Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

Một số bệnh thường gặp ở trẻ mà bạn nên lưu ý

Những dát đỏ, đốm hồng hoặc hạt nhỏ li ti trên da có thể làm cho bé khó chịu đến mất ăn, mất ngủ.

Da trẻ rất mỏng manh, chưa đủ sức bảo vệ cơ thể. Không chỉ vậy, làn da của trẻ còn là miếng mồi ngon cho một số căn bệnh ngoài da. Dưới đây là một số căn bệnh thường gặp ở trẻ mà bạn nên lưu ý.

1. Rôm sẩy. Thường xuất hiện ở các phần lưng, ngực, bắp tay của trẻ. Những hạt nhỏ li ti, mầu hồng này sẽ khiến cho trẻ ngứa ngáy, khó chịu.

- Cách chữa trị và phòng tránh:

Nếu bé bị rôm sẩy bạn nên hỏi bác sỹ trước khi dùng thuốc hoặc xà phòng để tắm cho bé
Lớp sừng ở da trẻ con khá non, khả năng hấp thụ các chất từ bên ngoài rất cao. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc hoặc xà phòng để tắm cho bé. Cần hạn chế các loại thuốc có chứa axit boric vì chất này có khả năng gây ngộ độc cho trẻ.

Bạn có thể mua rau kinh giới, mướp đắng về rửa sạch, cho vào máy xay, lọc bỏ bã rồi pha với nước để tắm cho bé.

Ngoài ra, bạn cần bổ sung cho trẻ các loại hoa quả giàu vitamin C như: bưởi, quýt…

2. Chàm sữa: Một số trẻ sau ba tháng tuổi, trên má, cằm và trán xuất hiện những đám mụn nhỏ li ti màu đỏ có rịn một ít dịch.

Những mụn này sẽ tự vỡ sau một thời gian ngắn. Chất dịch bị khô lại và đóng vảy vàng khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu.

- Cách chữa trị và phòng tránh:

Chàm sữa là một căn bệnh lành tính, không gây nguy hại gì đến sức khỏe của trẻ ngoài sự ngứa ngáy, khó chịu.

Khi trẻ bị bệnh, bạn không nên dùng các thuốc có chứa chất corticoid để bôi cho con. Chất này sẽ làm tổn thương vùng da bị bệnh.

Tốt nhất, bạn nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được hướng dẫn chi tiết.

3. Ghẻ chốc: Trẻ ở vùng nông thôn hoặc sống trong các điều kiện vệ sinh không đảm bảo rất dễ bị mắc căn bệnh này.

Khi trẻ bị bệnh bạn không nên tự ý dùng các loại thuốc, hãy đến bác sỹ chuyên khoa để được hướng dẫn và tư vấn chính xác
Bạn có thể dễ dàng nhận ra những nốt ghẻ. Chúng là những mụn nước ở kẽ tay, chân, vùng bụng, thậm chí là ở cả vùng kín của trẻ.

Ghẻ có nhiều loại: Ghẻ ngứa và ghẻ phỏng. Trẻ mắc ghẻ ngứa thường hay quấy khóc vào ban đêm.

Ghẻ phỏng dể lây lan và rất nguy hiểm. Nó do một loại vi khuẩn hình cầu gây ra. Lúc đầu, ghẻ phỏng là một vết đỏ trên da, sau nổi lên thành mụn nước như bị phỏng. Bóng nước bị vỡ, khô lại thành mày màu vàng.

Chất dịch từ bóng nước bị vỡ sẽ lan sang vùng da khác và tạo thành ghẻ mới nếu vùng da đó bị tổn thương.

- Cách chữa trị và phòng tránh:

Đối với ghẻ ngứa, bạn cần giúp con giữ vệ sinh và bôi các loại thuốc chuyên dụng theo đúng hướng dẫn sử dụng. Thuốc thường có dạng kem, dung dịch, thuốc mỡ.

Ghẻ phỏng là bệnh nhiễm trùng nhẹ trên da, khi khỏi bệnh thì không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu bệnh tái phát nhiều lần, trẻ có thể bi biến chứng viêm cầu thận cấp.

Ghẻ phỏng có thể được chữa trị bằng các loại thuốc bôi, thoa vào da. Dù vậy, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chính xác.

Theo Tiepthigiadinh

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2009

Phòng bệnh hăm kẽ bằng cách nào?

Con trai tôi hiện nay được 7 tháng tuổi, cháu nặng 11kg. Gần đây tôi thấy trên ngấn ở cánh tay, đùi, bẹn cháu ửng đỏ, ướt. Cháu lại hay quấy khóc hơn thường ngày. Tôi cho cháu đi khám, bác sĩ cho biết cháu bị hăm kẽ và cho thuốc điều trị. Tôi băn khoăn không biết tôi phải làm thế nào để hăm kẽ không tái phát?

Bùi Phương Thanh (Ninh Thuận)

Hăm kẽ (nấm kẽ) là bệnh thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể gặp ở cả người lớn, chủ yếu là người lớn béo bệu. Khi bị hăm kẽ, người bệnh có biểu hiện da viêm đỏ, nền da có lẩn mẩn mụn nước, có khi trợt chảy dịch, có mủ, rất ngứa và đau rát ở những vị trí nếp kẽ như sau tai, cổ, nách, bẹn, khoeo chân, các nếp ngấn ở cánh tay, đùi. Ở trẻ nhỏ, các tuyến bài tiết dưới da (tuyến mồ hôi) chưa hoàn thiện nên rất dễ mất cân bằng pH axít tự nhiên của da. Bình thường pH trên da có tính axít nhẹ nhưng khi các yếu tố môi trường phá vỡ cân bằng pH axít này, làm pH da tăng cao có thể gây hăm kẽ. Hăm kẽ do pH da tăng cao ở những vùng da mồ hôi ra nhiều, ẩm ướt, ở nếp gấp da. Bệnh có thể tái phát nếu chị không biết cách phòng ngừa cho cháu. Biện pháp chị có thể thực hiện là ức chế sự phát sinh các vi khuẩn gây bệnh trên da như vệ sinh da bé sạch sẽ. Chị có thể sử dụng các loại sữa tắm cho trẻ có độ axít nhẹ phù hợp với pH axít tự nhiên của da; tránh cho trẻ khỏi môi trường quá nóng hoặc quá lạnh; tránh cọ xát và có thể xoa bột tan để giữ nếp kẽ luôn khô, thoáng.

BS. Trịnh Văn Tùng

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

Trị rôm sảy, mụn nhọt ở trẻ nhỏ

Nên tắm bé mỗi ngày để phòng rôm sảy.

