Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Đua nhau dùng "vắc xin hô hấp" để con hết ốm


"Thuốc này tốt lắm, lại không hại gì, uống vào là khỏi lo con hắt hơi, sổ mũi. Mỗi năm mình cho nhóc uống hai đợt, vào lúc giao mùa. Ở cơ quan mình, nhiều người dùng thuốc này cho con lắm", chị Thoa kể.
Theo lời chị Thoa (phố Vĩnh Phúc, Hà Nội), loại thuốc có khả năng "tăng sức đề kháng cho trẻ, phòng các bệnh về tai mũi họng cực tốt" này là Broncho - Vaxom. "Không tin, em cứ thử lên mạng tìm hiểu thêm. Có con nhỏ mà không biết đến thuốc này là hơi lạ đấy", chị nói thêm.

Nhiều mẹ tự ý mua thuốc này cho con dùng mà không hiểu rõ nguyên lý tác dụng của nó. Ảnh: MT.

Lướt qua một số diễn đàn về chăm sóc trẻ trên internet như Bibi.vn, Lamchame.com, Webtretho.com... có thể thấy ngay chủ đề sử dụng Broncho - Vaxom cho trẻ được bàn luận rôm rả. Nhiều bà mẹ khẳng định tác dụng của loại thuốc này đối với tình trạng hay ốm vặt, ho hắng của con mình và từ đó, rất nhiều mẹ khác mua theo.
Một mẹ có nick Cunhalinh trên Webtretho.com tâm sự, sau khi cho con dùng Broncho Vaxom thì cháu bé 6 tháng không ốm mặc dù trước đó thì một tháng ốm 2 lần. "Thực ra thuốc này tớ nghĩ không cần đơn của bác sĩ, các mẹ tự làm bác sĩ cho con cũng được. Khi thấy con viêm đường hô hấp nhiều lần là mình có thể cho uống. Thuốc ít tác dụng phụ nên tớ nghĩ cho bé uống không sao, nếu hợp thì uống tiếp, không thì thôi", chị viết.

Cũng chung đề tài này, một thành viên khác cho biết, từ khi được một người quen là bác sĩ chỉ cho biết loại thuốc này, chị cho con uống thì bé không hề bị hắt hơi sổ mũi nữa, bố mẹ không còn lo con ốm mỗi đợt giao mùa, đổi thời tiết. Người nhà, họ hàng của chị cũng đều dùng thuốc này. Khuyên một bà mẹ khác có con hay bị ho, chị khuyên "mẹ nó nên thử dùng cho bé, vì thực ra cái thuốc này vô thưởng vô phạt nếu không có tác dụng thì cũng không ảnh hưởng gì".

Nhiều bà mẹ có con nhỏ mua thuốc theo những lời mách này. Chị Kim (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, cô con gái 3 tuổi của chị khá khỏe mạnh, thường thì thỉnh thoảng thay đổi thời tiết cháu chỉ hắt hơi sổ mũi vài hôm rồi tự khỏi. Mấy ngày trời trở lạnh vừa qua, thấy con ho hắng, nghe lời vài người bạn mách, chị cũng mua Brocho - Vaxom cho con uống.

"Thực ra thì mình cũng chả biết tác dụng của thuốc đến đâu, nghe nhiều người nói dùng tốt thì mua thôi, dù theo chỉ dẫn để phòng bệnh thì mỗi năm cho con uống 3 đợt, mỗi đợt 10 ngày, mà mỗi vỉ thuốc tới hơn 100 nghìn, thấy cũng hơi xót", chị Kim cho biết.

Chị Bích, chủ một cửa hàng thuốc tư nhân ở phố Thái Thịnh, Hà Nội, cho biết, Brocho - Vaxom là loại thuốc được bán khá chạy, nhất là vào những dịp thay đổi thời tiết như đầu đông này. "Thuốc này tốt lắm, con chị cũng uống suốt, nhiều người mua lắm, em cứ cho con uống là đỡ phải lo nó ốm, ho", chị giới thiệu.

Theo bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, trưởng khoa hô hấp Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn, Broncho- Vaxom là thuốc có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng cần và nên sử dụng. Thuốc này thường được chỉ định cho những bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn, với các biểu hiện như sốt, mũi xanh..., những trẻ hay bị viêm tai mũi họng, amidan hay có một ổ nhiễm khuẩn mà chưa điều trị ngay được.

"Dù thuốc này ít gây các tác dụng phụ thật, nhưng dẫu sao đã là thuốc, kể cả thuốc bổ, thì cũng là các hoạt chất hóa học, không thể uống bừa được", bác sĩ khuyến cáo.

Theo bác sĩ, trẻ dưới 3 tuổi thường hay mắc bệnh đường hô hấp hơn các nhóm tuổi khác vì bé tiếp xúc với môi trường mà chưa có kháng thể, bố mẹ không nên quá lo lắng. Các bậc phụ huynh có thể giúp con phòng bệnh bằng cách thường xuyên vệ sinh mũi họng cho bé, mặc phù hợp với điều kiện thời tiết, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường các vitamin, khoáng chất, vệ sinh môi trường sạch sẽ, tránh khói thuốc...

Dược sĩ Nguyễn Đăng Lâm, Viện kiểm nghiệm thuốc trung ương cho biết, thuốc Broncho Vacxom là là dạng đông khô của một số vi khuẩn đã được làm giảm hoạt tính, có tác dụng gần giống như vắc xin, khi dùng cơ thể sẽ tạo ra kháng thể để chống lại các loại vi khuẩn đó. Vì thế, thuốc chỉ có tác dụng khi bị các bệnh do các vi khuẩn đó gây ra, còn gặp bệnh do vi khuẩn khác hay virus thì có thể không có tác dụng gì. Đặc biệt thuốc này không được dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Thuốc cũng có những tác dụng không mong muốn như rối loạn tiêu hóa, phát ban, chàm và rối loạn hô hấp (ho, hen, khó thở) chứ không phải hoàn toàn "lành".

Theo dược sĩ, đây là thuốc kê đơn của bác sĩ nên dùng theo kiểu truyền miệng là rất nguy hiểm, có khi "tiền mất, tật mang", đặc biệt là với trẻ vì cơ thể các em phát triển chưa toàn diện.

Cùng chung ý kiến này, một bác sĩ của Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mặc dù là thuốc đã được cấp phép và được sử dụng khá phổ biến ở nước ta, nhưng thực tế về mặt khoa học, chưa có nghiên cứu quy mô lớn nào chứng minh được hiệu quả vượt trội của Brocho - Vaxom.

"Ở các nước có trình độ khoa học phát triển, họ không hề chuộng thuốc này, chỉ có những nơi mà tình trạng dùng thuốc tùy tiện theo kiểu nghe truyền miệng thì người ta mới dùng phổ biến", bác sĩ này cho biết.

Giadinh

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Những cơn ho báo bệnh


Với những bé còn quá nhỏ, bé chưa thể nói cho bạn biết những khó chịu khi bị ho. Vì thế, việc theo dõi sức khỏe bé khi bé ho là điều cần thiết.

- Bệnh về thanh quản thường thấy ở bé dưới 2 tuổi, triệu chứng ban đầu là sốt và khàn giọng. Cơn ho cũng tồi tệ hơn vào ban đêm.

- Viêm tiểu phế quản có xu hướng ảnh hưởng mạnh tới bé dưới 6 tháng tuổi (có thể lên tới 1 tuổi). Dấu hiệu ban đầu như cảm lạnh, tiến tới là ho, thở nhanh, khó ăn trong 2-3 ngày.

- Nhiễm trùng ngực ảnh hưởng tới các bé mọi lứa tuổi. Triệu chứng gồm sốt cao, lười ăn, thở gấp và ho.

- Những bé lớn than phiền do bị đau đầu có thể bởi viêm xoang. Bé có thể ho vào ban đêm do chất nhầy chảy xuống cổ họng.

- Hen suyễn phổ biến với những bé mà gia đình có tiền sử bệnh này. Nó không gây sốt cao, trừ khi có nhiễm trùng ở ngực. Triệu chứng gồm ho vào ban đêm, thở khò khè nhất là sau khi tập thể dục, vui chơi quá mệt... Trường hợp nặng, bé thở nhanh, lồng ngực co rút.

