Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Bé thực sự cần bổ sung vitamin nào?

Bác sỹ nhi khoa chỉ định cho con bạn uống một giọt vitamin, trong khi đó, một bà mẹ khác lại nói với bạn rằng điều đó là không cần thiết. Bạn hết sức bối rối.
Phần lớn, hầu hết trẻ sơ sinh dù có khỏe mạnh đến đâu cũng cần phải được cung cấp những dưỡng chất cần thiết bên cạnh việc bú sữa mẹ. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp phải cân nhắc và ngoại lệ.
Vitamin D
Một số bác sỹ trong ngành e ngại rằng lượng sữa mẹ mà bé hấp thụ chưa chắc đã đủ để cung cấp vitamin D cho bé. Chất dinh dưỡng này đóng vai trò quan trọng trong những năm tháng đầu đời của trẻ để phát triển hệ xương vững chắc. Ngoài sữa mẹ, vitamin D còn được hấp thụ thông qua ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại quá cẩn thận khi bao bọc trẻ mỗi khi ra ngoài trời, khiến quá trình trao đổi chất này bị hạn chế phần nào.
Ô nhiễm cũng là một nhân tố làm cản trở việc hấp thụ vitamin D tự nhiên. Theo Fima Lifschitz, giám đốc dinh dưỡng tại Bệnh viện nhi Miami cho rằng, ngay cả khi nơi ở của trẻ tràn ngập ánh nắng thì chúng cũng vẫn chưa được hấp thụ đủ. Và điều này càng nghiêm trọng hơn khi xem xét đến vấn đề màu da của trẻ; những đứa trẻ da sậm màu sẽ hấp thụ vitamin kém hơn những đứa trẻ da sáng, và nếu chúng lại không được bố mẹ cho phơi nắng đủ và đúng cách thì nguy cơ còi xương là không thể tránh khỏi. Do đó, các bác sỹ thường khuyến cáo các bà mẹ cho trẻ uống 1 giọt vitamin D (nó bao gồm cả vitamin A và C - những chất không có trong sữa mẹ). Sau đó, trẻ cũng không cần phải uống thêm bất kỳ giọt vitamin nào, ngoại trừ chỉ định của bác sỹ.
Sắt
Khi mới sinh, cơ thể trẻ có một lượng chất sắt dự trữ đủ để nuôi dưỡng cơ thể non nớt trong vòng 4-6 tháng (bao gồm thời gian trẻ bắt đầu ăn dặm). Trong khi các bác sỹ chuyên khoa nhi yêu cầu bổ sung sắt sớm cho trẻ, thì các bác sỹ chuyên khoa khác lại cho rằng nên đợi cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi. Nguyên nhân là do có nhiều trẻ không được cung cấp đầy đủ sắt thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày, vì thế, chúng cần phải có sự hỗ trợ của thuốc vitamin có chứa sắt. Thiếu sắt sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về lâu dài cho trẻ, tiêu biểu là hệ thần kinh phát triển chậm và kém.
Florua
Khoáng chất này là cần thiết cho hàm răng phát triển khỏe mạnh, giúp men răng chắc và ngăn ngừa chứng sâu răng. Chúng được dễ dàng tìm thấy trong các loại thực phẩm như rau xanh, ngũ cốc, và có thể kết hợp uống cùng với nước lọc, do đó, bạn nên bổ sung florua dạng lỏng cho bé uống hàng ngày. Bên cạnh đó, khi đánh răng cho trẻ, bạn chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ bằng hạt đậu, bởi nếu quá nhiều sẽ gây phản tác dụng cho bé.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, các khuyến cáo trên đây áp dụng cho các em bé khỏe mạnh, đủ tháng. Những bé sinh non hoặc thiếu cân và một số bé có vấn đề về thể chất sẽ có chế độ dinh dưỡng đặc biệt riêng. Nên nhớ rằng, không bao giờ tự ý cho con uống thuốc, mà phải nhờ tới sự giúp đỡ của các bác sỹ trước khi cho trẻ uống vitamin.
Theo Đẹp

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Bệnh lây từ mẹ sang con trong thai kỳ

Một số bệnh truyền từ mẹ sang con trong thời kì mang thai thường thấy là viêm gan siêu vi B, Rubella, bệnh lậu, nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B, bệnh mụn rộp (còn gọi là Herpes), bệnh u sùi ở cơ quan sinh dục, nấm ở cơ quan sinh dục; bệnh do Chlammydia, bệnh trùng roi, nhiễm HIV...
 
