Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Con chảy nhiều nước dãi... là có bệnh



Từ khi 5 tháng, bé Hin suốt ngày chảy nước dãi. Ông bà bảo Hin sắp mọc răng, nhưng mà mãi chẳng thấy cái nào. Dãi thì ngày càng chảy nhiều hơn.

Nhiều bé cũng hay bị chảy nước dãi. Đó là một vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ. Nhưng nếu quá 5 tuổi mà trẻ vẫn bị chảy nước dãi thường xuyên thì cũng là có vấn đề. Bố mẹ cần lưu ý xem tại sao con lại chảy nước dãi nhé!

Chảy nước dãi có thể xảy ra do trục trặc trong khi nuốt, do sự tích tụ của nước bọt ở phía trước miệng quá nhiều, do nói nhiều, điều khiển xúc giác và kiểm soát môi không tốt.

Mọc răng

Mọc răng là nguyên nhân phổ biến của chảy nước dãi. Đây là hiện tượng sinh lý. Một số triệu chứng của mọc răng là trẻ thích nhai tất cả mọi thứ, khó chịu, thiếu ngủ và bồn chồn. Khi nào răng mọc đủ dần, khoang miệng sâu hơn, động tác nuốt thành thục hơn, hiện tượng chảy dãi sẽ dần biến mất

Viêm mũi dị ứng

Có 10-20% trẻ em bị viêm mũi dị ứng mỗi năm. Viêm mũi dị ứng được chia làm hai loại, viêm mũi dị ứng theo mùa do phấn hoa và cỏ hoặc viêm mũi dị ứng lâu năm do bụi. Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng bao gồm hắt hơi và ngứa mũi, mắt và cổ họng sưng, chảy nước mắt. Nếu bạn thấy con có các triệu chứng này và chảy nước dãi nhiều, nên đưa trẻ đến bác sỹ nhi khoa để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Bại não

Bại não là một rối loạn thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Bại não đi kèm với chức năng vận động và co thắt không kiểm soát. Bẩm sinh trẻ gặp các vấn đề về não, vàng da, chấn thương đầu và dị tật bẩm sinh đều có thể bị bại não. Nếu bị mắc bệnh này, trẻ sẽ tiết nước bọt nhiều hơn bình thường.

Các nguyên nhân khác
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác gây chảy nước dãi như do nhiễm khuẩn, nhiễu siêu vi, tổn thương bẩm sinh, liệt hay do các rối loạn về răng miệng.

Giúp bé bớt chảy nước dãi

Vệ sinh răng miệng tốt giúp ngăn ngừa chảy nước dãi quá nhiều. Hãy cung cấp cho trẻ một chiếc khăn sạch để nhai, massage nướu răng nhẹ nhàng bằng ngón tay của bạn để giảm khó chịu cho trẻ mọc răng. Nên đeo yếm dãi, dùng khăn lau miệng nhẹ nhàng cho bé thường xuyên.

Nếu trẻ chảy nước dãi quá nhiều nhưng không phải vì mọc răng, bạn có thể dùng một số loại thuốc cho trẻ, tuy nhiên, liều lượng và cách dùng phải dưới sự chỉ dẫn nghiêm ngặt của bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng.

Một số tác dụng phụ làm khô mũi, miệng và nhịp tim chậm, hoặc gây táo bón và khô miệng. Nếu con bạn bị đầy hơi hoặc có vấn đề về tiêu hóa thì không nên dùng bất kỳ loại thuốc nào cả.
Ngoài ra các bạn nên thường xuyên cho trẻ đeo yếm dãi để hạn chế nước dãi bị ngấm vào người gây ẩm ướt khiến bé dễ bị cảm lạnh, lâu dần sẽ dẫn đến viêm phổi mãn tính rất khó điều trị.

Theo Afamily

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Trẻ chậm lớn do lạm dụng thuốc kích thích ăn


Tại khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng, mỗi tháng tiếp nhận từ 3.000-5.000 trường hợp trẻ em bị suy dinh dưỡng. Nhiều trường hợp trẻ suy dinh dưỡng nặng do phụ huynh cho sử dụng thuốc kích thích ăn.

Bế đứa con 16 tháng trên tay, đang ngồi chờ đến lượt khám dinh dưỡng tại Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, chị N.P.P - 29 tuổi, trú tại quận Phú Nhuận - cho biết: “Lúc 12 tháng tuổi, cháu nặng 9kg. Nhưng khi sang đến tháng 16, số cân nặng của cháu chỉ lên được 100 gram. Mỗi ngày cháu uống 400ml sữa, ăn 3 bữa cháo nhưng vẫn không cải thiện cân nặng.

Lúc 13 tháng, tôi nghe nhiều người mách uống thuốc bổ sung vitamin, mua hàng xách tay từ nước ngoài mang về hiệu P... giá 270.000 đồng/lọ, cháu sẽ mau tăng cân và phát triển chiều cao. Tuy nhiên, uống một thời gian thấy cháu càng biếng ăn và xanh xao hơn...”.

Cũng tại khu vực chờ khám, chúng tôi gặp chị H - nhà ở đường 3 tháng 2, quận 11 - có hai con sinh đôi “hạt tiêu” như nhau. Chị H cho biết, thấy con biếng ăn, chị ra chợ dược phẩm ở quận 11 mua thuốc kích thích ăn. Người bán giới thiệu cả chục mặt hàng. Tuy nhiên, khi chị mua lọ thuốc hiệu Ste...về cho trẻ uống thì cháu tiêu chảy kéo dài, ăn uống kém, lúc nào cũng mệt lả...

Theo BS Nguyễn Thị Hoa - khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 1 TPHCM - rất nhiều trẻ đến khám bởi tình trạng lạm dụng thuốc kích thích vô tội vạ của phụ huynh, khiến con phải mang họa.

Trung bình mỗi tháng, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ đến khám và tư vấn dinh dưỡng, 70% trong đó đến khám vì biếng ăn, còn lại là chậm tăng cân. “Nhiều trường hợp nghe theo quảng cáo, tự ý mua thuốc cho con uống mà không có sự chỉ định của bác sĩ, khiến nhiều trẻ bị phù thũng và thêm một số bệnh lý khác” - bác sĩ Hoa cho biết.

Biếng ăn do bệnh lý hay tâm lý?

Theo các BS, trẻ biếng ăn có nhiều nguyên nhân và trước tiên phụ huynh phải tìm được nguyên nhân mới trị được bệnh. Biếng ăn ở trẻ có các dạng do bệnh, do khẩu vị, do thay đổi thời tiết, mọc răng, chích ngừa.

Các BS BV Nhi Đồng 2 còn cho biết, nhiều phụ huynh không có thời gian chuẩn bị thức ăn cho trẻ nên cứ nấu cháo trắng, xay thịt, cà rốt, khoai tây đổ vào và ngày nào cũng bắt trẻ ăn vì nghĩ đây là những chất bổ dưỡng.

Tuy nhiên, khi thấy món cháo là trẻ khóc thét và không chịu mở miệng. Hoặc trẻ thường thích ăn nhạt, nhưng các bà mẹ thích nêm mắm muối theo khẩu vị của mình, do đó trẻ từ chối thức ăn...
Trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng như thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu vitamin..., cần bổ sung các loại thuốc bổ. Tuy nhiên, không nên tự động mua thuốc vì phải biết chính xác trẻ thiếu chất gì để bổ sung. Nếu bổ sung những thuốc có chất mà trẻ không thiếu thì trẻ sẽ biếng ăn hơn. Khi uống đúng loại thuốc, trẻ sẽ ăn ngon hơn.

Tuy nhiên, những loại thuốc này không gọi là “thuốc kích thích ăn” mà chỉ gọi là thuốc bổ (bổ sung vitamin và muối khoáng) mà thôi.

Theo Lao động

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Ho do thời tiết



Bác sĩ Hoàng Minh Thu, Trưởng khoa khám Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, thời tiết giao mùa như hiện nay khiến trẻ dễ bị ho kéo dài dù không bị viêm nhiễm gì.
Không nên tự kê kháng sinh

Bé Nguyễn Trần Hải, 4 tuổi, được mẹ đưa đến Bệnh viện Xanh Pôn khám do bị ho hơn một tuần không khỏi. Trước đó, bé Hải đã được mẹ cho đi khám tại phòng khám ở địa phương nhưng bác sĩ cho biết bé không bị viêm nhiễm gì nên kê một số thuốc dị ứng, thuốc bổ.

Sau khi đọc hướng dẫn sử dụng các loại thuốc bác sĩ kê, mẹ bé Hải quyết không cho con uống và cho con lên tuyến trên khám vì nghĩ rằng bác sĩ kê không chuẩn. Tại Bệnh viện Xanh Pôn, bé Hải cũng được bác sĩ kết luận là không bị viêm đường hô hấp, mà ho là do bị kích ứng thời tiết.

BS Hoàng Minh Thu cho biết, nhiều bậc cha mẹ đã tỏ ra lo lắng giống như mẹ bé Hải khi thấy con ho kéo dài không khỏi. Có nhiều người còn tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh cho con uống dù trẻ chẳng bị viêm nhiễm gì. Điều này rất nguy hiểm cho trẻ.

Bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi TƯ cũng cho biết, có rất nhiều trẻ bị ho kéo dài nhưng khi xét nghiệm thì không mắc bệnh gì. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi liên tục, ảnh hưởng đến sức khỏe. Những bé dưới 3 tuổi, hệ hô hấp còn yếu ớt, sức đề kháng cũng kém là đối tượng dễ phản ứng với điều kiện thời tiết, biểu hiện bằng ho.