- Ho gà bắt đầu với dấu hiệu số mũi, ho khan. Cơn ho kéo dài hàng tháng và có thể xảy ra với bé đã được tiêm chủng.

Giadinh

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Nỗi đau có tên ô-sin

Tùy lấy làm lạ khi con bé giúp việc tên Na gần đây có một số biểu hiện khác trước. Nó vẫn ngoan ngoãn, vâng lời mọi người trong gia đình, chăm chỉ làm việc. Nhưng Tùy nhận thấy mọi việc nó làm theo kiểu trách nhiệm, làm cho xong chứ không hào hứng, nhiệt tình như trước đây Na từng làm, điều làm cả gia đình Tùy quý và coi Na như một người thân, một thành viên trong gia đình.

Có lần tình cờ bắt gặp con bé mặc thử chiếc váy, đi cả đôi bốt hàng hiệu của mình, rồi mải mê soi gương, Tùy giận lắm. Con Na thì cuống cuồng xin lỗi. Nó khóc như mưa, nhưng trong tiếng nấc và những giọt nước mắt của nó, Tùy thấy có điều gì tủi hờn, ấm ức mà cô không hiểu. Chỉ đơn giản nghĩ nó tủi thân và sợ thôi.

Qua một người quen giới thiệu, Na đến giúp việc nhà Tùy gần 4 năm rồi, khi ấy nó mới 16 tuổi. Con bé ngoan, chịu thương chịu khó nên Tùy rất quý và tin tưởng nó. Thậm chí có những lần mẹ cô ốm ở quê, bận đi công tác xa, Na còn thay cô về quê chăm sóc mẹ. Ai biết chuyện cũng khen Tùy mát tay nuôi người. Vì trên thực tế, kiếm người giúp việc ưng ý, tin cậy có thể giao mọi việc trong nhà là cực kỳ khó khăn. Ngoài xã hội, đài báo nhan nhản những câu chuyện kinh hoàng từ ô-sin.

Tùy chỉ nghĩ mình chân tình, quý nó thì nó sẽ tốt với gia đình. Đôi khi sự mắng mỏ cũng là chỉ bảo muốn nó làm tốt hơn. Con bé nhanh ý, biết chiều theo sở thích từng người. Ví như nấu bữa sáng, chỉ là món mì tôm nhưng ai muốn ăn nấu kỹ, có rau, ai muốn mì úp, có thịt, Na đều làm đúng ý.

Giờ Na đã thành thiếu nữ tuổi 20. Có lần nó ngồi đần mặt ra nói với Tùy: "Ở quê cháu, bạn bè bằng tuổi lấy chồng hết rồi. Cháu thành ế cô ạ". "Hay cháu muốn về quê?" Tùy hỏi. Nó đáp: "Không. Bọn con gái như cháu đi ra thành phố, về dân làng coi như hư hỏng, vì có rất nhiều đứa ra phố làm việc không đứng đắn, cháu cũng bị đánh đồng theo. Thôi cô cứ cho cháu ở lại đây với cô chú, sau nếu có ai cô gả chồng cho cháu cô nhé".

Có con bé Na, Tùy cũng bớt được nhiều việc vặt, tập trung cho công tác chuyên môn, có thời gian đi học thêm nên cô được đề bạt rất nhanh. Từ trưởng phòng, phó giám đốc rồi bây giờ chị đang là cán bộ cơ cấu vào chân giám đốc. Chính vì vậy, thời gian Tùy dành cho gia đình cũng bớt dần.

Sau đợt đi công tác nước ngoài dài ngày trở về, Tùy cảm thấy cái Na khang khác. Nó hay ngồi một mình trong bếp, làm thì "quăng vung bỏ vãi", nấu cơm quên bật công tắc, canh thì không cho gia vị... Thấy lạ, Tùy gặng hỏi thế nào nó cũng không nói, chỉ im lặng.

Một hôm nó nói với Tùy cho nó nghỉ việc về quê, nó bảo cháu xin nghỉ hẳn. Nghĩ Na buồn chuyện chồng con, muốn về quê tìm chồng, Tùy cho nó ít tiền, dắt ra siêu thị mua quần áo, thuê hẳn một chiếc taxi cho Na về.

Bẵng đi 4 tháng sau, Na gọi điện cho Tùy nói muốn gặp. Hai cô cháu hẹn nhau tại một hiệu may quần áo. Tùy vô cùng ngạc nhiên khi thấy cái Na bụng lùm lùm. Tưởng nó lấy được chồng, Tùy mừng rỡ hỏi, nhưng nó khóc: "Cháu không lấy được chồng, cháu chưa dám về quê mà thuê nhà ở gần đây thôi cô ạ". Thương quá, Tùy bắt nó dẫn về nhà, sắm sửa cho vài thứ đồ dùng rồi gọi chồng đến sửa cho nó cái bóng điện hỏng. Tùy thật sự thương con bé.

Một hôm đến căn phòng trọ của Na mang cho nó ít đồ sơ sinh, Tùy thấy chồng chị cũng từ đó tất tả đi ra. Thấy lạ, sau một hồi gặng hỏi, Na thú nhận, cái thai trong bụng là của chồng Tùy, nó quỳ xuống xin cô tha thứ...

Tùy chết lặng không tin vào tai mình nữa. Cô không dám nghĩ thêm, cũng chẳng mắng mỏ theo kiểu thường tình mà cô đi như chạy. Cô là người đàn bà nhân hậu, vì quá tin người, quá ham mê công việc mà để xảy ra cơ sự. Bỗng dưng cô trách chính mình và biết mình sẽ phải đối mặt với một bài toán khó mà lời giải chẳng dễ dàng có được.

Theo ĐSPL

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Khi mẹ vợ "ác cảm" với chàng rể



Thấy mặt con rể, bà Nga nguýt dài rồi đủng đỉnh đi vào nhà trong. Hoàng thấy thái độ của mẹ vợ thì sa sầm nét mặt, một mực bắt vợ đi về. Dọc đường đi, anh còn lầm bầm: "Đã bảo ở nhà cho yên chuyện mà không nghe. Ngoại với chả nội"...

Chỉ có Yến là khổ sở với những lời chỉ trích của mẹ và chồng...

Ác cảm vì nghĩ con rể "vô dụng"

Bà Nga có mỗi một mụn con gái. Ý của bà là đợi khi con học xong, bà sẽ nhắm cho nó một nơi "môn đăng hộ đối" để xứng với gia cảnh nhà bà, mà cũng là để cho con gái sướng cái thân. Nhưng bà chưa kịp thực hiện ý định thì Yến đã dẫn người yêu về ra mắt.

Nhìn bạn trai của con dáng vẻ quê mùa, bà Nga dám chắc "nó" không phải là con nhà danh giá. Vậy nên từ bữa ra mắt đầu tiên, bà đã phản đối kịch liệt. Bà nói riêng với con: "Mày chơi theo kiểu bạn bè thì được, nhưng nếu có ý định tiến xa hơn thì mẹ cấm". Thấy con gái có ý phản đối, bà càng làm lớn: "Mày định lấy nó về để sống trong căn nhà thuê ẩm thấp hả con? Khổ cả một đời đấy".

Bất chấp lời can ngăn của bà Nga, đôi trẻ vẫn kiên quyết tiến hành đám cưới. Ngày cưới con gái, bà Nga "mặt sưng mày sỉa", nếu như con gái bà không "trót dại" thì còn lâu bà mới đồng ý cái đám cưới này. Nhưng đồng ý là do bị dồn vào tình thế bắt buộc, chứ trong lòng bà Nga vẫn ấm ức lắm.

Vậy nên, dù con rể có đối xử tốt thế nào, bà Nga vẫn không vừa lòng. Đến nhà, thấy con gái lúi húi nấu cơm, bà gắt: "Chồng gì mà cứ nằm ườn ra rồi bắt vợ phục dịch là sao? Tao đẻ con gái ra không phải để đi làm ô sin cho kẻ khác đâu nhé". Thấy mẹ nặng lời, Yến chống chế: "Không phải đâu mẹ ạ. Bình thường anh ấy vẫn làm giúp con, chẳng qua hôm nay đi làm về mệt quá nên anh ấy nằm thôi".

