôi dẫn Cún đến nhà bác Cả chơi, Cún chạy lon ton vòng tay cúi đầu “ạ” mọi người theo lời tôi bảo, khiến cả nhà phải ngạc nhiên về sự lễ phép của thằng bé. Khi ấy tuy không nói ra, nhưng trong lòng tôi một niềm kiêu hãnh trào dâng, bởi vì tôi đang được sở hữu một báu vật mà trời cao đã hào phóng ban tặng. Đó chính là Cún yêu.

Từ ngày có Cún hiện diện trong đời, tôi thường ngồi ngẫm lại cách sống của mình, để cố gắng sửa đổi những điều chưa tốt đẹp mà trước đây còn sai sót. Thật là sâu sắc khi cha ông ta dạy “Cây xanh thì lá cũng xanh. Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Đúng vậy. Tôi chẳng có của cải nhiều, chỉ mong sao tích lại một ít nhân đức để mai này con mình cũng xanh màu nhân ái. Những lời này sẽ được tôi lưu giữ mãi, để về sau khi trưởng thành Cún đọc và sẽ hiểu tấm lòng người mẹ dành cho con bất tận là thế nào.

Nguyễn Thị Kim Dung-Ấp Vĩnh An, xã Bình Giã, Huyện Châu Đức, tỉnh BR-VT

Tôi đã cho bé tập ăn cơm từ 9 tháng

Mới có hai răng, bé đã ăn cơm mềm hơi ướt và có đĩa rau riêng (chia sẵn từng phần nhỏ) để tha hồ bốc từng miếng cho vào miệng. Trong khi đó mẹ ngồi cạnh vừa đút thêm cơm, thức ăn, vừa lâu lâu đưa cho cục cơm, miếng cá, miếng tôm (nhỏ, mềm) để bé tự bốc lấy.

Chào chị Tú Uyên,

Chắc chị đang nóng ruột lắm khi thấy bé ăn ít. Tôi xin chân thành chia sẻ tâm trạng đó cùng chị. Ngoài ra, tôi cũng xin chia sẻ vài suy nghĩ về chuyện ăn uống của trẻ:

Tôi cho rằng trẻ con dù bé cũng cần được thấy "ăn là niềm vui" thông qua cách bé được cho ăn hằng ngày. Khi bé nhà tôi được năm tháng, tôi cho ăn dặm và cố gắng lưu ý những điều sau:

- Tập trung ăn: Khi ăn, tôi tắt TV, cất đồ chơi, không ẵm đi đâu cả mà chỉ cho bé ngồi trên ghế ăn và mẹ ngồi bên cạnh cùng bé. Thay vì chỉ trỏ này nọ cho bé ngó để "thừa cơ đút vào" thì tôi cho bé thấy món ăn và nhìn thấy muỗng đi vào miệng bé, nói "cơm nè con".

- Tinh thần vui vẻ thoải mái khi ăn: Tôi tránh chuyện hăm dọa hay la mắng để bé phải ăn, chỉ tiếp tục khi bé còn ăn một cách tự nguyện, nếu bé khóc hay quay mặt đi, phun thức ăn,... thì ngưng. Tôi nghĩ nó không chỉ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn vì được ngưng khi không còn muốn mà còn cho bé thấy mẹ hiểu ý bé rồi, bé được tôn trọng, giúp bé dần dần hình thành lòng tự tin khi dám thể hiện bản thân.

Dù bé ăn hết hay chỉ chưa đầy một lượng thức ăn tôi đem ra, khi kết thúc tôi đều vỗ tay nói "xong rồi, con ăn xong rồi, giỏi quá!", thế là bé cười toe toét. Tôi cho rằng khuyến khích trong và sau khi ăn cũng là một cách cho bé thấy mình được công nhận và càng thêm hứng thú cũng như có ấn tượng tốt về chuyện ăn.

- Cho bé được ăn, nhai loại thức ăn phù hợp với lứa tuổi và được chủ động: Tăng dần độ thô và độ đa dạng của thức ăn theo thời gian và tập cho bé nhai từ sớm. Ngoài ra, bé còn nhỏ luôn muốn được khám phá, chủ động trong mọi chuyện, mẹ đút thì không chịu chứ cho tự ăn là rất khoái.

Bé nhà tôi năm tháng bắt đầu với cháo, bột, bún (lúa mạch), bánh mì sanwich trộn sữa, rau củ, cá thân trắng... Tất cả đều nhuyễn, chỉ có bánh bột gạo loại mềm thì để nguyên miếng to cho bé tự cầm, tự đưa lên miệng ngậm hay măm măm bằng lợi, bánh sẽ tự tan trong miệng.


Vì chủ động nên bé thích và ăn được nhiều, càng ngày càng nhai bánh ào ào dù chưa có răng. Cho bé miếng táo to (để khỏi lỡ nuốt), bé tự cầm mút chụt chụt. Bé có lẽ cũng cảm thấy chủ động khi tôi cho cầm thêm cái muỗng khi ăn, lâu lâu mẹ cầm tay bé giúp bé xúc thức ăn và đưa vào miệng (đây còn gọi là "hoạt động cùng nhau", trước khi bé biết tự làm, bé cần được làm cùng mẹ). Sau đó cho bé cái bát và muỗng vừa ăn xong (còn thức ăn cũng được), bé tha hồ vọc.

Bảy tháng thức ăn đã thô hơn chút, cháo đã đặc hơn chút. Bé ăn thêm nhiều loại thức ăn khác, có cả nui, mì... Trái cây như táo, dưa hấu, kiwi... thì sắt thành lát mỏng cho bé tự cầm cắn ăn (mẹ canh để bé đừng cắn to quá).

Tám tháng bé ăn cháo đặc cỡ như cơm nhão, rau củ sắt cỡ hạt lựu. Chuối hay bánh mì sanwich thì bé tự cầm cắn ăn dù đến cuối tháng thứ tám bé mới bắt đầu mọc răng.

Đến nay cuối tháng thứ chín, vẫn hai răng, bé ăn cơm mềm hơi ướt, cho bé đĩa rau riêng (chia sẵn từng phần nhỏ) và bé tha hồ bốc từng miếng cho vào miệng. Trong khi đó mẹ ngồi bên cạnh vừa đút thêm cơm, thức ăn, vừa lâu lâu đưa cho cục cơm, miếng cá, miếng tôm (nhỏ, mềm) để bé tự bốc lấy cho vào miệng.

Tôi vẫn đang tập dần và hy vọng vài tháng nữa thôi bé sẽ tự xúc ăn được bằng muỗng.

- Ăn thứ bé thích: Tôi tập cho bé lần lượt "trải nghiệm" qua nhiều món khác nhau để bé làm quen và không ngán. Trong bữa, nếu ăn chưa được bao nhiêu đã chán, tôi đổi món khác. Cũng có đôi lúc mọi thứ bé đều không ăn, thế là tôi lấy món khoái khẩu của bé ra: sữa chua, cứ một muỗng sữa chua một muỗng cơm, một muỗng thức ăn, là bé lại ăn, rồi thì lại xé nhỏ cá hay vò viên cơm đưa cho bốc, thế là khoái, lại tự đưa vô miệng ăn. Đôi khi thay sữa chua bằng ki-wi hay chuối, dưa hấu, vì mấy thứ đó bé đều thích.

Nói chung tập ăn thì bé nào cũng vụng về, chơi với thức ăn và làm rơi vãi. Có lẽ đó là cách mà bé khám phá, tập tành, là bước tất yếu để bé dần dần hoàn thiện kỹ năng tự xúc ăn. Tôi nghĩ dù mỗi bé khác nhau ra sao, nhưng những điểm quan trọng kể trên vẫn có thể lấy làm tiêu chí chung để chúng ta tự định hướng cho mình khi muốn tạo cho bé thói quen ăn uống tốt.