Trẻ bị ho dị ứng thường ho thành cơn, nhất là trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy, hay lúc chuyển tư thế. Ho do viêm nhiễm thường là trẻ hay sốt, có thể có đờm đục, đờm xanh. Trẻ ho do kích ứng thời tiết thường có rất nhiều đờm nhưng là đờm trong, không sốt, khi xét nghiệm thì bạch cầu không tăng. Ho dị ứng tuy không nguy hiểm nhưng nếu không biết chăm sóc đúng cách, có thể bị bội nhiễm, dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi...

Cách làm dịu cơn ho

“Do đường hô hấp của trẻ rất nhạy cảm với thời tiết, cộng thêm khả năng miễn dịch còn kém nên trẻ rất dễ bị bệnh khi thời tiết giao mùa.

Một nguyên nhân nữa là do tốc độ đô thị hóa, khói bụi nhiều, bầu không khí bị ô nhiễm cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp”, bác sĩ Cấn Phú Nhuận cho biết.
Bác sĩ Vũ Thị Việt, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, những trường hợp ho do dị ứng thời tiết cần được điều trị bằng thuốc dị ứng.

Ngoài ra, vì trẻ thường nhiều đờm, nên cần làm cho các bé sổ được đờm ra, có thể bằng siro ho long đờm hay vỗ rung bằng cách: Người lớn khum bàn tay lại rồi vỗ đều vào vùng lưng bé, phần giữa hai bả vai, làm nhịp nhàng liên tục.

Sau động tác này, trẻ có thể sẽ ho nhiều và nôn, khạc ra đờm nên cần làm lúc trẻ đói, tốt nhất là buổi sáng ngủ dậy, khi bé chưa ăn gì. Với những trẻ không tự khạc được đờm, mẹ có thể kích thích cho bé nôn, có thể bằng cách dùng khăn mỏng sạch lau nhẹ nhàng khoang miệng, lưỡi, kích thích nhẹ vào họng...

Các bác sĩ cũng lưu ý, khi thấy trẻ bị viêm mũi họng dị ứng, hắt hơi nhiều, có mủ đặc có thể xông họng để làm sạch đường thở, giảm bớt chất nhầy tồn đọng, hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, không được lạm dụng, tránh gây hỏng niêm mạc vùng mũi họng của trẻ vì bộ phận này chưa phát triển hoàn thiện.

Để phòng bệnh, theo bác sĩ Hoàng Minh Thu, cha mẹ nên chăm sóc mũi họng thường xuyên cho trẻ bằng nước muối sinh lý vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Tránh đưa trẻ đến chỗ đông người, khi ra ngoài đường cần đeo khẩu trang.

Ngoài ra, do thời tiết hanh khô nên cần cho trẻ uống nhiều nước và ăn uống đủ chất. Khi bé bị ho mà không kèm các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, có thể cho trẻ uống thuốc ho long đờm. Nếu sau 3 ngày trẻ vẫn không đỡ ho, phụ huynh cần cho con đi khám để được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và cho thuốc phù hợp, không nên tự ý mua thuốc điều trị.

Mai Thúy

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

“Tiền bạc phân minh, ái tình sòng phẳng”


Không phải vô cớ người ta nghĩ ra điều đó. Bài học này đã được đúc kết từ “kinh nghiệm đau thương” của không ít cặp đôi khi đối diện với vấn đề tiền bạc. Các sai lầm phổ biến của họ là:

Né tránh vấn đề tiền bạc

Mới yêu, đôi bên đều rất hào phóng trong chuyện tiền bạc, miễn sao thấy thoải mái. Dần dà khi mối quan hệ sâu sắc hơn, khó tránh khỏi phải đề cập tới chuyện tiêu xài. Nếu cứ tránh né thì vô hình chung đã tạo mâu thuẫn tiềm ẩn giữa hai người. Tài chính sẽ chi phối khá nhiều đến cuộc sống hôn nhân, không học cách đối diện với nó không thể đi đến một kết thúc nghiêm túc cho mối quan hệ được.

Hãy thể hiện cho đối phương thấy cách nghĩ, quan điểm của mình về tiền bạc để xem liệu mức độ hòa hợp đến đâu. Từ đó tìm ra điểm chung giữa hai phía, tốt cho cuộc sống hôn nhân sau này, khi mà những điều lãng mạn đã trở về với thực tế.

Quá sòng phẳng

Về cơ bản, khi đang yêu, nguyên tắc “cam-pu-chia” là công bằng nhất. Tuy nhiên, nếu cứ mạnh ai người ấy làm, không quan tâm góp ý cho nhau sẽ hình thành thói quen ích kỷ, sau này khó hòa hợp.

Nên biết rõ thu nhập của đôi bên, quan tâm, hỗ trợ nhau trong việc sử dụng tiền. Nguyên tắc vẫn là độc lập về vật chất, tuy nhiên đôi bên nên dần trao đổi vấn đề này để tìm cách dung hòa, xây dựng nền tảng cho cuộc sống gia đình về sau.

Không ngần ngại dùng chung

Khi mối quan hệ tiến triển tốt đẹp hơn, hai bên không ngần ngại dùng chung tiền bạc, có thể để một trong hai người quản lý tiền. Điều này sẽ dẫn tới phát sinh tâm lý dựa dẫm, ỷ lại vào đối phương.

Muốn toàn quyền quản lý tiền bạc

“ Của chồng công vợ”, sau này sẽ là như vậy thì tại sao bây giờ khi yêu nhau lại không thể? Đó là tâm lý của nhiều đôi trai gái.

Theo các chuyên gia tâm lý, nếu một bên lúc nào cũng muốn giành quyền quản lý tuyệt đối tiền bạc, sau một thời gian sẽ làm mất cân bằng mối quan hệ đôi bên.

Nếu muốn quản lý, nên thường xuyên công khai số tiền thu chi, và nên nhớ rằng mặc dù mình có quyền quản lý đối phương, số tiền kia vẫn là của họ, nên tôn trọng quyền quyết định của họ.

Hào phóng cho đối phương mượn tiền

Tiền bạc vốn dĩ đã là vấn đề nhạy cảm, vay trả rất phức tạp. Hơn nữa khi yêu nhau, vấn đề này lại càng khó có thể rạch ròi.

Đôi bên tin tưởng lẫn nhau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn là chuyện rất bình thường, tuy nhiên cần phải phân định rõ ràng. Cần thẳng thắn trao đổi với nhau, tránh tình trạng bị lợi dụng.

Dân Trí

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Chị đã phản bội anh như thế...


Chị định quay lui, nhưng anh đã choàng tay qua vòng eo chị. Khi cánh cửa vừa khép lại, anh ôm riết chị vào người, chị như bị cuốn đi trong cơn mê đắm với người tình.

Đã không biết bao nhiêu lần rồi, chị không thể làm chủ được mình như thế.

Họ quen biết nhau gần hai năm nay. Chị là một phụ nữ có học, thông minh, thành đạt. Hoàn cảnh oái oăm đã đưa họ đến bên nhau. Trong một lần uống rượu say, chồng chị gây tai nạn cho anh. Vì điều kiện vợ anh ở xa, không có người thân thích ở gần nên chị phải thường xuyên vào viện chăm sóc anh.

Lúc đầu chị làm mọi việc chỉ vì vợ chồng chị cảm thấy có lỗi và phải có trách nhiệm với anh. Những lúc chăm sóc ăn uống, tắm giặt, nâng lên đỡ xuống cho người đau, chị đều rất dịu dàng, chu đáo. Thuốc men đảm bảo cùng với sự chăm sóc cẩn thận của chị, anh đã nhanh chóng phục hồi.

Qua những lần trò chuyện, chị nhận ra anh là người đàn ông hóm hỉnh, nói chuyện có duyên và rất hiểu biết. Từ chỗ cảm thông, chia sẻ và những lần đụng chạm da thịt đã làm cho hai người trở nên gần gũi, gắn bó hơn. Trong phòng bệnh, ai cũng nghĩ anh chị là vợ chồng.



Càng cố kiềm chế chị lại càng khao khát.


Đôi khi bắt gặp ánh mắt của anh, chị cảm thấy bối rối, đỏ mặt. Đối với anh, chị thật sự là một phụ nữ tuyệt vời. Ở tuổi 40, chị có vẻ đẹp mặn mà, dịu dàng và đầy quyến rũ.

Khi anh ra viện, mọi thủ tục vướng mắc thuộc về hai bên đã được giải quyết xong, tưởng thế là chấm dứt mọi chuyện. Nhưng không ngờ đó cũng là lúc tình cảm hai người bắt đầu nảy nở. Cả hai đều cảm thấy thiếu vắng khi không gặp nhau. Nỗi nhớ nhung cứ thường trực trong đầu họ.

Anh thường lấy cớ chuyện này, chuyện nọ để được gọi điện cho chị. Đi làm về chị cũng tranh thủ mua một vài thứ tạt qua đưa cho anh, xem anh đã khỏe hẳn chưa. Mỗi khi ở bên nhau, họ đều thấy trái tim xao xuyến, bồi hồi như người mới đang yêu. Ánh mắt hai người nhìn nhau đã không còn e ngại nữa.

Thế rồi, chuyện gì đến đã đến. Họ đã vượt qua giới hạn, trong một khách sạn ở ngoại ô thành phố. Đó là lần đầu tiên chị phản bội chồng. Anh là người đàn ông thứ hai trong cuộc đời chị.