Rôm sảy nếu không được vệ sinh đầy đủ có thể phát triển thành mụn nhọt. Ở trẻ bình thường, các nốt mụn nhọt sẽ khỏi trong vòng 8-10 ngày. Nhưng nếu sức đề kháng yếu, nhọt có thể mọc liên tiếp hết nốt này đến nốt khác.

Rôm sảy rất phổ biến ở trẻ em trong mùa hè, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân chính là trong thời tiết nóng nực, mồ hôi trẻ tiết nhiều không thoát ra được hết, ứ đọng trong ống bài tiết. Miệng ống dễ bị bụi, ghét bít kín khiến làn da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng, mọc thành từng đám, có khi dày đặc. Càng ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp của cơ thể... càng có nhiều rôm.

Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy thông thường, đến khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết không gây tác hại gì. Nhưng cũng có nhiều em ít được chú ý giữ da sạch sẽ, gãi nhiều làm da sây sát, bị nhiễm khuẩn thêm thành những mụn mủ và nhọt.

Để trẻ đỡ bị rôm và tránh da bị nhiễm khuẩn trong những ngày hè oi bức, các bậc cha mẹ nên dành cho con những gian phòng rộng rãi, thoáng mát nhất; tránh đưa trẻ đến những nơi hội họp đông người, không khí nóng ngột ngạt, hoặc chen chúc trong những phương tiện giao thông công cộng. Cho các cháu mặc quần áo vải mỏng, rộng, nhạt màu; nên chọn loại sợi tự nhiên, thấm mồ hôi, tránh dùng những loại vải dày, vải nylon bí mồ hôi. Năng tắm rửa cho trẻ để luôn luôn giữ da sạch sẽ, mồ hôi bài tiết được dễ dàng. Hạn chế các thức ăn quá ngọt như chocolate, kẹo, cho uống đủ nước. Không dùng kháng sinh hoặc bất cứ loại thuốc nào nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Mụn nhọt, nhất là các nhọt đầu đinh, là một nhiễm khuẩn cấp tính do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) gây ra. Các cầu khuẩn này thường có sẵn trên da nhưng không gây bệnh. Về mùa hè nóng bức, mồ hôi ra nhiều nhớp nháp trên da, gây nổi rôm sảy, ngứa gãi, làm ảnh hưởng đến lớp sừng. Tụ cầu có điều kiện thuận lợi chui sâu xuống các tổ chức ở dưới, phát triển và gây bệnh. Chúng chui vào các nang lông, gây viêm nang lông và tiết ngoại độc tố làm hoại tử các tế bào chung quanh nang lông, tạo thành ngòi của những nhọt đầu đinh.

Lúc đầu, trên da xuất hiện một nốt đỏ bằng hạt đỗ. Nốt này lớn dần lên, vùng da chung quanh cũng đỏ tấy và rất đau. Đến ngày thứ 3 hoặc thứ 4, nhọt bắt đầu mềm, giữa nhọt xuất hiện một mụn mủ nhỏ. Sau đó nhọt vỡ, ở chỗ mụn mủ chảy ra mủ và cả cái ngòi trắng xanh hơi xốp, để lại một hố lõm sâu. Chỗ lõm này sẽ đầy lên nhanh chóng và nhọt sẽ khỏi trong vòng 8-10 ngày.

Những trẻ em cơ thể suy yếu, không đủ sức chống đỡ với vi khuẩn có thể bị nhọt liên tiếp; nhọt này vừa khỏi nhọt khác lại mọc lên, có khi gây ra các biến chứng nguy hiểm (viêm thận cấp, nhiễm khuẩn huyết...). Nhọt mọc ở những vị trí đặc biệt như môi trên, cánh mũi có thể gây biến chứng nặng như viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, đe dọa tính mạng người bệnh.

Có những trường hợp nhiều nhọt mọc cạnh nhau thành cụm, kết hợp với nhau thành một mảng đỏ lớn rất đau. Trong mảng đỏ này có nhiều nhọt, khi vỡ ra thành nhiều lỗ sâu lỗ chỗ như gương sen hoặc tổ ong, dân gian gọi là nhọt tổ ong (anthrax). Trẻ rất đau, toàn trạng nặng; sốt cao, quấy khóc nhiều, dễ có biến chứng.

Trường hợp chỉ có 1-2 nhọt bắt đầu mọc, ta có thể bôi cồn iốt vào đúng chỗ nhọt, hoặc dùng cao tiêu nhọt dán lên. Nếu nhọt đã mềm, nên đến cơ sở y tế chích tháo mủ. Trường hợp nhọt mọc liên tiếp, hết đợt này đến đợt khác thì nên đến bệnh viện khám tìm nguyên nhân. Đối với những nhọt mọc ở môi trên, cánh mũi lại càng phải thận trọng, tuyệt đối không được nặn; nên đi khám bệnh sớm, điều trị tích cực để phòng biến chứng.

BS Hương Liên, Sức Khỏe & Đời Sống

====================================================================


Bước 1: Tắm cho bé với nước có pha bột ngô, bột yến mạch hay soda.

Bước 2: Trong quá trình tắm, có thể dùng xà bông có tính dịu nhẹ, hay công hiệu hơn là loại xà bông có tác dụng diệt rôm sảy. Sau khi tắm xong, dùng khăn tắm lau khô người bé.

Bước 3: Thoa kem có chứa thành phần hydrocortisone, bởi loại kem này có tác dụng trị rôm sảy. Nên thoa kem lên toàn bộ cơ thể bé.

Bước 4: Sử dụng sản phẩm có chứa axit salicylic để bôi lên nốt rôm, sảy. Loại kem này sẽ có tác dụng làm khô bề mặt da, làm se lỗ chân lông.

Bước 5: Thoa kem lại sau từ 3 đến 4 giờ.

Lưu ý: Nếu đã thử nhiều cách nhưng những nốt rôm sảy vẫn không chịu “đầu hàng”, bạn nên đưa bé đến gặp chuyên gia da liễu.

- Để ngăn chặn sự xuất hiện của rôm sảy, luôn giữ cho cơ thể được mát mẻ. Bạn cần hạn chế để trẻ đi ra nắng, tắm nước mát, uống đủ nước.

- Tránh làm trầy xước các vết rôm sảy, bởi lẽ khi bị trầy xước da, dễ dẫn đến nhiễm trùng da.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý trong việc chăm só và bảo vệ làn da mỏng manh của bé. Để làm được điều này các bậc cha mẹ chỉ cần tuân theo những tiêu chí đơn giản sau đây:

1. Hạn chế ra nắng từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều

Sở dĩ bạn không nên hoặc hạn chế đến mức thấp nhất có thể để bé tiếp xúc với ánh nắng vào thời điểm này, bởi lẽ đây là khoảng thời gian các tia UVA và UVB cực độc từ mặt trời hoạt động mạnh nhất, rất dễ khiến cho da bé bị cháy nắng, bỏng rát hay nguy hiểm hơn là dẫn tới nguy cơ ung thư da.

