Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Lời cảnh tỉnh đau đớn cho những phụ huynh “bất cẩn”

Cái chết của bé M.A, 3 tuổi tại khu đô thị mới Dịch Vọng (Hà Nội) hôm 28/6 vừa qua lại một lần nữa cảnh báo về sự bất cẩn của nhiều cha mẹ dẫn đến tai nạn đáng tiếc cho con trẻ.

Đau đớn chuyện con cái tử vong, tàn phế vì... cha mẹ


Cùng với đó một câu hỏi lớn được đặt ra là các bậc phụ huynh có thực sự nắm được những kỹ năng để bảo vệ cho sự an toàn của trẻ nhỏ hay không.

Bất cẩn một giây, trả giá cả đời

Vụ việc nêu trên xảy ra do bố mẹ M.A có việc ra ngoài, khóa cửa để bé ngủ một mình trong nhà. Tỉnh dậy không thấy ai, M.A liền ra hành lang chơi, bị ngã khỏi lan can tầng 5 sau khi trèo lên một vật cứng được kê dưới đất và rơi xuống rồi tử vong.

Trường hợp của cô bé khiến nhiều người nhớ lại cái chết của bé trai 4 tuổi ở khu đô thị mới Linh Đàm, ngã từ tầng 11 xuống cũng do chơi một mình ngoài hành lang.

Sự việc như vậy không hề hiếm gặp. Một bà mẹ ở Đền Lừ (Hà Nội) phạt nhốt con quá lâu ngoài ban công, bé gọi mẹ không được liền bắc ghế nhoài người ra gọi bố và ngã từ tầng 3 xuống chết tại chỗ.

Vẫn biết rằng mất con đã là nỗi đau khổ tột cùng với những ông bố, bà mẹ ấy nhưng thật đáng trách khi ta nói đến trách nhiệm, ý thức và cả sự hiểu biết của họ trong việc bảo vệ con mình khỏi những tai nạn không đáng có.

“Nuôi con nhỏ phải cẩn thận ghê lắm, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Bản thân mình từng được một bài học xương máu hồi thằng bé con 2 tuổi” chị Phương (Xuân Đỉnh) nói.

Chị kể, trưa hôm ấy nhà chỉ có hai mẹ con. Chị nấu cơm trong bếp, để con xem tivi ngoài phòng khách. Thỉnh thoảng ngó ra thấy cu cậu ngồi xem rất ngoan nên chủ quan, không để ý nữa.

Lúc sau nghe con khóc thét, chị vội chạy ra thì thấy phích nước nóng tung nắp, chỏng trơ dưới sàn, thằng bé thì giãy lên đau đớn. Đưa con vào đến viện mà chị vẫn ngây người, chưa hết bàng hoàng.

“Cũng may nước không quá nóng, thằng bé chỉ bị bỏng nhẹ nếu không mình ân hận cả đời. Từ đó, chẳng khi nào dám để con một mình. Chuyện qua lâu rồi nhưng giờ mỗi lần nghĩ lại, mình lại rớt nước mắt vì thương con, giận bản thân làm mẹ mà sao có thể vô tâm đến thế”.

Viện Bỏng Quốc gia gần đây cũng tiếp nhận một bé gái 6 tuổi ở Yên Bái bị bỏng trên một vùng da tương đối rộng, lại tập trung chủ yếu ở mặt. Vết bỏng là do cồn nướng mực gây ra. Bố của bé trong lúc nướng mực, đổ thêm cồn khi thấy ngọn lửa sắp tàn, vô tình khiến ngọn lửa bùng lên, tạt vào mặt cô con gái ngồi cạnh đó.

Mỗi năm, Viện Bỏng Quốc gia lại nhận không ít các ca bỏng do cồn nướng mực cũng như bỏng nước sôi ở trẻ nhỏ do sự vô ý của người lớn.