Sau những cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn bên người tình là sự dày vò, ân hận, căm ghét, ghê tởm bản thân. Chị cảm thấy có lỗi với chồng. Chị không hiểu vì sao mình lại làm thế. Nhất là khi chồng chị vẫn tin tưởng vợ và không hề biết mối quan hệ giữa chị và anh. Chị tự hứa với mình sẽ dứt bỏ, sẽ không bao giờ lặp lại thêm lần nào nữa. Chị biết rất rõ hậu quả của cuộc tình ngang trái này nếu bị phát hiện.

Nhưng nói thì dễ, thực hiện sao khó thế. Càng cố kiềm chế, chị càng khao khát. Cố gắng để quên đi, chị lại nhớ người tình da diết. Hình ảnh, ánh mắt, nụ cười của anh luôn ám ảnh chị. Lúc nào chị cũng nghĩ về anh. Một ngày không được nghe giọng nói của anh, chị lại bồn chồn, lo âu, khắc khoải. Có lúc nằm bên chồng mà lòng chị lại hướng về anh.

Chị cố gắng gạt bỏ ám ảnh, dành thật nhiều thời gian để bù đắp cho chồng con, và cũng là để quên anh, nhưng khi chỉ còn lại một mình, chị lại âm thầm thổn thức, dày vò. Chị biết mọi chuyện rồi sẽ kết thúc. Chị đang có một gia đình hạnh phúc. Anh cũng đã có vợ con. Chị thật sự không biết mình phải làm gì để thoát khỏi sự bế tắc.

Chị xóa hết số điện thoại của anh, anh gọi chị không cầm máy, chị đã cố quên anh. Nhưng tất cả đều vô vọng. Mỗi khi muốn gặp anh, chị cứ tự vấn an mình: Chỉ nói chuyện, uống cà phê thôi mà. Sẽ không phạm sai lầm nữa. Nhưng khi gặp nhau, lý trí bỗng nhiên đi đâu hết. Chỉ còn lại tình cảm yếu đuối và những khát khao dục vọng, họ lại lao vào nhau như hai con thiêu thân.

Càng ngày lịch hẹn càng nhiều, chị cũng mất dần cảm giác có lỗi với chồng con. Nếu không nói là chị đã có thêm kinh nghiệm nói dối chồng mỗi khi đi chơi với anh. Cả hai đã bất chấp tất cả miễn là có được những giây phút vui thú bên nhau.

Dù đã thường xuyên thay đổi địa điểm, thời gian, nhưng như dân gian thường nói: Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Chồng chị cũng đã bắt đầu nghi ngờ về sự thay đổi của vợ. Trong một lần hẹn hò, chị đã bị chính vợ của người tình bắt quả tang. Mọi chuyện vỡ lỡ khiến cho không ít người ngạc nhiên sửng sốt. Chẳng ai có thể ngờ một phụ nữ có tiếng đoan trang, dịu dàng, yêu chồng, thương con như chị lại làm chuyện tày đình như thế.

Trong cuộc sống đời thường, ai cũng có những giây phút yếu lòng. Đôi khi chỉ vì hoàn cảnh xô đẩy. Không phải ai cũng đủ tỉnh táo kiềm chế được tình cảm của mình. Nhiều kết cục đau lòng đã xảy ra từ những mối tình vụng trộm như thế. Hãy can đảm dừng lại khi biết không thể tiếp tục...

SCL

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Đời cha ăn mặn...


Ông Khang nổi tiếng là kẻ ăn ở chẳng biết trước biết sau, không được nhiều người quý mến bởi bản tính coi thường người khác, nhẫn tâm với dân làng.

Lần có người vay tiền ông chưa trả được đúng hẹn do hoàn cảnh nghèo túng, ông hằm hằm đến nhà họ, dỡ mất cánh cửa để ngôi nhà dột nát thêm lành phành vì gió...

Ông có ba người con trai và một cô út tên Lợi không được lanh lẹn như con người ta, chỉ lầm lũi cả ngày, học hết ba năm lớp hai thì về làm ruộng do dốt quá.

Anh con cả tên Tấn lấy vợ nhưng chẳng ở nổi với nhau nên họ ly hôn, để lại đứa con gái cho anh nuôi. Anh đi bước nữa với một cô cũng đã có chồng và một đứa con gái. Họ có chung với nhau một đứa con gái nữa là ba, sau đó thì vợ anh cứ có thai đến tháng thứ ba là hỏng, bác sỹ khuyên đừng cố nữa khi vợ anh cứ ngày một héo hon, bệnh tật.




Anh thứ hai đã bỏ đi vào Miền Nam, hơn hai chục năm không có một chút tin tức, chẳng biết sống chết thế nào.

Anh ba chưa vợ và đã có thâm niên nghiện ngập mười lăm năm nay. Trộm cắp của hàng xóm liên tục, vào tù ra tội như cơm bữa. Lúc anh ba sắp chết, nhà ông Khang đến xin về, hơn tháng sau thì “đi”. Bác trưởng thôn đọc điếu văn xong nhìn xuống chẳng thấy có ai khiêng quan tài, anh Tấn vênh mặt lên: “Nó chết thì đem chôn quách đi cho sớm, lại còn kèn trống, điếu văn với chả điếu thơ, tôi đếch khênh nữa đấy, các ông khỏe ra mà khênh”. Hàng xóm cũng chẳng thấy ai, vì họ ghét quá, lúc sống cứ trộm cắp, chửi bới người ta, anh em ruột thịt mà còn thế nữa là… Hai ông già đành lọ mọ khiêng và nhờ mấy người trong đội kèn hộ một tay.

Năm nay lại thêm chuyện động trời nữa, đó là: Ông Khang “nằm” với con gái út để rồi nó có thai. Nghe kể mọi người phải doạ dẫm mãi cô Lợi mới khai là “người nhà”, ông trưởng họ bực quá thét: “Người nhà là ai, là thằng Tấn à, hay thằng bố mày?”. Mắt cô dáo dác, sợ sệt rồi gật đầu, cả nhà điếng người, bà Khang run rẩy, khẽ thều thào: “Mang ngay đến bệnh viên, mang ngay cho họ chích thuốc cho nghiệt chủng ấy chết đi”, nhưng chẳng bệnh viện nào dám nhận giết người, ra bác sỹ tư cũng không dám nhận, ông bác sỹ già từ tốn nói, đã bảy tháng nó đâu khác gì con người, tôi chỉ có thể tiêm thuốc cho đẻ non, rồi sinh nó ra nuôi được thì nuôi không thì tuỳ...

Thằng bé ra đời, mấy người quay mặt đi khi nhìn cái miệng nó tóp tép đòi ăn. Cô Lợi ôm vào lòng, nó rúc, đòi ăn lấy ăn để… Nhưng rồi người nhà không cho cô nuôi nó, gọi người làng bên, đưa ba triệu đồng bảo mang đi đâu hộ thì mang. Nghe đồn, anh này đã bán thằng bé cho đôi vợ chồng hiếm muộn ở mạn Hải Dương.

Cô Lợi chính thức điên từ đó, ông Khang cũng ngây dại không dám bước chân ra khỏi nhà... Tất cả cứ lung tung hết cả lên. Người làng bảo đó là ngôi nhà ma ám, rồi lại chêm thêm câu: “Quả báo đấy! Thế mới hiểu sao hay có câu: Tu nhân tích đức cho con cháu nhờ bởi đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Socola

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Sai sót khi chế biến thức ăn cho bé

Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, trong thực tế, có nhiều quan niệm sai lầm của các bà mẹ trong việc chế biến món ăn đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Ngày nào cũng tốn thời gian hầm xương với khoai tây, cà rốt để nấu cháo cho trẻ mà trẻ vẫn ngày càng ốm đi, trong khi mẹ thì ngày càng mập hơn vì gặm thịt trong cục xương hầm.

Chất bổ không có trong nước hầm

Rất nhiều bà mẹ đến gặp bác sĩ bức xúc tại sao mình bỏ nhiều công sức chăm con kỹ vậy mà con vẫn bị suy dinh dưỡng. Ngày nào cũng tốn thời gian hầm xương với khoai tây, cà rốt để nấu cháo cho trẻ mà trẻ vẫn ngày càng ốm đi, trong khi mẹ thì ngày càng mập hơn vì cứ phải gặm thịt trong cục xương hầm. Các bà mẹ không biết rằng trẻ không thể ăn canh xúp này liên tục trong một tuần. Trẻ nhỏ nhưng cũng đã biết thưởng thức mùi vị, ăn mãi một món rất dễ thấy ngán. Và không phải món ngon của mẹ luôn là món ngon của con. Cho bé ăn uống đa dạng, đổi món thường xuyên là cách tốt nhất để bé nhận được nhiều loại chất dinh dưỡng mà không bị ngán.

Nhiều người quan niệm nước hầm là một thức ăn đặc biệt bổ dưỡng vì họ nghĩ rằng sau khi hầm nhừ một loại thực phẩm nào đó, tất cả những chất bổ tinh túy nhất của thực phẩm đã tan vào trong nước, “phần cái” còn lại chỉ là “xác”.

Tuy nhiên, các phân tích thành phần dinh dưỡng đã cho thấy chất đạm (thịt, cá, tôm...) có nấu trong bao lâu thì vẫn chỉ có ở phần xác mà không tan được vào trong nước, chất xơ trong rau củ cũng vậy. Vì vậy muốn nhận đủ các chất dinh dưỡng, phải cho trẻ ăn cả phần cái (xác) của thực phẩm bằng cách băm nhuyễn, cắt nhỏ, nấu mềm... Phần nước hầm có một vị ngọt rất ngon nhưng lại không có giá trị dinh dưỡng bao nhiêu.

