Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Làm gì khi trẻ bị côn trùng đốt?


Khi mùa mưa đến, côn trùng, đặc biệt là muỗi sinh sôi, trở thành nỗi lo của rất nhiều bà mẹ. Những vết cắn của côn trùng tưởng như vô hại nhưng lại gây ngứa, sưng, viêm tấy và gây ra một số bệnh ngoài da, đặc biệt là đối với làn da mỏng manh của trẻ nhỏ.

Chúng ta hãy cùng nghe bác sĩ Vũ Hồng Thái – Giám đốc Bệnh viện Da Liễu tư vấn về những bệnh ngoài da có thể gặp.

Da tại vết cắn/châm đốt thông thường bị ngứa, cảm giác bỏng rát, có khi sưng lên thành những sẩn. Ở một số người nếu không được bôi thuốc đúng và kịp thời, vết cắn có thể gây nên những tác hại trên da như:

1. Nhiễm trùng thứ phát do gãi:

Khi côn trùng cắn, chúng sẽ phóng ra “nọc” độc là một vật thể lạ đối với cơ thể (yếu tố dị nguyên) xâm nhập vào máu. Cơ thể có sự đáp ứng của hệ miễn dịch – dị ứng tạo ra các histamine gây ngứa. Ngứa có khi thoáng qua nhưng ở một số người nhạy cảm sẽ bị ngứa rất nhiều. Chúng ta thường phản ứng lại bằng cách gãi, làm cho làn da bị tổn thương (trầy xước, rách da). Và nó sẽ là cửa ngõ để vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào cơ thể gây ra nhiễm khuẩn, làm cho sưng lên và có mủ.


2. Sẩn ngứa, chàm hóa

Đối với người có cơ địa dị ứng, chất tiết của côn trùng sẽ là tác nhân tạo ra đáp ứng miễn dịch. Ngứa có thể phát triển toàn thân và dẫn tới sẩn ngứa (nhiều sẩn u lên có khi thành cục kèm với ngứa tại vết cắn).

Ngứa gãi sẽ tạo thành tổn thương của bệnh chàm (chàm hóa): da tại vùng chàm có biểu hiện là những dát viêm đỏ kèm các mụn nước li ti. Ngứa nhiều, bệnh nhân gãi lâu ngày vùng da bị tổn thương dày lên, tăng sừng, xuất hiện các vết nứt, việc điều trị trở nên khó khăn.

3. Mất thẩm mỹ da

Nếu có nhiễm trùng thứ phát không điều trị, hay điều trị không đúng, các tổn thương lâu ngày trở nên chàm hóa, có khi gây ra sẹo lồi (ở những người có cơ địa sẹo lồi). Ngoài ra, còn bị các vết thâm do hiện tượng tăng sắc tố sau viêm; dày da, tăng sừng.

4. Để giảm thiểu các tác dụng có hại từ vết cắn do côn trùng và các bệnh do chúng gây ra, chúng ta cần tuân thủ các bước:

- Phòng bệnh (ngừa không để côn trùng cắn): Dọn vệ sinh sạch sẽ quanh nhà, không để nước tù đọng trong các bể chứa, lu, chai lọ. Cần mang theo các chai xịt chống, xua đuổi côn trùng; nhất là khi có trẻ em, người có tiền sử dị ứng nặng. Nếu ngủ đêm ngoài trời phải có túi ngủ, mùng.

- Điều trị (khi đã bị côn trùng cắn):

Trước tiên, chúng ta phải tránh gãi vì sẽ làm độc tố phát tán rộng, cũng như làm da bị chấn thương, trầy xước.

Trường hợp sưng đỏ và ngứa khu trú tại vết cắn của côn trùng: rửa sạch vết cắn sau đó bôi thuốc trị côn trùng cắn có tác dụng chống ngứa và kháng viêm.

Trường hợp sưng phù lan rộng kèm theo cảm giác ngứa, bỏng rát:

- Lấy ngòi độc ra nếu có. Rửa sạch vùng da bị cắn với xà bông và nước. Có thể chườm nước đá quấn trong khăn hoặc vải mỏng trong khoảng 10 phút, nghỉ 10 phút rồi lặp lại qui trình.

- Dùng thuốc thoa có tác dụng giảm ngứa, kháng viêm tại chỗ. Hiện nay, có một số loại thuốc với công thức cải tiến antedrug, ngoài hiệu quả kháng viêm, giảm ngứa, sưng tấy do côn trùng đốt còn hạn chế tác dụng phụ.

- Nếu tổn thương vẫn kéo dài nhiều ngày bạn nên đến khám tại bác sĩ Da liễu.

Trường hợp nọc độc gây ra sốc, đe dọa tính mạng: nên buộc garo vùng chi đó và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Giadinh

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Tác hại khi trẻ uống nhiều nước ngọt có ga


Mùa nóng con cháu rất thích uống nước ngọt có gas trong bữa ăn, cháu có thể uống nước có ga hàng ngày mà không chán, cháu ngăn thì có người bảo ga giúp tiêu hoá, cứ để con uống. Cháu muốn hỏi bác sỹ có phải thế không ạ?

Chuyên gia dinh dưỡng, PGS.TS Lê Bạch Mai trả lời:

Nước ngọt có ga đang ngày càng trở thành một thức uống công nghiệp quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Thông thường, với lượng uống vừa phải, sử dụng không thường xuyên, nước ngọt có ga cung cấp một phần năng lượng, tạo cảm giác thoải mái và phần nào đó kích thích tiêu hóa. Nhưng nếu dùng nhiều, nước ngọt có ga có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển và sức khỏe của bé:

Ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển thể lực

Do cung cấp thêm cho cơ thể bé 1 lượng đường đáng kể khiến trẻ dễ bị dư thừa năng lượng, dẫn tới thừa cân béo phì nhất là đối với trẻ vừa thích uống nước ngọt có ga nhiều, vừa ít vận động, ít chơi thể thao. Ngược lại, tiêu thụ quá nhiều nước ngọt sẽ khiến một số trẻ không ăn đủ lượng thức ăn giàu các chất dinh dưỡng trong bữa chính, không uống đủ sữa và đưa tới mất cân bằng năng lượng làm trẻ có thể bị suy dinh dưỡng. Cả thừa cân béo phì và suy dinh dưỡng đều là nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành (bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch...)

Ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển thể lực

Do cung cấp thêm cho cơ thể bé 1 lượng đường đáng kể khiến trẻ dễ bị dư thừa năng lượng, dẫn tới thừa cân béo phì nhất là đối với trẻ vừa thích uống nước ngọt có ga nhiều, vừa ít vận động, ít chơi thể thao. Ngược lại, tiêu thụ quá nhiều nước ngọt sẽ khiến một số trẻ không ăn đủ lượng thức ăn giàu các chất dinh dưỡng trong bữa chính, không uống đủ sữa và đưa tới mất cân bằng năng lượng làm trẻ có thể bị suy dinh dưỡng. Cả thừa cân béo phì và suy dinh dưỡng đều là nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành (bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch...)

Một số nước ngọt có ga chứa phosphoric, khi hấp thu nhiều vào cơ thể sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, làm giảm nguồn canxi cung cấp cho quá trình tạo xương.

Hại men răng

Các acid có trong nước ngọt có ga như phosphoric, citric... cộng với chất đường là các tác nhân làm mòn, hủy hoại men răng, gây sâu răng cho bé.

Rối loạn tiêu hóa

Nước ngọt có ga chứa các acid, khí gas sẽ tác động đến dạ dày có thể gây cồn cào, tổn thương niêm mạc dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Mặt khác, acid phosphoric có thể làm vô hiệu hóa acid hydrochloric trong dạ dày, đưa tới đầy hơi và khó tiêu hóa. Vì vậy, mẹ không nên cho bé uống quá nhiều sau khi ăn, tránh uống khi đói hoặc trước lúc đi ngủ.

Ngoài ra, phẩm màu, hương liệu, phụ gia, chất bảo quản (đặc biệt là sodium benzoate) trong nước ngọt có ga có thể cũng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé khi thường xuyên đưa vào cơ thể quá nhiều. Một số loại nước ngọt có ga có chứa cafein gây tác động xấu đến tim mạch khi sử dụng quá độ.

Theo Sức khỏe & An toàn thực phẩm

Lưu ý khi cho trẻ ăn sò huyết

Con gái tôi 23 tháng tuổi. Nghe nói ăn sò huyết bổ máu nên tôi muốn cho bé ăn. Tuy nhiên gần đây tôi đọc được thông tin một trẻ ở Hậu Giang bị ngộ độc vì ăn sò huyết nên hơi lo sợ. Xin bác sĩ cho lời khuyên?