Vẫn chủ quan sau bài học đắt giá

Tất cả những sự việc nêu trên không phải lần đầu tiên xảy ra và cũng không phải chỉ xảy ra một hai lần. Hậu quả thì đã quá rõ, có những đứa trẻ vĩnh viễn ra đi, có những đứa trẻ mangtrên mình vết sẹo hay di chứng không bao giờ lành và vẫn còn đó là những nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai, những tiếng khóc nấc nghẹn ngào vì ân hận của nhiều bậc cha mẹ.

Vậy vì lý do gì mà sau bao bài học đắt giá hiển hiện trước mắt, nhiều người vẫn không rút được kinh nghiệm, để cho sự sơ sẩy trút lên đầu trẻ nhỏ hậu quả khủng khiếp nhường ấy?

Cuộc phỏng vấn nhanh của phóng viên với 10 phụ nữ có con trong độ tuổi 1-5 thì có đến 7/10 người thừa nhận đã từng mải mê với công việc mà lơ là không để mắt đến con. Đồng thời họ cũng không chủ động tìm hiểu về các phương pháp sơ cứu cho trẻ nhỏ trong các trường hợp xảy ra tai nạn trong sinh hoạt.

Những phụ nữ này tỏ ra lúng túng khi được hỏi cần làm gì đầu tiên khi trẻ ngã, nuốt phải các dị vật, bỏng hay điện giật.

“Thằng bé nhà tôi lúc bắt đầu biết đi thỉnh thoảng cũng ngã đập đầu xuống đất, hay lúc chơi đùa bị đập đầu vào cánh cửa. Cu cậu khóc một lúc được bố mẹ dỗ dành là nín ngay, lại chơi đùa như bình thường nên gia đình chẳng bao giờ đưa đi kiểm tra. Trẻ con hiếu động nghịch ngợm rồi vấp ngã cũng thường xuyên ý mà” - chị Bắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Thực tế cho thấy, một số trường hợp trẻ hoàn toàn có thể được cứu sống nếu cha mẹ, người thân biết cách sơ cứu ngay sau khi tai nạn xảy ra.

Nhưng có vẻ như việc học cách chăm sóc trẻ nhỏ đúng cách cùng kỹ năng bảo đảm an toàn cho trẻ chưa phải là một trong những ưu tiên và quan tâm của các cặp vợ chồng khi lấy nhau, thậm chí cả khi mang thai và có con.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý của Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam Nguyễn Lâm Thúy, các trường hợp tai nạn xảy ra phần nhiều là do sự chủ quan của cha mẹ.

“Cha mẹ nhiều khi rất hay chủ quan, cho rằng mình ra ngoài một tí rồi về nên cứ để con nhỏ ngủ một mình trong nhà. Họ không ngờ rằng khi mình vừa đi thì bé lại dậy hoặc trên đường đi có thể gặp phải những sự cố bất ngờ, không thể về đúng thời gian đã định được” - bà Thúy nói.

Bà Thúy cho biết thêm: “Với tâm lý của một đứa trẻ thì ngủ dậy mà không thấy có ai bên cạnh sẽ hoang mang, sợ hãi. Trẻ cố tìm cách thoát ra khỏi nhà để tìm kiếm người thân. Vì thế lan can chính là nơi trẻ dễ nhìn thấy bóng người qua lại nhất khi mà cửa chính đã bị khóa. Trẻ muốn tìm được cảm giác an toàn. Nhưng chúng ta đều biết đằng sau cái cảm giác an toàn tạm thời đó là những nguy hiểm tiềm ẩn mà trẻ nhỏ chưa ý thức được”.
Theo bà Thúy, ngoài yếu tố chủ quan thì nhiều cha mẹ cũng không hiểu được tâm lý của trẻ nhỏ nên không phán đoán được hành xử của trẻ trong những tình huống bất thường.

Bên cạnh đó, sự thiếu kiến thức trong chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ khiến các bậc cha me không lường trước được các rủi ro có thể xảy đến trong từng giai đoạn phát triển của trẻ.

“Nhưng không thể hoàn toàn trách cha mẹ về điều này. Họ không phải là chuyên gia tâm lý và cũng không thể tính trước tất cả các tình huống có thể xảy đến" - chuyên gia Thúy nói.

Theo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét