Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Lưu ý khi dùng thuốc chống ngạt mũi cho trẻ

Ngạt mũi là tình trạng do đường mũi bị tắc. Sử dụng thuốc chống ngạt mũi sẽ có tác dụng làm co mạch, giảm phù nề, trả lại sự thông thoáng cho mũi. Tuy nhiên, sử dụng những loại thuốc này chỉ có tác dụng chữa triệu chứng. Còn để điều trị bệnh cần phải điều trị chính nguyên nhân gây bệnh.
Đối với trẻ em, khi dùng thuốc chống ngạt mũi cần chọn loại thuốc dùng cho trẻ em và dễ sử dụng, vì vậy cần lưu ý:

Những thuốc không được dùng cho trẻ em

- Các loại có chứa menthol hay tinh dầu bạc hà: menthol hay tinh dầu bạc hà (có chứa 60- 70% menthol) khi xoa vào da hay ngửi, xịt thấy nóng, sau đó lại lạnh, dễ chịu. Loại này được dùng để chế cao xoa hay thuốc ngửi, xịt cho người lớn. Không nên cho trẻ em xoa vào mũi hay ngửi, xịt, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi vì menthol hay tinh dầu bạc hà gây ức chế tuần hoàn hô hấp dẫn đến ngừng tim, ngừng thở.

Có những sản phẩm hướng dẫn không dùng cho trẻ dưới 5 tuổi vì hàm lượng menthol và tinh dầu bạc hà cao, ngoài ra còn có nhiều loại tinh dầu khác có thể gây kích ứng, đặc biệt có thêm methyl salicylat rất dễ gây bỏng rát niêm mạc mũi (như các loại cao xoa).
Ảnh minh họa.
- Naphazolin: Tác dụng tại chỗ thuốc gây co mạch mạnh, kéo dài, làm cho máu không đến được niêm mạc mũi, gây hoại tử. Sau đó, thuốc có thể hấp thu vào bên trong, gây nhức đầu, chóng mặt, tăng huyết áp, hồi hộp, tim nhanh, kích động lo âu, đặc biệt là gây co mạch ở não, tim, da, đầu chi, làm ngộ độc nặng, gây tử vong. Không được dùng thuốc này cho trẻ dưới 15 tuổi.

- Xylomethazolin: Có tác dụng như naphazolin nhưng yếu hơn. Có dung dịch nhỏ mũi 0,1% dùng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi (nazolin, efinasex) và có dung dịch nhỏ mũi 0,05% (otrivin) có thể dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

- Phenylephrin (humoxal, polydexanal): Là thuốc gây cường giao cảm gây co mạch mạnh, giảm sung huyết, nên dùng cho người lớn, chống nghẹt mũi. Các tờ hướng dẫn dùng thuốc và các tài liệu đều ghi không được dùng cho trẻ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên các thầy thuốc lâm sàng đều cho rằng không nên dùng cho trẻ em dù tuổi lớn hơn. Không nên dùng quá 3 ngày.

Ngay với người lớn, các thuốc naphazolin, xylomethazolin, phenylephrin đều là thuốc cường giao cảm (lại kéo dài) nên chống chỉ định trong các trường hợp tăng huyết áp, mạch nhanh, xơ cứng mạch, glaucoma góc đóng và không nên dùng kéo dài.

Những thuốc có thể dùng cho trẻ em

- Natriclorid (efticol): là dung dịch nhỏ mũi chứa 0,9% natriclorid. Cơ chế tác dụng rất đơn giản là nước muối gây co niêm mạc mũi, co mạch, làm thông thoáng mũi. Vì là dung dịch có nồng độ natriclorid bằng với nồng độ sinh lý (0,9%) nên không gây rát niêm mạc. Có thể dùng cho trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh. Mỗi ngày có thể dùng 3- 4 lần, mỗi lần 2-3 giọt cho mỗi bên mũi .

- Ephedrin: Trên thị trường có loại thuốc nhỏ mũi 3% dùng cho người lớn và loại nhỏ mũi 1% dùng cho trẻ em. Khi dùng cần phân biệt để tránh nhầm lẫn. Tuy nhiên khi dùng cho trẻ em loại ephedrin 1% cũng chỉ dùng khi thật cần thiết. Không dùng quá 8 ngày. Nếu dùng kéo dài thuốc gây độc toàn thân (làm nhức đầu, buồn nôn, mất ngủ).

Lưu ý, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ em cũng đều phải theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Vì bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có tác dụng phụ khi sử dụng, nhất là khi sử dụng dài ngày hoặc dùng không đúng liều lượng.

Theo Dược sĩ Ngô Mạnh
Sức khỏe và Đời sống

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

Xe tập đi: Hại nhiều hơn lợi

Thiết kế của xe tập đi không tạo thuận lợi cho kiểu đi bình thường; Ở Canada, chính phủ cấm bán và nhập loại xe tập đi có bánh xe Bé biết đi, đây là một cột mốc mong đợi khi nuôi con của các bậc cha mẹ.

Ai cũng sẵn sàng với một giá nào đó để bảo đảm đứa con yêu của mình đến ngày đến tháng sẽ biết đi, nếu sớm hơn càng tốt. Xe tập đi là một kiểu đáp ứng cho nhu cầu này của các bậc cha mẹ. Xe tập đi thuyết phục các bậc cha mẹ rằng đây là cách giúp bé sớm biết đi, ngoài ra xe tập đi còn là người bạn giúp em bé chơi, để mẹ rảnh làm tay làm việc nhà.