Tất cả các món ăn đều có thể gây ngộ độc nếu chế biến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhóm sò, trong đó có sò huyết, là thực phẩm bổ dưỡng với hàm lượng đạm quý, giàu vi lượng – nhất là kẽm, ít béo và ăn ngon.

Tuy nhiên, các loại sò sống trong bùn và nước, chắc chắn sẽ mang nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng và có thể bị ô nhiễm kim loại nặng cũng như các chất thải độc hại nếu nuôi ở vùng nước ô nhiễm. Nấu sò không kỹ, các vi khuẩn như tả, e.coli, giun... có thể còn sống, gây nhiễm trùng tiêu hoá, ngộ độc, dị ứng... cho người ăn.

Để an toàn, bạn nên chọn mua loại sò có nguồn gốc rõ ràng, tươi sống, nấu chín kỹ. Trường hợp nấu kỹ sò bị dai, không thích hợp với trẻ nhỏ thì nên đợi bé lớn hơn rồi hẵng cho ăn.
Theo BS chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Nói với con về "trái cấm"


Thắc mắc về giới tính nhưng không được cha mẹ giải đáp, nhiều teen đã tìm đến web đen, clip sex để thỏa mãn trí tò mò.

Chuyện lỡ rồi... mới dạy

Sợ "vẽ đường cho hươu chạy" nên chị Thu Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn tìm cách né tránh mỗi khi con gái hỏi đến chuyện nhạy cảm. Sự né tránh của chị phải trả giá bằng nỗi đau xé lòng khi chính chị phải kéo con gái 16 tuổi ra khỏi phòng phá thai.

Biết con gái thích cậu bạn học cùng lớp nhưng cứ mỗi khi con có ý nói chuyện với mẹ về cậu bạn này thì chị lại tìm cách lảng tránh. Chị cũng chưa bao giờ chủ động nói với con về bao cao su, về thuốc tránh thai và quan hệ tình dục an toàn thì lại càng không.

Cứ tưởng ém nhẹm chuyện "người lớn" thì con sẽ mãi ngây thơ, trong sáng, chị mới ngã ngửa khi nhận được cái tin sét đánh, con gái chị và một chàng trai dắt nhau vào phòng phá thai. Choáng váng, chị chạy ngay đến phòng phá thai kéo con gái về nhà.

Kiềm chế không to tiếng, quát nạt với con, chị bình tĩnh hỏi con rõ mọi chuyện. Vì tò mò chuyện giới tính và tình dục nhưng mẹ luôn lẩn tránh nên con gái chị đã tự lên mạng internet để tìm hiểu. Thường xuyên xem clip sex, cô bé không ngần ngại đồng ý vào nhà nghỉ thực hành với người yêu để "thử" cảm giác thật.

"Tôi không thể tin vào tai mình nữa, có lẽ nào lỗi lầm lại do chính tôi tạo ra. Tôi cứ nghĩ rằng không nói cho nó biết thì nó sẽ không thể làm bậy. Đâu ngờ sự thể lại ra thế này", chị Thủy đau đớn.

Phó giáo sư Moira Carmody, Đại học Tây Sydney, tác giả cuốn sách “Tình dục và Đạo đức: Người trẻ và quan hệ tình dục hợp đạo lý”, nhận xét rằng giới trẻ ngày nay quan hệ tình dục ở lứa tuổi sớm hơn. Vì vậy, họ cần có kiến thức để không bị phát triển lệch lạc, tuy nhiên, người lớn thường tránh đề cập đến sex mà thay vào đó thường bày tỏ sự phản đối.

Đặc biệt với một nước phương Đông như Việt Nam, các vấn đề liên quan đến giới tình và tình dục luôn được xem là những vấn đề nhạy cảm, tế nhị. Các bậc cha mẹ thường né tránh việc nói trực diện với con cái về chủ đề này mặc cho con cái có nhu cầu tìm hiểu.

Chính vì vậy ngày càng nhiều bạn trẻ tự lên mạng internet tìm kiếm thông tin để tự giải đáp những thắc mắc của mình. Thông tin trên internet thì nhiều nhưng số những kênh thông tin hữu ích, những nguồn đáng tin cậy và đúng chuẩn mực đạo đức lại đếm trên đầu ngón tay. Những bộ phim "nửa kín, nửa hở" trên mạng chính là liều thuốc kích thích trí tò mò của giới trẻ dẫn đến chuyện muốn quan hệ để khám phá bản thân.

Dạy con hay để chúng tự học từ clip sex?

