Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

Sao miệng con lại không thơm?


Mẹ Hoa than thở: "Miệng bé nhà mình có mùi hôi rất khó chịu, mặc dù mình vẫn vệ sinh cho cháu hàng ngày nhưng không hiểu sao miệng cháu vẫn hôi, phải chăng do mẹ vệ sinh không đúng cách?"

Tìm hiểu nguyên nhân bé bị hôi miệng

Nếu tự nhiên thấy bé bị hôi miệng, mẹ hãy kiểm tra xem bé có mắc một số triệu chứng sau hay không:

- Bé bị tưa lưỡi, bựa lưỡi màu trắng. Bựa lưỡi cũng gây hôi miệng. Bé ăn thiếu chất kẽm cũng là nguyên nhân gây nên bựa lưỡi.

- Bé bị viêm lợi. Lợi của bé sưng lên, màu đỏ, có nốt nhiệt trong khoang miệng. Thông thường các bé ở giai đoạn mọc răng hay bị viêm lợi. Vì các bé ngứa lợi, lợi nứt, thường gặm bất kỳ vật gì cứng mà bé gặp hoặc thò tay vào trong để gãi lợi.

- Bé bị viêm họng. Khi bé đau họng,bé phải thở bằng miệng, làm khô miệng,cũng bị hôi miệng.

- Bé bị viêm xoang. Có thể là viêm xoang cấp tính và mãn tính. Triệu chứng bé bị viêm xoang là ho suốt ngày đêm, có thể sốt, mặt hơi sưng, chảy nước mũi đặc màu xanh, vàng. Viêm xoang làm cho miệng bé cực kỳ hôi.
- Bé bị táo bón. Tiêu hoá không tốt, làm bé đầy hơi, khó tiêu cũng là nguyên nhân làm bé bị hôi miệng.

Chọn giải pháp chữa hôi miệng cho bé

Đa phần các bé bị hôi miệng là do vệ sinh không sạch sẽ. Với những bé còn nhỏ, chưa biết tự đánh răng, mẹ hãy đánh tưa thật kỹ cho bé. Chú ý đánh tưa thật kỹ vùng lợi phía trong, lau thịt ở 2 bên má, vòm họng, nhất là lưỡi. Có thể đánh tưa bằng các loại cốm đánh tưa lưỡi. Sau đó chỉ cần đánh tưa bằng nước muối sinh lý hàng ngày.

Bé lớn hơn một chút, mẹ hãy tập cho bé đánh răng. Tuy nhiên đây cũng là một công việc khó khăn đòi hỏi mẹ phải kiên trì.
Mẹ có thể áp dụng các cách sau để giúp bé tập đánh răng: mua bàn chải thật xinh cho bé. Không nhất thiết phải tập đánh với kem đánh răng ngay nếu bé không thích đánh răng với kem. Mua các VCD có cách hướng dẫn đánh răng (diễn viên là các bé cùng tuổi với con bạn), sách truyện tranh có hình đánh răng, chỉ cho bé xem để bé bắt chước. Tạo không khí thật vui nhộn khi vệ sinh răng miệng. Tốt nhất là cả 2 mẹ con cùng đánh răng để bé thấy vui và bắt chước nhé.

Hãy vệ sinh răng miệng bé trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy.

Cho bé uống nhiều nước và súc miệng thường xuyên, nhất là sau khi ăn cũng giúp bé giảm hôi miệng.

Nếu mẹ vệ sinh đều đặn mà bé vẫn bị hôi miệng, nên cho bé đi khám các bác sỹ chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng để kiểm tra xem bé có bị mắc các bệnh trên không.
Khi bé được chữa khỏi các bệnh viêm họng, viêm lợi, viêm xoang... bé cũng hết bị hôi miệng.

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

Dạy con theo kiểu... Tây

Ảnh minh họa: Crealy.co.uk.

Trong khi bố mẹ Việt thường giữ con ở nhà, ít nhất trong tháng đầu, thì trẻ Tây ngay từ khi mới sinh đã có thể được đưa đến công viên bằng xe nôi và cho đi "vầy nước" ở hồ bơi khi mới tầm 10 ngày tuổi.

Đa phần bố mẹ Việt cho rằng trẻ sơ sinh, hay đã vài tháng tuổi, còn quá nhỏ để có thể bế ra khỏi nhà. Đa phần trẻ em Việt Nam được giữ và chăm sóc trong nhà để tránh gió, tránh nắng. Nếu có đứa bé ra sân nhà hay ngõ xóm thì lúc nào cũng phải nào yếm, nào khăn rồi vớ tay, vớ chân đủ cả.

Việc đưa trẻ sơ sinh đến hồ bơi hay tổ chức nghịch nước trong vườn nhà chẳng hạn thì hầu như là không bao giờ có. Có những trẻ đã lên hai vẫn không hề được đưa đến hồ bơi lần nào. Và trong suốt những năm tháng đầu đời, có trẻ chưa được một lần "vày nước" với ý nghĩa thực sự của từ này. Các bà, các chị khi tắm cho cháu, cho con phải luôn chuẩn bị khăn tã đầy đủ để có thể tắm thật nhanh, rồi bế bé ngay vào lau khô, mặc quần áo.

Trong khi đó, đối với những người ngoại quốc sống và làm việc tại TP HCM thì việc đưa trẻ đến công viên và hồ bơi gần như là hoạt động hằng ngày. Trẻ ngay từ khi mới sinh đã có thể được tập cho dạn nắng, dạn gió bằng cách đưa đến công viên bằng xe nôi, cho trẻ làm quen với những tiếng động của đời sống hằng ngày xung quanh.

Sáng sáng đi dạo quanh khu vực phường Thảo Điền, quận 2, nơi người nước ngoài tập trung sinh sống, bạn có thể nhìn thấy một cách thường xuyên cảnh các bà mẹ xách em bé chừng 2-3 ngày tuổi trong giỏ (dành riêng để xách em bé khi đi dã ngoại) hoặc địu con chừng một tháng tuổi phía trước bụng, tay dắt em bé lớn của mình đến trường. Sau khi cho bé lớn vào trường thì các bà mẹ sẽ cùng em bé nhỏ kia đến công viên hoặc đi shopping.

Trong tầm 10 ngày tuổi thì các bà mẹ bắt đầu cho bé đi "vầy nước" ở hồ bơi trong cái nắng buổi sáng tầm 8 giờ.

Play-date

Play-date có nghĩa là các bà mẹ sẽ tự sắp xếp thời gian rảnh rỗi để có thể trông coi một nhóm chừng 5-6 trẻ cùng nhóm tuổi với nhau và những gia đình quen biết nhau có thể mang con đến chơi ở nhà một bà mẹ. Play-date sẽ được tổ chức luân phiên giữa các bà mẹ trong một nhóm với nhau, thường diễn ra ở nhóm trẻ từ 3 tuổi trở lên.

Play-date là một khái niệm còn khá mơ hồ trong ý thức của bố mẹ Việt, hay có thể nói là hoàn toàn không có. Bố mẹ Việt có xu hướng co cụm, hướng nội vì sợ mất thời gian hoặc một số khác là quá bảo vệ con dẫn đến không muốn đưa con còn nhỏ của mình tiếp xúc với nhóm đông các bạn cùng lứa tuổi, dễ gây ra té ngã hay đánh lộn sứt đầu mẻ trán.

Bố mẹ Việt thường đưa con đến mẫu giáo rồi đón về nhà. Trẻ về đến nhà sẽ có một vài lựa chọn là chơi với bà, với cô giúp việc hoặc được bật TV cho xem, để người lớn khỏi phải trông, còn tiện làm công việc lặt vặt trong nhà.

Trong khi đó, play-date được tổ chức khá thường xuyên trong nhóm bố mẹ người ngoại quốc. Sau giờ học, giờ sinh hoạt của nhóm trẻ ở trường, các bà mẹ sẽ đưa con đến nhà bạn để chơi thêm chừng 1-2 giờ. Các bà mẹ phương Tây cho rằng đây không chỉ là cách san sẻ giúp đỡ giữa người lớn với nhau, tạo điều kiện để mỗi bà mẹ có một ngày rảnh rỗi cho riêng mình mà còn là giúp trẻ tăng cao mức độ nhận biết, thiết lập tình bạn từ độ tuổi còn rất bé. Việc chia sẻ đồ chơi cùng nhau cũng như làm quen với môi trường mới lạ làm cho các bé rất hứng thú.

Ngủ lang

Ngủ lang có vẻ như là một điều tối kỵ trong ý thức của bố mẹ Việt. Một bà mẹ trí thức khi được hỏi về chuyện này đã buông một câu chắc nịch: "Đừng có mơ. Em không bao giờ cho con em đi ngủ lung tung ở nhà bạn như vậy".

Trong khi đó, một đứa trẻ lớp 3 của trường quốc tế (tầm 7 tuổi) sẽ được trường tổ chức một vài đêm "sleep over" tại trường trong suốt năm học. Mục đích là để trẻ rèn kỹ năng tự phục vụ khi không có bố mẹ hay một sự trợ giúp nào khác từ phía người thân.

Thứ đến là để trẻ có thể thiết lập được tình bạn khăng khít, giúp đỡ nhau trong cùng khối lớp. Trong một khoảng thời gian không phải là giờ học, trẻ được thoải mái cùng nhau chơi đùa và nói chuyện, bàn luận về tất cả những vấn đề mình quan tâm.

"Ngủ lang" trong phạm vi các gia đình với nhau cũng được các bậc phụ huynh phương Tây khuyến khích. Ví dụ, con bạn có thể thông báo với bố mẹ là mình muốn mời bạn A, B, C đến ngủ cùng. Thường là do sợ ảnh hưởng đến giờ học của các ngày trong tuần nên việc ngủ lang trong nhóm bạn chỉ được bố mẹ cho phép vào các đếm thứ sáu và thứ bảy hằng tuần.

Một hình thức khác thú vị hơn của ngủ lang là cắm trại nhóm gia đình. Trong khoảng thời gian này, các ông bố bà mẹ trao đổi với nhau về công việc, nuôi dạy con cái, các vấn đề ở trường, lớp của con, những mối lo ngại chung... còn lũ trẻ dĩ nhiên là được trải nghiệm một cuộc sống thực tế thú vị cùng nhau - đó là những kỷ niệm quý báu sau này khi trẻ lớn lên.

(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Vì sao bé bị chậm tăng trưởng?


Con trai tôi 5 tuổi 1 tháng mà chỉ nặng 15kg, cao 103cm. Từ khi 2 tuổi tới giờ mỗi năm cháu chỉ tăng được 1kg. Thực đơn của cháu hằng ngày như sau: buổi sáng ăn một bát cháo hay cơm rồi đến trường, về nhà cháu uống một hộp sữa Mộc Châu, buổi tối cháu ăn hết một bát cơm đầy với thức ăn khá nhiều.

Mọi người nói tôi cho cháu ăn nhiều chất nên không lớn được, tôi bèn giảm thức ăn giàu dinh dưỡng, cháu còn còi hơn. Xin tư vấn để tôi có cách chăm sóc con tốt nhất.

Quế Anh (tqs245@...)

- So với mức tăng trưởng trung bình của các cháu cùng độ tuổi trên là nặng 18,2kg và cao 109cm thì con trai chị bị chậm tăng trưởng. Ở độ tuổi này mỗi năm cháu phải tăng bình quân 2kg.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tăng trưởng chậm như thiếu máu do thiếu chất sắt, thiếu kẽm, thiếu chất đạm và chất béo trong chế độ ăn, hoặc cháu ăn vẫn đủ nhưng cơ thể không dung nạp và tiêu hóa hết thức ăn như trẻ bình thường, có thể do cháu mắc một bệnh tật nào đó gây giảm hấp thu (như thiếu enzyme hoặc mắc bệnh làm giảm đồng hóa các chất dinh dưỡng, gây chậm tăng trưởng như suy tuyến giáp hay suy tuyến yên).

Tuy vậy, chị không nên lo lắng vì thông thường ở các cháu ăn đủ, ăn nhiều nhưng không tăng trưởng kéo dài là do thiếu một số chất dinh dưỡng đặc hiệu như thiếu chất sắt, kẽm, lysine, kết hợp với thiếu vitamin C, vitamin nhóm B.

Khi được chẩn đoán do thiếu các chất này, có thể thiếu nhẹ, các cháu sẽ được bổ sung kéo dài hoặc từng đợt 20-25 ngày mỗi tháng kết hợp với chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng hằng ngày thường sẽ có hiệu quả tốt. Vì vậy chị cần cho cháu đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi khám và chữa đúng căn nguyên để cháu chóng đuổi kịp các bạn.

TS.BS NGUYỄN THANH DANH (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) - TTO

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Khen, chê con thế nào cho đúng!

Lời khen luôn có giá trị cao hơn bất cứ phần thưởng nào cha mẹ dành cho con cái. Nhưng cách khen chê của cha mẹ cũng ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của con sau này.

Khen, chê đúng cách

Trẻ em thường rất nhạy cảm, chính vì vậy, lời khen của bạn cần thật tâm thì mới có giá trị. Sự thật tâm đó thể hiện đầu tiên ở mức độ khen ngợi.

Nếu bạn cảm thấy hài lòng khi trẻ thu dọn xong những món đồ chơi một cách gọn gàng, bạn chỉ nên khen: “Con làm việc giỏi lắm!” thay vì khen: “Con của mẹ thật tuyệt vời!”. Một lời khen ngẫu hứng và dễ dãi có tác hại không kém những lời chê bai quá mức.
Trẻ cảm thấy để trở thành đứa con tuyệt vời khá dễ dàng và rất khó để tiếp nhận một lời nhận xét tiêu cực (dù đó là thực tế) nếu trẻ làm sai. Hãy cố gắng để trẻ nhìn thẳng vào bản chất của sự việc, bởi trong thực tế cuộc sống, để trở nên tuyệt vời trong mắt ai đó thật vô cùng gian nan và chẳng hề giản đơn chút nào.

Việc khen không đúng chỗ sẽ làm trẻ có khuynh hướng trông mong mãi một lời khen cho một việc làm nào đó, bất kể điều đó có đáng được khen hay không. Thay vào đó, bạn cần phát triển lòng tự tin và cảm giác hãnh diện của trẻ vì thành quả đạt được là do chính trẻ đã làm nên. Trẻ thường có tâm lý thích và rất vui sướng, hân hoan khi được khen thưởng, đặc biệt ki trẻ biết bạn nhận ra giá trị và sự tài ba của mình. Vì thế, néu không cẩn thận bạn sẽ vô tình làm lu mờ niềm tin của trẻ khi mỗi việc dù rất nhỏ cũng đều đưa trẻ lên "chín tầng mây".

Ngoài ra, những câu nói đơn giản như: "Cám ơn con đã phụ giúp mẹ" hoặc "Ba mẹ rất vui vẻ thành tích học tập của con"... luôn có những sức mạnh diệu kỳ. Chúng đồng thời góp phần làm tăng mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình, tạo nên sự mật tiết giữa cha mẹ và con cái.

Hơn thế, khi cha mẹ tích cực khen trẻ và khen đúng lúc sẽ là bí quyết mang lại sự thành công không chỉ riêng cho việc giáo dục trẻ, mà còn cho cả chính bản thân mình.
Những điều cần tránh

Khi bị chê bai quá nhiều, trẻ có thể phản ứng theo hai thái cực khác nhau. Có trẻ tỏ ra chán nản vì nghĩ rằng cho dù có làm gì cha mẹ cũng chẳng hài lòng dẫn đến trẻ thiếu tự tin. Lại có trẻ tuy vẫn cố ép mình để làm hài lòng cha mẹ nhưng đến một lúc nào đó, trẻ sẽ có phản ứng bùng phát do bị dồn nén bấy lâu nay.

Nhiều ông bố bà mẹ vẫn tiết kiệm lời khen, hào phóng lời chê với suy nghĩ như thế sẽ hạn chế thói tự kiêu, kích động lòng tự trọng để trẻ không ngừng cố gắng. Tuy nhiên, điều này đôi khi gây tác dụng ngược lại. Bên cạnh đó, việc trẻ thường xuyên bị cha mẹ chê bai, nhất là khi có sự hiện diện của người khác là điều tối kị.

Nếu bị chê bai trước bạn bè hậu quả sẽ càng tệ hơn. Trẻ có khuynh hướng xem như mình bị xúc phạm nặng nề, bị sỉ nhục và sinh lòng oán trách cả cha lẫn mẹ. Đồng thời, trẻ có thể phản ứng lại một cách tiêu cực như cãi tay đôi với cha mẹ, đập phá đồ đạc, xé rách tập vở... tuỳ theo tính cách của từng đứa. Không ít trẻ bị đối xử như thế lâu ngày dần trở thành thói quen và lòng tự trọng cũng như sự tự tin của trẻ bị bào mòn rất khó phát triển mai sau.
Theo Cha mẹ trẻ

Giúp bé phát triển kỹ năng xã hội

Nếu con bạn sợ hãi khi gặp người lạ, đừng buồn hoặc bối rối. Hãy cùng tìm ra giải pháp để bé hòa nhập xã hội nhé.

Vai trò của mẹ

Nếu con bạn đã biết sợ hãi khi gặp người lạ, đừng buồn hoặc bối rối. Thông thường các bé trở nên lo lắng với những người không quen biết xung quanh khi được 7 tháng. Nếu bé khóc khi bạn để cho một người họ hàng xa bế, hãy bế trẻ lại và nhẹ nhàng dỗ trẻ. Tiếp tục dỗ trẻ để trẻ yên tâm khi được mẹ bế nếu có nhiều người lạ xung quanh. Sau đó, nói chuyện và chơi với bé khi đang bế.
Đưa bé cho người họ hàng bế một lúc và nhớ là phải gần bé. Cuối cùng, hãy rời phòng một vài phút và quan sát. Nếu bé vẫn khóc to, hãy thử lại một lần nữa. BS. David Geller, Boston cho biết “Mẹ đi ra và đi vào phòng nhiều lần, dần dần bé sẽ yên tâm với ý nghĩ rằng mặc dù mẹ không ở bên bé ngay lúc ấy, nhưng mẹ sẽ quay trở lại”.
Bé chập chững biết đi có thể học hỏi điều bổ ích từ các bé cùng trang lứa, do đó hãy để các bé chơi với nhau, nhưng nhớ rằng mẹ phải có thật nhiều đồ chơi trong phòng bé. Bé nhà bạn có thể gặp khó khăn khi chia sẻ đồ chơi với các bạn khác nhưng bạn có thể hạn chế những mẫu thuẫn này.
Nếu đứa con 2 – 3 tuổi của bạn có vẻ hơi ích kỷ, bạn sẽ lo lắng rằng bạn sẽ làm hư bé. Đừng coi trọng hóa vấn đề đó. Trẻ con ở tuổi này thường rất muốn mình là trung tâm. Điều quan trọng là hãy tạo cơ hội để dạy trẻ những thói quen tốt. Hãy dạy trẻ nói “xin”, “ạ”, “cảm ơn”, dạy trẻ khen ai đó làm tốt công việc, và chia sẻ. Tham gia chơi trò chơi cùng bé hoặc đăng ký lớp học cho bé để bé có cơ hội được chơi với các bé khác. Dần dần bé sẽ học được cách làm quen và chơi với bạn bè, đồng thời bé sẽ trở nên năng động hơn trong cuộc sống tương lai.
Theo Babycenter/Eva

Làm gì để bé không biếng ăn?

Khảnh ăn, biếng ăn là hiện tượng thường gặp ở trẻ. Bố mẹ thường rất vất vả để dỗ cho trẻ ăn và mỗi lần ăn cứ như một cực hình.

Khảnh ăn không những khiến trẻ yếu vì thiếu dinh dưỡng mà còn ảnh hưởng đến trí não trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ khảnh ăn, nhưng nguyên nhân chính có lẽ là do bố mẹ không cho con ăn một cách khoa học, cho trẻ ăn vặt quá nhiều trước bữa ăn, chỉ cho trẻ ăn một vài món cụ thể nên trẻ trở nên kén ăn.

“Dụ” trẻ ăn thế nào?

- Nên cho bé ăn theo thời gian biểu. Các bữa ăn phải được lên kế hoạch cụ thể theo đúng quy luật 3 bữa một ngày. Không được cho trẻ ăn vặt bừa bãi gây ảnh hưởng đến bữa chính.

- Cho thêm các món mới vào thực đơn của bé để bữa ăn phong phú và đa dạng. Mẹ có thể nêm thêm các loại gia vị có mùi hương lạ để bé tập làm quen như hành, hẹ, rau thơm…

- Cho trẻ cùng ngồi ăn với gia đình, nếu trẻ lớn và đã mọc răng có thể cho bé nếm một số món của người lớn để bé vừa làm quen với món ăn mới vừa có thói quen ăn cùng bố mẹ từ khi còn bé.

- Nên tạo không khí thoải mái cho bữa ăn, không nên dọa nạt, mắng mỏ và thúc ép trẻ ăn như “không ăn mẹ gọi ông ù vào bắt nhé!”, hoặc “sao con lười ăn thế, lần sau mẹ cho nhịn”…
- Khi trẻ đã lớn, hãy cho trẻ tự xúc ăn, ngồi bên và khuyến khích, động viên trẻ ăn. Không nên tạo thói quen ăn rong vì như vậy trẻ sẽ rất quấy nếu không được ra ngoài. Ăn rong cũng không tốt cho dạ dày bé vì khi ra ngoài sẽ có rất nhiều vi khuẩn có hại làm ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của bé.
Theo Eva

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

Bé 6 tháng tuổi biết đi khi chưa biết bò

Thế giới có bao điều cần khám phá, và đó là lý do cậu nhóc Xavier King ở Cambridge, Anh, "quyết" biết đi khi mới 6 tháng tuổi.

Bố mẹ cậu bé, David và Mary đã kinh ngạc khi con trai mình bước những bước đầu tiên sớm hơn nửa thời gian so với hầu hết các em bé khác.

"Chúng tôi thật sự rất 'choáng' và đã không tin nổi khi nhìn thấy con đứng lên và tự đi", Mary, 30 tuổi, mẹ cậu bé nói.

Ảnh:
Cậu bé 6 tháng tuổi này đã có thể tự đi quanh phòng mình. Ảnh: Dailymail.

Theo Dailymail, Xavier sinh vào tháng 7 năm ngoái, nặng 4,1kg. Khi mới 3 tháng tuổi cậu bé đã tự ngồi được. Bố mẹ bé cũng nghĩ rằng con mình phát triển nhanh hơn các bạn cùng lứa nhưng họ vẫn ngạc nhiên khi con bắt đầu đi mà chưa biết bò bao giờ khi mới tròn nửa năm.

Cả bố và mẹ bé khi còn nhỏ đều biết đi sau một tuổi.

Ảnh:
Bố và mẹ của bé Xavier cũng phải bất ngờ khi thấy cậu nhóc của mình bước những bước đầu tiên. Ảnh: Dailymail.

Trẻ em có khuynh hướng bắt đầu tập đứng khi được khoảng 9 tháng và bắt đầu tự đi được khi 11 hay 12 tháng. Hầu hết các bé có thể đi thạo khi 18 tháng, mặc dù một số bé có thể chậm hơn.

Chuyên gia về phát triển trẻ em, tiến sĩ Martin Ward Platt cho rằng, trường hợp biết đi sớm như thế này thực sự rất đặc biệt. Và theo ông, bố mẹ em không cần phải lo lắng hay gì cả, họ chỉ cần tạo điều kiện thuận lợi cho con tiếp tục phát triển và cần luôn để mắt đến cậu con trai đã biết đi của mình hơn thôi.

Các mốc phát triển thông thường ở trẻ nhỏ:

- 4-12 tuần: Bé sẽ thử ngóc đầu dậy trong khi nằm sấp.
- 3-5 tháng: Bé biết với đồ.
- 5-6 tháng: Có thể nắm đồ và chuyển đồ vật từ tay nọ sang tay kia.
- 6-8 tháng: Có thể tự ngồi mà không cần người đỡ.
- 6-9 tháng: Bé bắt đầu học bò và có thể tập đứng.
- 10-18 tháng: Bắt đầu chập chững những bước đầu tiên.

VNE

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Bỏng, hóc hạt dưa... và những tai nạn ngày tết của trẻ

Mùa xuân mang đến hạnh phúc cho từng nhà, nhưng để được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc ấy, các bậc phụ huynh phải chăm sóc cho con trẻ thật cẩn thận để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy đến cho trẻ nhỏ trong những ngày tết bận rộn.


Bỏng - tai nạn đáng sợ

Chuẩn bị đón giao thừa, cả nhà quây quần quanh bếp lửa bên cạnh nồi bánh chưng xanh hay bánh tét. Tiếng tí tách của củi lửa, tiếng sôi sùng sục của nồi bánh chưng xanh, bánh tét chính là nguồn kích thích mãnh liệt thói hiếu động của các trẻ vừa chập chững biết đi. Chính vậy, té vào lửa, té vào nồi nước sôi là điều có thể xảy ra với trẻ.

Trẻ em thường rất hiếu kỳ với những đồ vật lạ. Ngày tết, bóng đèn nháy, nồi bánh chưng, hạt dưa... là những "vật lạ" trẻ muốn khám phá. Do vậy, bố mẹ nên để mắt đến con cái.

Khoa bỏng chỉnh hình bệnh viện Nhi Đồng 2 mới đây đã điều trị cho một bé trai ba tuổi, té chổng ngược vào nồi nước sôi chuẩn bị làm gà, vịt của một gia đình ở quận ngoại thành. Biết bao trẻ em ở các tỉnh xa lâm vào cảnh tương tự. Có những bé gái bị bỏng nặng đã phải mang tật nguyền suốt đời sau tai nạn té vào nồi nước sôi hay bếp lửa ngoài trời như vậy. Có trường hợp nặng hơn, gây ra tử vong cho trẻ nếu người nhà không biết hay việc cấp cứu không kịp thời.