Hâm đi hâm lại

Do quá bận rộn, một số bà mẹ đã phải làm cách này vì thời gian hầm một nồi cháo khá lâu, mà bé lại ăn mỗi bữa không nhiều. Khi hâm lại lần 1 rồi lần 2, lượng vitamin trong rau sẽ mất đi gần hết và có mùi vị khó ăn. Trẻ lại bị ngán vì ăn 3 bữa chỉ có một mùi vị.

Nên hầm một nồi cháo trắng khoảng 3 chén, sau đó múc ra một chén cháo để nấu riêng với thịt heo, rau mồng tơi, dầu nêm nước mắm để ăn sáng, để phần cháo trắng còn lại vô tủ lạnh, rồi trưa múc ra một chén để nấu với thịt bò, rau lang, dầu ăn nêm nước tương, chén cháo còn lại ăn tối với đậu hũ, bí đỏ, dầu ăn nêm đường ngọt. Lưu ý sau khi băm nhuyễn thịt, cá sống, nên đánh tan phần đạm này trong một ít nước lã trước khi bỏ vào nồi nấu chín thì thịt sẽ không bị vón cục lại. Phần rau củ cũng nên băm nhỏ để trẻ nhận được đủ chất dinh dưỡng và chỉ nên nấu rau một lần.

“Lạm dụng” máy xay sinh tố

Có nhiều trẻ 3-4 tuổi, răng mọc đầy đủ rồi mà vẫn còn phải ăn bằng máy xay sinh tố, vì cứ ăn lợn cợn là bị ói. Điều này thường xảy ra ở những đứa trẻ “con cưng” mà bà mẹ thì quá sợ việc trẻ nhợn ói. Để tránh điều này, nên tập cho trẻ ăn những thức ăn phù hợp trong từng thời điểm của trẻ. Khi trẻ 6 tháng tuổi, tập ăn bột loãng rồi sệt dần, 7-8 tháng ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc, 12 tháng thì tập quen với cháo nấu còn hột và các thức ăn mềm như phở, bún, nui..., trẻ 2 tuổi mọc đủ răng hàm thì ăn cơm.

Mỗi khi chuyển tiếp chế độ ăn, những bữa đầu mới tập có thể trẻ sẽ nhợn ói, nhưng sau đó trẻ sẽ quen dần. Nên chuyển đổi dần dần để trẻ dễ thích nghi. “Cai máy xay sinh tố” bằng cách xay thô dần (thời gian xay ngắn lại), sau đó ăn cháo nấu đánh qua rây inox có lỗ hơi to, chuyển dần với cháo hột, cháo đặc, cơm nhão chan canh, rồi cơm hột...

Nêm vừa ăn

Trẻ nhỏ có cảm giác vị giác tốt hơn người lớn rất nhiều, vì con người càng lớn thì lưỡi càng bị “chai đi” và nhiều người già bị mất cả cảm giác này. Vì vậy khi nêm nếm thức ăn cho trẻ, cần nêm nhạt hơn “lưỡi” của bạn một chút. Nếu người mẹ nêm vừa miệng mình thì có lẽ là quá mặn hoặc quá ngọt so với trẻ.

Theo Người Lao Động

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2010

Mẹ căng thẳng làm bệnh hen của con thêm nặng

Người mẹ trong tâm trạng bực bội và bị kích thích hay những người đang cố gắng kiềm chế cảm xúc có thể làm bệnh hen của con thêm tồi tệ, đặc biệt là khi trẻ còn nhỏ.

Một nghiên cứu kéo dài 1 năm ở 223 bà mẹ cho thấy những ảnh hưởng của stress, các kiểu phản ứng của họ lên con cái đang bị hen suyễn (trong độ tuổi 2-12).

Trẻ thường đoán được ý của người mẹ là từ chối, chế ngự, bảo vệ hay nuông chiều qua lời nói, thái độ và từ đó điều chỉnh hành vi và cảm xúc của chính mình.

Với trẻ trên 7 tuổi, bệnh hen sẽ dễ tái phát hơn nếu mẹ che chở, bảo vệ trẻ quá mức. Nhưng với những trẻ nhỏ tuổi hơn thì mức độ bệnh sẽ nặng hơn sau vài năm nếu mẹ bị chứng giận dữ, cáu kỉnh hay phải kìm chế cảm xúc.

Jun Nagano, Viện Khoa học sức khỏe ĐH Kyushu (Nhật Bản), cho biết: “Căng thẳng hay hạnh phúc đều có thể truyền đạt tới trẻ những thông điệp bằng ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ. Và tình trạng hen của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi con đường tâm sinh lý, ví như hoạt động của hệ miễn dịch với chất gây dị ứng hoặc dễ bị tổn thương khi hệ hô hấp viêm nhiễm”.

Kết quả này cho thấy các bà mẹ có con nhỏ nên chú ý nhiều hơn tới việc giảm stress.

Các bà mẹ có con lớn hơn cần được khích lệ để tăng cường các cảm xúc tốt, tránh các hoạt động chỉ đạo và bảo vệ trẻ quá mức, dấn tới sự can thiệp quá nhiều đối với trẻ.

Hen suyễn là bệnh ảnh hưởng tới hệ hô hấp. Khi bị kích thích, khí quản sẽ bị chít hẹp và gây ra khó thở.

Nghiên cứu của GS Nagano được đăng tải trên tạp chí BioMed Central (ấn bản mở rộng của tạp chí BioPsychoSocial Medicine).

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

Bà đẻ kiêng khem: Tránh mất lòng vì mâu thuẫn nhỏ


Nể người già, nhiều bà mẹ trẻ đành "ngậm bồ hòn làm ngọt", kiêng khem cho yên nhà, nhưng nhiều người vẫn không "phục" theo cách kiêng này.

Làm thế nào để kiêng khem một cách khoa học để mẹ khỏe con ngoan là điều khiến nhiều bà mẹ trẻ đau đầu...

"Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước"

"Em đi học lớp tiền sản ở bệnh viện về, bác sĩ phổ biến nhiều thứ dựa theo khoa học nhưng khác với những gì các cụ ta dạy nhiều quá! Các chị có kinh nghiệm chia sẻ cho em với chứ kiêng khem như kiểu ngày xưa các cụ bảo thì em chết. Em thì em chẳng tin đâu nhưng làm sao thuyết phục được các cụ bây giờ? Nếu làm trái ý trước mặt mẹ chồng thì lại bị mang tiếng là hư, ngang bướng. Mẹ chồng em rất đảm đang, lại nuôi hết con này cháu kia nên nghĩ mình cái gì cũng đúng"... Chị Lê Thu Hoài, 36 tuổi, ở Hà Nội chia sẻ.

Chị Hoài kể một đoạn đối thoại ngắn khiến chị phải "đau đầu": Mẹ chồng nói - "Phải kiêng tắm gội 1 tháng" còn bác sĩ (BS) bảo: "Đấy là biện pháp ngừa thai hữu hiệu nhất rồi còn gì! Em bé thì được tắm hàng ngày còn mẹ tại sao lại phải kiêng?". Cụ nói: "Phải bịt bông vào tai, đeo khăn, mặc quần áo dài tay" còn BS bảo: "Giữa mùa hè mà mặc như thế nhìn chẳng khác gì sinh vật lạ cả, chẳng biết làm thế để tránh cái gì?". Cụ nói: "Đẻ xong không được nói nhiều, không thì bị nhịu lưỡi" còn BS bảo: "Chẳng có gì liên quan ở đây cả, ăn nói là nhu cầu bình thường của con người". Cụ nói: "Em bé sơ sinh phải bó tay chân thật chặt, không thì nó bị giật mình", còn BS thì cho rằng: "Thế thử bó người bà như thế xem bà có chịu được không?"...

Anh Trần Trung Kiên - Chuyên viên tư vấn tâm lý gia đình - Tổng đài 1088 cho biết: Tổng đài Trung tâm thường xuyên nhận được những cuộc gọi tư vấn, hầu hết của các cô con dâu gọi đến cầu cứu cách ứng xử với những bà mẹ chồng hoặc bậc bề trên khó tính, khắt khe trong việc chăm sóc sản phụ. Người cao tuổi ở thành thị hay nông thôn đều có những kiêng khem "gia truyền". "Tôi có nên làm không?", "Làm thế nào để mẹ tôi không mất lòng?" là những câu hỏi được đề cập nhiều nhất...
Trang bị kiến thức ngay từ trước sinh


PGS.TS Nguyễn Hồi Loan Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội.

"Cần thiết nhất là cô con dâu không được đối đầu cãi lý với mẹ chồng. Nếu cảm thấy khó nói trực tiếp sợ mất lòng bề trên, hãy trao đổi qua người chồng. Đây là cầu nối quan trọng trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Nếu thông tin về việc chăm sóc sản phụ hợp lý thì ít có bà mẹ chồng nào bắt ép con dâu phải kiêng khem quá lâu, quá kỹ. Suy cho cùng, mẹ chồng muốn con dâu tuân thủ chuyện kiêng cữ cũng là vì lo cho sức khỏe của con cháu mà thôi".

Chia sẻ kinh nghiệm thuyết phục gia đình, chị Bùi Thu Hoa (ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho hay: "Với mình, để xét xem lời khuyên của các cụ có đúng không thì phải tìm cách giải thích nguồn gốc của lời khuyên đó, có như vậy mới tin được là lời khuyên đó có đúng hay sai. Việc của chị em mình là suy xét xem việc kiêng kỵ nào là phù hợp với hoàn cảnh hiện tại mà theo thôi".

