Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Bí quyết chăm con của bố


Nhình Nấm vững chãi trong từng bước chân, mẹ thầm cảm ơn cách chăm con của bố. Hóa ra “Mẹ siêng” không tốt cho Nấm bằng “bố lười”.
Bố say mê công việc nhưng lười việc nhà. Đi công tác về tối, mẹ rất lo vì bố không chăm con chu đáo. Cho thức ăn vào tô cơm, phát cái muỗng, đôi đũa, bố mặc bé Nấm “chèo chống” với bữa ăn của mình. Nhiều lúc về tới nhà, mẹ thấy Nấm làm đổ cơm như gieo mạ. Trong lúc Nấm “tự xử”, bố vẫn dán mắt vào tờ báo hoặc chương trình bóng đá. Nếu là mẹ, mẹ sẽ làm mềm thức ăn, sẽ ân cần đút cho Nấm từng muỗng. Mẹ kể cho Nấm nghe những câu chuyện cổ tích hấp dẫn để Nấm há mồm, mẹ được dịp cho “ùm” một muỗng.

Dưới “chế độ” của bố, Nấm còn phải tự mang giày, có khi mang “chiếc đực chiếc cái” hoặc mang ngược. Với những bộ quần áo rộng, bố để Nấm tự mặc. Mặc sai, áo cứ bó rọ vào người như trói, Nấm cau có, hét lên, bố cũng chả trợ giúp. Bố mách Nấm đứng trước gương để tự cởi và mặc áo. “Kiên trì thì mới thành công”. Chưa ai chăm con mà thảnh thơi như bố. Cúp điện, thay vì mẹ dùng quạt giấy và gãi lưng cho Nấm dễ ngủ, bố lại bảo Nấm nằm im sẽ không đổ mồ hôi, sẽ không bị nóng. Quần áo vừa thay ra, bố giục Nấm bỏ vào máy giặt.

Thương Nấm bao nhiêu, mẹ càng giận bố bấy nhiêu. Nhiều lần mẹ trách bố, bố bảo thủ, nói: “Tập cho con quen, tự rút kinh nghiệm, mai mốt vứt nó ở đâu cũng sống được”. Mẹ cụt hứng với cách nghĩ cực đoan của bố, lại nghĩ rằng bố cố bao biện cho “cục lười” của mình.

Mẹ mang thai em Nho, bố đảm luôn nhiệm vụ đưa rước Nấm đi học. Một sáng, bố bị sốt, mẹ phải chở Nấm. Đến cổng trường, Nấm vội bước xuống xe, nhanh nhảu chào mẹ đi học. Mẹ chưa kịp gửi xe thì Nấm đã chạy đến cầu thang, một tay xách cặp, một tay vịn lan can. Lên lầu một, bé cười tươi, gọi mẹ. Đứng trước cửa lớp Chồi, Nấm nắm tay cô giáo bước ra nhìn mẹ, vẫy tay “bái bai” và mi gió. Có em bé trạc tuổi Nấm ôm ghì lấy mẹ ở sân trường, mè nheo, không chịu vào lớp. Mẹ thấy tự hào xen lẫn cảm giác an tâm về con gái của mẹ.

Hỏi bố mới biết, hai tháng nay, bố không dắt Nấm đến tận lớp mà xin phép cô cho Nấm tự đi cầu thang trong tầm ngắm của bố. Nấm lên đến lớp, cô giáo bước ra nhìn xuống bố đang chờ dưới sân để bố yên tâm ra về. Nhìn Nấm tự tin bước trên cầu thang, mẹ nhận ra trong sự “khắc nghiệt” của bố có cả tình yêu thương và lòng mong mỏi con gái cứng cáp hơn từng ngày. Nấm vững chãi trong từng bước chân, không phải việc gì cũng nhờ vả, làm phiền người lớn. “Mẹ siêng” hóa ra không tốt cho Nấm bằng “bố lười”. Cảm ơn bố, mẹ sẽ học dần “tính lười” của bố để hạn chế làm thay những việc vừa sức của con.