2. “Ngụy trang” cho bé

Việc ngụy trang cho bé rất quan trọng bởi nó giúp hạn chế những ảnh hưởng xấu từ ánh nắng mặt trời. Bên cạnh việc mặc cho bé áo dày, dài tay, đeo kính râm đạt chuẩn (bởi kính rởm sẽ làm hại mắt hơn là không đeo kính), bạn cũng cần thoa kem chống nắng cho trẻ.

Khi thoa kem chống nắng chú ý thoa tất cả các vùng mà quần áo, mũ nón không thể bảo vệ được.

Ngoài ra, cần đội cho trẻ những chiếc mũ rộng vành, để giúp hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu vào mắt.

3. Vệ sinh da sạch sẽ

Để vệ sinh da sạch sẽ, bạn nên tắm thường xuyên cho trẻ vào những ngày hè, ít nhất 1 lần/ngày. Khi tắm, có thể sử dụng các loại sữa tắm dành cho trẻ em, không dùng những loại sữa tắm có độ kiềm lớn, gây khô da. Có thể vắt thêm 1 quả chanh vào nước tắm của trẻ để tránh rôm sảy.

Giữ cho làn da luôn thoáng mát, bằng cách mặc những loại quần áo làm bằng chất liệu cotton, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt.


======================================================================
Bệnh rôm cần được điều trị kịp thời, nếu bệnh phát nặng việc điều trị sẽ rất phức tạp. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh rôm theo kinh nghiệm dân gian do lương y Huyên Thảo (Hà Nội), xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo:

1. Dùng gừng tươi:

- Gừng tươi (để cả vỏ) rửa sạch, giã nát, dùng bông thấm nước gừng, bôi thấm lên những chỗ da nổi rôm, ngứa ngáy. Thông thường, bôi xong vài tiếng thì rôm lặn; mỗi ngày có thể bôi 2-3 lần.

- Lấy một mẩu gừng, cỡ ngón tay, giã nhỏ, sắc với khoảng 2 lít nước. Đun sôi, để nước nguội thì tắm. Mỗi ngày tắm một lần vào buổi sáng. Kinh nghiệm cho thấy, đối với trẻ nhỏ, rôm sảy mọc dày đặc, tắm liên tục 3-4 ngày, đã thấy kết quả. Tuy nhiên chớ nên sắc quá đặc. Để tránh trẻ bị dị ứng, lần đầu chỉ nên dùng ít gừng, sau đó sẽ tăng dần liều lượng.

2. Dùng lá dâu tằm:

Hái lá dâu tằm, khoảng 200g, cho vào túi vải, nấu với khoảng 5 lít nước, đun sôi, chờ đến nước ấm thì tắm. Tắm xong lau khô, rồi bôi (hoặc rắc) bột đậu xanh vào những chỗ rôm mọc (đậu xanh cả vỏ, tán thành bột mịn, cho vào lọ nút kín dùng dần). Thông thường, tắm liên tục 3-5 ngày là rôm hết mọc.

3. Dùng lá bọ mẩy:

- Uống trong: Dùng lá bọ mẩy tươi 50g (trẻ nhỏ giảm bớt liều), sắc 2 lần, chia 2 lần uống sáng và chiều tối; liên tục 3-5 ngày.

- Bôi ngoài: Dùng lá bọ mẩy tươi 70-100g, bạc hà 15g. Sắc lá bọ mẩy lấy nước đặc, trước khi bắc ra thì cho bạc hà vào, đun sôi lại là được. Dùng nước thuốc xát rửa chỗ bị bệnh, ngày 2-3 lần.

(Cây bọ mẩy còn có tên là "bọ nẹt", "đại thanh", "đắng cay", "mẩy kỳ cáy", "thanh thảo tâm", "lộ biên thanh",...).

Yeucon.org tổng hợp từ nhiều nguồn


Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

Mang thai: Thiếu và thừa Vitamin

Vitamin là những chất hữu cơ có phân tử thấp, cần thiết cho quá trình đồng hóa và sử dụng các chất dinh dưỡng cũng như xây dựng tế bào và tổ chức cơ thể. Vitamin phần lớn không tổng hợp được trong cơ thể mà phải cung cấp từ những thức ăn có nguồn gốc động vật và thực vật. Nhu cầu về vitamin của cơ thể tuy ít nhưng bắt buộc phải có. Nếu thiếu sẽ xuất hiện một số bệnh lý như bệnh còi xương do thiếu vitamin D, bệnh khô giác mạc do thiếu vitamin A, bệnh Scorbut do thiếu vitamin C...

PHÂN LOẠI VITAMIN

Vitamin được chia thành 2 nhóm là nhóm vitamin tan trong nước như vitamin B, C... và nhóm vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D... Nhóm vitamin tan trong nước khi thừa đều thải ra theo nước tiểu, vì vậy ít xảy ra tình trạng ngộ độc các vitamin nhóm này. Ngược lại, các vitamin tan trong chất béo được dự trữ ở gan với các mức độ khác nhau. Với một lượng vitamin A, D quá cao có thể gây ngộ độc cho cơ thể. Trước nay, nhiều người vẫn lầm tưởng vitamin là loại thuốc bổ, uống bao nhiêu cũng được và dùng càng nhiều càng tốt. Vậy ta hãy tìm hiểu xem việc thiếu và thừa vitamin A và D sẽ gây ra những hậu quả gì?

VITAMIN A (RETINOL)

Có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, trước hết là vai trò với quá trình nhìn vì nó là thành phần thiết yếu của sắc tố võng mạc, cần thiết để giữ gìn toàn vẹn lớp tế bào biểu mô bao phủ bề mặt và các khoang trong cơ thể.

Nếu thiếu vitamin A sẽ gây khô da ở màng tiếp hợp, khi lan tới giác mạc thì làm khô giác mạc, nặng hơn sẽ làm thủng giác mạc và dẫn tới mù lòa. Thiếu vitamin A còn gây sừng hóa nang lông, bề mặt da thường nổi gai; Làm giảm tốc độ tăng trưởng, giảm sức đề kháng với bệnh tật.

Nếu thừa vitamin A sẽ gây đau bụng, buồn nôn, bơ phờ, chậm chạp, phù gai thị, thóp phồng, vài ngày tiếp theo da bong toàn thân rồi hồi phục dần khi đã ngừng thuốc. Ngộ độc mãn có thể xảy ra sau khi uống 40.000 đơn vị hoặc hơn mỗi ngày, dùng thời gian dài gây đau xương khớp, rụng tóc, môi khô nứt nẻ, chán ăn, gan lách to. Làm xét nghiệm vitamin A huyết thanh tăng.