Nếu chẳng may trẻ bị bỏng, phụ huynh nên xử trí như sau: 1. Dội nước lạnh sạch lên vết phỏng; 2. Dùng khăn sạch quấn quanh vết phỏng; 3. Đưa nạn nhân đến cơ sở gần nhất.

Lưu ý: tuyệt đối không được bôi nước mắm, kem đánh răng hoặc đắp con giấm lên vết bỏng vì sẽ làm cho vùng bỏng tổn thương nặng hơn và tăng nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng.

Uống nhầm nước tro tàu

Ngày tết, các gia đình ở nông thôn hay sử dụng nước tro tàu (tên hoá học là KOH) dùng làm nguyên liệu ngâm cho hạt nếp trong để làm bánh ú. Ngoài ra, nó còn được dùng để làm cho các loại rau củ giữ được màu tươi xanh khi luộc. Vì nước tro tàu không màu, giống như nước chín nên trẻ em rất dễ uống nhầm, cũng vì là một chất bazơ ăn mòn nên gây bỏng thực quản rất trầm trọng, đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài và phức tạp. Khoa ngoại tổng hợp bệnh viện Nhi Đồng 2 đã từng mổ tái tạo thực quản cho nhiều trường hợp trẻ uống nhầm phải nước tro tàu như vậy, thời gian nằm viện không dưới một tháng, ảnh hưởng nhiều đến việc học và công việc làm ăn của cha mẹ.

Coi chừng sốc điện

Đón xuân về, trong mỗi nhà không thể thiếu cành mai, hay nhành đào. Để tăng vẻ đẹp, có một số gia đình thường quấn quanh nó một hệ thống đèn nhấp nháy cho thêm phần lộng lẫy lúc về đêm. Nguồn điện để thắp sáng các bóng đèn này là mối nguy cơ tiềm tàng cho các bé. Bé có thể bốc tay vào các bóng đèn, những chỗ ráp nối điện bị hở, hoặc thậm chí chúng tôi còn gặp các trường hợp bé chẳng ngần ngại đút cả ngón tay hoặc cầm chiếc muỗng kim loại đút ngay vào ổ cắm điện. Sốc điện rất nguy hiểm, có thể gây ngưng tim, tử vong tại chỗ. Ngoài ra, vết thương do phỏng điện, nhìn bên ngoài tuy rất nhỏ gọn, nhưng thật sự tổn thương bên trong rất sâu, lâu lành.

Tránh sốc vỏ hạt bí, hạt dưa và dị ứng phấn hoa

Ngày xuân, ngả lưng trên ghế sofa với tờ báo xuân trên tay, miệng nhai hạt dưa lách tách là một thú thưởng ngoạn tại gia khá thi vị. Tuy vậy, các bậc phụ huynh nên thận trọng vì hạt dưa cũng như vỏ hạt dưa và một dị vật đường hô hấp khá nguy hiểm cho trẻ nhũ nhi, thường hay có thói quen cho bất cứ thứ gì nhặt được vào miệng. Khoa hô hấp bệnh viện Nhi đồng 2 đã điều trị nhiều trường hợp viêm phổi kéo dài, không đáp ứng với điều trị nội, đến khi chụp CT scan thì phát hiện dị vật kẹt ở khí phế quản, và phải tiến hành nội soi để gắp ra những mảnh vỏ hạt dưa, bí hoặc hướng dương cho trẻ.

Để tô điểm cho mùa xuân, trong nhà thường không thể thiếu những bình hoa chậu kiểng. Tuy vậy, phấn hoa lại là tác nhân dễ gây dị ứng đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là đối với những trẻ đã có tiền căn viêm mũi họng dị ứng nhiều lần trước đó. Chính vì vậy, nên hạn chế trang trí các loại hoa trong phòng ngủ hoặc nơi trẻ hay nô đùa để tránh gây kích thích đường hô hấp cho trẻ, khởi phát các cơn suyễn.

Nhìn chung, tai nạn có thể xảy ra cho trẻ ở bất cứ lứa tuổi nào, vào bất kỳ thời điểm nào. Những tai nạn này thường xảy ra do bất cẩn lúc sinh hoạt, đặc biệt là những hoạt động dồn dập, tất bật trong những ngày tết. Bận tay với công việc, thảnh thơi với những ngày nghỉ cuối năm, các vị phụ huynh đừng quên thỉnh thoảng phải ghé mắt trông chừng khi trẻ nô đùa. Bởi vì bất cứ vật gì trong tình huống nào, dù thật bình thường và vô hại với người lớn nhưng đều có thể là một nguy cơ tiềm ẩn tạo nên những tình huống nguy hiểm bất ngờ cho con trẻ!

Theo Sài Gòn tiếp thị

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2010

Bé Bôm - Bảy năm trải qua 7 cuộc phẫu thuật

Đó là giai đoạn 7 năm diễn viên Quốc Tuấn vắng bóng trên màn ảnh. 7 năm vợ chồng anh lao đao khắp mọi phương trời để giành giật sự sống cho con, khi chẳng may cháu mắc phải căn bệnh oái ăm hiếm gặp trên thế giới: Hội chứng xương sớm cứng cục bộ (APERT).
Lắc đầu để thấy chân chạm đất

Khi tôi đề cập đến chuyện của Bôm (con trai anh, tên khai sinh là Nguyễn Anh Tuấn) và hành trình 7 năm đưa con đi chữa bệnh, diễn viên Quốc Tuấn chối đây đẩy: “Mọi khổ cực đã qua rồi, anh không muốn nói lại nữa, bởi có nói thì không ai có thể hiểu hết được”. Thấy tôi “bám trụ”, cuối cùng anh đã đồng ý gặp gỡ để “chỉ nói chuyện như hai người bạn”. Sau câu chuyện tưởng chừng như không liên quan gì đến cu Bôm, chúng tôi ngược trở về dòng cảm xúc của những năm tháng mà anh vừa trải qua.

Quốc Tuấn kể: “Suốt những năm đầu của Bôm, vợ chồng tôi lấy bệnh viện làm nhà. Trung bình mỗi năm, cháu phải đi phẫu thuật hai lần ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Cho đến năm Bôm được 3 tuổi rưỡi, nhờ sự giới thiệu của bác sĩ Liêm - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu được sang Australia phẫu thuật nới hộp sọ. Năm 2008, lúc 6 tuổi, Bôm may mắn được Giáo sư Daehyun Lew (Bệnh viện Sevenance, Hàn Quốc) nhận làm phẫu thuật.