"Mình đang sống trong thời đại công nghệ và con cái mình cũng vậy. Trên mạng internet có vô số thứ để chúng tìm hiểu. Chúng đã có trí tò mò thì mình không dạy cũng sẽ tự tìm hiểu bằng nhiều cách như xem clip sex chẳng hạn. Thà vẽ đúng đường cho hươu chạy còn hơn để hươu chạy khi không biết đường", chị Lan Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ về quan điểm dạy con của mình.

Xác định sẽ nói chuyện với con như những người bạn nên chị Hương rất thoải mái trong việc giải đáp những thắc mắc của con. Ngay từ khi con gái 7 tuổi, thấy con hay sờ bộ phận sinh dục của mình và của em trai chị đã giải thích cho con về bộ phận sinh dục nam và nữ, hướng dẫn cho con cách vệ sinh cơ thể, chỗ kín, dạy con cách phòng chống xâm hại tình dục.

Lên 11 tuổi chị hé mở cho con gái về kinh nguyệt, sự phát triển cơ thể, tâm sinh lý ở tuổi dậy thì. Khi con gái 15 tuổi, chị tỉ tê với con đủ mọi thứ từ thuốc tránh thai, bao cao su đến chuyện quan hệ tình dục an toàn. Qua những lần tỉ tê như thế, chị khéo léo nhắc con phải biết quý trọng cơ thể của mình, làm thế nào đề từ chối những cám dỗ.
Lúc đầu chị cũng sợ cách dạy con của mình mạo hiểm, sợ "vẽ đường cho hươu chạy" nhưng qua những "bí mật" mà con gái chia sẻ với mẹ, chị biết rằng hướng đi của mình là đúng. Chị biết con gái thích ai, yêu ai, quan hệ với bạn cùng lớp như thế nào nên những hành động của con luôn nằm trong tầm kiểm soát của chị.

Thậm chí có lần con gái còn thú nhận với chị đã từng xem clip sex trong điện thoại của một bạn cùng lớp. Chị thót tim nhưng vẫn cố tỏ ra "bình thường hóa" để chỉ cho con những tác hại của việc xem phim "đen". Nhẹ nhàng và khéo léo, chị giải đáp cho con những thắc mắc, cung cấp cho con kiến thức về tình dục an toàn cũng như cách "giữ mình".

"Trái cấm là trái ngon", cái gì cha mẹ càng giấu giếm, càng cấm thì con trẻ càng quan tâm khám phá. Chính vì cha mẹ lẩn tránh trả lời nên con trẻ càng tò mò bằng cách tìm kiếm trên mạng, xem web xấu, clip sex. Hãy đối diện với con trẻ để có những phương pháp giáo dục đúng đắn. "Thà vẽ đúng đường cho hươu chạy còn hơn để hươu chạy khi không biết đường", chị Lan Hương quả quyết.

Tiến sĩ Laura Berman (Mỹ), chuyên gia về sức khỏe sinh sản, thường xuyên xuất hiện trên truyền hình Mỹ, đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ cách thức thảo luận đối với con cái mình về tình dục:

Từ lớp 5, lớp 6: Cha mẹ có thể nói chuyện với con về đặc điểm cơ quan sinh dục nam và nữ. Đừng quên nêu những đặc điểm tuổi dạy thì như: vỡ tiếng, mọc lông, mọc mụn trứng cá, hãy nói về hiện tượng thủ dâm là bình thường bởi vì càng lớn, các bé trai hay bé gái đều muốn khám phá bộ phận sinh dục của mình và cảm giác thích thú khi chạm vào nó. Nếu chúng có hỏi thế nào là quan hệ tình dục thì đừng ngần ngại nói về điều đó, tuy nhiên, bạn phải lồng vào cuộc nói chuyện đó về mong muốn đờisống sinh hoạt tình dục của con sau này sẽ như thế nào.

Từ lớp 7 đến lớp 9: Hooc môn đang phát triển giai đoạn này, các bậc cha mẹ cần củng cố hơn những kiến thức đã từng dạy con mình. Hãy nói về cách phòng tránh thai và bao cao su.

Từ lớp 9 đến lớp 12: Giai đoạn này hãy tăng cường việc nói chuyện. Hãy cởi mở và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi từ bọn trẻ. Tiếp tục nói về phòng tránh thai, bao cao su. Hãy nói về sự tôn trọng nhu cầu tình dục của người khác, rằng tình dục là cho và nhận một cách tự nguyện, và tuổi nào thì thích hợp nhất cho việc này.

Theo Vietnamnet