Ðối với phụ nữ có thai 3 tháng đầu, nếu dùng quá 10.000 đơn vị vitamin A mỗi ngày kéo dài dễ bị dị dạng thai nhi. Còn beta caroten - một tiền chất của vitamin A nếu tăng quá cao trong máu sẽ làm da có màu vàng, nhất là ở gan bàn tay, bàn chân. Ngừng cung cấp beta caroten, vàng da sẽ giảm dần.

Vitamin A chủ yếu có trong thực phẩm nguồn gốc động vật, đặc biệt ở gan các loài cá và một số động vật khác, trong lòng đỏ trứng có 70-90% vitamin A dưới dạng tự do.

Trong thực vật, chủ yếu chứa dạng tiền vitamin A gọi là caroten (Trong đó beta caroten hay gặp nhất và có hoạt tính cao nhất). Beta caroten có trong phần xanh của thực vật cũng như các loại rau quả có màu da cam. Vào cơ thể, caroten được chuyển hóa thành vitamin A chủ yếu ở thành ruột non, nhưng chỉ vào khoảng 70 - 80% (Ở người từ 6mcg beta caroten của thức ăn, cơ thể chỉ được hấp thu 1mcg Retinol).

Nhu cầu hàng ngày về vitamin A ở trẻ em là 400mcg và ở người trưởng thành là 600mcg.

Lượng vitamin A và beta caroten trong một số thực phẩm (mcg trong 100g thực phẩm ăn được).

Thực phẩm Vitamin A Thực phẩm Beta Caroten

Gan gà 6.960mcg Cà rốt 5.040mcg

Gan lợn 6.000mcg Ðu đủ chín 2.100mcg

Trứng vịt lộn 875mcg Rau ngót 6.650mcg

Lươn 1.800mcg Rau dền cơm 5.300mcg

VITAMIN D (Ergocan-xiferol D2, Cholecan-xiferol D3)

Vai trò của vitamin D là điều hòa sự chuyển hóa Calci và Phospho trong cơ thể, làm tăng hấp thu và đồng hóa Calci lên tới 50-80% nhu cầu cần thiết cho quá trình cốt hóa.

Nếu thiếu vitamin D sẽ dẫn đến còi xương. Vitamin D tích lũy trong cơ thể, sau khi được chiếu nắng thì D2 ở da sẽ chuyển thành D3. Nhưng hoạt động này dao động tùy theo mùa trong năm và giờ trong ngày. Một lượng thừa vitamin D tích lũy trước hết ở gan và được phân giải qua thời gian dài, vì vậy để phòng và điều trị còi xương, có thể cho một liều cao vitamin D.

Ðối với trẻ dưới 2 tuổi, nếu thiếu vitamin D thì các rối loạn ban đầu không điển hình như dễ bị kích thích, ra mồ hôi, dần dần rõ hơn là chậm mọc răng, thóp liền chậm, mềm xương sọ, dễ bị co giật. Khi trẻ biết đứng sẽ cong cột sống, đi chân vòng kiềng. Ở các nước xứ lạnh, nguyên nhân chính của thiếu vitamin D là ánh sáng tự nhiên không đủ. Biểu hiện lâm sàng thường rõ ở những trẻ bụ bẫm, lớn nhanh và không rõ ràng ở trẻ suy mòn, chậm lớn. Vitamin D chủ yếu có ở sữa, trứng, gan bò, lợn, đặc biệt là gan cá thu. Vitamin D3 hoạt động mạnh hơn vitamin D2 với tỷ lệ 4:3.

Nếu thừa vitamin D: khi dùng với liều cao D2, D3 hàng nghìn lần liều phòng có thể gây ngộ độc. Các triệu chứng hay gặp là kém ăn, buồn nôn, nóng, tiểu nhiều, ngừng lớn, xanh xao. Ðôi khi gây co giật khó thở. Trong nước tiểu có nhiều Calci, Phospho và các hình trụ ở trẻ em khi điều trị còi xương thấy xuất hiện một số trường hợp kháng vitamin D, cũng như một số trường hợp lại nhạy cảm với nó. Ở những trẻ này chỉ cho từ 1.000 đơn vị đến 3.000 đơn vị/ngày đã xuất hiện triệu chứng ngộ độc.

Lượng vitamin D trong một số thực phẩm

Sữa mẹ 2-4 đơn vị/100g (Mùa hè); 0,3-2 đơn vị/100g (Mùa đông).

Sữa bò 4 đơn vị; Trứng 50-200; Lòng đỏ trứng 300; Gan bò 100; Gan lợn 90, Gan cá thu 500-1.500.

Rau quả cho trẻ em

Rau củ quả là nguồn thực phẩm bổ dưỡng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ… nên vừa có lợi cho sức khỏe, vừa giúp phòng chống bệnh tật.

Hãy khám phá nguồn dinh dưỡng tuyệt vời của 10 loại rau củ được xem là bổ dưỡng nhất trong “thế giới” rau hiện nay.

1. Cà rốt

Một ly cà rốt tươi chứa đến 34.317 IU vitamin A. Trong cà rốt cũng rất giàu beta carotene (hay còn gọi tiền vitamin A), giúp bảo vệ mắt và ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, ung thư. Loại cây ăn củ này còn chứa nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất khác như: vitamin B, C, K, chất xơ, kali, mangan, phốt pho, magiê, folate.

2. Khoai lang

Khoai lang nướng lò cả vỏ cũng dồi dào nguồn vitamin A, beta – carotene và các chất chống oxy hóa. Ngoài ra, trong khoai lang còn chứa vitamin B6, vitamin C, khoáng chất đồng, sắt, mangan, kali, chất xơ. Đặc biệt khoai lang tím là loại khoai giàu antoxian và các hoạt chất chống oxy hóa nhất.

3. Cà chua

chua còn giàu dưỡng chất hơn với khoảng trên 20 loại vitamin và khoáng chất. Một ly cà chua chín đỏ có thể cung cấp cho bạn số lượng lớn vitamin A, C và K. Bên cạnh đó cà chua cũng chứa kaki, mangan, crôm, vitamin B1, B6, folate, đồng, sắt và nhiều dưỡng chất thiết yếu khác.

Đặc biệt, hàm lượng lycopene cao trong cà chua còn là chất dinh dưỡng thực vật quan trọng có khả năng chống oxy hóa và chống ung thư.

