Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Có an toàn khi cho bé ăn kem?


Rất nhiều cha mẹ trẻ muốn biết điều này, nhất là trong những ngày nắng nóng đấy!
Thông thường, nhiều cha mẹ trẻ nghĩ rằng kem có thể cho trẻ ăn thường xuyên như một món tráng miệng. Song trên thực tế, kem chắc chắn không được khuyến cáo như là một thực phẩm thích hợp đầu tiên cho những em bé dưới 1 tuổi.

Nguyên nhân là do kem có chứa đường vì thế nó không thực sự được khuyến khích là một thực phẩm lành mạnh và an toàn cho những chiếc răng sữa xinh xắn của trẻ.
Ngoài ra, các thành phần có trong kem có thể gây ra một phản ứng nguy hiểm với trẻ khi ăn. Ví dụ, kem có thể chứa các loại hạt, hoặc các thành phần được làm từ các loại hạt. Một số loại kem còn chứa màu nhân tạo hoặc hương vị nhân tạo… Điều này nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Trong khi hầu hết các loại kem lạnh mà bạn mua tại các cửa hàng đã được thanh trùng thì các món kem bạn mua dạo hoặc các loại kem được sản xuất từ máy pha chế không thể an toàn. Vì thế những loại kem này không an toàn cho các phụ nữ mang thai và các em nhỏ vì có thể bị nhiễm vi khuẩn Listeria (nếu máy làm kem không được giữ sạch sẽ).

Khi bé được hơn 1 tuổi, bạn có thể cung cấp một ít nước kem lạnh với những loại kem có chất lượng tốt nhất để cung cấp một số canxi. Tuy nhiên, cha mẹ trẻ cần ghi nhớ rằng kem cũng có thể chứa đường và chất béo vì thế cả hai chất này đều nên được giới hạn trong suốt cuộc sống của trẻ.

Nếu trong những ngày thời tiết đặc biệt nóng, có rất nhiều những thực phẩm lành mạnh và an toàn khác bạn có thể cung cấp cho bé yêu nhà bạn để giúp làm mát cơ thể và cung cấp một số chất dinh dưỡng thiết yếu khác cho trẻ. Chẳng hạn như vài lát hoa quả đông lạnh, sữa chua đông lạnh, kem chuối hoặc kem tự làm bằng các thực phẩm lành mạnh.

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Yêu một đằng cưới một nẻo

.


Ai yêu cũng mong cưới được nhau. Nhưng đến khi cưới, nhiều cô dâu, chú rể lại không phải là người nửa kia từng muốn kết đôi trước đó.

Nhớ khi xưa gặp nhau…

Suốt bốn năm đại học, Hòa và Nhân như hình với bóng. Họ cùng quê Tiền Giang. Dù là dân miệt vườn nhưng Nhân cao ráo, trắng trẻo, nói năng nhỏ nhẹ… Còn Hòa thì giống bố anh, tính nóng, dù là người biết sửa sai. Có lần giận người nhà, anh vác rựa ra chặt gần hết nửa đám cam sành vừa cho trái chiếng của gia đình. Sau đó, anh tự vay tiền mua lại cây giống về trồng và ra công chăm sóc.

Ngày đưa Nhân về ra mắt gia đình, nhìn nét mặt cha, Hòa hiểu ngay là ông không hài lòng nên ra sức thanh minh để Nhân hiểu. Tất nhiên, ánh mắt xa lạ và khó chịu đó, không cần giải thích, Nhân cũng hiểu cha Hòa chê mình ốm tong teo sức đâu mà… đẻ cho ông một bầy cháu nội! Nhân tự ái đến xanh mặt và lặng lẽ chia tay Hòa. Buồn cha, buồn chuyện của mình nhưng Hòa không dám cãi lời. Anh nghỉ dạy và âm thầm đăng ký đi bộ đội. Gia đình, bạn bè và cả Nhân cũng bặt tin anh. Ba năm sau, ngày anh ra quân cũng là ngày Nhân làm đám cưới với người khác. Buồn tình, anh về nơi đóng quân cũ ở Phú Giáo (Bình Phước) xin dạy học rồi lập gia đình. Đã có vợ con, nhà cửa đàng hoàng, nhưng hễ gặp lại bạn cũ, anh vẫn náo nức tìm mọi cách để hỏi thăm chuyện chồng con của Nhân.