Bảy năm trải qua 7 cuộc phẫu thuật, đối với một đứa trẻ, đó là cả một kỳ tích. Còn với vợ chồng Quốc Tuấn, để làm thay đổi sự khắc nghiệt của số phận, họ đã phải trải qua một chặng đường khó khăn nhất trong cuộc đời. Nuôi một đứa trẻ bình thường đã vất vả, còn với Bôm thì sự vất vả của vợ chồng Quốc Tuấn khó có lời lẽ nào diễn tả hết. Đợt anh mang Bôm sang Australia phẫu thuật, do trục trặc từ phía nhà tài trợ nên vợ anh không được đi cùng. Thời tiết mùa đông ở đây lại khắc nghiệt. Nước Australia rộng lớn, tứ bề là biển, mùa đông đi ra đường gió thổi bạt người. Ở trong nhà mở cửa ra thì lạnh, đóng cửa vào thì ngột ngạt vì áp suất trong phòng rất cao. Để một chậu nước trong phòng, nước bay hơi nhiều đến nỗi cửa kính mờ đi vì hơi nước. Nếu đặt chậu nước trong phòng thì Bôm không bị nề, nhưng hơi nước nhiều lại khiến cho mọi thứ ẩm ướt rất khó chịu.

Thời tiết khắc nghiệt, cộng thêm hàng trăm mối lo khác về cuộc phẫu thuật và tình trạng sức khoẻ của con khiến Quốc Tuấn không thể ngủ được. Ngày mới sang, vì chưa quen với thời tiết nên anh thức suốt một tuần liền, đến nỗi anh ngủ gật ngay dưới chân giường Bôm nằm trong phòng điều trị tích cực của bệnh viện. “Có hôm thấy mình như người mộng du, người cứ chơi vơi, chơi vơi... Đến khi nhớ ra là mình đang bế con liền tự nhủ: Cứ thế này thì làm rơi con mất! Thế là tự thấy mình không thể cho phép mình ngã gục được. Mình ngã là con mình chết. Lắc lắc cái đầu để thấy chân mình đang chạm đất, thế là lại ôm con bước đi...”, Quốc Tuấn tâm sự.

Những năm tháng ở Bệnh viện Nhi Trung ương, có những đêm mất ngủ nhưng ngày anh vẫn đi tập tennis để rèn luyện thể lực. Nhiều khi vợ anh cằn nhằn rằng “không tranh thủ mà ngủ đi”, nhưng anh vẫn không nghe. Bởi anh biết, nếu nằm ngủ mà không ngủ được càng dễ bị qụy. Nên chỉ có thể dùng sức mạnh tinh thần để kéo mình dậy, để chống chọi với bệnh tật của con. Mặc dù trong lòng đau khổ nhưng anh không bao giờ bộc lộ sự đau khổ của mình ra với ai. Lúc nào anh cũng cười vui.

Diễn viên Quốc Tuấn luôn dành thời gian vui đùa cùng con trai.


Đưa con trở lại cuộc sống

Quốc Tuấn nói rằng, hành trình đi tìm sự sống cho con đã giúp anh có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống. Và đó cũng chính là bước ngoặt trong cuộc đời của anh. Lần đầu tiên sau 7 năm im lìm với nghiệp diễn, anh đã quay trở lại môn nghệ thuật thứ 7 với vai trò mới: Nhà biên kịch và đạo diễn phim. Bộ phim truyền hình dài 55 tập “Trái tim kiêu hãnh” do anh tự viết kịch bản đã nhận được sự hợp tác từ phía nhà tài trợ. Theo kế hoạch, ra Tết sẽ bắt đầu khởi quay và được phát sóng trong năm 2010.
Bằng sức mạnh tinh thần, vợ chồng anh đã vượt qua những thời khắc cam go nhất của bản thân. Làm diễn viên, nhưng suốt 7 năm qua không bao giờ Quốc Tuấn dám xa Hà Nội, dù chỉ là một ngày. Một phần vì sức khoẻ của Bôm không cho phép. Hơn nữa, anh không thể yên lòng làm việc gì đó khi trong lòng đầy sự lo lắng về con.

Ngay cả sau này, khi Bôm khỏi bệnh, sức khoẻ hoàn toàn được phục hồi sau cuộc phẫu thuật lần thứ 7 thành công ở Hàn Quốc thì vẫn chưa hết khó khăn. Bôm vào lớp 1, cũng là lần đầu tiên Bôm được tiếp xúc với môi trường trường lớp. Bởi suốt cả một thời gian dài trước đó, Bôm chưa được đến trường mầm non bao giờ. Bôm dường như sống cách biệt trong môi trường gia đình chỉ có bố và mẹ. Với vợ chồng anh, cho con vào học lớp 1, khó khăn không phải là ở vấn đề học chữ mà là vấn đề giao tiếp và hoà nhập của con. Sau một thời gian chật vật với việc tìm trường, rất may anh cũng đã tìm được một ngôi trường thân thiện thực sự cho con.

Để giúp con nhanh chóng hoà nhập vào môi trường mới, anh thường là người trực tiếp đưa Bôm tới trường và đón con mỗi ngày. Mỗi khi tan học, anh cùng Bôm đá bóng ở sân trường với những đứa trẻ khác. Bôm thích dắt tay bố đến chỗ này chỗ khác để kể cho bố nghe mọi chuyện ở trường. Đối với Bôm, bố không chỉ là “thần tượng”, là điểm tựa tinh thần mà là một người bạn thân thiết nhất. Nhờ hiểu tâm lý trẻ, bằng sự gần gũi của người bố, Quốc Tuấn đã từng bước đưa con hoà nhập với môi trường mới một cách nhanh chóng. Hiện nay Bôm đã trở thành một đứa trẻ chững chạc và khá tự tin. Bôm vẫn còn ít nói, ít trao đổi, ít giao tiếp với các bạn nhưng về nhà thì kể chuyện ríu rít, nào là hôm nay ở lớp Bôm ăn món này ngon, món này dở. Nào là hôm nay bạn này bị cô phạt. Nào là hôm nay Bôm nằm ngủ bên cạnh bạn này... Bôm đánh đàn rất giỏi. Bôm đã tự đánh được 40 bản nhạc. Bôm là đứa trẻ ham tìm tòi, thích hoạt động. Bôm say sưa vẽ và dán tác phẩm của mình khắp nhà...
Đứa trẻ phi thường

Theo ThS. Tâm lý Nguyễn Hoài Nga, Trung tâm tư vấn tâm lý Save, Hà Nội về mặt giao tiếp, Bôm phát triển được như vậy là rất nhanh. Việc tiếp nhận kiến thức sẽ không bị cản trở gì vì chỉ số IQ của Bôm hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác. Về nghị lực, thì Bôm là số một, là một đứa trẻ phi thường.