Hoàng nghe mẹ vợ gắt, luống cuống chạy ra chào, bà Nga nguýt một cái rõ dài: "Anh mà đối xử không tốt với nó thì liệu hồn. Con gái tôi là "cành vàng lá ngọc", cho lấy anh là một thiệt thòi rồi. Biết điều thì liệu mà đối xử". Hoàng tái mặt nhưng cũng "dạ", "vâng" cho qua chuyện.

Mẹ vợ vừa bước ra khỏi cửa, Hoàng đã nói hờn mát: "Lấy anh em khổ lắm phải không? Mẹ muốn chúng mình ly dị thì mới vừa lòng chắc?". Tối hôm đó, y như rằng vợ nằm một đường, chồng nằm một nẻo. Cố giải thích mãi cho chồng nhưng tự ái đàn ông bị tổn thương khiến chồng Yến bỏ ngoài tai mọi lời nhỏ to của vợ.

Cứ thế, có một khoảng cách vô hình càng ngày càng rộng giữa Hoàng và mẹ vợ. Anh không "nói xấu" bà với bất kỳ ai, nhưng rất ngại gặp. Năm thì mười họa, có việc gì cần kíp lắm, anh mới chịu "trình diện''. Bà Nga cũng "không ưa gì cái loại bất tài, vô dụng ấy" nên những lần hai ngời gặp nhau, một là "im như thóc", hai là xảy ra một cuộc chiến "nổ trời" mà người khơi mào bao giờ cũng là bà mẹ vợ với những câu nói sắc sảo, không ai sánh bằng.

Nghe lời vợ, lúc đầu Hoàng cũng nhẫn nhịn, không để bụng. Nhưng việc gì của hai vợ chồng anh mẹ vợ cũng can thiệp làm anh thấy mình cứ như "người thừa". Ai đời chuyện vợ chồng "tế nhị", mẹ vợ anh cũng tham gia vào. Bà không ngại ngần thẳng thừng với Hoàng: "Anh "hành" con bé vừa vừa thôi. Cái gì cũng phải điều độ. Dạo này nó gầy trơ xương rồi đấy. Mà cũng phải, có phải con anh đâu mà anh xót". Hoàng ngại không biết chui mặt vào đâu, lúng túng nói với mẹ: "Mẹ à, cô ấy cũng là vợ con mà".

Mới nghe đến đây, bà Nga đã nổi cơn thịnh nộ: "Vợ mày nhưng là... con tao. Đừng tưởng cưới rồi muốn làm gì thì làm". Không cãi lại được mẹ, mọi ấm ức, Hoàng đổ hết lên đầu vợ. Mọi việc trong nhà, Hoàng để cho Yến tự quyết tất tần tật, vợ có phàn nàn, Hoàng lại "dỗi": "Thì mẹ muốn vậy, mẹ sợ tôi lấn lướt làm con gái rượu của bà khổ". Yến khuyên nhủ, ngọt nhạt hết lời nhưng Hoàng vẫn không nguôi giận. Nhà có hai vợ chồng son mà không khí gia đình chẳng mấy khi vui vẻ.

Nỗi khổ người "đứng giữa"

Yến từng nghe nói nhiều đến chuyện mẹ chồng, nàng dâu không ưa nhau làm cho người chồng đứng giữa phải chịu trận, không ngờ bây giờ cô phải lâm vào tình cảnh khó xử này. Sự bất hòa giữa chồng và mẹ làm cho cuộc sống của cô không lúc nào được yên. Bình thường, Hoàng đối xử với cô rất tốt, nhưng mỗi khi có mẹ vợ đến, anh lại giận dỗi, làm như đối xử tệ bạc với vợ lắm. Điều này làm mẹ Yến tức điên, bà chỉ trích con rể không tiếc lời.

Đã nhiều lần Yến tìm cách hàn gắn tình cảm giữa mẹ với chồng nhưng bất lực. Cứ thấy mặt anh con rể "trời đánh" là bà Nga lại "nói mát". Bà vẫn còn ức vụ hai vợ chồng "lừa" bà chuyện "trót dại" để cưới. Nếu có dịp gì, cả nhà quây quần thì cũng hiếm khi những bữa tụ họp đó diễn ra trong không khí vui vẻ, lúc nào cũng có một vài câu "đấu khẩu" giữa bà mẹ vợ và chàng rể.

Hoàng là đàn ông, anh có tự ái và sĩ diện của mình. Lúc nào chạm mặt mẹ vợ cũng phải nghe những bài thuyết giáo làm anh thấy mệt mỏi. Khi nào bà cũng so sánh anh với "con rể hụt" của bà. Nào là: "Thằng Hùng thế mà giỏi. Mới 30 tuổi mà đã có nhà, có xe. Chẳng bù cho con gái tôi, lấy phải chồng nghèo đến giờ vẫn còn phải ở nhà thuê". Khi khác thì: "Giá như con bé Yến nghe lời tôi thì bây giờ đã có xe hơi đi rồi không. Tự dưng đâm đầu vào chỗ khổ". Hoàng nghe những lời nói đó mà bầm gan tím ruột. Dù biết vợ "vô can" nhưng quá bức xúc nên Hoàng đã nhiều lần nổi cáu vô cớ với Yến.

Biết mẹ cũng chỉ vì thương mình nên mới hành xử như thế, nhưng trong thâm tâm, Yến thấy không bằng lòng với những việc làm của mẹ. Cô cố giải thích cho bà hiểu rằng, dù không có nhiều tiền nhưng Hoàng rất tốt, rất thương cô, hơn nữa, anh cũng là một người có chí tiến thủ. Bà Nga thấy con gái bênh chồng chằm chặp thì lại nổi nóng: "Tao làm tất cả vì lo cho mày. Thế mà còn bị chỉ trích. Thử hỏi một ngày nào đó, nó trèo đầu cưỡi cổ thì lúc ấy mới trắng mắt ra con ạ". Cứ thế, mọi cố gắng của Yến đều bị mẹ cô gạt bỏ.

Hoàng cũng thẳng thừng tuyên bố: "Nếu không có việc gì quá cần thiết thì đừng bảo anh sang nhà bố mẹ vợ, anh không thể cứ giả vờ tiếp chuyện khi bà cứ bóng gió chê bai vai trò làm chồng của anh trước mặt bao nhiêu người". Từ trước tới nay, chồng Yến chưa làm điều gì quá đáng trước mặt mẹ cô, dù bà đối xử với anh có tệ thế nào đi nữa. Giờ anh đã tuyên bố như thế, có nghĩa là cũng đã nín nhịn khá nhiều rồi. Yến vừa khuyên chồng, vừa "nịnh" mẹ, nhưng xem ra, quan hệ giữa mẹ vợ và con rể trong gia đình Yến lúc nào cũng "sôi sùng sục".

Kể từ khi cưới đến giờ, Yến chưa một ngày được bình yên. Những tưởng lấy được người mình yêu, có công việc ổn định, cuộc sống gia đình đối với Yến sẽ "xuôi chèo mát mái", nhưng sự ác cảm quá nhiều của mẹ cô với con rể đã khiến cho cuộc sống của vợ chồng cô bị đảo lộn. Mọi việc trong nhà tưởng đơn giản lại hóa phức tạp với những mâu thuẫn mới liên tục nảy sinh mà nguyên nhân cũng chỉ vì cái sự "ghét con rể" của mẹ Yến.

Thực tâm, Hoàng không muốn tranh cãi với mẹ vợ, nhưng bà cứ dồn anh vào thế bí. Còn về phần Yến, những lần nghe mẹ chỉ trích chồng, cô cũng "nóng cả mặt". Giá như mẹ Yến biết thương con gái theo kiểu khác thì chắc chẳn cuộc hôn nhân của cô đã hạnh phúc hơn rất nhiều.