Cần và Tuyết nhà sát vách nhau trong một con hẻm nhỏ ở Q.3, TP.HCM. Cần là sinh viên ĐH Sư phạm. Nhà Cần nghèo, đông anh em. Ba Cần sửa xe đầu hẻm, mẹ Cần bán gánh bún riêu. Ba má Tuyết nhỏ tuổi hơn ba má Cần gần một con giáp, có hai con gái, Tuyết là con lớn, học trung cấp kế toán. Ban công gác gỗ của hai nhà gần như thông nhau, nên mặc nhiên trở thành điều kiện để rơm lửa gần nhau. Ba má Tuyết sợ con gái yêu con nhà nghèo sẽ khổ, nên chủ động qua nhà “mắng vốn” chuyện đứa con trai lớn nhà bên rù quến con gái mình. Ba má Cần hiểu ngay ý bóng gió “đỉa đừng mơ đeo chân hạc!”. Tự ái, ba má Cần nhất quyết cấm con trai mình nhắc đến cái tên Tuyết. Cần yêu Tuyết nhưng lại thương cha mẹ nên ngoài mặt làm lơ, mà tiền lương dạy học hằng tháng anh lại gửi cho Tuyết giữ làm tin và để dành mua đồ cưới sau này. Một năm dành dụm, lương giáo viên không đủ mua một chiếc nhẫn cưới. Để chứng minh mình có thể bảo bọc chu toàn cho gia đình riêng sau này, Cần quyết định thôi nghề dạy học chuyển qua ngành điện. Nhưng hỡi ôi ba má Tuyết lại dọn nhà đi xa nhằm cách ly tình cảm con gái mình với cậu giáo nhà bên. Bặt tin người yêu khá lâu. Cần cưới một người khác nhưng lòng vẫn buồn. Bây giờ, biết tin Tuyết đã có chồng, nhưng gặp bạn bè, Cần vẫn ước có một ngày gặp lại cố nhân.

Những khoảng trống…

Có một câu ngạn ngữ quen thuộc mà rất nhiều đàn ông quan tâm: “Nếu bạn muốn cưới một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh và giàu có thì phải lấy vợ đến ba lần”. Theo đó, nếu muốn cưới một người mình yêu và có thêm ba “chuẩn” trên thì số lần cưới đương nhiên phải nhiều và khó khăn hơn nữa. Hiểu cách khác: hiếm khi tìm được một lúc nhiều tiêu chuẩn ở một người trong cùng một thời điểm.

Hiếu quê ở Long Xuyên, Hòa ở Phú Nhuận (TP.HCM). Họ yêu nhau suốt tám năm từ khi học chung đại học đến khi ra trường. Hồi đại học, Hiếu ở ký túc xá, ngày nào Hòa cũng mang cơm vào trường hai người ăn chung. Hòa có dáng dấp tiểu thư, yếu đuối nhưng tình yêu thời sinh viên mạnh đến mức khi tốt nghiệp, Hòa tình nguyện về Long Xuyên công tác chỉ để được gần Hiếu. Hòa vừa đẹp, vừa thông minh nhưng cái Hiếu cần hơn thì Hòa lại chưa có. Đó là tiền và địa vị - những thứ mà Hương, con một quan chức ở Trà Vinh, người Hiếu mới quen - đang sở hữu. Hương không xinh đẹp, không thông minh bằng Hòa, nhưng được cái mạnh mẽ trong đời sống tình dục và dễ dàng trong việc hỗ trợ chi tiêu cho Hiếu. Hiếu cân nhắc: nếu cưới Hòa, ngoài tình yêu, sắc vóc và sự thông minh, Hiếu trở thành… người thành phố. Còn chọn Hương, dù đời sống chung có chút gượng ép, nhưng Hiếu lại được nhiều điều. Sau bốn năm lặn lội theo tình, Hòa đành quay về thành phố mở tiệm may khi nhận được thiệp cưới của Hiếu và Hương. Hiếu theo vợ về Trà Vinh và đứng trông hiệu thuốc Tây. Tuy vậy, khi đứa con chung của hai người lên bốn, bạn bè lại nghe tin Hiếu lủi thủi về lại Long Xuyên sống một mình. Lý do, Hiếu và Hương có quá nhiều cách biệt trong nhìn nhận, đánh giá cuộc sống…