Theo BS Lê Thị Kim Dung (Trung tâm y tế lao động, Hà Nội): Chúng ta không phủ nhận những kinh nghiệm quý báu của các cụ lớp trước. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, có những kiến thức của các cụ không còn phù hợp. Hơn thế, hiện nay kiến thức là của cả thế giới chứ không riêng gì đất nước mình" - BS Dung khẳng định.

Có những gia đình, sản phụ là người hiểu biết nhưng sợ mất lòng bề trên. Tốt nhất, các ông bố bà mẹ trẻ nên trang bị những hiểu biết và kiến thức trước khi sinh con một cách kỹ lưỡng. Nếu sợ làm mất lòng mẹ chồng, con dâu nên cùng chồng trao đổi với bà về kiến thức kiêng cữ trước khi sinh nở. Phải có tri thức thì mới bảo vệ được cái lý của mình. Chủ động trong kiến thức, tự chủ kinh tế và phải có chính kiến trong gia đình, cô con dâu sẽ tạo cho mình vị thế khác.

Cũng theo BS Dung, ngoài việc trao đổi với người thân về kiến thức và cách chăm sóc sức khoẻ sau sinh, trong việc giải quyết các vấn đề tâm lý, cần thiết phải trang bị cả những kỹ năng sống. Với những người có kỹ năng sống tốt thì lúc cần mềm dẻo: "Mẹ ơi, bây giờ theo con được biết thì món này con cũng ăn được, mẹ phải cho con kiểm chứng chứ!". Nhưng cũng có lúc phải khẳng định sớm với những điều nguy hiểm như nằm than trong phòng kín, sản phụ phải đưa lý lẽ khoa học: Dù là than gì đi nữa thì nguyên lý của đốt cháy là đốt ôxy và nhả CO2. Điều này càng tai hại nếu trong phòng kín. Hơn thế, da trẻ em rất mỏng, rất nhạy, không thiếu những trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏng hơi than.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Trung Kiên: Cần xác định và chuẩn bị vai trò của từng người trong gia đình trước khi gia đình xuất hiện thêm một thành viên mới. Đối với sản phụ, nên cùng nhau trao đổi với mẹ chồng những kiến thức hiện đại. Nếu bà mẹ không nghe, nên mua các sách vở từ trước sinh cho mẹ chồng tham khảo cùng. Nếu quá đà hơn, bà mẹ vẫn khăng khăng, sản phụ nên gọi điện hoặc nhờ đến các chuyên gia sức khoẻ tư vấn trực tiếp cho các thành viên trong gia đình. Còn nếu đã hết cách, khi đã chắc chắn kiến thức của mình đúng, sản phụ nên âm thầm khéo léo làm theo ý mình, dù trước mặt có thể: "Dạ, vâng ạ!" với các cụ.

"Không nên nói các cụ là bảo thủ hay cố chấp, dù rõ ràng là như thế. Bởi, ai cũng muốn tốt cho con cháu mình, chỉ là làm theo cách nào mà thôi! Theo tôi, nếu nhờ các bậc bề trên cùng thế hệ giúp đỡ sẽ thuận lợi cho việc vận động"- anh Kiên chia sẻ.

Giadinh

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

“Lên mặt” với chồng

Câu cửa miệng của chị Vân thường là: “Thôi em bận lắm, không có thời gian đâu, ba bố con cứ đi chơi”. Lần khác thì chị phản ứng khi chồng sán lại: “Anh không thấy em đang làm việc à?”.

“Lên mặt” với chồng


Trước đây, trong mắt anh Thắng thì vợ là người dịu dàng, khéo léo, ăn nói có duyên, chẳng mấy khi thấy vợ cáu kỉnh, khó chịu. Vậy mà dạo này, anh ngạc nhiên khi vợ cứ hơi tý là làm um lên, rồi quay sang mắng con hoặc gắt gỏng với chồng.

Bắt đầu từ khi chị Vân cứ thăng chức vùn vụt lên đến ghế giám đốc của một công ty lớn. Chị cho rằng ở trên cơ quan, mình là nhất, về nhà thì càng tỏ ra vị trí của mình quan trọng gấp bội. Thế nên, trong bữa cơm, giấc ngủ, hầu như đề tài của chị Vân đều là công việc.

Nhiều lúc anh Thắng muốn trò chuyện với vợ cũng không được. Muốn gần gũi vợ hoặc đề bạt ý kiến hai vợ chồng đưa con cái đi chơi vào cuối tuần cũng khó bởi chị Vân còn đang bù đầu với một đống công việc. Cái câu cửa miệng của chị Vân thường là: “Thôi em bận lắm, không có thời gian đâu, ba bố con cứ đi chơi”. Lần khác thì chị phản ứng khi chồng sán lại: “Anh không thấy em đang làm việc à? Lúc khác đi”.

Tình hình càng trở nên xấu đi khi vợ chồng con cái ít khi ngồi với nhau ăn một bữa cơm. Chỉ cần trên cơ quan có gì không vừa ý là chị Vân lại đem về nhà để trút lên đầu chồng. Ban đầu anh Thắng rất thông cảm cho sự vất vả của vợ nên đành im lặng chịu trận. Nhưng lâu dần, anh thấy vợ rất vô lý khi nói: “Anh nhàn hạ quá nhỉ? Buổi tối được nằm xem ti vi trong khi để vợ phải lăn lộn kiếm tiền thế này đây”.

Tương tự, chị Giang (43 tuổi, Giám đốc một công ty kinh doanh phần mềm) cũng trở thành “bà chằn” trong mắt chồng khi hơi tý là nổi nóng và gây sự. Về đến nhà, chị Giang ném phịch cái cặp sách xuống ghế và gọi chồng mang cho cốc nước, thậm chí bóp vai cho đỡ mỏi. Tất nhiên những chuyện cơm nước, giặt giũ, lau nhà đều do anh Minh (chồng chị) đảm nhiệm tất tần tật.

Nếu chỉ có thế thì chẳng có gì để nói, đằng này, chị Giang cứ chê hết cái nọ đến cái kia, nào là cơm chồng nấu chán ngoét, nhà cửa bụi bặm. Nhiều lúc quá tải với công việc, chị lại “giận cá chém thớt”. Căn nhà trở thành nơi để cho chị Giang trút giận, không khí lúc nào cũng căng thẳng, ngột ngạt.

Trường hợp khác, chị Diệu là người phụ nữ xinh đẹp, thành đạt và kiếm tiền rất giỏi. Đó là “đòn bẩy” để chị tự tin vào mình và không chỉ “lên mặt” với chồng mà còn thể hiện cái uy thành đạt với họ hàng đôi bên, nhất là bên chồng.

Mỗi lần chị Diệu qua nhà chồng chơi thì đều tỏ ra kênh kiệu, hơi hách dịch khi nói chuyện. Chị chẳng cần quan tâm đến thái độ không vui của bố mẹ chồng và sự khó chịu nơi chồng. Chị tự cho rằng mình thành đạt, giỏi giang hơn chồng thì chẳng có gì phải nhún nhường cả. Chỉ đến khi tận mắt nhìn thấy những dòng chữ chồng viết trong lá đơn ly hôn thì chị Diệu mới hoảng hốt.

Vợ thành đạt, chồng con ở đâu?

Chị Vân giật mình khi bị chồng đòi bỏ với câu nói lửng lơ: “Cô quá tham vọng, tôi không cần một người vợ thành đạt đến mức ham việc hơn chồng con”. Nghĩ lại, chị Vân thấy giật mình khi đã bỏ rơi gia đình. Những bữa cơm thưa nhặt, những lúc hỏi han quan tâm đến chồng, những giây phút riêng tư của chồng lâu nay đâu có tồn tại?

Thay vào đó là những lúc chị Vân tính toán tiền bạc, vạch kế hoạch cho kinh doanh, bận bịu với tiếp đón khách khứa tiệc tùng. Trong đầu chị đâu còn chỗ cho chồng con?

Còn chuyện gia đình của anh Minh và chị Giang cũng có kết cục buồn. Cuối cùng vì không chịu nổi nên anh Minh đòi ly hôn người vợ thành đạt của mình. Chỉ vì lòng tự trọng quá cao nên chị Giang đồng ý ngay với ý nghĩ: “Trên đời thiếu gì đàn ông mê mình?”. Nhưng sau khi hai đứa con đều ở với bố, mỗi buổi đi làm về thấy cô đơn, trống vắng nên chị Giang càng ức chế và ân hận.

Chỉ vì để mất chồng nên chị Giang không còn đủ bình tĩnh để giao tiếp với đối tác hay cấp dưới. Lúc này chị mới cảm thấy trân trọng những gì từng có trước đây. Nếu như chị bớt cao ngạo, bớt mắc bệnh thành đạt thì có lẽ ngày hôm nay đã không phải rơi nước mắt thế này.

Ỷ thế vị trí cao hơn chồng nên nhiều chị em tỏ ra coi thường, hách dịch và “vênh”. Những cử chỉ, thái độ ấy rất dễ khiến cho người bạn đời bị tổn thương và “xé” vào tự trọng để đến mức phải đưa nhau ra tòa. Thực tế có nhiều gia đình đã tan vỡ chỉ vì vợ mắc bệnh thành đạt. Cũng có nhiều chị em ôm đồm công việc, cố leo lên chức nọ chức kia và nhiều lúc bức bối vì nghĩ mình đang phải gồng mình lên lo kiếm tiền cho gia đình. Đây cũng là lý do đẩy họ rời xa với mái ấm của mình hơn.

Theo Zing

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Sửa thói xấu cho con bằng mẹo


Hễ con dở bài “ăn vạ” là mẹ sử dụng ngay kế: “Mẹ buồn ngủ quá. Khóc xong thì gọi mẹ đưa đi chơi nhé”.