Theo Eva

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Dụ trẻ ham đọc sách


Chẳng hiểu sao từ nhỏ, cu Tí lại “ngại” đọc sách đến như thế. Nào là loại truyện tranh, câu đố thông minh, các loại sách kính vạn hoa, nhưng Tí hầu như chẳng động chạm đến quyển nào.

Con sợ đọc sách

Chẳng hiểu sao từ nhỏ, cu Tí lại “ngại” đọc sách đến như thế. Nào là loại truyện tranh, câu đố thông minh, các loại sách kính vạn hoa, nhưng Tí hầu như chẳng động chạm đến quyển nào. Mẹ mua về và Tí xếp vào đó cho đẹp.

Tí chỉ mê trò chơi điện tử ở máy tính của bố hay đợi xem quảng cáo trên tivi. Ngày mới đi học lớp một, mẹ đã nghĩ ra một cách để ép Tí thích đọc sách. Đó là mỗi tối, Tí phải ngồi đọc hết một quyển truyện mẹ mua hoặc ít nhất là ngồi yên lặng với quyển sách đó khoảng 30 phút.

Nhưng cũng vì thế mà Tí có vẻ sợ những quyển sách hơn. Cứ mỗi tối phải ngồi ôm một-quyển truyện đầy mầu sắc rực rỡ, đó cũng là “một hình phạt” đối với Tí. Ông bà nội Tí suốt ngày than thở: “Chẳng biết nó giống ai. Hồi xưa bố nó thích đọc sách là thế, không có sách mà đọc. Thế mà bây giờ nó có bao nhiêu loại sách mà lại không chịu đọc”.

Mẹ nên làm gì?


Mẹ cho bé làm quen với sách càng sớm càng tốt. Trẻ 1 tuổi đã có thể nhận biết những cuốn sách có tranh ảnh đẹp, màu sắc cuốn hút. Mẹ hãy dành thời gian kể những mẩu chuyện tranh đơn giản cùng lúc với việc giở cho con xem tranh ảnh về câu chuyện đó.

Mẹ nên thường xuyên đọc và kể chuyện cho con nghe. Sau khi đọc, mẹ cũng nên dành thời gian để kể lại câu chuyện đó và thông điệp mà câu chuyện muốn truyền tải. Không nên chỉ đọc cho bé nghe một cách máy móc, đọc cho xong nhiệm vụ.
Khuyến khích trẻ con tự kể lại câu chuyện theo ngôn ngữ của chúng. Nếu trẻ con có xé rách, làm nát, quăn mép sách, đừng vội la mắng con. Điều này sẽ khiến con chán và không muốn lại gần quyển sách vì sợ bố mẹ mắng.

Nên tìm hiểu xem con thích đọc thể loại sách/loại truyện thế nào. Và nếu có thể, hãy mua loại sách đó để khuyến khích con. Không nên ép con đọc những loại sách mà bố mẹ thích.

Hãy để nhiều loại sách trong tầm tay con để bất cứ khi nào thích, chúng có thể đọc ngay. Bố mẹ hãy để sách trong phòng bé, cùng với các đồ chơi để con cảm thấy việc đọc như một trò chơi thú vị. Nếu bạn không muốn chi nhiều tiền cho việc mua sách mới, hãy dạo qua hàng sách cũ hay mượn bạn bè, thư viện.

Mỗi dịp cuối tuần hay ngày nghỉ lễ, thay vì dẫn con đi siêu thị mua bánh kẹo, đồ chơi, có thể bớt chút thời gian để đưa con tới nhà sách. Điều đó sẽ giúp con quen dần với sách, thích sách hơn và thích đọc sách.

Ngoài sách báo, mẹ có thể mua cho con một số loại báo, tạp chí, phù hợp với lứa tuổi của con. Điều này sẽ giúp con hình thành thói quen đọc và tiếp nhận thông tin từ sách báo.

Không nên cấm đoán con không được xem tivi, chơi trò chơi mà chỉ chăm chăm vào đọc sách. Nếu làm như vậy, trẻ con sẽ rất sợ hãi và ngại đọc sách, coi đó như một cực hình. Hãy để con vui chơi thoải mái, theo một giờ nhất định và có quy định thời gian.

Có thể đăng ký cho con tham gia câu lạc bộ đọc sách dành cho trẻ em. Ở đây, bé có thể gặp gỡ những người có sở thích đọc sách giống con và con sẽ mau chóng học được đức tính tốt đó.
Điều quan trọng nhất là bố mẹ và những người lớn trong gia đình cũng có thói quen thích đọc sách, báo, tạp chí. Đó chính là tấm gương sáng nhất và biện pháp hiệu quả nhất để dạy con thích đọc sách. Hãy để đọc sách với trẻ là một niềm vui chứ không phải như việc nhà hay một bổn phận phải làm.

Theo Afamily

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Khơi dậy khả năng sáng tạo ở trẻ

Khơi dậy khả năng sáng tạo ở trẻ không chỉ kích thích quá trình tư duy mà còn khiến trẻ thích thú khi được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí.

Tính sáng tạo ở trẻ có thể do bẩm sinh, nhưng phần lớn là do cơ thể dựa trên môi trường sống xung quanh. Khi trẻ 3 -5 tuổi là khoảng thời gian tính sáng tạo bộc lộ rõ nhất. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần giúp trẻ phát huy và bồi dưỡng tài năng.

Vốn tính hiếu động, cùng trí tưởng tượng phong phú, trẻ có thể bôi vẽ lên tường, hay ghế sofa, đổ đầy nước ra nhà. Cảm giác lúc đấy của bạn thế nào? Chắc chắn sẽ khiến bạn rất cáu giận. Nhưng thay vì mắng mỏ chúng, bạn nên tạo cơ hội cho trẻ một khoảng không gian riêng trong nhà để trẻ được tự do vui chơi và thỏa sức sáng tạo. Trái lại, nếu bị cha mẹ cấm đoán, trẻ sẽ tỏ ra bướng bỉnh, không vâng lời.
Khi trẻ đang làm một công việc gì đó như vẽ tranh hay ghép hình, bạn không nên thúc đẩy trẻ với những động cơ bên ngoài như “Nếu con làm tốt, mẹ /bố sẽ thưởng kẹo”. Bạn nên nhớ, trẻ đang nỗ lực với các tác phẩm và muốn bộc lộ cho mọi người thấy khả năng, sự khéo léo của mình. Vì vậy, lời khen của bạn là rất cần thiết. Bạn hãy quan tâm, khen ngợi và khuyến khích nỗ lực của trẻ.

Hãy thể hiện niềm tự hào của bạn trong mỗi việc làm của trẻ, giúp trẻ có động lực và cảm giác vui vẻ trong quá trình sáng tạo của mình.

Nếu bạn đang làm việc nhà hoặc sửa chữa đồ đạc trong nhà, hãy để cho trẻ tham gia. Giúp trẻ tham gia vào các hoạt động có tính sáng tạo, với các công cụ và các thao tác khác nhau để trẻ học hỏi, phát huy trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo.

Khuyến khích trẻ sáng tạo trong các đồ chơi. Ví dụ: bạn có thể đưa cho trẻ một tờ giấy, hãy quan sát xem trẻ có thể làm gì? Hãy gợi ý cho trẻ, với nhiều phương pháp như tạo ra một cái nôi cho búp bê, gấp thành máy bay giấy đơn giản…

Hãy để cho con bạn tiếp cận với các cuốn sách về nghệ thuật. Thường xuyên đưa trẻ đến các triển lãm nghệ thuật, xem các tài liệu liên quan đến nghệ thuật. Đó là khoảng thời gian giúp trẻ mở rộng khả năng sáng tạo.

Với trẻ, mọi thứ xung quanh đều trở nên lạ lẫm, trẻ sẽ không ngừng hỏi bạn, đây là dấu hiệu bộ não đang phát triển liên tục. Trẻ sẽ giống như “miếng bọt biển ngâm trong nước”, sẽ không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức. Thay vì trả lời một cách kiên nhẫn, hãy khuyến khích trẻ đặt thêm nhiều câu hỏi.