Trẻ đi xe tập đi sớm dễ có nguy cơ chân không phát triển bình thường - Ảnh: K.LAN

Trẻ chậm biết đi do ngồi xe sớm

Người ta đã làm một công trình nghiên cứu đối chứng với 109 trẻ nhỏ tuổi từ 6 tháng đến 15 tháng. Kết quả là, trẻ sử dụng xe tập đi, mốc biết đi không sớm hơn, thậm chí còn trễ hơn trẻ không sử dụng xe tập đi. Chức năng đứng, đi của trẻ bình thường phát triển theo trình tự hợp lý, tự nhiên.

Cần biết rằng sự phát triển của trẻ theo một trình tự tự nhiên là mẫu phát triển bình thường, chẳng hạn khi trẻ lật sấp là lúc chuẩn bị cho khả năng ngồi, khi đã ngồi vững thì trẻ sẽ học bò, khi trẻ hoạt động nhịp nhàng đôi chân bò đi, đó là bài tập rèn luyện hai chân để bé sẵn sàng cho giai đoạn tập đi.

Như vậy, trẻ sẽ đi khi trẻ đã sẵn sàng để đi, có nghĩa là trẻ đã có đôi chân đủ mạnh, đôi bàn chân vững chắc, có khả năng kiểm soát thăng bằng. Để có được những khả năng này, hãy cho trẻ trải nghiệm các hoạt động bò, đứng, đi theo cách cổ điển, chắc chắn rằng trẻ sẽ biết đi đúng thời gian của trẻ.

Trong khi đó, thiết kế của xe tập đi không tạo thuận lợi cho kiểu đi bình thường. Trong xe tập đi, trẻ có khuynh hướng ngồi trên miếng lót đỡ khung chậu và dùng các đầu ngón chân để đẩy xe đi. Như vậy, trẻ không có cơ hội để hai bàn chân đứng chịu sức, cơ hội cho hai đầu gối co duỗi kiểu bước đi cũng không xảy ra. Không ít trường hợp trẻ chậm phát triển, khi sử dụng xe tập đi, trẻ vẫn không cải thiện được chức năng đi. Ví dụ mới đây, một bé 18 tháng đến Khoa Phục hồi chức năng với lý do chưa biết đi mặc dù mẹ bé đã cho bé vào xe tập đi rất sớm lúc 7 tháng tuổi.

Nguy cơ chấn thương

Nguy cơ chấn thương từ xe tập đi là vấn đề quan tâm ở nhiều nước trên thế giới. Ở Mỹ, năm 1997, có hơn 14.000 em bé bị chấn thương phải cấp cứu và có không ít trường hợp tử vong liên quan đến xe tập đi. Sau khi Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ có khuyến cáo việc sản xuất và bán các xe tập đi có bánh xe, các nhà sản xuất đã cho ra nhiều mẫu mã khác, tỉ lệ chấn thương có giảm nhưng các nhà chuyên môn Mỹ xác định rằng điều này không có nghĩa là xe tập đi kiểu mới có khả năng ngăn ngừa được tai nạn xảy ra. Ở Canada, chính phủ cấm bán và nhập loại xe tập đi có bánh xe.

Các bậc cha mẹ có con nhỏ không nên ỷ lại vào xe tập đi. Thay vào đó, chỉ cho trẻ vào xe tập đi thời gian ngắn, nên tạo cơ hội cho trẻ có những hoạt động bò, vịn đứng lên... Luôn để mắt đến trẻ, đừng bỏ trẻ một mình vì trẻ dễ gặp tai nạn với xe tập đi. Nên làm cửa chặn ở các đầu cầu thang, bậc tam cấp vì bánh xe tập đi trơn dễ đẩy trẻ đi xa khó kiểm soát làm trẻ dễ bị té và chấn thương.

Ngoài ra, tuyệt đối không cho trẻ lại gần bếp, vật dụng nóng khi trẻ ngồi trên xe tập đi. Không để trẻ ở gần nhà vệ sinh, hồ nước, thùng nước hoặc bất kỳ nguồn nước. Thận trọng với những vật dụng sắc nhọn, dây điện.

Trẻ dễ bị chân vòng kiềng

Ngoài việc làm trẻ chậm biết đi hay dễ gặp tai nạn do xe tập đi, các bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình nhi còn khẳng định xe tập đi làm chân trẻ bị cong hình vòng kiềng. Lý do là hầu hết trẻ được cho ngồi xe tập đi sớm, khi trẻ còn rất nhỏ và xương bàn chân cũng như xương cẳng chân chưa đủ cứng để trẻ có thể tự đứng được. Tuy nhiên, do xu hướng tự nhiên, khi trẻ được bỏ vào xe tập đi, trẻ thường dùng những đầu ngón chân để đẩy những bánh xe chạy đi.

Do xương chân còn yếu và trẻ phải cố gắng nhón ngón chân để chịu lực đẩy bánh xe nên chân trẻ không phát triển thẳng bình thường, xương cẳng chân dễ bị biến dạng cong vòng kiềng. Ngoài ra, trẻ ngồi xe tập đi quá sớm khi đôi chân chưa trụ vững để chịu trọng lượng của cơ thể cũng làm chân trẻ bị cong.

Bác sĩ HÀ KIM YẾN (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM) - Báo Người lao động