Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Nhận biết nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ


Không ít trường hợp trẻ, nhất là các bé trai bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu mà bậc cha mẹ không hề hay biết, để sớm gặp bác sĩ tìm phương hướng điều trị.

Biểu hiện của bệnh

Vì bệnh không có triệu chứng đặc hữu nên các dấu hiệu lâm sàng chỉ có giá trị gợi ý, như:

Các dấu hiệu nhiễm khuẩn: Trẻ sốt cao, rét run, toàn thân có tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đôi khi không có sốt, có thể thấy các biểu hiện như một tình trạng nhiễm khuẩn huyết: Vàng da, trẻ bị hạ thân nhiệt...

Các dấu hiệu đái ít, đái buốt, nước tiểu đục cũng có thể gặp.

Nếu trẻ bị viêm bàng quang, hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới có thể thấy trẻ đái rắt, đái đau, đái rặn. Nhiều trẻ la hét, sợ hãi hoảng hốt khi đái. Có thể để ý thấy bàn tay của trẻ khai do trẻ luôn nắm, hoặc nắm kéo dương vật (với bé trai). Đôi khi trẻ có thể kêu đau vùng hạ vị.
Nếu trẻ bị viêm nhiễm đường tiết niệu trên, ngoài tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân trẻ còn có thể kêu đau vùng thượng thận.

Khi nghi ngờ trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu

Khi thấy trẻ có các biểu hiện gợi ý, nghi ngờ như trên bậc cha mẹ cần phải cho bé đến các trung tâm y tế làm xét nghiệm để chẩn đoán kịp thời bệnh.

Các bác sĩ, tuỳ từng trường hợp để làm xét nghiệm nước tiểu - có nhiều giá trị trong chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Soi tươi nước tiểu sẽ thấy bạch cầu trong nước tiểu tăng cao hơn chỉ số bình thường. Cấy nước tiểu sẽ phát hiện được vi khuẩn gây bệnh. Có thể xét nghiệm nước tiểu nhanh bằng que nhúng để thêm thông tin cho chẩn đoán bệnh.

Siêu âm, chụp X - quang có nhiều ý nghĩa trong việc chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên và cho trẻ nhỏ dưới một tuổi, hay các nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát.

Điều trị ra sao?

Đối với các trường hợp viêm bàng quang, hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới, trẻ thường được điều trị ngoại trú tại nhà bằng một trong các loại kháng sinh uống, như amoxicillin, ampixillin, cotrimoxazol theo đơn bác sĩ kê. Thời gian điều trị từ 5 - 7 ngày.

Đối với các trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên, tuỳ trường hợp các bác sĩ sẽ giữ trẻ lại nằm viện để điều trị. Nếu trẻ có tình trạng toàn thân tốt bác sĩ khám có thể sẽ cho trẻ uống kháng sinh và theo dõi. Các trường hợp nặng hơn phải nằm điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch, hoặc phối hợp kháng sinh.

Khi phát hiện có các dị dạng, hoặc bất thường ở đường tiểu, như khít, hẹp bao qui đầu (ở bé trai)... thì cần phối hợp các biện pháp điều trị ngoại khoa. Thời gian và liệu trình điều trị phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Các thể nhiễm khuẩn đường tiểu ở trẻ em

- Viêm thận, bể thận hay nhiễm khuẩn đường tiểu trên. Trong trường hợp này ngoài viêm nhiễm ở đường tiểu còn kèm theo viêm mô kẽ thận.

- Viêm bàng quang, hay nhiễm khuẩn đường tiểu dưới.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không có triệu chứng.

Khéo dạy con tuổi... tiền dậy thì


Con gái tôi đang học lớp 3. Thời gian gần đây cháu thường hay hỏi về những bộ phận trên cơ thể, cháu nói ở lớp các bạn trai cũng thường hay thì thầm to nhỏ về con gái và cháu thấy xấu hổ...