Nếu con bạn bắt đầu bộc lộ năng khiếu thực sự, bạn nên đưa trẻ đến các lớp học (nếu có thể) để phát huy khả năng, cho trẻ khoảng không gian để trẻ được thỏa sức khám phá.

Tại các thành phố lớn, không gian vui chơi cho trẻ thường bị bó hẹp trong bốn bức tường, cha mẹ lo sợ trẻ sẽ chạy ra ngoài đường, nhiều nguy hiểm thường trực. Chính sự bó buộc đó lại khiến cho trẻ hạn chế khả năng sáng tạo, trẻ sẽ kém năng động. Vào dịp nghỉ hè, bạn có thể đưa trẻ về thăm ông bà ở quê, không gian yên tĩnh, lại rộng rãi, trẻ sẽ thỏa sức vui đùa lại có thể gần gũi ông bà nhiều hơn.

Trẻ sẽ thực sự khỏe mạnh và thông minh nếu được cha mẹ chăm sóc đúng cách và đảm bảo đời sống tinh thần cho trẻ.
Theo Socola

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Không dùng thuốc co mạch chữa ngạt mũi cho trẻ nhỏ


Ðặc trưng của loại thuốc này là gây co mạch máu niêm mạc mũi, giảm xung huyết do đó làm cho mũi thông thoáng, dễ thở.

Tuy nhiên, ở người lớn, việc sử dụng thường xuyên, kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu, chai lỳ niêm mạc, đòi hỏi phải tăng liều sử dụng.

Điều này gây nên căn bệnh viêm mũi do thuốc: Niêm mạc mũi bị xơ hóa, mất tính mềm mại, mất khả năng tự co hồi, giãn nở và mất khả năng đề kháng chống lại các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập cơ thể qua đường mũi.
Ở trẻ em dưới 7 tuổi, việc sử dụng thuốc co mạch cần hết sức thận trọng vì có thể gây nên choáng và các biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Hầu hết các thuốc co mạch đều không được dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, thậm chí một số thuốc còn chống chỉ định dùng cho trẻ em dưới 15 tuổi (như rhinex 0,05%).

Ðối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, sơ sinh và nhũ nhi, nếu bị ngạt tắc mũi thì không được tự ý dùng thuốc co mạch (ngay cả các thuốc có đề dùng cho trẻ em), mà phải đưa đến khám tại các cơ sở chuyên khoa Tai - mũi - họng.

Tại đây, bác sĩ sẽ pha một loại thuốc đặc biệt để dùng cho trẻ. Người bệnh tăng huyết áp cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc co mạch vì có thể gây nên một cơn tăng huyết áp do thuốc ngấm qua niêm mạc, vào mạch máu và gây tác dụng co mạch không chỉ ở mũi.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh - Bee.net

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Ứng phó khi bé bị cảm lạnh

Bé bị chảy nước mũi hoặc ho không ngừng là triệu chứng do cơ thể bé đã nhiễm lạnh.

Cảm lạnh là bệnh khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhất là trong thời tiết giao mùa như hiện nay. Trẻ có thể mắc bệnh trong một vài tuần khá dai dẳng với các triệu chứng ho, sổ mũi, viêm họng.

Nguyên nhân thường gặp

Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng do virus gây ra. Khi trẻ nhiễm virus, nếu cơ thể không có khả năng miễn dịch chống lại nó thì bé sẽ bị nhiễm lạnh.

Một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ mắc cảm lạnh:

- Trẻ bị nhiễm cảm lạnh do tiếp xúc trực tiếp với một người đã bị nhiễm.

- Các virus có thể lây lan khi một người mắc bệnh chạm vào miệng hoặc mũi của mình sau đó chạm vào trẻ mà không rửa tay.

- Bé cũng có thể nhiễm cảm lạnh do tiếp xúc với các bề mặt bị ô nhiễm như đồ chơi, đồ dùng, quần áo,...

- Dị ứng và hút thuốc thụ động cũng có thể làm trẻ bị ảnh hưởng.

- Thời tiết lạnh làm trẻ nhiễm lạnh do không khí thường khô và trẻ ở ngoài trời lâu, nhiều gió rất dễ bị cảm lạnh.
Các triệu chứng:

Đây là một số triệu chứng phổ biến khi bé mắc cảm lạnh:

- Các dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh thường là chảy nước mũi, hắt hơi và ho.

- Sốt do nhiễm trùng.

- Nghẹt mũi có thể dẫn đến khó thở.

- Cơ thể bé mệt mỏi, dễ cáu kỉnh, khó chịu và hôn mê.
Các biến chứng:

Cảm lạnh có thể dẫn đến một vài biến chứng cho trẻ. Mặc dù biến chứng này không phải phổ biến, nhưng cha mẹ cần luôn cảnh giác. Một trong những biến chứng phổ biến có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ bị cảm lạnh là:

- Nguy cơ nhiễm trùng tai.

- Thở khò khè ngay cả khi con của bạn không có bệnh hen suyễn hoặc bệnh đường hô hấp khác.

- Viêm và nhiễm trùng xoang là những vấn đề liên quan.

- Các biến chứng nghiêm trọng từ cảm lạnh thông thường bao gồm viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản và viêm họng liên cầu khuẩn.

Biện pháp phòng ngừa:

Cách tốt nhất để chống lạnh là phòng ngừa với các biện pháp sau:

- Để trẻ không bị lây nhiễm bằng cách tránh tiếp xúc những người bị nhiễm lạnh.

- Luôn luôn giữ cho trẻ ấm áp và tránh tiếp xúc đối với trời lạnh bên ngoài.

- Nếu trẻ có dấu hiệu cảm lạnh, cho trẻ uống nhiều nước để giảm bớt tắc nghẽn thải độc tố khỏi cơ thể. Sử dụng nước muối sinh lý để giảm ngạt mũi của bé.

- Luôn luôn rửa tay trước khi cho trẻ ăn hoặc chăm sóc trẻ.

- Giữ đồ chơi và núm vú của trẻ sạch sẽ.
Biện pháp khắc phục:

Thuốc kháng sinh không đặc trị cho cảm lạnh. Cách tốt nhất bạn có thể giúp giảm bớt sự khó chịu của trẻ là giữ cho trẻ ấm nhất có thể và tham vấn bác sĩ.

Không bao giờ được dùng aspirin cho trẻ sơ sinh vì nó có thể gây ra các biến chứng khác. Hạ sốt cho trẻ bằng các biện pháp hạ nhiệt thông thường bằng khăn ấm.

Theo BC/Afamily

Chống sẹo thâm vết côn trùng đốt

Khi bị côn trùng đốt, nếu trong nọc đốt của côn trùng có axit, độc tố thì có thể gây tổn thương tại vết đốt.

Khi bị côn trùng đốt, tùy từng người, tùy mức độ tổn thương khác nhau mà có thể gây ra các vết tổn thương khác nhau.

Ở trẻ em, khi bị đốt, nổi bọng nước bé thường rất ngứa, nếu không kiềm chế được mà trẻ gãi nhiều khiến vết thương bị loét, nhiễm trùng… nên nguy cơ bị sẹo thâm cũng cao hơn ở người lớn.

Để xử lý vết côn trùng đốt ở trẻ em, tốt nhất cần hạn chế không để côn trùng đốt bé. Vì không chỉ gây ra tổn thương tại vết đốt, mà các loại côn trùng này, như muỗi cũng có thể truyền bệnh khác cho trẻ.

Còn khi đã bị đốt, đầu tiên, cần rửa sạch vết đốt cho trẻ bằng muối sinh lý. Tiếp đó nếu nổi bọng nước to, thì có thể dùng một chiếc kim sạch (tiệt trùng qua cồn) trích một nốt nhỏ (lưu ý, không để vỡ cả nốt phòng to mà chỉ trích một nốt nhỏ), rồi bôi kem có kết hợp thuốc kháng sinh và corticoid. Mỗi ngày chỉ cần bôi 2- 3 lần kem này và cũng không cần bôi kéo dài, chỉ khoảng 2 - 3 ngày.