Con chị Tú Uyên nay đã hai tuổi, chín cái răng, tôi nghĩ bé hoàn toàn có thể ăn cơm và mọi thứ thô hơn. Chúc bé ăn vui ăn khỏe!

Ngọc Trinh

Chữa táo bón không khó

Cũng giống như mẹ bé Kem, khi sinh con đầu lòng, tôi cũng rối bời vì bé bị táo bón, 3 ngày mới đi một lần, nhiều khi phải thụt. Theo thời gian, học hỏi từ nhiều người, tôi đã giúp bé lớn tránh được táo bón và phòng ngừa cho bé thứ hai.

Quan sát con cùng thói quen ăn uống của bé tôi phát hiện ra bé táo bón là do bị nóng trong. Nguyên nhân nóng trong thì có nhiều. Nếu bé chưa ăn dặm mà bị táo bón thì do sữa mẹ. Khi bé đã biết ăn thì nguyên nhân có thể là do thiếu nước, ăn ít rau củ quả tươi hoặc do loại sữa bột đang uống.

Xác định được nguyên nhân, tôi đã khắc phục bằng những cách sau:

- Hàng ngày, tôi cho bé uống thật nhiều nước. Đây phải được xem là nguyên tắc. Nhiều người nghĩ đã uống sữa, ăn canh thì cần gì nước! Thật ra không phải vậy! Bằng chứng là con tôi vẫn uống nước ừng ực sau bữa ăn và những hôm trời nóng. Khi bé chưa ăn dặm tôi còn cho bé uống nước bắp cải luộc, rất mát mà lại không làm bé nôn ói vì vị lạ.

- Tất cả các loại rau củ quả được cho là giúp bé dễ “đi” tôi đều cập nhật và đưa vào thực đơn hàng ngày. Có thể kể đến là khoai lang, bí xanh, rau đay, mồng tơi, khoai tây… Hoa quả thì có chuối, đu đủ, thanh long... Khi bé ăn cháo tôi nấu các loại rau củ với cháo. Trái cây thì phải ăn hàng ngày. Đến khi bé ăn cơm thì tôi nấu canh rau củ. Món canh là món tôi chú trọng hơn cả vì nếu chỉ ăn cơm và đồ mặn thì bé vừa thiếu chất vừa bị táo bón.


- Vào các buổi chiều, khi bé thức dậy, tôi cho bé ăn khoai lang, đu đủ chín, thanh long. Các loại này không phải bé nào cũng thích ăn. Bạn phải kiên nhẫn tập cho con, nhiều lúc bạn phải ăn làm mẫu.

- Có một thứ thức uống các cụ luôn truyền nhau là “mát lắm” đó là bột sắn. Pha cho bé uống không tốt. Tôi nấu chín với đường, để nguội cho bé ăn. Vài thìa cũng quý và có tác dụng. Không những trị táo bón, bột sắn còn giúp bé chống lở miệng.

- Khi cho bé ăn bất cứ thứ gì tôi cũng cân nhắc xem món đó có làm bé bị táo bón không. Chẳng hạn ăn xôi và ăn phở thì phở rõ ràng dễ tiêu và ít bị nóng. Cứ như thế, tôi luôn chọn cho bé các món thích hợp. Những món con tôi ăn không bị nóng là bánh flan, rau câu, hột vịt lộn, lươn, tàu hũ, các loại cá…

- Cuối cùng, bạn phải chú ý đến sữa bột bé uống. Chính vì vậy, khi bạn làm hết mọi điều trên mà bé vẫn khó đi thì phải nghĩ ngay đến việc đổi sữa.

Chúc các mẹ có con hay bị táo bón sớm yên tâm về sức khỏe của bé.

Huy Khôi

Yêu con, mẹ thành bác sĩ

Mẹ nhớ mãi cái ngày con vào bệnh viện. Sáng hôm ấy con không khỏe: sổ mũi, có vài tiếng ho và bỏ uống sữa. Nhưng vì chủ quan (hoặc vì mới lần đầu làm mẹ nên thiếu kinh nghiệm?) mẹ vẫn đi dạy bình thường.