Giáo sư Daehyun Lew người trực tiếp phẫu thuật cho Bôm ở Hàn Quốc đã hết sức ngỡ ngàng vì nghị lực của Bôm. Lúc Bôm mới sang Hàn Quốc, ông giáo sư này cầm tay Bôm thì cháu giật phắt ra. Lúc đó, ông Lew nói với vợ chồng Quốc Tuấn rằng: Ông rất lo vì việc phẫu thuật cho Bôm thành công hay không rất cần đến sự hợp tác của cháu. Nhưng Bôm đã không như vậy. Giáo sư Lew đã không ngờ rằng, những nỗi đau mà cuộc phẫu thuật mang lại, người lớn còn không thể chịu nổi vậy mà Bôm đã dũng cảm vượt qua. Có những lúc Bôm phải cắn chặt răng đến vã mồ hôi để chịu đựng. Ngồi bên con, nghe con rên “bố ơi, con đau”, mà Quốc Tuấn lòng đau tưởng chừng rỉ máu. Sự phi thường của Bôm khiến cho Giáo sư Lew vô cùng xúc động. Lúc ông đi thăm các bệnh nhân sau phẫu thuật, ông đã mua một con chó bông tặng Bôm.

Giờ, mọi giông bão đã qua. Dù Quốc Tuấn không nói ra nhưng tôi hiểu, những năm tháng “chiến đấu” với bệnh tật của con là những năm tháng đau khổ cùng cực nhất đối với vợ chồng họ. Anh đã đi đến tận cùng của sự sống và cái chết bằng chính tinh thần thép của mình. Tinh thần đó anh đã truyền sang cho Bôm.
Gia đình

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Trẻ còi xương - Dấu hiệu và cách phòng ngừa

Trẻ sinh thiếu tháng, trẻ lên cân nhanh, trẻ thấp còi, trẻ ít được phơi nắng,... đều có thể bị còi xương. Mặc dù vậy, rất nhiều bà mẹ chưa nhận biết được dấu hiệu còi xương của con. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu kinh nghiệm của một số bà mẹ và ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng về vấn đề này.

Chị Đào Bích Hạnh (Thanh Xuân - Hà Nội)

Tôi mang thai được 36 tuần thì bị vỡ ối nên sinh sớm hơn dự định. Con trai tôi khi sinh ra nặng 2,8kg, bác sĩ bảo cháu bị còi xương, thóp trước, thóp sau của cháu bị hở khá nhiều. Sau 3 tuần nằm viện thì cháu được về nhà. Bác sĩ hướng dẫn tôi là mỗi buổi sáng phải cho con tắm nắng khoảng 15 phút kết hợp với uống vitamin D3, canxi cùng chế độ ăn uống của mẹ để có nhiều sữa, đủ dinh dưỡng cho con. Nhưng vì sinh thiếu tháng nên cháu yếu ớt, lại là mùa đông nên tôi không dám cho cháu tắm nắng nhiều. Chỉ cho con ngồi ở cạnh cửa sổ hoặc những hôm ấm áp mới dám cho cháu ra ban công phơi nắng. Tôi cho con uống thuốc cùng chế độ dinh dưỡng như bác sĩ khuyên, cuối cùng thì tình trạng sức khỏe của cháu có cải thiện hơn một chút. Tuy nhiên mọi sự phát triển của con tôi đều chậm hơn so với những trẻ khác.

Chị Lê Thị Nhâm (Đống Đa - Hà Nội)

Con tôi sinh ra đủ ngày đủ tháng và nặng 4kg. Cháu bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu và tăng cân rất tốt. Tháng đầu cháu tăng 2kg, tháng thứ 2 tăng 1,7kg. Khi cháu được 5 tháng thì đã nặng tới 11kg. Nhìn con lớn từng ngày tôi mừng lắm. Hiềm một nỗi cháu rất hay quấy khóc ban đêm. Mọi người mách chữa mẹo thế nào tôi cũng nghe theo, miễn là làm sao để con thôi quấy khóc. Nào thì để đôi đũa với con dao ở đầu giường; đốt vía; để roi dâu ở gầm giường; thậm chí mẹ chồng tôi còn mời cả thầy về cúng giải vía mà cháu vẫn không hết quấy khóc. Cho đến khi được 10 tháng tuổi, con tôi bị sốt và khi đi khám bệnh, bác sĩ bảo cháu bị còi xương thì tôi mới biết. Ban đầu tôi còn thắc mắc là con tôi tăng cân như thế thì sao mà còi xương được, thì bác sĩ giải thích: đầu to, tóc rụng kiểu vành khăn, đặc biệt là hay giật mình, quấy khóc ban đêm là điển hình của bệnh còi xương. Còn không phải cứ lên cân tốt là không bị còi xương. Con tôi bị còi xương thể bụ... Lúc ấy tôi mới hiểu và cho con uống thuốc theo đơn của bác sĩ dinh dưỡng. Vài tháng sau thì tóc cháu bắt đầu mọc, nhưng đến giờ đầu cháu vẫn hơi to so với bình thường. Chắc đó là do hậu quả của còi xương gây nên.

ThS. Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

Qua thực tế khám bệnh và tư vấn tại Viện Dinh dưỡng cho thấy còi xương là bệnh phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi. Tình trạng còi xương thường gặp ở các trẻ đẻ non, trẻ sinh thiếu tháng, thiếu cân, trẻ có hội chứng kém hấp thu, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ không được tắm nắng... Một số trẻ tăng cân nhanh, bụ bẫm cũng là một yếu tố nguy cơ gây còi xương. Ở những trẻ này nhu cầu về canxi, phốt-pho cao hơn trẻ bình thường, mà ở trong thức ăn thì có rất ít vitamin D (loại vitamin giúp hấp thu canxi), nên không đáp ứng đủ nhu cầu canxi của trẻ. Ở những trẻ này được gọi là còi xương thể bụ bẫm.

Các triệu chứng thường gặp ở trẻ còi xương là hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi, rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn, thóp mềm và chậm liền, chậm mọc răng, chậm biết lẫy, bò, đi... Nguyên nhân gây còi xương ở trẻ em phần lớn là do thiếu vitamin D. Trẻ ăn sữa bột có nguy cơ còi xương cao hơn trẻ bú mẹ. Tuy nhiên, ngay cả sữa mẹ cũng không cung cấp đủ vitamin D cho trẻ, vì thế trẻ cần "lấy" thêm chất này qua việc tắm nắng mặt trời.