Sau đó, với những trẻ vốn hay bị sẹo thâm thì có thể tiếp tục bôi loại kem dưỡng có chứa vitamin C, vitamin E hoặc sản phẩm có tế bào gốc, mục đích để vừa làm dịu da, chống rối loại sắc tố da, từ đó chống để lại sẹo thâm rất hiệu quả.

Cũng cần lưu ý, hãy luôn nhớ nhắc nhở trẻ không gãi tại nơi đốt, vì càng gãi, vết tổn thương càng dễ lan rộng, loét sâu và lâu liền hơn.

Giadinh

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Điên đầu vì… con lười học


Hôm nào đi học về, Tin cũng phải làm bù bài ở lớp. Mẹ thì phải trực sẵn để mượn và phô tô vở của bạn lớp trưởng.

Đi học về là phải chép bài bù ở lớp


Tin đang học lớp 3 tại trường tiểu học Dịch Vọng A (Cầu Giấy - Hà Nội). Cậu rất nhanh nhẹn hoạt bát trong những lúc vui chơi. Nhưng chuyện học bài và ăn, mẹ phải “đánh vật” rất lâu. Ở lớp, môn nào Tin cũng viết thiếu bài, làm bài kiểm tra cũng bỏ dở bài.

Hôm nào đi học về, Tin cũng phải làm bù bài ở lớp. Mẹ thì phải trực sẵn để mượn và phô tô vở của bạn lớp trưởng. Cô giáo nhiều lần nhắc nhở Tin nhưng vẫn chưa sửa được thói xấu đó. Ở lớp, cô có đến tận, nhắc nhở thì Tin chịu khó chép bài. Cô đi khỏi, con lại mải nghịch cái bút, cái thước.

Mẹ Tin mất rất nhiều công sức và thời gian để dạy con. Có những đợt cứ đón con về từ cổng trường là đã thấy stress. Cứ nghĩ lại đánh vật với đống bài vở thiếu của con là đã mệt và đau đầu. Nhiều lúc lại xấu hổ không dám gặp cô giáo.

Học kỳ 1 đã quá nửa, mẹ Tin vẫn chưa biết làm thế nào để khắc phục tình trạng của Tin.

Còn mẹ Na lại lâm vào một “hoàn cảnh” khác. Na đang học lớp 2 nhưng nghịch và bướng kinh khủng. Tất cả các vở bài tập đến lớp, chẳng bao giờ con làm đủ. Ở lớp chỉ viết được vài dòng thôi.

Đến tôi về, mẹ ép mãi. Con thì vừa học vừa chơi. Thậm chí có hôm 11h hơn vẫn chưa xong bài. Đấy là Na chỉ làm bài ở lớp, chứ mẹ chẳng dám giao thêm bài nào.
Nhiều hôm mẹ quát con khản cả giọng, con cũng chẳng nghe cho. Cứ để ý đi đâu ấy. Đánh cũng chẳn ăn thua. Mẹ Na tâm sự: “Nói thật, con cũng thông minh, nhanh nhẹn, tự làm bài được, nhưng lười quá. Cô giáo cũng phải chịu thua”. Chẳng biết làm thế nào để con tập trung học, bớt bướng và bớt nghịch.

Bố mẹ hãy chọn những phương pháp phù hợp với con

Với con lười học, chán học, bố mẹ hãy tham khảo một số lời khuyên sau đây và tìm cho mình những phương pháp phù hợp nhé:

Xác định tầm quan trọng của việc học đối với con. Hãy kể cho con nghe những điển hình học tốt và những thành công của họ cũng như nêu những nhân vật không học đến nơi đến chốn và cuối cùng phải gánh chịu hậu quả.

Nói với con rằng, cả nhà sẽ không nhắc nhở con nhiều về chuyện học hành của con, thay vào đó con sẽ phải tự ý thức trách nhiệm của mình. Nếu không làm bài tập về nhà hoặc bị điểm kém khiến cô giáo phải nhắc nhở, trẻ sẽ bị phạt.

Ví dụ, con sẽ không được đi chơi cuối tuần với cả nhà hoặc bố mẹ đi xem phim vào buổi tối đẹp trời mà không có con để phạt cho con nhớ.

Lập thời gian biểu chính xác giờ giấc học tập của con. Đến giờ con sẽ phải ngồi vào bàn học một cách nghiêm túc.

Trước khi kết thúc bài học ở nhà, bạn hãy bớt chút thời gian để kiểm tra xem con có làm bài đúng và đầy đủ hay không. Trẻ còn nhỏ nên việc sát sao kiểm tra sẽ giúp trẻ có ý thức học tập hơn.

Khi trẻ chăm học, cha mẹ cần có những lời khen hoặc những món quà có ý nghĩa cho con.
Cần tạo cho con tâm lý thoải mái có như vậy trẻ mới có hứng thú học tập. Cha mẹ cần cố gắng kiềm chế bản thân, không nên quát mắng hay đánh con nếu con lười học. Vì như vậy chỉ làm trẻ sợ hãi và nản học thêm.

Theo Afamily

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Thuốc "yêu" bồi bổ sức khỏe

Quan niệm "chuyện ấy là chuyện nhỏ" xét trên mọi khía cạnh thì thật là sai lầm. Bởi, qua rất nhiều nghiên cứu, cuộc sống tình dục an toàn, đều đặn và khoa học sẽ đem lại cho bạn những ích lợi rất to lớn.

Yêu đương chính là một cách tập thể dục hấp dẫn nhất và cho kết quả khả quan nhất.

Khi “yêu nhau”, hầu hết các bộ phận của cơ thể như xương chậu, bắp đùi, mông, tay, cổ, ngực... đều được vận động. Mỗi một lần “gặp gỡ”, cơ thể sẽ tiêu hao 200 calo, tương đương với 15 phút chạy bộ. Nội tiết tố nam testosteron sẽ được sinh ra nhiều hơn trong thời gian này sẽ làm săn chắc cơ bắp và chống loãng xương; vùng xương chậu sẽ dẻo dai hơn, giúp giảm chứng tiểu tiện không tự chủ; giúp phụ nữ trở dạ dễ dàng hơn.

(Ảnh minh họa)
Nội tiết tố nam testosteron và nội tiết tố nữ estrogen đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Cả hai loại hormon đều được gia tăng khi chúng ta yêu và tăng đột biến khi đạt được khoái cảm.

“Yêu đương” đều đặn mỗi tuần 2 lần, đặc biệt nếu cả hai lần bạn đều nhìn thấy thiên đường thì chắc chắn bạn sẽ trẻ lâu hơn bạn bè cùng trang lứa. Đó là do khi bạn đạt được đỉnh cao nhất của cảm xúc cũng là lúc cơ thể giải phóng một lượng lớn hormon DHEA (Dehydroepiandro sterone). DHEA giúp củng cố hệ thống miễn dịch, hồi phục các mô, giúp cho da tươi sáng, khoẻ khoắn.

Những nụ hôn, những cái vuốt ve âu yếm đã kích thích cơ thể sinh ra hormon cortisol - làm tăng lưu lượng máu, tăng lượng ôxy, giúp cơ thể dễ chịu và sảng khoái; hormon DHEA giúp giảm lo âu, giúp ngủ ngon, tăng cường khả năng chống đỡ và vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Khi đạt tới cực khoái, một làn sóng cảm giác yên bình và thư giãn sẽ xâm chiếm cơ thể (điều đó giải thích tại sao nam giới bình thường có cảm giác buồn ngủ sau “chuyện ấy”), đó chính là lúc con người thực sự giải phóng bản thân.

Những cặp vợ chồng quan hệ đều đặn thường thấy hạnh phúc và dễ dàng giải quyết các khó khăn. Họ thấy yêu đời và nhiều sức sống hơn và có thể giải quyết những khó khăn trong công việc, cuộc sống hằng ngày một cách hiệu quả hơn.