Khi trở về,con nằm trên tay ông ngoại, thở mạnh, khò khè, và khóc nhiều. Mẹ liền đưa con tới bênh viện tỉnh.

Bác sĩ cho con thở khí dung, con khóc đến tím cả người. Con 9 tháng tuổi, bụ bẫm, kháu khỉnh, từ bé đã rất ngoan và không đau bệnh gì cả. Mẹ tin rằng con là đứa trẻ khỏe mạnh.

Khi cô y tá lấy máu ở ven tay con đi xét nghiệm, không ai cầm được nước mắt. Con nhìn mẹ rồi lại nhìn cô y tá, mẹ thấy trong đôi mắt con nỗi khiếp sợ kinh hoàng. Lúc đó con đau lắm, mẹ biết!

Bác sĩ chẩn đoán con bị hen suyễn.

Đến 5h chiều, con vẫn thở khò khè, bụng thóp vào, nghe phổi có tiếng rít mạnh. Con vẫn không bú được. Mẹ và bố dỗ dành con uống từng muỗng sữa.

7h tối, mẹ xin chuyển con xuống Bệnh viện Nhi đồng. 10h đêm thủ tục nhập viện mới hoàn tất. Con mệt quá ngủ thiếp đi, trông thương vô cùng! Mẹ không ngủ được, trằn trọc nghĩ về bệnh hen suyễn. Đến lúc ấy mẹ vẫn còn mơ hồ.


Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng sau khi chụp phim cho kết quả con bị viêm phổi. Điều trị kháng sinh một tuần, con khỏe.

Được 2 tháng sau, bệnh con tái phát. Sau đó, liên tục một tháng một lần con đi bệnh viên. Bác sĩ lại chẩn đoán con bị hen phế quản.

Trong lòng mẹ, chỉ một niềm tin tuyệt đối: con không thể bị hen.bởi vì con có các dấu hiệu viêm nhiễm: sổ mũi, có đàm nhớt rồi mới khó thở. Mẹ lên mạng đọc thông tin hàng đêm. Gặp ai mẹ cũng hỏi về bệnh này. Nhưng nhất quyết không chữa theo cách dân gian, mê tín.

Cuối cùng, mẹ hiểu rằng miếng đệm trong phế quản của con bị sưng lên, tiết dịch nhờn, hạn chế lượng không khí, gây ra khó thở, mỗi lần thở có tiếng rít khò khè trong phổi.

Cần phải điều trị kháng sinh (loại thuốc mẹ rất kỵ vì biết nó không tốt), kết hợp các biện pháp long đờm. Sau khi ăn sáng cho con uống nước cam để tăng sức đề kháng. Tăng cường bổ sung canxi và axít béo Omega 3, theo cảm tính của mẹ 2 chất này có ảnh hưởng đến đường hô hấp. Lau sạch nhà cửa và những khu vực vui chơi của con, tránh bụi bặm. Giữ ấm cho con bằng cách dỗ con ngủ dậy muộn, chờ cho mặt trời lên, đi tất khi về chiều, không tắm ở những nơi có gió lùa… Ngay cả khi con đã hết bệnh, mẹ vẫn tiếp tuc điều trị thêm 2 tuần cho dứt điểm.

Giờ đây, mẹ đã làm chủ đươc nỗi lo lắng mỗi khi con có dấu hiệu khò khè. Không phải đi bệnh viện, không sợ thời tiết thay đổi. Con mẹ đang lớn từng ngày trong niềm vui của cả nhà. Nhìn con bi bô nói chuyện, đếm số, chỉ tên các con vật thật đáng tự hào. Bố con thường đùa "yêu con nên mẹ thành bác sĩ”.