Yêu nhau và được sống với nhau là mong muốn hoàn toàn chính đáng. Những rào cản, nếu có, giống như một thứ gia vị tăng thêm độ mặn nồng của đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, cũng có 10 lý do khuyên người ta cần tránh đi đến việc kết hôn: 1/ Địa vị xã hội; 2/ Vẻ đẹp bên ngoài; 3/ Áp lực bố mẹ; 4/ Định kiến xã hội; 5/ Lấp chỗ trống; 6/ Nhu cầu tình dục; 7/ Muốn thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình; 8/ Cố quên một người; 9/ Thương hại; 10/ Hạp tuổi. Thực tế, có không ít lời khuyên thà rằng ở vậy chứ đừng lấy người mình không yêu. Vì sống chung mà không yêu thì cuộc sống khác gì địa ngục. Tuy vậy, không phải bất cứ trường hợp yêu một đằng cưới một nẻo nào cũng luôn luôn có kết cục buồn. Bởi những người trong cuộc cũng nhận ra rằng, tình yêu không tính toán là thứ có thể hình thành bằng sự chia sẻ chân thành với nhau trong cuộc sống chung vốn chưa có tình yêu trước đó.
PNCN

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Trẻ dùng kháng sinh nhiều dễ tiêu chảy


Nhiều bạn đọc tiếp tục gửi thư về tòa soạn nhờ tư vấn về dinh dưỡng cho trẻ.

Hỏi: Tôi có con gái gần 17 tháng nhưng chỉ được 10 kg, cao 7,2 cm như thế bé có bị suy dinh dưỡng không? Bé rất lười ăn, đang bú mẹ, không thích uống sữa ngoài. Mặc dù tôi đã thay đổi các món ăn trong thực đơn hàng ngày cho bé nhưng bé vẫn không chịu ăn. Bé nhà tôi lại hay bị ho, bình quân 1 tháng đi bác sỹ 2 lần, uống thuốc kháng sinh nhiều như thế có ảnh hưởng gì nhiều cho bé sau này không?

Le Thi Thu Hien (thuhien_18061985@yahoo.com.vn)
Trả lời: 17 tháng tuổi nặng 10kg cao 72 cm là thấp so với tuổi nhưng không bị suy sinh dưỡng. Dùng kháng sinh nhiều có thể gây mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, dễ dẫn tới tiêu chảy. Cháu hay bị ho cần phải cho cháu đi khám BS chuyên khoa hô hấp, tai mũi họng để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị.

***

Hỏi: Con trai em được 17 tháng tuổi, nặng 10,5kg, cao 80cm, không biết là cháu có bị suy dinh dưỡng không? Cháu ăn một ngày 4 bát cháo, 400ml sữa, 01 hộp sữa chua hoặc váng sữa, 01, quả cam, như vậy lượng ăn của cháu đã đủ chưa? Nếu sữa chua ngâm vào nước nóng trước khi ăn thì có được không? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Thị Kim Thoa (kimthoa286@yahoo.com)

Trả lời: Con bạn 17 tháng nặng 10,5 kg cao 80cm là bình thường so với tuổi. Lượng ăn của cháu như vậy là được. Trước khi ăn ngâm sữa chua vào nước nóng vừa phải để đỡ lạnh có thể được nhưng không nên ngâm vào nước quá nóng vì có thể làm phân hủy loại men vi sinh trong sữa chua.

***

Hỏi: Tôi có cháu 9 tháng tuổi nhưng cháu chỉ nặng 7,5kg và cao 68cm, cháu vẫn chưa mọc chiếc răng nào, cháu ăn tốt, mọi thứ phát triển bình thường nhưng mọi người nói cháu còi quá, cả gia đình tôi đều lo lắng. Tôi thắc mắc không biết cháu có bị suy dinh dưõng không, có còi xương không? Xin bác sỹ tư vấn cho tôi chế độ ăn nào tốt để cháu được tăng cân!

letrang (trang.lethithu@vietinbank.vn)
Trả lời: Con bạn 9 tháng nặng 7,5 kg là gần mức suy dinh dưỡng độ 2 (DD – 2SD) và cao 68 cm là thấp hơn so với tuổi và chưa mọc răng là dấu hiệu của còi xương. Cần cho trẻ ăn theo đúng chế độ ăn theo tuổi. Ngoài sữa mẹ cần ăn thêm 3 bữa bột đặc (thay đổi hàng ngày), mỗi bữa 200ml và ăn thêm hoa quả nghiền 6-8 thìa cà phê/ngày, bổ sung thêm vitamin D và canxi.