"Thuốc yêu" nếu dùng đều đặn mỗi tuần 2 - 3 lần còn giúp giảm các bệnh về tim mạch (tuy nhiên, những người sẵn có bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, bệnh suy tim... cần tham khảo ý kiến của bác sĩ), tránh các bệnh cảm lạnh (do lượng kháng thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cao hơn), kiểm soát bàng quang tốt hơn (do các cơ vòng được hoạt động, tập luyện thường xuyên), tốt cho hệ xương khớp, tránh nguy cơ mắc các bệnh tuyến tiền liệt ở nam giới.
Theo BS. Vũ Nhân
Sức khỏe&Đời sống

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

Bổi bổ khi mang thai thế nào cho đúng?


Hầu hết bà mẹ mang thai đều tăng cường chế độ dinh dưỡng ngay từ đầu để cung cấp đủ chất cho con mình.

Thế nhưng, nên biết rằng chế độ dinh dưỡng cũng cần linh hoạt thay đổi để đáp ứng đúng lúc và đúng lượng cho nhu cầu trong từng giai đoạn phát triển của thai nhi…

Ba tháng đầu thai kỳ – Bé và bạn cần gì?

Sự khó chịu của những cơn “nghén” không thể so được với niềm hân hoan đón nhận tin con. Trong giai đoạn này, các cơ quan của bé bắt đầu hình thành, tim bé đã đập những nhịp đầu tiên trước cả khi bạn biết mình mang thai. Cơ cấu bữa ăn nên nhiều chất bột, vừa chất đạm, ít chất béo và nên bổ sung Protein, DHA, Omega 3& 6, Axid Folic, chất sắt, prebiotic (có đầy đủ trong sữa công thức dành cho bà bầu) để bé phát triển tốt nhất.

Ba tháng giữa thai kỳ - Khi các cơ quan của bé bắt đầu hoàn thiện


Tế bào não, tế bào thần kinh của bé đã bắt đầu phân chia và tăng nhanh không ngừng về số lượng; tuyến tiêu hóa, hình dạng phổi cũng dần hoàn thiện. Móng tay, móng chân và các chi của bé cũng phát triển cân đối. Giai đoạn này bạn đã ăn uống ngon miệng trở lại. Chế độ ăn lúc này nên nhiều chất sắt, i-ốt, vitamin C, acid folic, các vitamin nhóm B (có nhiều trong các loại rau xanh đậm, cam quýt…) và canxi (hải sản, các chế phẩm từ sữa). Vấn đề của giai đoạn này là bạn rất dễ bị táo bón do thay đổi hoóc môn, vì vậy cần lưu ý bổ sung chất xơ (Prebiotics) để tăng sức khỏe đường ruột.

Ba tháng cuối thai kỳ - Bé sẵn sàng

Đây là giai đoạn cơ thể bé trở nên hoàn thiện để đến với vòng tay chờ đợi của bạn và gia đình. Não của bé đã trưởng thành và hệ thần kinh bắt đầu điều khiển một số hệ cơ quan. Không những có thể khua chân múa tay mà bé còn có thể xoay người trong tử cung của mẹ, đầu bé dần quay xuống dưới để sẵn sàng ra đời. Cảm giác khó chịu, nặng nề trong giai đoạn này rất dễ khiến bạn mệt mỏi, mẹ nên nhớ uống sữa công thức đều đặn để luôn không ngừng cung cấp dưỡng chất cho cả mẹ và con, chuẩn bị cho việc vượt cạn nhé!

Theo Eva

Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Trò chuyện để trẻ thông minh


Ngôn ngữ giúp hình phát triển khả năng suy nghĩ của trẻ. Trò chuyện, cho tiếp xúc, tham gia trò chơi, tiếp cận các tình huống thực tế… là những cách giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.

Cuộc sống bận rộn khiến các ông bố bà mẹ không còn thời gian để gần gũi, chuyện trò, hay lắng nghe những quan tâm của trẻ. Trong khi đó, bác sĩ Thái Thanh Thủy, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM, cho biết: “Các công trình nghiên cứu đã chứng minh, trong gia đình nếu bố mẹ thường xuyên trò chuyện với trẻ, trả lời rõ ràng, cụ thể những điều trẻ thắc mắc muốn biết, thì sẽ giúp khả năng phát triển ngôn ngữ nhanh hơn bé không được bố mẹ quan tâm, gần gũi trò chuyện”.

Cũng theo bác sĩ Thủy, thời điểm trẻ tròn một tuổi được xem là giai đoạn quan trọng trong việc xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển ngôn ngữ sau này. Bởi vì, con người sẽ học hỏi qua sự lắng nghe những âm thanh ở bước đầu tiên; nghe những âm thanh chung quanh mình, rồi từ đó hình thành nên kỹ năng nói.

Bác sĩ cũng lưu ý, khi nói chuyện với trẻ, cha mẹ nên cúi thấp ngang tầm bé, làm sao để trẻ thấy mặt và miệng của cha mẹ đang nói. Người lớn cần nói những từ vựng rõ ràng, rõ từng lời, từng chữ, không nói quá lớn hoặc quá nhỏ, cũng không nói quá chậm hoặc quá nhanh. Ban đầu, khi nói chuyện cùng trẻ cần chọn những từ ngắn, đơn giản, thật dễ hiểu; và cần khởi đầu câu chuyện từ những chủ đề mà trẻ quan tâm, thích thú. Khi trẻ nói được những từ ngắn, thì từ từ nói những từ vựng dài hơn…

Phát triển ngôn ngữ qua những tình huống thực tế

Các chuyên gia nhi khoa cho rằng, sự phát triển ngôn ngữ sẽ tác động đến phát triển các lĩnh vực khác của trẻ. Lý do, ngôn ngữ giúp hình thành khả năng suy nghĩ và giải quyết vấn đề, ngoài ra còn hỗ trợ trong việc thể hiện tình cảm và cảm nhận của trẻ. Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ qua những tình huống thực tế là điều rất quan trọng. Chẳng hạn như đọc sách cho trẻ nghe; tham gia các trò chơi cùng bé (qua các trò chơi trẻ cũng sẽ phong phú thêm vốn ngôn ngữ, từ vựng); cho nghe nhạc…

Các nhà chuyên môn ghi nhận, những trẻ dưới 6 tháng tuổi cũng đã bắt đầu cảm nhận được về những từ, câu hát mà bố mẹ lặp đi lặp lại với bé nhiều lần. Đó là những cảm nhận về ngôn ngữ ở thời điểm đầu đời của trẻ. Bố mẹ cần đọc truyện cho trẻ nghe từ khi bé còn nhỏ, còn chưa hiểu được câu chuyện, nhưng đó là lúc giúp bé phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên.

Trong quá trình chơi, bố mẹ chỉ ra và gọi tên các đồ vật, thú cưng cũng là cách giúp bé phát triển ngôn ngữ của mình. Hay cho trẻ nghe tiếng chim hót, tiếng đàn, tiếng nước chảy, rồi qua đó nói cho trẻ nghe âm thanh vừa nghe là âm thanh gì…

Quá trình trẻ học nói và hiểu từ luôn cần có sự tương tác từ các đồ vật, tình huống. Chẳng hạn như khi cho trẻ bú hay cho trẻ ăn thì nói “mum mum”. Hay qua nhiều lần chơi, cầm nắm các đồ vật, trẻ sẽ chú ý đến từ, ngôn ngữ để rồi phát âm và gọi tên đồ vật…
Những tình huống thực tế ấy được các nhà chuyên môn gọi là “Chơi mà học, học mà chơi” là như vậy.

Theo Vnexpress

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Thu 2 triệu xe đẩy trẻ em vì gây tử vong

Hãng sản xuất sản phẩm dành cho trẻ em Graco cảnh báo khách hàng ngưng sử dụng và cho thu hồi khoảng 2 triệu chiếc xe đẩy trẻ em Quattro và MetroLite, sau khi 4 trẻ em tử vong khi dùng xe đẩy này.

Theo Cơ quan an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ, khi không được đặt vào đúng vị trí trong xe đẩy, trẻ dễ bị trượt xuống khay đỡ của xe, khiến trẻ bị nghẹt và bị thương. 4 trẻ em thiệt mạng và 5 trẻ em khác bị bầm tím, đứt tay chân và khó thở khi sử dụng xe.
Các sản phẩm thu hồi được sản xuất trước tháng 7/2007. Graco bị khách hàng chỉ trích vì đến nay mới cho thu hồi sản phẩm trong khi nhận được các ca báo cáo tử vong và thương tích từ năm 2003 đến 2005.