VNE

Cầu hôn bạn gái bằng 9.999 bông hồng

Một người đàn ông Trung Quốc đã cầu hôn bạn gái với 9.999 bông hồng trang trí từ bên ngoài vào tận phòng khách sạn ở Tế Nam, Sơn Đông.

Cầu hôn bạn gái bằng 9.999 bông hồng

Hoa hồng được xếp thành hình trái tim trên thảm cỏ trước lối vào khách sạn ở Tế Nam, Sơn Đông - nơi Tian cầu hôn bạn gái tên Liu hôm 24/6.

Cầu hôn bạn gái bằng 9.999 bông hồng

Nhân viên khách sạn và bạn bè của Tian ôm hoa đứng đợi bên ngoài một căn phòng trong lúc anh cầu hôn bạn gái.

Cầu hôn bạn gái bằng 9.999 bông hồng

Tian quỳ xuống cầu hôn trong căn phòng đầy hoa hồng.

Cầu hôn bạn gái bằng 9.999 bông hồng

Cả hai mỉm cười hạnh phúc khi Liu đồng ý lời cầu hôn của Tian.

Cầu hôn bạn gái bằng 9.999 bông hồng

Tian nhờ bạn bè đứng ôm hoa hồng ở từng tầng lầu trong khách sạn để chào đón người yêu của anh.

Zing

'Nữ sinh mặc váy ngắn khiêu khích lắm'

Một nam sinh trung học ở Hà Nội thú nhận, không tài nào nghe nổi thầy giảng bài khi mà bạn nữ ngồi bên cạnh mặc váy trên đầu gối khá cao.

Nữ sinh mặc váy ngắn,

Ảnh VnExpress

Dự thảo quy định váy đồng phục phải dài trùm gối của Bộ GD-ĐT vừa được công bố, lập tức nhiều giáo viên và học sinh, sinh viên lên tiếng ủng hộ. Thế nhưng, cũng không ít bạn lắc đầu “không chịu”.

Váy ngắn - “khiêu khích” và bất tiện

Vừa đề cập đến quy định cấm đồng phục váy ngắn trên gối, Hoàng Thị Thu, sinh viên ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) hồ hởi trả lời ngay: “Cấm mặc váy ngắn là quá đúng. Mặc váy ngắn rất đẹp nhưng cũng dễ sinh chuyện, nhất là lớp có nhiều bạn nam. Lớp học không phải là sàn trình diễn, nên yếu tố tiện lợi, lịch sự phải đặt lên hàng đầu”.

Bí thư Liên chi khoa tiếng Nga - ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia), Nguyễn Hồng Hạnh cũng cho rằng các bạn nữ mặc váy ngắn sẽ rất “khiêu khích” các bạn trai và như thế sẽ ảnh hưởng đến việc học ở lớp của các bạn. “Khi các bạn trai chỉ “chăm chăm” vào các bạn nữ thì làm sao tiếp thu được bài học, ngoài ra từ sự kích thích đó sẽ khó lường những việc không hay có thể xảy ra. Đẹp chưa thấy đâu, chỉ thấy bất tiện toàn tập”.

Hạnh cho biết, có một lớp trong khoa may đồng phục váy nhưng sau đó đã không thể sử dụng như đồng phục hàng ngày vì... siêu ngắn, mặc đến giảng đường trở thành lố bịch. Cuối cùng, bộ đồng phục ấy các bạn chỉ dùng để mặc vào càng ngày lễ hội hay dùng để chụp ảnh.

Thầy cô giáo và phụ huynh chính là những người đồng tình nhiều nhất với quy định này của Bộ. Cô Thu, giảng viên trường ĐH FPT cho rằng việc cấm nữ sinh mặc váy ngắn rất đúng đắn vì các em ở tuổi lớn, tò mò và rất thích tìm hiểu về giới tính nên váy ngắn rất bất tiện. Cô Thu nói: “Hơn nữa, các bạn nữ bây giờ cũng rất nghịch ngợm, hiếu động nên chỉ cần “sẩy” chút là lắm chuyện ngay”.