Giảm áp lực khi lần đầu làm mẹ



Làm mẹ, không khéo thu vén, chị em sẽ luôn phải gồng mình với một ‘đống việc’...
Lần đầu làm mẹ, chị em không khỏi lúng túng trong việc cân bằng giữa thời gian chăm sóc con và thư giãn, nghỉ ngơi của chính bản thân. Không khéo sắp xếp, chị em sẽ luôn phải căng cơ, gồng mình với một ‘đống việc’...

Học tập những bí quyết làm mẹ sau đây để 'giảm tải' áp lực cho chính mình bạn nhé!

1. Tìm kiếm đồng minh: Xung quanh các bà mẹ luôn có những người thân, bạn bè, đặc biệt là "một nửa yêu thương" sẵn sàng ‘chung tay, sát cánh’ để sẻ chia, đưa ra lời khuyên hay giúp đỡ khi cần. Vì vậy, đừng ‘ôm rơm rặm bụng’, đơn độc chăm con. Hãy mở lòng, tâm sự với mọi người về những khó khăn bạn gặp phải và yêu cầu được trợ giúp, chia sẻ trách nhiệm. Hơn thế nữa, ngày nay có rất nhiều các diễn đàn hay web làm cha mẹ được mở ra để chị em chia sẻ kinh nghiệm hoặc dốc bầu lo lắng… đây là nguồn tốt để học kỹ năng chăm sóc và nuôi dạy con.

2. Đừng quá lo, hãy lên lịch trước: Đừng cuống lên khi chỉ vừa thấy con khò khè, khó chịu…Trong tất cả mọi chuyện, bạn cần hết sức giữ bình tĩnh. Ngoài ra, hãy học ‘giảm tải’ gánh nặng cho mình bằng cách sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc. Làm việc theo lịch trình sẽ giúp bạn không phải ‘vắt óc’ suy nghĩ cách đối phó với những tình huống ngoài mong muốn nhiều.

3. Không tham việc: Đừng tự dằn vặt bản thân, ‘vò đầu bứt tai’ và căng thẳng vì cảm giác làm mãi cũng không hết việc. Lỗi là tại bạn đã quá tham lam khi việc gì cũng muốn làm và hoàn thành xuất sắc. Sẽ còn đó quần áo chưa giặt, bát chưa rửa và nhà chưa lau… nhưng khi đã mệt, hãy tạm quên đi những bộn bề đó.

4. Tự chăm sóc bản thân: Nếu bạn muốn chăm sóc con cái một cách tốt nhất thì trước tiên bạn phải quan tâm và ‘chiều chuộng’ chính bản thân mình. Chế độ dinh dưỡng và vận động nhẹ như đi bộ… chính là nhân tố then chốt giúp bạn luôn tràn đầy năng lượng từ ‘vươn thở’ đến ‘tiếng thơ’.

5. Nghe lời khuyên của người từng trải: Đôi lúc mẹ và mẹ chồng sẽ khiến bạn khó chịu vì những lời nói nên thế này, không nên thế kia... Nhưng đừng đánh giá thấp lời khuyên của họ. Hãy nhớ, họ đã khá thành công trong việc nuôi nấng bạn và ông xã để được như ngày hôm nay.

6. Lọc thông tin theo ý chí: Trong trường hợp có quá nhiều ý kiến, gây “nhiễu thông tin”, bạn phải biết chọn lọc điều gì đúng nhất, tốt nhất cho con mình. Hãy tin vào kiến thức và bản năng của người mẹ và nói chuyện với bác sĩ nhi nếu bạn cảm thấy có khúc mắc hay điều gì đó bất ổn.
7. Thư giãn: Một ngày, bạn hãy dành ra một chút thời gian để hít thở và quên đi trách nhiệm làm mẹ. Nhờ chồng hoặc người thân chăm con và tận hưởng những thú vui như: đọc sách, nghe nhạc... như thời còn son rỗi.