Đầu năm nay, hãng này cũng cho thu hồi 1,5 triệu chiếc xe đẩy trẻ em Passage, Alano và Spree vì lỗi thiết kế khiến 5 trẻ em bị đứt ngón tay.
Theo TBKTSG/ CSM/Bee.net

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Khi bố nuôi con gái


Khoảng cách giới tính khiến anh ngại quan tâm, giúp đỡ con gái khi vào tuổi dậy thì, khiến con cô đơn và tủi thân… Đó là một số ít những trúc trắc của bố khi sống đơn thân cùng con gái.

Li hôn vì vợ ngoại tình, anh Hải (ở Giáp Bát- Hà Nội) đã sống đơn thân từ 7 năm nay và đảm nhận nuôi con gái, lúc đó mới được 5 tuổi.

Anh kể: “Những ngày đầu tiên sống đơn thân đúng là thử thách, nhiều chuyện bi hài không tả nổi.”

Tài nấu nướng của anh thường xuyên cho ra đời những món sống, khê hoặc “điệp khúc”.

Những khi con ốm, anh thành bà bảo mẫu thực sự, thức đêm trông con, vật lộn với việc vệ sinh, tắm rửa cho con. Hai bố con thi nhau gầy xọp đi. Thế nhưng anh sĩ diện, không nhờ vợ bao giờ.

Nhiều hôm, anh đến cơ quan với hai mắt thâm quầng. Lâu dần thành quen, đồng nghiệp tặng anh danh hiệu “ông bố giỏi… làm mẹ”.

Chuyện hài và bi nhất xảy ra khi con gái anh bước sang tuổi 12. Một buổi sáng, anh giật mình tỉnh dậy vì tiếng gọi “Bố ơi!” thất thanh của con. Vội vàng chạy sang, anh thấy con gái rượu đang ngồi khóc hu hu ngay cạnh cái ga giường đỏ vết máu.

Anh nín cười, kiên nhẫn ngồi giải thích và trấn an con. Sau đó, hai bố con dắt nhau đi mua băng vệ sinh và anh tiếp tục “làm mẹ”, hướng dẫn con vệ sinh trong những ngày đèn đỏ.

Nhưng dường như con gái anh cảm nhận mình “đã lớn” nên ngại để bố chăm sóc. Nhìn con gái lóng ngóng tự làm lấy mọi việc, anh hiểu đến lúc cần người bên cạnh giúp đỡ con khi bước vào tuổi dậy thì. Tới đây, anh Hải mới chịu nhờ vợ tư vấn cho con, mời mẹ ở quê lên bầu bạn với cháu.

Bố làm mẹ, làm bạn

Trong thực tế, không phải ông bố nào cũng tinh tế, tỉ mỉ và chu toàn như anh Hải nên có người chỉ quan tâm con nhiều ở đời sống vật chất.

Chuyên viên tư vấn tâm lý Võ Thanh Giang, trung tâm tư vấn Linh Tâm kể: Đã có nhiều trường hợp, sự hạn chế trong việc chăm sóc và thể hiện tình cảm của bố khiến con gái cảm thấy rất cô đơn trong cuộc sống.

Chị từng gặp một trường hợp người bố gọi đến tư vấn: Từ khi li hôn, con gái anh vốn rất nhí nhảnh trở nên trầm tính, ít nói.

Là đàn ông, anh không biết thể hiện những tình cảm yêu thương sao cho con hiểu, khiến cô bé rất ít chia sẻ với bố. Chỉ có cuộc sống vật chất là đầy đủ.

Chính vì luôn thấy trống trải, cô đơn nên con gái anh dễ dàng sa vào chuyện yêu đương với một thanh niên hư hỏng khi mới học lớp 8. Anh ngăn cấm, cô bé nói với bố: cậu con trai đó mới khiến cô cảm thấy được hiểu, được chia sẻ và bớt buồn tủi.

Lúc này, anh nhận thấy sự vô tâm của mình đã tạo ra khoảng cách cha con, đánh rơi mất vị trí của mình trong lòng con khi cô bé gần như chỉ nghe theo lời người yêu, sẵn sàng bỏ nhà đi nếu bố tiếp tục ngăn cản.

Một trường hợp khác, sau li hôn, cả bố và mẹ đều không thôi dằn vặt nhau về lỗi của từng người trong quá khứ.

Con gái ở với bố không được mẹ quan tâm và từ nhỏ đến lớn, gần như một mình học hành, tự chăm sóc bản thân, một mình với những vui buồn ở trường lớp. Mỗi lúc bố rảnh, bố lại bận đôi co với mẹ.

Từ đó, mọi cuộc trò chuyện của hai bố con kết thúc bằng những cuộc cãi vã và cô bé bỏ nhà đi “dạt”. Đến khi bố nhận ra sự tổn thương của con thì con gái đã thuộc về một thế giới khác của đám thanh niên đua đòi, chơi bời hư hỏng.

Tinh tế như bố...chăm con gái

Chị Thanh Giang chia sẻ:

Đàn ông thường khó thể hiện tình yêu thương bằng lời nói và những cử chỉ ôm ấp, vỗ về với con cái, nhất là khi chúng lớn. Khi phải nuôi con một mình, họ mới biết rằng có vô số những tiểu tiết chăm sóc con. Trước đây, họ thường tham gia dạy con những điều “lớn lao”.

Vì vậy, khi bố đối diện với thử tháchh nuôi con một mình, bố hãy cố gắng thay đổi bản thân.

Nếu bố vẫn dành cho con những tình cảm đầy ắp thì con trẻ sẽ vẫn thấy yêu thương tràn đầy quanh chúng.

Chỉ cần những việc làm nhỏ bé của bố như giúp con chải tóc, đưa con đi chơi, đi mua quần áo, dành thời gian trò chuyện cùng con… là con trẻ đã rất hạnh phúc.

Khi chăm sóc con gái, nghĩa là bố hãy sẵn sàng đối mặt với tuổi dậy thì phức tạp của con, để giúp đỡ và bảo vệ con đi qua giai đoạn này, cả về sinh lý lẫn tâm lý. Nếu không được định hướng, trẻ sẽ cảm thấy cô đơn về tinh thần, thậm chí đến mức trầm cảm, ảnh hưởng đến tính cách, khả năng hoà đồng và sức khoẻ sau này.

Bố hãy nhớ chủ động đón tuổi dậy thì cùng con. Lúc này, không có ai gần con gái như bố nên những việc làm của bố như mua cho con gói băng vệ sinh, tặng con những cuốn sách giới tính sẽ khiến con rất cảm động.

Là bố, thật khó và đôi khi thật ngại, vì khoảng cách giới tính. Nhưng bố có nhiều cách để làm việc này.

Chị Thanh Giang từng biết một ông bố đã hành xử rất thông minh khi một mình anh phải nuôi con gái đang lớn.

Thời gian đầu, anh ghi nhớ chu kỳ, chuẩn bị những gói băng vệ sinh để sẵn trong tủ áo riêng của con gái. Anh luôn chủ động trò chuyện cùng con mỗi khi thấy con vui hay buồn.

Mua những quyển sách hay về tuổi mới lớn, anh đặt lên bàn con với những lời nhắn. Thậm chí, anh đã tặng con cả bộ đồ bikini cùng với dòng chữ: “Bố không biết con mặc cỡ bao nhiêu. Nếu không vừa, con cho bố biết để đổi nhé!”…

Những giao tiếp tế nhị thường được anh thông qua tin nhắn. Dần dần, con gái anh coi bố như người bạn tâm giao, mọi chuyện đều chia sẻ với bố.

Bố và con gái sẽ là một tình bạn lớn khiến con gái thấy bình yên và rất hạnh phúc. Con gái sẽ học được sự mạnh mẽ và tinh tế của bố. Vì vậy các ông bố khi nuôi con gái một mình hãy cố gắng vừa làm bố, vừa làm mẹ của con mình.

Theo VietNamNet