***

Hỏi: Cho tôi hỏi 1 câu về dinh dưỡng cho trẻ: Con tôi hiện gần 8 tháng, là cháu trai, nặng 7,5kg cao 71 cm. Con tôi ăn uống và phát triển bình thường: 3 bữa cháo mặn/ngày, uống khoảng 800-900 ml sữa/ngày, ngoài ra tôi còn cho cháu ăn thêm các loại trái cây, uống nước hoa quả và yaourt. Nhưng không hiểu sao nhìn cháu giống trẻ khoảng 4-5 tháng. Cháu ngồi chưa vững. Xin hỏi chế độ ăn uống của cháu như vậy đã hợp lý chưa và làm sao để cháu phát triển tốt hơn? Xin nói thêm là 1 ngày cháu ngủ khoảng 12-13 giờ. Xin các bác sỹ trả lời giúp.

Le Luu Hong Diem (luuhdiem2911@gmail.com)

Trả lời: Con bạn 8 tháng nặng 7,5 kg cao 71cm thì chỉ nhẹ cân một chút. Chế độ ăn như vậy là đủ, ngoài ra có thể cho cháu uống thêm men tiêu hóa và vitamin D và canxi.

***

Hỏi: Tôi có cháu gái, hiện đã hơn 16 tháng, cân nặng 8,5kg. Chế độ ăn của cháu là ngày ăn 3 bữa cháo (mỗi bữa 1 bát con), 1 lạng thịt, hoặc cá tôm tương đương, uống 600ml sữa, 1 hộp sữa chua, hoa quả ... Thỉnh thoảng lại bổ sung các khoáng chất như sắt, kẽm, canxi, vitamin... Theo bác sĩ cháu tôi có phải suy dinh dưỡng hay không? Ngoài ra, cháu tôi hay bị viêm họng và đi ngoài. Liệu có phải vì thế cháu bị nhẹ cân hay không? Khi cháu bị đi chảy, phân sống là mẹ cháu chỉ cho ăn cháo với thịt nạc, uống sữa tiêu chảy mà không cho ăn rau (chỉ ăn cà rốt), không dầu mỡ, kiêng ăn như các cụ mình, như thế có đúng không?

Nguyễn Thanh Bình (thanhbinh.nguyen@vtc.vn)

Trả lời: 16 tháng nặng 8,5 kg là suy dinh dưỡng nhẹ, chế độ ăn như vậy là đủ. Nguyên nhân cháu chậm lớn là do cháu hay bị viêm họng và tiêu chảy. Cần đi khám bác sĩ để được điều trị dứt điểm.

BS Bùi Quang Huy

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Giữ vệ sinh để ngăn bệnh tay chân miệng

Chỉ trong tháng 4, tại hai bệnh viện ở TP.HCM đã có sáu cháu bé tử vong do mắc bệnh tay chân miệng. Làm cách nào để phòng và phát hiện sớm bệnh này là thắc mắc của nhiều bà mẹ có con nhỏ. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết:

- Năm nay mới vào tháng 4, tháng 5 nhưng số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đã tăng cao, trong đó có nhiều trường hợp nặng. Những năm trước phải đến tháng 9, 10 thậm chí tháng 11, 12 mới có nhiều ca bệnh.

* Nhiều bà mẹ lo sợ trước thông tin đang là đỉnh mùa dịch của bệnh tay chân miệng và đã có một số trẻ mắc bệnh tử vong. Có phải trẻ em nào mắc bệnh tay chân miệng cũng có thể trở nặng?


- Người nhà của trẻ không nên thấy có một vài ca bệnh tay chân miệng tử vong mà hoang mang vì đó chỉ là con số rất nhỏ. Thống kê cho thấy có trên 95% trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tự hồi phục. Trong số những trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng chỉ có dưới 10% số ca tử vong. Điều quan trọng là người nhà cần phải theo dõi sát trẻ. Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tham vấn.