Hỏi
Con gái tôi đang học lớp 3, tuy cháu cao lớn hơn các bạn học cùng lớp nhưng tính tình rất hồn nhiên. Thời gian gần đây tôi thấy cháu rất lạ, cháu thường hay hỏi về những bộ phận trên cơ thể, cháu nói ở lớp cháu các bạn trai thường hay thì thầm to nhỏ về con gái và cháu thấy rất xấu hổ… Thì ra con gái tôi không còn hồn nhiên như tôi vẫn nghĩ. Tôi vừa giận dữ vừa lo lắng không biết phải nói với con gái thế nào? Mẹ Cún hãy tư vấn giúp tôi?


Trả lời
Con gái chị đang ở độ tuổi “tiền dậy thì”, đã có những dấu hiệu thay đổi trên cơ thể, nếu cháu phổng phao, lớn hơn các bạn cùng trang lứa thì sự thay đổi sẽ càng rõ rệt hơn. Việc cháu tò mò về những thay đổi đó cũng không phải là vấn đề lạ, chị đừng tỏ ra tức giận mà phải hết sức bình tĩnh để trò chuyện cùng con gái.

Nếu chị tức giận, cho rằng những điều cháu hỏi là tào lao, là không được phép thì hoàn toàn sai lầm, vì trẻ có quyền được thắc mắc về giới tính, bố mẹ và người thân phải có trách nhiệm giải đáp và định hướng giáo dục giới tính cho trẻ. Phương pháp giáo dục được xác định như sau:

- Không né tránh các câu hỏi của trẻ, trò chuyện thân mật, cởi mở với trẻ về tất cả những điều trẻ cần tìm hiểu.

- Dùng cách giải thích ngắn gọn, đúng trọng tâm, sử dụng từ ngữ chính xác, khoa học. Ví dụ khi trẻ hỏi tại sao ngực trẻ đau và phổng lên, chị nên giải thích đó là những dấu hiệu nhận biết trẻ đang lớn, tuyến sữa và tuyến vú phát triển làm tăng kích thước của ngực, cấu tạo ngực của nam khác của nữ.

- Nói cho con gái chị biết cấu tạo và sự phát triển của âm hộ và buồng trứng, cũng như sự hình thành kinh nguyệt có thể có từ lúc bé gái 12 tuổi.

- Dạy con biết vệ sinh vùng kín, bảo vệ vùng kín, không để bị xâm hại.

- Giải thích với con rằng các bạn trai thì thầm về bạn gái cũng là do các bạn đang tò mò giống như con thắc mắc với mẹ vậy, con không cần cảm thấy quá xấu hổ, nói với các bạn trai nên đem thắc mắc về hỏi bố mẹ và không nên bàn tán chuyện tế nhị này ở lớp học.

Chị cần bổ sung những kiến thức về giới tính, thu thập sách báo nói về tâm sinh lý tuổi dậy thì, để có kiến thức tư vấn cho con, vì những câu hỏi của con gái chị sẽ còn là những bài toán cần lời giải cho đến lúc cháu thực sự trưởng thành.

Chúc chị luôn là người mẹ hiểu biết, là người bạn tin cậy của con!

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Xót vì con... dễ thương


Nhím (20 tháng) nhà Hồng rất xinh xắn, bụ bẫm. Bé trắng hồng, hai mắt đen láy, đôi má phinh phính... thường được mọi người xung quanh nhận xét là ‘hoa hậu tương lai’. Tuy nhiên, chính vẻ ngoài dễ thương của con gái khiến Hồng nhiều lần thấy phiền.

Có lần, hai mẹ con đang nắm tay đi trên phố, bất ngờ, Nhím bị một phụ nữ giật lại, kêu: “Ôi, bé nhà em xinh thế”. Xong, chưa để Hồng kịp phản ứng, người phụ nữ bế thốc Nhím vào lòng rồi hôn nấy hôn để. Vài lần, Nhím nhăn nhó, khó chịu muốn ngoi ra mà không được. Mấy người phụ nữ xung quanh được thể ùa vào. Người bẹo má, vuốt tóc, xoa đầu, nắn chân, nắn tay khen ngợi Nhím xinh khiến Hồng toát mồ hôi.