Cu Bốp (1 tuổi) nhà Linh có "tài ăn vạ thành thần". Cu cậu bò tới đòi con dao gọt hoa quả chuôi vàng. Bà nội giằng lấy dao, mang xuống bếp cất là Bóp gào khóc, giãy ngửa.

Lúc ấy, Linh nhanh chóng đặt con ngồi xuống đất, nhắc: “Mẹ ngủ đây, khi nào khóc xong thì gọi mẹ nhé”. Sau đó, Linh làm ngơ, nhắm mắt lại và quay lưng đi vờ như không quan tâm. Bốp thấy mẹ thế, càng gào to hơn. Tuy nhiên, một lúc sau thì cu con tự động nín. Từ đó, hễ con dở bài “ăn vạ” là Linh sử dụng ngay kế: “Mẹ buồn ngủ quá. Khóc xong thì gọi mẹ đưa đi chơi nhé”.

Đánh lạc hướng bằng trò tìm đồ vật

Bé Cây (11 tháng) nhặt được hạt bưởi, hạt na hay cái tăm rơi trên sàn nhà là lập tức bỏ vào miệng. Lúc ấy, nếu bị người lớn giật mất là cu cậu khóc thét. Để lấy bỏ đồ vật nguy hiểm cho con theo cách tâm lý, Huyền (mẹ bé Cây) mỗi lần thấy con sờ được một hạt na là chạy tới: “Hạt na à? Cho mẹ”. Huyền xòe tay ra, Cây thích thú bỏ hạt vào tay mẹ. Rất nhanh chóng, Huyền nắm chặt hạt na, khum cả hai tay xuống sàn và đố: “Hạt na đâu rồi?”. Khi Cây chạm vào tay nào, Huyền liền mở bàn tay ấy ra và đọc kết quả: “Có” – “Không có”.

Chơi một lát, Huyền bất ngờ chỉ tay ra cửa: “Có con gì kìa?”. Cây quay người nhìn theo tay mẹ, Huyền liền giấu hạt na đi. Khi Cây tiếp tục đòi mở tay mẹ tìm hạt, cô lắc đầu: “Mất rồi”, rồi xòe hai tay để cu cậu thấy “không có”. Nhờ thế, Cây không khóc đòi nữa.

‘Đi xem con ‘gâu gâu’’

Bé Cò (10 tháng) rất thích nước. Được thả vào chậu nước tắm là cu cậu “sướng mê”, tha hồ giãy đạp. Khổ nhất là lúc tắm xong, nếu bị mẹ (hay bà giúp việc) bế thóc lên, quấn vào khăn tắm là Cò giãy giụa hờn dỗi.

Biết Cò thích “con gâu gâu” nhà bác hàng xóm nên mỗi lần tắm xong, mẹ lại gọi bố: “Bố ơi, đi xem con gâu gâu à? Không chờ Cò à?”. Nghe thấy “gâu gâu”, Cò ngước ngay lên nhìn mẹ, mẹ choàng khăn tắm và giục: “Nhanh, xem con gâu” thế là cu cậu ngoan ngoãn đứng lên mà không tốn một giọt nước mắt nào.

‘Mẹ tin con’

Gia Minh (4 tuổi rưỡi) rất thích ăn vụng bánh mẹ cất trong ngăn kéo. Một lần, biết con vừa xem phim hoạt hình, vừa sột soạt lấy bánh ăn, Hoài (mẹ Gia Minh) giả vờ như không hay. Đợi con ăn xong, Hoài mới mở ngăn kéo, lấy bánh kẹo: “Minh rửa tay mẹ cho ăn kẹo này. Nãy mẹ ở dưới bếp, Minh có ăn kẹo không nhỉ?”, cu Minh lém lỉnh: “Con có ăn gì đâu”. Hoài tiếp tục: “Ủa lạ thế, mẹ có 10 cái bánh, sao giờ chỉ còn 9 cái nhỉ. Mất đâu 1 cái rồi. Minh đã nói là không ăn thì mẹ rất tin con”.

Lén thấy bé Minh căng thẳng, Hoài nói tiếp: “Con nhớ lại xem từ nãy đến giờ đã ăn cái nào chưa? Để mẹ còn gọi điện hỏi bố. Nhỡ bố không ăn mà đổ oan cho bố thì tội lắm. Sao có cái vỏ bánh ở đây nhỉ? Bố hư thế, ăn xong còn không chịu bỏ vỏ vào thùng rác. Con nghĩ xem nên phạt bố thế nào? Hay để bố ngủ một mình, hai mẹ con mình về ông bà ngoại. Bố hư thế, mẹ chẳng muốn chơi với bố đâu”. Nghe mẹ nói vậy, Minh có vẻ áy náy nên tự giác: “Là con ăn đấy”. Nhân cơ hội đó, Hoài dặn luôn: “Lần sau con muốn ăn thì nói với mẹ. Mẹ không mắng hay phạt con đâu”.

‘Con ngủ ở đây nhé’

Tin (2 tuổi) rất thích chơi chung với em họ Kumi. Mỗi lần Yến (mẹ Tin) đưa con sang nhà Kumi là một lần cô phát mệt vì giục về là Tin khóc. Càng kéo tay con thì con càng giãy đạp chống đối. Kể cả khi thấy mẹ cầm chìa khóa, đội mũ bảo hiểm, tra chìa khóa xe vào ổ, Tin cũng tỉnh bơ, còn vẫy tay “bai bai” mẹ.
Hiểu tâm lý con, Yến vờ dặn dò: “Con ngủ ở đây với em Kumi nhé. Mẹ về một mình vậy. Mai bố sẽ mang quần áo và đồ chơi sang cho con”. Cùng lúc, Yến làm ra vẻ buồn bã: “Mẹ nhớ Tin ghê nhưng biết làm sao, Tin thích ở đây mà. Thế mẹ về nhé”. Thấy mẹ “sụt sịt” buồn bã, Tin nhanh nhảu bám chân mẹ, “bai bai” em Kumi để về nhà.

Theo M&B

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Bố mẹ thấp, con không cao

Phát hiện mới đây của giới khoa học cho thấy các bậc cha mẹ không nên quá kỳ vọng vào sữa hay thực phẩm - con cái bạn chỉ có thể đạt chiều cao lý tưởng nếu cha mẹ to cao. Nói cách khác, gene quyết định phần lớn tiêu chí này.


Trong khi béo phì là hậu quả của cả thói quen sống lẫn yếu tố di truyền, thì chiều cao được quyết định 80% bởi gene di truyền, nhóm nghiên cứu từ Đại học Y Harvard (Mỹ) khẳng định.

"Chiều cao rõ ràng có liên quan rất nhiều đến gene - những ông bố bà mẹ thấp có xu hướng sinh con thấp, và những người cao lớn có xu hướng tạo ra những đứa trẻ cao" - Giáo sư Joel Hirschhorn, trưởng nhóm nghiên cứu nhận định trên tờ Nature.

Mới đây, nhóm của ông đã xác định được hàng trăm đột biến gene chịu trách nhiệm khoảng 10% sự khác biệt về độ cao giữa mọi người.

"Công trình này là bước tiến lớn nhất cho tới nay trong việc lý giải sự khác biệt về gene đã dẫn đến sự khác biệt chiều cao của chúng ta".

Dữ liệu được phân tích từ hơn 180.000 người ở Mỹ, Canada, châu Âu và Australia.
Theo Vnexpess

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

Thời điểm tốt nhất cho trẻ dùng kem đánh răng


Thời điểm bắt đầu đánh răng, việc lựa chọn bàn chải, kem đánh răng, cách chải răng cho trẻ là những yếu tố quan trọng để răng sữa phát triển tốt, đảm bảo một hàm răng vĩnh viễn chắc khoẻ.
Chăm sóc từ khi chưa có răng

Trẻ thường mọc chiếc răng đầu tiên vào khoảng 6 tháng tuổi, nhưng theo các bác sĩ của Chương trình Healthy Family (Hoa Kỳ), ngay trước khi trẻ có răng, các bà mẹ cũng nên chú ý chăm sóc, vệ sinh nướu cho trẻ sạch sẽ bằng gạc mềm thấm nước sạch ngay sau khi cho trẻ ăn hoặc bú sữa.

Và khi trẻ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên, các bà mẹ nên dùng gạc hoặc khăn vải ướt quấn quanh ngón tay, lau sạch cả mặt trước, mặt trong và xung quanh chiếc răng mới cho trẻ. Giai đoạn này bạn chỉ nên sử dụng nước sạch hoặc nước muối loãng để "đánh" răng cho trẻ.

Theo TS.BS Phạm Như Hải, trưởng khoa Răng, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội), lên ba hay bốn tuổi là thời điểm tốt nhất để tập cho trẻ sử dụng kem đánh răng. Lúc đầu, chỉ nên sử dụng một ít kem và hướng dẫn trẻ không được nuốt kem, vì việc tiêu thụ nhiều chất fluor không chỉ gây hại cho sức khoẻ, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng men răng của trẻ sau này.

Bé chưa sẵn sàng tự đánh răng

Dù bé có thích thú với việc tự đánh răng thì bạn cũng chưa nên để bé tự làm, bạn có thể giám sát hoặc giúp bé chải răng vì bé chưa có ý thức để chủ động chải sạch răng và tay bé cũng chưa đủ khoẻ để chà sạch các mảng bám trên mặt răng.