Cô Xuân, một phụ huynh có con học trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) chia sẻ rằng, không có gì phản cảm hơn khi các nữ sinh mặc váy mà lại rượt đuổi, đùa nghịch, thậm chí trèo bàn trèo ghế hay đến việc lên xuống xe đạp của các em cũng đã nhiều khó khăn. “Tôi nghĩ các em học sinh mặc quần âu, áo sơ mi đi học vẫn là đẹp và tiện lợi và an toàn nhất nhất”.

Con trai khó học nhưng... vẫn thích

Có thể nói, người bị ảnh hưởng trực tiếp từ những “bất tiện” khi nữ sinh mặc váy ngắn chính là các bạn trai cùng lớp. Nhiều bạn nam công nhận các bạn nữ mặc váy ngắn làm họ không tiếp thu được bài giảng, đôi khi mất tự nhiên nhưng... lại không phản đối vì “con gái mặc váy ngắn rất đẹp, nhìn thích”.

Th, một nam sinh lớp 11, trường Lý Thái Tổ (Hà Nội) thú nhận không tài nào nghe thầy giảng khi bạn nữ mặc váy ngắn ngồi bên cạnh. Cậu học sinh này bộc bạch: “Những lúc đó em rất lúng túng vì chiếc váy trên đầu gối khá cao. Không cố ý nhưng quay đi quay lại em vẫn không tài nào rời mắt khỏi bạn bạn nữ đó”.

Muốn tiếp thu bài giảng, Th chỉ còn cách tìm chỗ gần các bạn nam. Nhưng khi được hỏi có phản đối các bạn nữ mặc váy ngắn không Th lại cười: “Có lẽ con trai chúng em không ai phản đối đâu, biết là bất tiện tí nhưng vẫn thích”.

Quang, ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ, không ít phen nhiều bạn trong lớp “đỏ mặt” vì các bạn nữ mặc váy ngắn. “Ngồi, đi, đứng các bạn ấy đều có thể vô tình “lộ hàng”, mặc váy ngắn nên lúc nào các bạn ấy cũng được các bạn nam “săm soi”, nói chung là cả hai bên đều mất tự nhiên”. Vậy nhưng, Quang vẫn chỉ ở mức: “Cấm hay không cấm cũng được”.

“Mặc váy dài thà mặc quần”

Nhiều người đồng tình nhưng rất đông các bạn nữ, nhất là các bạn 9X kịch liệt “phản pháo” quy định cấm mặc váy ngắn. Họ cho rằng mặc váy dài quá gối sẽ trông rất “ngố”, già và rất mất thẩm mỹ

Trang, ĐH KHXH&NV Hà Nội lên tiếng: “Chúng em chỉ có đồng phục lớp nhưng nếu mặc váy dài ngang gối thì kỳ cục lắm. Trông các bạn nữ sẽ già, lùn và luộm thuộm lắm. Em nghĩ mặc thế nào đẹp và thoải mái là được, không nên cứng nhắc như thế”.

Nghe quy định cấm váy ngắn của bộ, Linh, học sinh trường Lý Thái Tổ cũng lên tiếng phản đối: “Chúng em trẻ trung thế này khoác lên chiếc váy trùm gối thì nhìn thế nào được. Vô lý quá đi, dù sao cũng phải đảm bảo tính thấm mỹ đã. Mà sao cứ nói váy ngắn là bất tiện”. Linh cho hay, đồng phục váy ngắn lâu nay Linh và các bạn mặc ở trường “chẳng có gì phải phàn nàn”.

Rất đồng tình với quy định mới của Bộ nhưng nhiều người e ngại quy định sẽ rất khó thực hiện vì nhiều em nữ sẽ “chỉnh sửa váy dài” như một nữ sinh khẳng định: “Mặc váy dài thà chúng em mặc quần, còn không chúng em cũng sẽ “cách tân” váy dài dần thành váy ngắn”.

Theo Dân Trí