“Nói thật thì sợ mất lòng, chứ nhìn cảnh con gái bị hôn hít, sờ nắn như vậy mình chỉ muốn nổi cáu. Mấy bà, mấy chị ấy ngồi ăn vỉa hè, tay chân, mồm miệng toàn thức ăn, dầu mỡ mà cứ ghé xuống mặt để hôn con mình. Biết người ta quý con mình nhưng mình thấy bực mình, xót con. Bây giờ, đưa con đi đâu, tốt nhất mình cứ bế con trên tay, khỏi lo ai giằng lấy” – Hồng bộc bạch.

Trường hợp bé Bông nhà Nga (Từ Liêm, Hà Nội) cũng vậy. Bông 2 tuổi rưỡi, bụ bẫm và cực kỳ dễ thương. Từ khi con còn nhỏ, Nga đã thấy khó chịu khi có người cưng nựng, vuốt má, hôn má, có khi còn cắn yêu vào má con gái. “Có ông thuê trọ gần nhà mình, râu xồm xoàm nhưng lúc nào cũng muốn hôn bé, còn cọ râu vào má bé. Mình ức lắm nên phải quán triệt với cả nhà là không cho ông ý bế” – Nga kể.

Nhiều khi, Nga còn thấy bé nhà mình như là “nạn nhân” của sự hâm mộ. Nga ghét nhất những ai bẹo má, ghé miệng hôn bé vì làm bé đau, lại mất vệ sinh. Dù muốn bảo vệ con mình và tránh để người xung quanh thể hiện tình yêu thái quá với bé nhưng không phải lúc nào Nga cũng làm được. Nhiều khi, mọi người xung quanh hành động quá bất ngờ, khiến Nga không kịp trở tay.

Có lần, hai mẹ con đi nhà sách thì hết mấy cô nhân viên bán sách tới mấy chú bảo vệ ở đó đòi ôm, đòi bế Bông. Có bà khách đi ngang qua, còn đưa tay bẹo má Bông một cái, khen xinh. Lát sau, thấy má con đỏ nựng, Nga mới thấy xót xa và tức. Cô bực mình mãi với bà khách nọ.

Nga kể, bé Bông bây giờ cũng đã lớn nên cô dạy con không cho ai “sờ bím”, nếu ai bảo: “Thơm ông (bà...) đi” thì phải nói “Không” và quay mặt đi, trừ khi đó là người quen. Nếu ai bẹo má làm đau con thì con phải nói là con bị đau...

Bực mình, phiền phức, xót con... cũng là tâm lý của Huế (Thanh Xuân, Hà Nội). Huế có cậu con trai 18 tháng xinh xắn, bụ bẫm, dễ thương, lại lém lỉnh, dễ gần nên ai cũng quý. Có bác hàng xóm rất thích chơi và bế bé nhà Huế nhưng Huế chẳng thoải mái vì bác này hay “nắn chim” của Bi. Không thích, cũng đôi lần góp ý vui là: “Bác không được sờ chim của Bi đâu nhé. Chim bay mất đấy” nhưng Huế cũng không thể kiểm soát được vì bác này thích bế Bi về nhà.

Không ít lần, bác hàng xóm cứ xông vào tận trong nhà, đuổi theo và bế Bi đi chơi khiến Huế bực. Đôi khi, Bi giãy giụa nhưng vẫn bị “bắt” đi bằng được. Dù rất cáu nhưng Huế vẫn phải kiên trì chạy theo, viện lý do bế Bi về để tắm, ăn sữa... mới “giải thoát” được cho con. Ngày nào đi làm, Huế cũng phải gọi điện nhắc nhở ông bà nội trông chừng Bi.

Chưa kể, có lần cả nhà đi công viên, nhiều người đi qua khen Bi đẹp trai, thông minh rồi đòi bế, ôm hôn và có người còn kéo lại để chụp ảnh. “Con xinh đẹp cũng xót. Ai trông thấy cũng muốn bẹo một cái, cấu một cái... khiến mình phát mệt vì lo” – Huế tâm sự.