Theo tài liệu của Bệnh viện Nhi Sydney (Australia) thì rất khó cho trẻ em dưới 10 tuổi biết đánh răng đúng cách. Và nếu để vi trùng bám trên răng trong một thời gian dài, nướu răng có thể chảy máu khi đánh răng.
Chứng viêm nướu này là dấu hiệu cảnh báo nướu đang không khoẻ và thậm chí răng bé còn có cả những mảng bám vàng ố và bắt đầu bị sâu. Việc bạn cần làm là giúp bé chải răng và chăm sóc nướu thường xuyên hơn, ngay cả khi nướu chảy máu lúc đang đánh răng.

Dùng đúng kem đánh răng

Theo TS.BS Hải, kem đánh răng dành cho trẻ em phải hoàn toàn khác kem đánh răng người lớn. Kem đánh răng trẻ em phải được sản xuất dựa trên nguyên lý có ít chất gây hại nhất. Ví dụ, chất kiềm sẽ ít hơn để không ảnh hưởng đến men răng và lợi, chất flour ít hơn để giúp răng được bảo vệ chắc khoẻ nhưng không quá nhiều phòng khi trẻ nuốt vào có thể bị độc.

Ngoài ra, kem đánh răng trẻ em cũng cần bổ sung thêm một số chất bảo vệ men răng và lợi, tránh sâu răng. Bạn cũng nên chú ý không chọn kem đánh răng tạo quá nhiều bọt, dễ làm bé khó chịu. Hãy chọn kem đánh răng có mùi vị phù hợp với sở thích của bé, và chọn kem đánh răng phù hợp với tuổi răng. Tránh việc sử dụng quá lâu một loại kem đánh răng và không sử dụng kem đánh răng đã để lâu hoặc hết hạn sử dụng.

Bạn hãy hướng dẫn trẻ chỉ lấy một lượng thích hợp kem đánh răng cho mỗi lần đánh, vừa tiết kiệm, vừa để bảo vệ răng. Bạn chỉ nên thay kem đánh răng trẻ em sang kem đánh răng người lớn khi toàn bộ hàm răng trẻ đã thay vĩnh viễn, tương đương thời điểm trẻ khoảng từ 10 - 12 tuổi.

Bàn chải đúng kích cỡ

Bên cạnh việc sử dụng thuốc đánh răng đúng loại thì việc dùng bàn chải cũng cần được phụ huynh chú ý. Bàn chải đánh răng của trẻ phải là loại nhỏ, lông bàn chải mềm, mịn và đầu lông tròn. Việc sử dụng bàn chải riêng này giúp trẻ đánh răng không bị tổn thương nhưng vẫn sạch và luồn sâu được vào phía trong hàm.

Đối với trẻ lớn, lông của bàn chải cũng cần phải có độ cứng vừa phải, đồng thời phải có độ đàn hồi. Nếu lông bàn chải quá mềm sẽ không thể làm sạch răng một cách tốt nhất. Nhưng nếu lông bàn chải quá cứng sẽ dễ làm tổn thương nướu răng. Thông thường, nên thay bàn chải đánh răng cho trẻ mỗi 3 tháng hoặc khi lông trên bàn chải bắt đầu bị xù, xơ.

Theo Bác sỹ Lê Thị Hải
Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

"Lộ trình" trẻ ăn dặm


Tôi và mẹ chồng luôn bất hoà trong việc chăm con gái, đặc biệt trong giai đoạn cháu đang thời kỳ ăn dặm.

Xin chuyên mục cho biết trẻ mấy tháng tuổi trở lên bắt đầu ăn dặm và chế độ, liều lượng mỗi bữa? Hoàng Lan (Hà Nội)

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia:

- Trẻ 6 tháng đầu: Hoàn toàn bú sữa mẹ.

- Trẻ 6 tháng tuổi trở lên: Cùng với sữa mẹ, nên cho bé tập ăn bổ sung mỗi ngày từ 1-2 bữa bột loãng. Sau đó quấy đặc dần lên.

- Trẻ từ 7-8 tháng: Ngoài bú mẹ nên cho bé ăn thêm 3 bữa bột đặc (2/3 bát mỗi bữa), sau đó cho ăn thêm trái cây nghiền.

- Trẻ từ 9-11 tháng: Ngoài bú mẹ nên cho bé ăn thêm 3 bữa bột hoặc cháo (3/4 bát mỗi bữa), cộng thêm 1 bữa phụ.

- Trẻ từ 12-24 tháng: Vẫn bú sữa mẹ, thêm 3 bữa cháo đặc hoặc cơm nát (1 bát mỗi bữa), sau đó cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ.

- Trẻ từ 24-36 tháng: Cho trẻ ăn 3 bữa chính, 2 bữa phụ. Lúc này, trẻ có thể ngồi ăn được cùng gia đình, nhưng cơm nấu mềm và hơi nát cho trẻ dễ nuốt.

Chuyên gia tư vấn Kim Mai

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Ăn mặn trên giường


Sự xuất hiện của hắn như một làn nước mát tưới vào cánh đồng khô hạn, như ngọn lửa thổi bùng lên những khát khao yêu tưởng như đã lịm tắt trong chị từ lâu.

Vợ chồng chị quen hắn khi vợ chồng hắn dọn về ở cùng khu nhà. Họ trở thành hàng xóm của nhau nơi thủ đô đất khách. Chồng chị và hắn trở thành những người bạn thân thiết vì cùng “hợp cạ” khi nói chuyện làm ăn.

Chồng chị vốn thông minh và khát khao làm giàu, sau thời gian dài lam lũ cũng tích đủ vốn từ những lần buôn bán để đứng ra mở công ty riêng. Chị cũng là người tháo vát, không muốn nương bóng chồng nên tự tay tiếp nhận lại công việc buôn bán để chồng rảnh đầu óc lo phát triển công ty. Ngược lại, vợ chồng hắn thì chật vật, buôn bán bị thua lỗ liên tục. Những lúc ấy chị lại là người đứng ra giúp đỡ về tài chính.

Công việc buôn bán của chị ngày càng phất lên thì công việc của vợ chồng hắn ngày càng đi xuống. Những lúc bề bộn, không có ai phụ giúp hắn thường sang phụ cùng với chị. Và rồi tình cảm nảy nở, họ trở thành cặp tình nhân từ lúc nào không hay.

Chồng chị, vốn là con trai gốc đất Hà Thành, luôn giữ được sự đức độ, chừng mực. Anh chừng mực trong cách sống, cả trong ăn uống. Thậm chí cả chuyện sinh hoạt vợ chồng, anh cũng rất chừng mực. Sống cùng, chị cũng quen dần và thích nghi được với sự chừng mực ấy ở anh. Chị quen cả cách yêu “nhợt nhạt” của anh khi hai người gần gũi. Chị cũng quen cả cách nấu ăn cho anh. Với anh, thà món ăn hơi nhạt một chút còn dễ chữa hơn là tra muối quá tay.

Sự bình lặng của cuộc sống gia đình với những món ăn nhạt trong bữa cơm và “ăn nhạt” cả trên giường khiến chị hình như cũng trở nên nhạt nhẽo, chỉ còn biết đến công việc buôn bán làm niềm vui. Bởi thế, sự xuất hiện của hắn như một làn nước mát tưới vào cánh đồng khô hạn, lại như ngọn lửa thổi bùng lên những khát khao yêu tưởng như đã lịm tắt trong chị từ lâu. Chị và hắn bập vào nhau, những cảm xúc lạ lẫm vực dậy những con người khát khao yêu trong nhau.

Hắn không có vẻ thanh tao của kẻ sỹ, ở hắn toát lên vẻ chắc đậm của anh lực điền chịu thương chịu khó, dễ sai bảo. Những lần nào “gặp nhau”, chị cũng không thể nào quên được, nó khác hẳn cảm giác nhợt nhạt mà chị vẫn đều đặn nhận bao năm qua. Chị thầm so sánh anh với hắn. Những lúc anh sung sức có cố cày bừa để làm đẹp thửa ruộng nhà thì vẫn thua xa những nhát cuốc phầm phập của tên thợ cày kia. Ánh mắt lấp lánh như có lửa của chị độ này ắt hẳn phải do sự cần mẫn dâng hiến của hắn.

Việc ở công ty bận rộn, anh đi từ sáng sớm đến tối mới có mặt ở nhà. Gia đình chị chỉ gặp mặt đầy đủ các thành viên vào bữa cơm tối. Nhờ công việc, chị và hắn có nhiều thời gian ở bên nhau. Trưa nào chị cũng giành phần nấu cơm cho người tình. Việc đưa đón con đi học và lo giặt giũ, quét rọn nhà cửa đã có mẹ chồng chị lo.

Thời điểm này, vợ chồng hắn đang ly thân. Những lúc cửa hàng vắng khách, không ai để ý chị vẫn sang chuẩn bị đồ ăn cho bố con hắn. Ngược với chồng chị, với hắn đồ ăn phải hơi đậm muối hắn mới ăn được. Mồ hôi dầu như hắn mà đồ ăn cứ nhàn nhạt thì chỉ có ẻo lả chứ làm sao đi đứng chắc nịch để khuân những chuyến hàng nặng thoăn thoắt giúp chị được.

Lâu dần thành quen, chị nấu ăn lúc nào cũng phải mặn mặn. Đồ ăn chị nấu là để cho hắn chứ hoàn toàn không hợp với chồng mình .

Việc chị và hắn trở thành nhân tình của nhau, anh hầu như không biết. Hoặc giả nếu có biết chắc anh cũng né tránh chờ dịp thuận tiện sẽ xa gần nhắc nhở. Tính anh vẫn vậy. Lúc nào anh cũng muốn nếp nhà mình bình yên. Mẹ chồng chị thì biết. Cùng là đàn bà với nhau, nhìn vào ánh mắt chị sao mà không biết. Nhưng vì thương con trai, vì giữ gìn danh tiếng gia đình, giữ nếp nhà mà bà im lặng. Bà không muốn hai đứa cháu nội bị xáo trộn. Bà mong cơn sóng tình trong chị sẽ mau qua. Bà mong con trai mình không biết. Bà âm thầm chịu đựng dù mỗi ngày sự việc vẫn diễn ra trước mắt.