Thời kì mang thai là giai đoạn “sống chung” của mẹ và thai nhi. Vì vậy, nếu cơ thể mẹ khỏe mạnh, thai nhi sẽ khỏe mạnh. Mẹ mắc bệnh thì nguy cơ trẻ sinh ra mắc bệnh rất cao.
Để phòng ngừa bệnh cho trẻ trong thời kì mang thai, bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Vân, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương cho rằng: người mẹ cần biết những bệnh nào có thể lây nhiễm cho con của mình. Từ đó, dưới sự tư vấn của chuyên gia y tế, các bà mẹ sẽ có kế hoạch phòng ngừa tốt nhất cho trẻ.
Có rất nhiều bệnh có thể truyền từ mẹ sang con trong thời kì mang thai, lúc sanh và ngay cả khi sanh. Một số bệnh thường thấy là viêm gan siêu vi B, Rubella, bệnh lậu, nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B, bệnh mụn rộp (còn gọi là Herpes), bệnh u sùi ở cơ quan sinh dục, nấm ở cơ quan sinh dục; bệnh do Chlammydia, bệnh trùng roi, nhiễm HIV...
 
Viên gan siêu vi B: Bệnh có thể lây nhiễm từ mẹ sang con khi mang thai, lúc sinh hoặc giai đoạn cho con bú. Khi bị lây truyền từ mẹ, trẻ thường ít có triệu chứng… Gan lách trẻ có thể to, có tổn thương và dễ chảy máu. Nếu bị nặng có thể tử vong. Vì vậy, nếu không bị nhiễm và dự định mang thai thì cần tiêm ngừa viêm gan siêu vi B. Nếu mẹ đã bị nhiễm thì trẻ sẽ được phòng ngừa bằng globulin miễn dịch và vacxin sau khi sinh.
Rubella: Nếu mẹ bị nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu thai kì thì nguy cơ trẻ bị dị tật rất cao. Vì vậy, cần tiêm ngừa trước khi mang thai 3 tháng hoặc ít nhất là 1 tháng.
Bệnh lậu: Mẹ bị bệnh lậu không được điều trị sẽ lây cho trẻ ngay trong tuần đầu tiên sau sinh. Hai mắt trẻ dính không mở được, sưng húp. Nếu không được điều trị trẻ sẽ dễ bị mù vì loét hay sẹo giác mạc… Vì vậy, các chuyên gia sản phụ khoa thường khuyên phụ nữ có bệnh lậu nên điều trị lành rồi hãy mang thai.
Nhiễm liên khuần cầu nhóm B: Khi bị nhiễm liên khuẩn cầu nhóm B, trẻ có thể bị viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm rộp da hoăc viêm xương khớp. Nếu được điều trị, 50% trẻ bị nhiễm khuẩn có thể hết.
Bệnh mụn rộp: Nếu trẻ bị nhiễm từ mẹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều mức độ như có thể bị tổn thương 1 phần cơ thể hoặc toàn thân… Trẻ bị bệnh này có triệu chứng ngủ lơ mơ suốt ngày, hay quấy khóc, bú kém, tiêu chảy, khó thở và có thể lên cơn co giật… Những bộ phận khác có thể bị tổn thương như gan, lách, mắt..
Bệnh u sùi ở cơ quan sinh dục: Sự lây nhiễm có thể xảy ra khi còn là bào thai hoặc khi sinh. Tổn thương thường phát triển ở âm hộ, dương vật và hậu môn. Phần lớn các trường hợp tự khỏi nhưng cũng có thể tái phát. Hãy điều trị dứt bệnh trước khi mang thai là lời khuyên bác sĩ sản phụ khoa dành cho các bà mẹ.
Nhiễm nấm lúc mang thai: Dù không nghiêm trọng nhưng thường làm trẻ khó chịu, ngứa ngáy và quấy khóc. Nấm thường phát triển ở lưỡi và niêm mạc miệng thành từng đám trắng hoặc bộ phận sinh dục.
Bệnh do Chlamydia: Trẻ bị lây nhiễm có thể bị viêm mắt sơ sinh, viêm phổi và viêm ống tai. Viêm mắt thường xảy ra khoảng 2 tuần sau khi sinh. Nếu không điều trị, bệnh có thể trở thành mạn tính, dễ tái phát và có thể để lại sẹo ở giác mạc.
Bệnh trùng roi: Trẻ bị nhiễm trùng roi có xuất tiết ở âm đạo hoặc ngứa ở âm hộ, bứt rứt, khó chịu, bú kém và thường quấy khóc.
Nhiễm HIV: Trẻ có thể bị nhiễm khi còn là thời kì bào thai, trong lúc sinh hoặc khi cho con bú…
 
Để có thể phòng ngừa trẻ bị lây nhiễm những bệnh từ mẹ, phụ nữ khi có ý định mang thai cần kiểm tra, xét nghiệm và tiêm ngừa trước.
 
Nên điều trị dứt các bệnh viêm nhiễm trước khi mang thai.
 
Sau khi trễ kinh 2 tuần, chị em cần đi khám thai sớm để xác định có thai hay không cũng như làm 1 số xét nghiệm phát hiện bệnh lý của mẹ để kịp thời xử lý.
 
Khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Theo PNO