Có con xinh xắn và được mọi người “chú ý” là niềm tự hào của cha mẹ nhưng đôi khi cũng kéo theo không ít phiền phức. Do đó, khi mọi người xung quanh thể hiện tình yêu thái quá, người mẹ cần sẵn sàng hành động mà không làm họ mất lòng. Đồng thời, nên dạy cho con những cách phản ứng đúng mực, lịch thiệp để bảo vệ mình mà không khiến mọi người xung quanh mất thiện cảm.

Theo M&B

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Bà bầu không nên sử dụng nhân sâm


Việc bồi bổ cho phụ nữ mang thai là cần thiết để có thể đảm bảo cho sức khỏe của mẹ, đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi và chuẩn bị cho kỳ sinh sản đầy vất vả.

Tuy nhiên, nếu việc bồi bổ không đủ có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Trong đó việc sử dụng nhân sâm trong thời gian mang thai cũng là một việc làm mà các bà bầu cần hết sức thận trọng.

Ảnh hưởng của việc lạm dụng nhân sâm

Đối với tất cả mọi người
Đông Y cho rằng khi người phụ nữ mang thai thì sẽ mất kinh nguyệt, máu của kinh lạc, phủ tạng sẽ đều được tập trung vào việc nuôi dưỡng thai nhi, toàn bộ cơ thể người mẹ sẽ ở vào tình trạng âm huyết suy, dương khí thịnh. Y học thời cổ đại đã khái quát toàn bộ quá trình biến hóa sinh lý chủ yếu ở người phụ nữ khi mang thai như sau: " Dương thường hữu dư, âm thường bất túc" (ý: dương thịnh âm suy); "khí thường hữu dư, huyết thường bất túc" (ý: thừa khí nhưng thiếu máu), vì thế rất dễ xuất hiện tình trạng "thai hỏa".


Nhân sâm thuộc loại nguyên khí đại bổ, vì thế sau khi mang thai không lâu, nếu người mẹ uống hoặc dùng chúng quá nhiều thì có thể khiến cho khí thịnh còn âm hoa tổn, âm mà suy thì hỏa vượng, đó chính là " khí hữu dư, tiện thị hỏa" (ý nói: khí thừa nhiều sẽ chuyển thành hỏa).
Một bác sỹ ở Mỹ đã từng tiến hành quan sát hơn 100 người dùng nhân sâm một tháng trở lên và đã phát hiện ra rằng họ thường có những phản ứng không tốt như: hưng phấn kích động, mất ngủ, họng khô, đau rát, cảm xúc bị kích động, huyết áp tăng cao… và ông đã gọi hiện tượng này là " các triệu chứng tổng hợp khi sử dụng nhân sâm". Theo Đông y thì những phản ứng không tốt trên đều là phản ánh của hiện tượng "âm suy hỏa vượng".

Theo nhiều ghi chép thì khi cơ thể người nhận quá 100g nhân sâm thì sẽ có hưng phấn. Nếu dùng quá 200g thì sẽ xuất hiện các hiện tượng trúng độc như toàn thân nổi ban, ngứa ngáy, chóng mặt, đầu óc quay cuồng, nhiệt độ cơ thể tăng, xuất huyết… Ngoài ra nếu dùng nhân sâm trong thời gian dài thì sẽ bị bí tiểu, từ đó dẫn đến phù nước.

Đối với phụ nữ mang thai

Nếu người đang mang thai sử dụng nhiều nhân sâm thì sẽ xuất hiện các hiện tượng như nôn mửa, phù nước, huyết áp tăng… thậm chí xuất huyết âm đạo và có thể dẫn đến sảy thai.

Thai phụ cần làm gì?

Tốt nhất với thai phụ trong 3 tháng đầu không nên sử dụng nhân sâm đến tránh những biến chứng như nôn mửa, xuất huyết, sảy thai…

Trong giai đoạn giữa thai kỳ thai phụ có thể sử dụng nhân sâm nhưng cần xin ý kiến của bác sỹ, sử dụng với liều lượng ít (không quá 100g) và sử dụng trong thời gian ngắn, không sử dụng liên tục.
Nếu trong quá trình sử dụng nhân sâm thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng gì như chóng mặt, đau đầu, phù nước nặng hơn, nôn mửa, đặc biệt là xuất huyết thì cần dừng ngay lại và báo cho bác sỹ.