* Làm cách nào để một bà mẹ biết con mình rơi vào trường hợp tự khỏi hoặc có diễn tiến nặng?

- Khi trẻ mắc bệnh các bà mẹ phải theo dõi xem trẻ có bị giật mình, thay đổi giấc ngủ (trẻ quấy khóc, không ngủ được hoặc ngủ li bì), tự nhiên tay chân trẻ bị yếu, trẻ bị sốt liên tục mà không hạ. Đây là những dấu hiệu ban đầu giúp các bà mẹ biết trẻ đã mắc bệnh tay chân miệng nặng và cần đưa đến các cơ sở y tế để điều trị ngay.

* Những triệu chứng của bệnh tay chân miệng?

- Đầu tiên trẻ có thể chảy nước miếng, đau, quấy khóc, sau đó sẽ xuất hiện những bóng nước ở một trong nhiều vùng như tay, chân, miệng, gối, mông, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Đặc biệt những bóng nước này không gây đau. Thực tế cho thấy nhiều cháu bé bị nổi nhiều bóng nước ở tay, chân, miệng... lại mắc bệnh nhẹ.

Ngược lại có một số cháu chỉ bị nổi vài bóng nước trong miệng nhưng bệnh lại có diễn tiến nặng, gây tử vong. Những trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nặng mới cần nhập viện điều trị, đa số trường hợp nhẹ được bác sĩ cho chăm sóc và theo dõi tại nhà. Không phải tất cả trẻ đến cơ sở y tế sớm đều cứu được nhưng phần lớn trẻ đến sớm sẽ có ít nguy cơ bị tử vong.

* Thời gian chữa bệnh tay chân miệng có kéo dài? Những biến chứng thường gặp khi mắc bệnh?

- Trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhẹ sau 5-7 ngày sẽ tự hết. Còn trẻ bệnh nặng sẽ có biến chứng suy hô hấp, viêm não, phù phổi, suy tim..., tử vong. Đa số trẻ nhập viện nằm 2-3 ngày là được xuất viện, trường hợp nặng hơn nằm điều trị 4-5 ngày. Bệnh tay chân miệng do virut gây ra.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên các bác sĩ chủ yếu điều trị để giữ cho bệnh đừng diễn tiến nặng thêm. Với những trường hợp trẻ mắc bệnh quá nặng, diễn tiến bệnh nhanh thì bác sĩ cũng không giúp được gì.

* Trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện năm nay có triệu chứng gì khác biệt so với những năm trước?

- Năm nay nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện với triệu chứng bị run chi, trẻ đi loạng choạng nhiều hơn, mắt đảo, vã mồ hôi lạnh. Những năm trước thỉnh thoảng cũng gặp những trẻ mắc bệnh có những triệu chứng này.

Để tìm nguyên nhân gây ra sự thay đổi phải làm xét nghiệm mới biết được. Đợt này Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang hợp tác với một bệnh viện của Đài Loan để làm xét nghiệm trên những ca bệnh nặng.

* Tại sao bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi? Trong lúc mùa dịch bệnh tay chân miệng đang ở đỉnh điểm, những bà mẹ có con nhỏ cần lưu ý điều gì?

- Trẻ trên 3 tuổi ít bị mắc bệnh tay chân miệng vì trước đó những trẻ này từng mắc bệnh tay chân miệng và đã tự hết. Những trẻ này đã có kháng thể. Do vậy trong những đợt bệnh theo mùa thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh tay chân miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu và văcxin ngừa bệnh nên những biện pháp phòng ngừa bệnh vẫn quan trọng nhất.

Bệnh tay chân miệng không có trung gian truyền bệnh nào mà chính do sinh hoạt của con người sẽ làm bệnh lây lan. Virut từ trẻ mắc bệnh sẽ bắn ra môi trường xung quanh, có thể dính vô đồ chơi, bàn tay người lớn, bàn tay trẻ em, sàn nhà... Do vậy, nếu không vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, rửa sạch tay trước khi chăm sóc trẻ... sẽ lây bệnh cho trẻ.

Ngoài ra, khi trẻ mắc bệnh người nhà không cho trẻ đi nhà trẻ để tránh lây bệnh cho những trẻ cùng học. Khi đã thực hiện tốt những điều này chắc chắn virut sẽ không tấn công được.