Chiều qua đi làm về , anh chau mày vì những món chị làm sao dạo này đậm muối thế? Chiều nay cũng vậy. Cả canh, cả món xào món nào cũng mặn. Không đừng được anh hỏi chị: “Sao dạo này em nấu nướng thế nào mà món nào cũng mặn?”. Hai đứa con chị cũng đồng thanh: “Con cũng thấy thế. Từ lâu lắm rồi!”

Chỉ riêng bà mẹ không nói gì. Bà chỉ lặng nhìn con trai mình. Cố nuốt thìa canh mặn chát mà sao vị muối không lắng lại cứ trào lên mắt bà rưng rưng …

Theo Gia đình

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2010

Tai nạn bất ngờ ở trẻ em

Khi tai nạn sinh hoạt xảy ra bất thình lình với trẻ, những ông cha bà mẹ thường rơi vào tâm trạng sốc, khủng hoảng. Sau đó họ luôn dằn vặt, hối hận vì sự vô ý của mình có thể làm con trẻ tử vong do những bất cẩn rất nhỏ.

Đầu tháng 9 Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận bệnh nhân Vũ M. (6 tháng tuổi, Hà Nội) trong tình trạng tím tái, khó thở. Nguyên nhân được xác định là do bé quấy đêm, mẹ cho bú trong khi bé gà gật ngủ, lượng sữa tiết ra nhiều bé không nuốt kịp dẫn đến sặc rồi ngạt thở.
Theo TS Lê Thanh Hải - phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, ban đêm muốn cho trẻ bú, bà mẹ nên ngồi dậy ngay ngắn, bế trẻ bằng hai tay và đặt trẻ ở tư thế thoải mái. Việc tạo thói quen cho trẻ vừa ăn vừa ngủ rất nguy hiểm vì khi đó sữa vẫn chảy nhưng trẻ không nuốt, khi thở mạnh có thể hít sữa lên mũi, gây tắc đường hô hấp.

Còn bé T.T.A. (4 tuổi, Hà Nam) lại có một hành trình chữa bệnh vòng vèo qua nhiều bệnh viện. Bé được chẩn đoán hen phế quản rồi viêm phổi, áp xe phổi mà bệnh tình không thuyên giảm. Đến Bệnh viện Nhi T.Ư mới được chẩn đoán hội chứng xâm nhập do dị vật đường ăn chui nhầm vào đường hô hấp. Trước đó A. bị hóc đậu phộng nhưng không biểu hiện bệnh lý nặng nên người nhà bỏ qua. Sau một thời gian bé thường xuyên bị viêm đường hô hấp mãn tính, tái đi tái lại, đường thở bị hẹp dần, ngáy và thở ran rít.

Chính hạt đậu phộng chui vào đường hô hấp bị mủn do ngấm nước sinh ra biến chứng nguy hiểm này.

Riêng tại Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư, các loại dị vật từng chui vào đường thở gây tai biến cho bệnh nhân, chuyển viện cấp cứu được các bác sĩ cẩn thận cất giữ trong tủ kính, làm thành “bộ sưu tập” khá đặc biệt.

Chỉ vào tủ sưu tập các loại dị vật, thạc sĩ Hoàng Đình Ngọc - phó giám đốc bệnh viện - buồn rầu: “Trong hơn 100 dị vật lưu lại đây, đáng tiếc chưa có một loại dị vật trẻ thường bị hóc là thạch. Thú thật, bệnh viện chưa cứu sống được trường hợp nào hóc dị vật này...”.

Theo bác sĩ Ngọc, thạch là loại dị vật có khả năng biến hình do cấu trúc uốn dẻo, bề mặt trơn nhẵn nên rất khó gắp ra. Biện pháp dự phòng tốt nhất là không cho trẻ dưới 5 tuổi ăn hoặc nghịch chơi những viên thạch nhiều màu.

Cũng có nhiều phụ huynh thấy con ăn ít thường tìm cách tăng lượng cho bé mà không để ý đến hậu quả khó lường. Bệnh viện Nhi T.Ư từng tiếp nhận trường hợp hôn mê sâu mà nguyên nhân là do mẹ thấy con ngậm thức ăn liền bịt mũi, buộc bé há miệng nuốt!

Trong trường hợp trẻ bị sặc, vội vã cho tay vào móc dị vật càng khiến dị vật bị đẩy sâu hơn. Tốt nhất là đặt trẻ nằm đầu thấp, nằm sấp trên một tay, tay kia vỗ mạnh vào lưng tạo áp lực trong lồng ngực để đẩy dị vật ra ngoài.

Tai họa từ chiếc tivi

Cuối tháng 8-2010, bé H.T.T.A., hai tuổi rưỡi, ngụ ở TP Biên Hòa, Đồng Nai, vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM trong tình trạng hôn mê, gồng tay chân, khó thở. Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, trước đó bé A. đu lên chiếc kệ đang để tivi 21 inch và bị tivi đè lên người. Lúc người nhà phát hiện bé A. đã bất động.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 chẩn đoán bé A. bị chấn thương sọ não (máu tụ dưới màng cứng, thái dương phải và vỡ xương thái dương phải). Dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bệnh nhi rơi vào tình trạng hôn mê sâu, sau đó tử vong.

Nhận được thông tin này, bố mẹ bé A. khóc khô cả nước mắt. Người mẹ kể trước đó nhiều lần chị đã thấy cháu đu lên kệ tivi nhưng không ngờ có thể xảy ra chuyện kinh khủng đến như vậy.

TS.BS Trương Quang Định, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho biết bệnh viện vẫn gặp những bệnh nhi bị chấn thương đầu do tivi đè lên. Trong các gia đình, tivi thường được đặt lên những chiếc kệ, trẻ em hiếu động hay vỗ tay vào tivi, thậm chí đu lên kệ làm tivi đổ xuống.

Một số tai nạn sinh hoạt khác cũng thường gặp ở trẻ như phỏng nước sôi, phỏng điện, chết đuối ở nhà do té vào chậu, xô nước...

Bác sĩ Quang Định lưu ý ngay cả khi đưa trẻ đi chơi, các bậc cha mẹ cũng phải luôn để mắt đến trẻ, vì Bệnh viện Nhi Đồng 2 từng tiếp nhận trẻ bị cầu thang máy ở siêu thị cuốn cả cánh tay, trẻ bị té cầu thang khi đi siêu thị, chơi thú nhún...
Trẻ dễ bị té nếu người lớn bất cẩn
Trẻ té võng cũng là tai nạn sinh hoạt mà Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM thường gặp. Bác sĩ Quang Định từng điều trị cho một bé 2 tuổi bị chấn thương sọ não, có máu tụ, do người anh 7 tuổi đưa võng quá mạnh làm người em bị rớt xuống võng. Dù được các bác sĩ phẫu thuật lấy máu tụ nhưng bệnh nhi vẫn tử vong.

Té lầu, té lan can cũng là những tai nạn sinh hoạt bất ngờ xảy ra ở trẻ.

Theo bác sĩ Quang Định, trẻ em hiếu động, thấy có lỗ là thích chui qua, do vậy khi gia đình làm lan can có nhiều lỗ rộng, không đảm bảo an toàn cho trẻ, trẻ sẽ có nguy cơ bị té nếu không được người lớn canh chừng.

Ngoài ra, một số trường hợp trẻ đang chập chững tập đi đã bị té cầu thang trong lúc đi xuống cầu thang, gây các chấn thương như chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, gãy tay, gãy chân...

Theo Tuổi trẻ

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

Táo bón ở trẻ em, dấu hiệu bệnh gì?

Con tôi 2 tuổi, khoảng hơn một tháng nay cháu bị táo bón, thường 3-4 ngày cháu mới đi ngoài một lần, phân rắn như đất.

Mỗi lần cháu đi ngoài tôi phải dùng ống bơm vào hậu môn mới đi được. Mong bác sĩ hướng dẫn cách chữa bệnh này?

Trần Thị Vui (Thanh Hóa)

Trả lời:

Táo bón là tình trạng khoảng cách giữa hai lần đi ngoài quá lâu, phân rắn, khó bài xuất phân. Bình thường khoảng cách giữa hai lần đi ngoài tùy theo lứa tuổi, chẳng hạn trẻ 1- 6 tháng tuổi đi ngoài 2- 3 lần/ngày, trẻ hơn 2 tuổi đi ngoài 1-2 lần/ngày, trẻ lớn thì 1 lần/ngày như người lớn. Nếu khoảng cách giữa 2 lần đi ngoài dài hơn bình thường trên 3 ngày là biểu hiện của bệnh táo bón.

Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh táo bón như: rối loạn tiêu hóa, tắc nghẽn ruột, do nội tiết, rối loạn chuyển hóa, do yếu tố thần kinh. Bạn nên đưa cháu đi khám bệnh để được bác sĩ định bệnh và chỉ định điều trị đúng.

Để phòng bệnh bạn nên cho cháu ăn nhiều rau, hoa quả, khoai lang, đậu và phải chú ý cho cháu uống nhiều nước. Hằng ngày, bạn phải nhắc nhở cháu đi ngoài vào một giờ nhất định, tốt nhất là buổi sáng.

Theo BS. Bùi Thị Thu Hương - SKĐS