4. Đậu nành

Đậu nành là một trong những loại thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe được giới nghiên cứu đánh giá là tốt nhất trên thế giới hiện nay. Một ly đậu nành (đã nấu chín) có thể cung cấp cho cơ thể bạn rất nhiều dưỡng chất cần thiết như: protein, mangan, tryptophan, và hơn 10 loại chất dinh dưỡng quan trọng khác bao gồm: axít béo Omega-3, chất xơ, kali…

Chỉ cần một ly đậu nành, bạn đã bổ sung được hơn 50% nhu cầu protein cần thiết cho mỗi ngày.

5. Măng tây

Măng tây từ xa xưa đã được y học cổ truyền công nhận có tác dụng phòng chữa được nhiều bệnh như: tim mạch, cao huyết áp, ung thư, đái tháo đường, viêm bàng quang… Chồi măng tây màu xanh là nơi tập trung nhiều chất dinh dưỡng nhất. Một chén măng tây luộc cũng có thể cung cấp một nguồn tuyệt vời vitamin A, C, K, folate.

Măng tây còn chứa hơn 10 loại vitamin và khoáng chất, trong đó có vitamin B tổng hợp, kali, chất xơ…

6. Ớt chuông

Ớt chuông với bề ngoài bóng đẹp, màu sắc sinh động (xanh, đỏ, tím, vàng…) vừa dùng để ăn, vừa dùng trang trí trong các bàn tiệc.

Ớt chuông đa sắc màu và cũng đa dinh dưỡng. Một chén ớt chuông tươi, sắt mỏng có thể cung cấp cho bạn khoảng 5.244 mg vitamin A (đáp ứng hơn 100% nhu cầu cần thiết hàng ngày).

Đây cũng là một nguồn cung cấp vitamin C, B6, chất xơ, mangan, folate cực kỳ tốt.

7. Rau bina

Dinh dưỡng trong rau bina phải nói là đáng tự hào với cả kho hơn 35 loại vitamin và dưỡng chất thiết yếu.

Một chén rau bina luộc có thể giúp bạn bổ sung được khoảng hơn chục chất dinh dưỡng. Đáng ngạc nhiên hơn là nó còn cung cấp cho cơ thể hàm lượng vitamin A gấp 3 lần nhu cầu cần thiết hàng ngày và hơn 1.000% lượng vitamin K khuyến cáo đòi hỏi cần bổ sung mỗi ngày vì trong đó chứa tới 1.023 mcg vitamin K. Ngoài ra nghiên cứu còn tìm thấy trên loài rau xanh sậm lá này chứa nhiều flavonoid, một hợp chất có tác dụng chống độc tố, chống oxy hóa cao.

8. Cải bruxen

Cải bruxen - một loại bắp cải nhỏ rất giàu vitamin E, canxi, đồng. Các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng chế độ ăn rau thuộc họ cải cao như cải bruxen, súp lơ, bắp cải, cải hoa… có thể làm giảm nguy cơ một số bệnh ung thư (ung thư phổi, ruột kết, ung thư vú, ung thư buồng trứng).

Một chén rau cải bruxen luộc cũng cung cấp cho bạn nguồn vitamin C, K, B complex, chất xơ, kali và vitamin A, một trong những chất chống oxy hóa quan trọng tìm thấy trong tự nhiên.

9. Súp lơ

Thành phần dinh dưỡng trong súp lơ rất giàu sắt, kẽm, vitamin E và hơn 20 loại chất thiết yếu khác. Súp lơ có thể ăn sống, luộc, hấp, xào, tuy nhiên việc hấp, xào súp lơ để ăn được khuyên dùng nhiều hơn vì cách thức chế biến này không làm giảm sự hiện diện của các hợp chất chống ung thư chứa trong loại rau này.

Một chén súp lơ có thể cung cấp cho bạn nguồn dinh dưỡng dồi dào vitamin A, C, K, folate, chất xơ, 505 mg kali và 102 mg phốt pho.

10. Cải xoăn

Trong cải xoăn cũng chứa hàm lượng cao các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa. Một chén rau cải xoăn nấu chín, luộc, để ráo nước, không cho thêm muối chứa 1.062 mcg vitamin K và 9.620 IU vitamin A (đáp ứng gấp đôi nhu cầu lượng vitamin cần thiết mỗi ngày).

Ngoài ra, cải xoăn còn rất giàu vitamin C, mangan, chất xơ, đồng, canxi, kali, các chất dinh dưỡng từ thực vật như glucosinolate và flavonoid, lutein, zeanthin. Theo Phụ Nữ

Bé sơ sinh - 5 tuổi: Vitamin A - Vitamin D3 - Vitamin E liều bao nhiêu



Vitamin rất cần thiết, nó có tác dụng duy trì các quá trình chuyển hóa bảo đảm sự sinh trưởng và hoạt động bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc khác, vitamin là con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng bừa bãi, nó có thể gây ra những tác hại đối với cơ thể chúng ta.

Đặc điểm của vitamin tan trong dầu và nhu cầu của cơ thể

Vitamin tan trong dầu hấp thu cùng với các chất mỡ, vì vậy khi cơ thể không hấp thu được mỡ thì không hấp thu được những vitamin này. Quá trình hấp thu đòi hỏi phải có acid mật làm chất nhũ hóa vì mỡ không tan được trong máu, để thuốc hấp thu tốt thì nên uống trong hoặc sau bữa ăn. Khi dùng quá liều, các vitamin này không thải trừ hết qua thận mà tích lũy chủ yếu ở gan và mô mỡ, do đó khi dùng liều cao và kéo dài sẽ gây độc tính, đặc biệt là vitamin A và D. Do tích lũy trong cơ thể nên các triệu chứng thiếu thường xuất hiện chậm, vì vậy không cần bổ sung hàng ngày dưới dạng thuốc. Các vitamin này tương đối bền vững với nhiệt, không bị phá hủy trong quá trình nấu nướng.

Nhu cầu hàng ngày về vitamin tan trong dầu đối với người bình thường phụ thuộc vào lứa tuổi, cụ thể: với trẻ dưới 1 tuổi, nhu cầu vitamin A là 1.500IU/ngày, vitamin D là 400IU/ngày, vitamin E là 5IU/ngày; với trẻ từ 1 - 4 tuổi, nhu cầu vitamin A là 2.500IU/ngày, vitamin D là 400IU/ngày, vitamin E là 10IU/ngày; với trẻ trên 4 tuổi và người lớn, nhu cầu vitamin A là 5.000IU/ngày, vitamin D là 400IU/ngày và vitamin E là 30IU/ngày.

Bổ sung vitamin tan trong dầu như thế nào?