Có nhiều bà mẹ không biết con quấy khóc do bị còi xương nên đã tìm cách chữa bằng "mẹo" mà không mang lại kết quả. Cũng có nhiều bà mẹ khi biết con bị còi xương thì tìm cách bổ sung canxi. Tuy nhiên nếu cung cấp đủ canxi mà thiếu vitamin D thì cơ thể cũng không hấp thu được.

Để dự phòng còi xương, ngay từ thời kỳ mang thai, người mẹ nên dành thời gian tắm nắng, đi dạo ngoài trời, chọn thực phẩm giàu vitamin D và canxi. Khi thai được 7 tháng, bà mẹ có thể uống 1 ống vitamin D 200.000 IU để phòng còi xương cho con. Trẻ sinh ra cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khi đã ăn bổ sung, cần cho dầu mỡ vào bát bột để tăng hấp thu vitamin D (có nhiều trong cá, thịt, trứng, nấm...) vì chất này thuộc loại vitamin tan trong dầu. Cho trẻ ăn các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá và uống sữa nếu mẹ thiếu sữa hoặc khi đã cai sữa mẹ. Hằng ngày, cần cho trẻ tắm nắng, để lộ chân, tay, lưng, bụng. Chỉ cần 15-30 phút tắm nắng vào buổi sáng trước 9 giờ, tiền tố vitamin D trên da trẻ sẽ được chuyển thành vitamin D. Cho trẻ uống vitamin D 400 IU mỗi ngày trong suốt năm đầu tiên, nhất là về mùa đông, đặc biệt cần với trẻ sinh non, nhẹ cân.

Đối với những trẻ đã bị còi xương thì việc bổ sung vitamin D qua đường ăn uống là rất hạn chế, vì trong thức ăn có rất ít vitamin D. Với những trẻ này thì cần tích cực tắm nắng hoặc bổ sung vitamin D bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ mới điều trị được bệnh còi xương.

suckhoedoisong

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2010

Thai phụ không nên ăn nhiều mứt Tết

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, có lời khuyên: Phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều mứt Tết.

Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phụ nữ mang thai có nhu cầu dinh dưỡng tăng cao, nhất là trong ba tháng giữa và ba tháng cuối nhưng mức độ tăng nhu cầu các chất lại không đồng đều. Trong khi nhu cầu năng lượng lúc mang thai chỉ tăng khoảng 20% so với lúc chưa có thai nhưng nhu cầu các chất khác có thể tăng trên 50%, thậm chí tăng gấp đôi.

Thai phụ không nên ăn nhiều mứt Tết - Tin180.com (Ảnh 1)

Do vậy, phụ nữ mang thai cần chọn lựa thực phẩm có dinh dưỡng cân đối, giàu vitamin và khoáng chất hơn là chỉ giàu năng lượng. Mứt tuy được làm từ trái cây hoặc củ nhưng đã mất hết vitamin và thành phần chủ yếu của mứt chỉ là đường ngọt. Do vậy, cũng giống như bánh kẹo ngọt hoặc nước ngọt, mứt sẽ cung cấp năng lượng rỗng (chỉ có năng lượng nhưng không kèm các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như chất đạm, vitamin, hay khoáng chất…).

Chính vì thế, nếu ăn nhiều mứt các sản phụ sẽ tăng cân nhanh nhưng không có dưỡng chất cần cho thai nhi tăng trưởng. Hơn nữa, ăn mứt nhiều có thể sẽ làm sản phụ ăn mất ngon trong bữa chính (là bữa ăn có đủ dưỡng chất) hoặc bỏ đi một vài bữa phụ nên càng không tốt cho thai.

Tóm lại, phụ nữ mang thai vẫn ăn được mứt nhưng cũng chỉ ăn có mức độ. Nếu chỉ vì buồn miệng thì có thể nhâm nhi các loại hạt hướng dương, hạt dẻ, hạt bí đỏ, các loại đậu sấy hoặc ăn trái cây sẽ tốt hơn nhiều.

(theo Sài Gòn tiếp thị)

Dinh dưỡng theo lứa tuổi của bé

Trẻ phát triển qua nhiều giai đoạn và nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Các bà mẹ cần chuẩn bị những kiến thức cơ bản để không lúng túng khi lần đầu tiên làm quen với việc nuôi trẻ.

1. Trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi

Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn và không uống thêm bất cứ loại nước gì. Việc cho bú càng nhiều càng tốt, ít nhất 8 lần/ngày đêm. Một lần bú hãy cho bé bú hết một bầu vú, nếu bé còn đói mới bú sang bầu vú bên kia.

Trường hợp người mẹ không có sữa thì cho trẻ bú loại sữa dành cho trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi. Lượng trung bình là 150 ml/kg/ngày.

Chú ý: Không pha trộn các loại sữa với nhau, pha đúng theo chỉ dẫn, vệ sinh bình sữa thật sạch (rửa xà bông, đun sôi bình, núm vú), cho trẻ uống nước theo nhu cầu của trẻ.

2. Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi

- Tập ăn dặm lúc trẻ được 4 đến 6 tháng tuổi: ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc dần, từ một nhóm thức ăn tới bốn nhóm thức ăn.

- Cuối tháng thứ sáu trẻ ăn khoảng 1-2 chén bột.

- Từ 6 tháng đến 24 tháng: Trẻ ăn bột hoặc cháo số lượng từ 1-5 chén/ ngày đêm.

Một chén hoặc bột của trẻ phải có: một muỗng canh rau xanh bằm + một muỗng canh thịt bằm ( cá, tàu hũ, tôm…) + một muỗng canh dầu ăn hoặc mỡ heo.

Dinh dưỡng theo lứa tuổi của bé - Tin180.com (Ảnh 1)

3. Trẻ từ 24 tháng đến 5 tuổi

- Ngày ăn 3 cữ chính: cơm, phở, mì, nui …

- Ăn thêm 3 cữ phụ: sữa, yaourt, chuối, tàu hũ, chè đậu…

4. Trẻ trên 5 tuổi:

- Ăn theo sở thích tương đương 6 chén cơm trong ngày.

- Uống sữa hoặc ăn thêm các thức ăn làm từ sữa tương đương 300 ml.

Lưu ý: Đây là hướng dẫn chung, nếu trẻ không tăng cân hoặc tăng cân quá mức thì cần cho trẻ đi khám dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.