Các vitamin luôn có sẵn trong ngũ cốc và thực phẩm, vì vậy đối với những người không có quá trình rối loạn hấp thu ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, tắc mật, viêm tụy, loét dạ dày - tá tràng...) và không ăn kiêng, có chế độ ăn cân đối với thực phẩm đảm bảo chất lượng thì không nhất thiết phải bổ sung dưới dạng thuốc.

Khi thiếu vitamin nhẹ có thể điều trị bằng cách ăn các thực phẩm có chứa nhiều vitamin. Vitamin A có nhiều trong gan cá thu, trứng, thịt, cá, sữa, gấc, cà chua, cà rốt và rau xanh. Vitamin D chủ yếu có trong thức ăn từ động vật: sữa, bơ, gan, trứng, thịt. Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật: dầu cám, dầu lạc và trong các hạt nảy mầm, rau xanh; có một lượng nhỏ trong lòng đỏ trứng gà, gan...

Việc bổ sung vitamin dưới dạng thuốc chỉ khi thiếu trầm trọng hoặc trong trường hợp chưa có điều kiện thay đổi chế độ ăn. Thường thì ít có hiện tượng thiếu đơn độc một chất, vì vậy việc bổ sung vitamin dưới dạng hỗn hợp có hiệu quả hơn khi dùng các chất đơn lẻ. Tỷ lệ phối hợp các công thức tùy trường hợp thì khác nhau nên khi lựa chọn phải căn cứ vào nguyên nhân gây thiếu để bổ sung cho phù hợp.

Thừa vitamin tan trong dầu - điều gì sẽ xảy ra?

Nhóm vitamin tan trong dầu có thể gây ra tình trạng thừa vitamin nếu lạm dụng thuốc (người bình thường ăn uống đầy đủ vitamin mà vẫn bổ sung vitamin thường xuyên dưới dạng thuốc), ngoài ra gặp trong một số ít trường hợp thừa vitamin cấp tính do ăn loại thức ăn có chứa lượng lớn vitamin tan trong dầu, ví dụ như ăn gan gấu trắng, gan cá thu... Khi lượng vitamin dư thừa quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc, tùy thuộc vào loại vitamin dư thừa mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau:

Vitamin A

Vitamin A dùng thừa sẽ xuất hiện các triệu chứng: ngứa da vẩy nến, sung huyết ở da và các niêm mạc, tóc khô, xơ xác, dễ gãy, chán ăn, buồn nôn, giảm prothrombin, chảy máu và thiếu máu.

Trẻ em dưới 4 tuổi thường xuyên uống vitamin A có hàm lượng lớn hơn hoặc bằng 5.000 IU/ngày có thể bị ngộ độc mạn tính với triệu chứng đau xương, ban đỏ, viêm da tróc vảy, viêm miệng... Nếu dùng liều vitamin A lớn hơn hoặc bằng 100.000 IU/ngày có thể gây phồng thóp, co giật, tăng áp lực sọ não.

Phụ nữ có thai dùng kéo dài vitamin A > 5.000 IU/ngày trong khi vẫn ăn uống đầy đủ và hấp thu tốt sẽ có nguy cơ thừa vitamin A, gây quái thai.

Vitamin D

Dùng vitamin D liều cao dài ngày gây tích luỹ thuốc, làm tăng calci trong máu, gây mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp. Ngoài ra còn có thể gây tổn thương thận, tăng huyết áp.

Trẻ em dưới 1 tuổi được cho ăn các hỗn hợp thay thế sữa mẹ có bổ sung vitamin D ở liều không thích hợp với lứa tuổi có thể bị thừa vitamin này. Việc bổ sung thường xuyên vitamin D với liều > 400 IU/ngày cho trẻ dưới 1 tuổi khỏe mạnh làm tăng canxi trong máu, thậm chí còn có thể gây suy thận và tử vong.

Vitamin E

Thừa vitamin E, dùng liều cao trên 3.000 IU/ngày có thể gây rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, đầy hơi, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, viêm ruột hoại tử. Tiêm Vitamin E liều cao vào tĩnh mạch dễ gây tử vong.

Vì vậy, để tránh thừa vitamin cần chú ý:

Thận trọng khi sử dụng các chế phẩm hàm lượng lớn hơn 5 lần nhu cầu hàng ngày.

Khi dùng thuốc ở dạng hỗn hợp vitamin thì phải phân biệt các công thức dành cho trẻ em dưới 1 tuổi, cho trẻ dưới 4 tuổi và cho người lớn (tính từ 11 tuổi trở lên).

Đường đưa thuốc ưu tiên trong mọi trường hợp là đường uống. Đường tiêm chỉ dùng trong trường hợp không hấp thu được bằng đường tiêu hóa (nôn nhiều, tiêu chảy...) hoặc khi cần bổ sung gấp vi chất và trong nuôi dưỡng nhân tạo ngoài đường tiêu hóa.

Như vậy, không nên lạm dụng vitamin, đặc biệt là vitamin tan trong dầu. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến và tuân thủ chỉ định điều trị của các nhân viên y tế khi bạn dùng vitamin.

Nguồn: Sức khoẻ và đời sống

7 tháng ăn như thế nào ?

cháu nhà tôi được hơn 7 tháng nặng 7 kg.cháu chỉ ăn bột dinh dưỡng.3 bữa/ngày.mỗi bữa khoảng nửa bát ăn cơm.nấu bột gạo thì ăn rất ít và không ăn được chất tanh(cua tôm).nếu ăn sẽ bị nôn và bị đi ngoài. Lieuj cháu có bị thiếu chất ko?cháu mọc đươc 01 chiếc răng.
Câu trả lời:

Chào chị!

Với trẻ 7 tháng tuổi, cân nặng trong khoảng 6,4 - 10,3kg; như vậy con chị vẫn trong giới hạn cho phép nhưng hơi gầy. Anh cần chú ý lại chế độ dinh dưỡng cho cháu, cần tăng cường lượng thịt cá thêm một chút, và nói chung nên nấu bột cho cháu ăn chứ ăn bột dinh dưỡng kéo dài không tốt, chị cũng cần chú ý ở độ tuổi này với các thức ăn như tôm - cua dễ gây dị ứng vì vậy cần phải thử ít một, nếu có biểu hiện như ngứa hay đi ngoài thì cần dừng lại, sau này bé lớn lên hơn 1 tuổi thì khả năng dị ứng với các thức ăn đó sẽ giảm đi. Nếu cháu không chịu ăn nhiều sữa thì anh nên cho cháu ăn tăng lượng chế phẩm từ sữa như sữa chua, phomai lên. Tổng lượng sữa và chế phẩm từ sữa ở độ tuổi này vào khoảng 700ml là vừa. Chị có thể tham khảo thực đơn dành cho trẻ 7 - 9 tháng ở câu hỏi liên quan.

Thân mến.

Bé 8 tháng tuổi, ngủ và ăn như thế nào ?

Con gái em 8 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là vừa, ban ngày bé ngủ khoảng 3-4 tiếng. Tối ngủ khoảng 9-10 tiếng như vậy đã đủ chưa? Bé không ăn sữa chua, vậy có thực phẩm nào giúp bé dễ tiêu hoá thay thế sữa chua được không?

Mỗi ngày bé ăn 1 viên phomai bò cười là nhiều không? Đến nay bé chưa mọc răng mặc dù em thấy bé vẫn cứng cáp, bé đã biết ngồi, thỉnh thoảng đứng chựng được. Dạo này bé lười ăn, hay chảy nước rãi, có phải bé sắp mọc răng không? Bé nặng 7,5 kg, cao 66 cm, như vậy bé có nhẹ cân lắm không? Xin bác sỹ tư vấn giúp em.(Nguyễn Thuỷ).

Trả lời:

Giấc ngủ của bé lứa tuổi này thường khoảng 14-15 giờ trong ngày. Tuỳ thuộc từng bé thường có 2 giấc hoặc 3 giấc ngủ ngày, trung bình mỗi giấc khoảng 1,5 giờ đến 2 giờ. Nếu bé ngủ đủ giờ, đẫy giấc thì bé sẽ phát triển tốt về thể chất và tinh thần, nếu bé thiếu ngủ thường hay quấy khóc, nhất là giấc ngủ ban đêm không đủ sẽ làm bé mệt mỏi, biếng ăn.

Sữa chua có hàm lượng can xi, sắt cao rất tốt cho sức khoẻ, ngoài ra trong sữa chua lại có các men vi sinh (Probotic) nên giúp cho tiêu hoá, chị nên tập cho bé ăn lại sữa chua, lúc bắt đầu cho ăn nên cho ăn một vài thìa, sau tăng dần, chú ý không nên cho bé sữa chua lạnh dễ bị viêm họng, không nên ăn lúc đói, hoặc ngay sau bữa. Có nhiều loại sữa chua có các mùi vị khác nhau, vì vậy nên cho bé ăn loại nào bé thích.

Còn trong trường hợp bé không ăn được, chị có thể cho bé ăn váng sữa, pho mai ( khoảng 10 g/ngày) có nhiều can xi, ăn hoa quả như chuối cũng tốt cho đường tiêu hoá. Điều quan trọng là chế độ ăn của bé cần cung cấp đủ năng lượng để bé tăng cân đều đặn hàng tháng (trung bình bé tăng 500 g/tháng), cho bé ăn nhiều loại thực phẩm để bé có đủ chất dinh dưỡng thì bé sẽ khoẻ mạnh.

Tuổi này bé cần ăn các thực phẩm có nhiều chất sắt (lòng đỏ trứng, thịt bò, tim, thận, sữa), can xi (tôm, cua, cá), kẽm (thịt, trai, hến). Nếu bé ăn sữa ngoài chị nên chọn loại sữa có bổ sung Prebiotic tốt cho đường ruột vì Prebiotic giúp kích thích sự phát triển của các vi khuẩn có lợi và giúp cân bằng hệ vi khuẩn chí đường ruột.

Bé 8 tháng chưa mọc răng chưa phải là muộn, hiện tượng bé chảy rãi, biếng ăn có thể do bé sắp mọc răng, nên dùng gạc hoặc khăn mềm nhúng nước muối sinh lý lau rửa lợi cho bé hàng ngày vừa để vệ sinh miệng, vừa làm cho lợi mềm hơn làm răng dễ mọc (có một số trẻ do lợi cứng răng không mọc được).

Hiện nay bé nặng 7,5 kg, cao 66 cm, so với chuẩn thì bé bị thấp cân (trung bình 8 kg), và thiếu chiều cao (trung bình 69 cm). Tuy nhiên chị đừng quá lo lắng, nếu điều chỉnh chế độ ăn cho để đáp ứng được nhu cầu thì bé sẽ sớm tăng cân và phát triển chiều cao. Chị nên cho bé đi khám tư vấn dinh dưỡng, để trên thể trạng của bé bác sỹ sẽ hướng dẫn chế độ ăn phù hợp.

Trẻ nhiều dãi có phải bệnh?

Con tôi 14 tháng tuổi, từ nhỏ miệng cháu lúc nào cũng chảy dãi. Nhưng gần đây nước dãi có mùi hôi. Xin hỏi cháu bị bệnh gì? Làm thế nào để cháu hết chảy dãi? (Bùi Thị Hạnh)

Trả lời:

Chảy dãi là hiện tượng thường thấy ở trẻ trong thời kỳ đầu sơ sinh. Tuy nhiên, sự chảy dãi ở trẻ cũng không phải đều là hiện tượng bình thường, có trường hợp do tính bệnh lý, các bậc cha mẹ nên biết phân biệt.

Như chúng ta đều biết, nước bọt là do tuyến nước bọt tiết ra. Trẻ 3 - 4 tháng tuổi là giai đoạn tuyến nước bọt phát triển và hoàn thiện nên lượng nước bọt tiết ra cũng tăng lên nhưng lúc này chức năng nuốt nước bọt chưa kiện toàn, khoang miệng còn nông, động tác ngậm miệng và nuốt còn chưa phối hợp chặt chẽ nên có hiện tượng chảy dãi.

Từ 6 - 7 tháng trẻ bắt đầu mọc răng, sự kích thích thần kinh trong xoang miệng do mọc răng cũng dẫn đến tăng tiết nước dãi. Thường sau quá trình mọc đủ răng sữa, hiện tượng chảy nước dãi sinh lý này sẽ tự nhiên mất đi.

Tuy nhiên, cần phân biệt nước dãi bệnh lý, có một số trẻ bị viêm niêm mạc miệng hoặc lở loét lưỡi, viêm họng, amidan cũng gây chảy dãi vì khi nuốt nước bọt trẻ bị đau nên ngại nuốt. Loại chảy nước dãi này thường có màu vàng và mùi hôi, phải cho trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa.

Một số trẻ bị di chứng bại não, bệnh Down... cũng có biểu hiện chảy dãi nhiều do phản xạ nuốt nước bọt kém. Tóm lại nếu nước dãi hơi là bệnh lý cần cho trẻ đi khám để xác định nguyên nhân để điều trị kịp thời.

(Bác sĩ Nguyễn Kim Giang, Sức khỏe và Đời sống)

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Xem Con của các sao việt

Với bất cứ người nghệ sĩ nào cũng vậy, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc, là niềm vui, là nụ cười. Đằng sau ánh đèn sân khấu hoành tráng, nghệ sĩ lại trở về bên gia đình, bên người chồng (vợ), và những đứa con thân yêu của mình. Và đây chính là niềm hạnh phúc nhất của họ!

Diva Thanh Lam

Con gái cũng cực mô đen giống mẹ
Con gái cũng cực mô đen giống mẹ

Lam Trường

Bé Kiến Văn thì giống bố như đúc
Bé Kiến Văn thì giống bố như đúc

A2 Lam Trường hình như sau khi lấy vợ và có em bé vẫn phong độ và ra dáng người chồng, người cha mẫu mực lắm nha. Tuy bận việc đi diễn, rồi vào phòng thu….. nhưng A2 vẫn không quên dành thời gian cho gia đình, những lúc rảnh dỗi là cả nhà lại đi du lịch đấy!

Cẩm Ly

Hai cô con gái trông có vẻ rất thùy mị như mẹ
Hai cô con gái trông có vẻ rất thùy mị như mẹ
Nhẹ nhàng, ấm áp, hiền hậu…. khi nhắc tới Cẩm Ly. Nhìn mái ấm của chị Tư bên ông xã Minh Vy khiến người ngưỡng mộ nhỉ? Chị Tư luôn dành hết thời gian cho chồng cho con, và cũng phần nào ảnh hưởng tới dòng nhạc của chị ấy bây giờ.

Mỹ Lệ
Nhìn “Mỹ nhân ngư” hạnh phúc bên hai cô công chúa chưa kìa! Hai bé tuy còn nhỏ nhưng Mỹ Lệ đã hướng các bé đến với nghệ thuật. Mama Mỹ Lệ dạy “công chúa” của mình đàn pinano nha. Chăm chỉ tập cùng mẹ nhưng cũng không quên pose ảnh!!
Mới bé xíu..
Mới bé xíu..
..mà đã biết làm dáng chụp ảnh rồi.
..mà đã biết làm dáng chụp ảnh rồi.
Hiền Thục
Ấn tượng mạnh ở Hiền Thục chính là sự chịu đựng, không để ý dư luận, một mình nuôi dưỡng bé Gia Bảo. Bé Gia Bảo càng lớn nhìn càng đáng yêu, làm điệu và tạo dáng không kém mẹ Hiền Thục tẹo nào nhỉ??? 1…2…3 chúng ta cùng “điệu” nào!
Bé Gia Bảo có dáng người mẫu nhí lắm đó
Bé Gia Bảo có dáng người mẫu nhí lắm đó
Mỹ Linh
Gia đình chị Mỹ Linh hạnh phúc
Gia đình chị Mỹ Linh hạnh phúc
Cứ mỗi dịp cuối tuần, hay nghỉ lễ nào là gia đình Mỹ Linh, Anh Quân không quên dẫn các con đi chơi nghỉ ngơi, thăm quan.
Mai Thanh
Nhìn mẹ và bé mà mà cứ như hai chị em
Nhìn mẹ và bé mà mà cứ như hai chị em
Khánh Linh
Mẹ ơi! Dạy còn đàn đi!” hihi…. Cậu ấm nhà Khánh Linh nghịch chưa kìa! Ngồi học đàn mà vẫn còn đùa không chịu ngồi yên. Các bé nhà xì ta Việt chúng ta có vẻ yêu thích học đàn nhỉ???
Mới bé tí mà đã thừa hưởng niềm đam mê chơi đàn của mẹ rồi
Mới bé tí mà đã thừa hưởng niềm đam mê chơi đàn của mẹ rồi
Ngọc Anh
Mẹ Ngọc Anh làm gì mà bé Phương Anh mấm môi, mắt mở to thế kia?? Ahh ah!! Hóa ra là mẹ đang tổ chức sinh nhật 2 tuổi cho bé, mà bé không chịu cho mẹ Ngọc Anh bế, cứ bắt mẹ cho xuống để thổi nến rùi nhận quà của mọi người!
Bé tròn trĩnh nhìn là muốn...cắn
Bé tròn trĩnh nhìn là muốn...cắn
Hồng Ngọc
“Mắt nai cha cha” vẫn nhí nhảnh như ngày nào, dù đã có cậu ấm rồi. Nhìn cậu ấm nhà “mắt nai” kháu khỉnh không kìa? Nhưng sao đi dự tiệc cùng mẹ mà mặt buồn vậy?
Mẹ cười tươi sao bé lại buồn ngủ thế kia?
Mẹ cười tươi sao bé lại buồn ngủ thế kia?

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Đái dầm ở trẻ em khi nào cần điều trị?

Con trai tôi được 28 tháng. Cháu đã ăn cơm được một thời gian nhưng vẫn đái dầm khi ngủ. Tôi nghe nói, khi trẻ đã ăn cơm thì không còn đái dầm nữa. Tôi rất lo lắng, không biết con tôi có phát triển bình thường không? Có cần điều trị không?

Nguyễn Thị Hoa (Hà Tĩnh)

Đái dầm là một hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng ở lứa tuổi học sinh hay người trưởng thành vẫn gặp hiện tượng này, mặc dù tỷ lệ rất ít. Có rất nhiều nguyên nhân gây đái dầm, có thể do di truyền, do rối loạn giấc ngủ (trẻ khó tỉnh giấc ngủ sâu khi bàng quang căng đầy nước tiểu), do chậm phát triển hệ thần kinh trung ương hay do yếu tố nội tiết, nhiễm khuẩn tiết niệu, bất thường cột sống... Ở trẻ nhỏ, do chức năng kiểm soát nước tiểu chưa phát triển hoàn thiện nên thường diễn ra tự động, chu kỳ thường là khoảng 2-3 giờ/1lần. Khi trẻ lên 2-3 tuổi, khả năng nín tiểu lâu hơn vào ban ngày, dần dần có thể kiểm soát khi ngủ. Ở những lứa tuổi khác nhau, trẻ có khả năng kiểm soát bàng quang khác nhau nhưng phần lớn trẻ không bị đái dầm sau 5 tuổi. Con chị mới được hơn 2 tuổi mà vẫn đái dầm thì chưa đến mức phải lo lắng và cũng chưa cần thiết phải điều trị. Tuy nhiên, chị cũng cần hạn chế cho trẻ uống nhiều nước hay sữa trước khi đi ngủ, tạo cho trẻ thói quen đi tiểu trước khi ngủ, đánh thức trẻ đi tiểu khi trẻ đã tỉnh ngủ hẳn... Nếu trên 5 tuổi mà cháu vẫn có hiện tượng đái dầm khi ngủ thì chị nên đưa cháu đến chuyên khoa thận - tiết niệu để được khám xác định nguyên nhân mới có biện pháp điều trị thích hợp.

BS. Nguyễn Văn Quảng-SKĐS