Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2010

Bé gái 5 tuổi nguy kịch vì bị xui nhảy từ tầng 3

Trót khóa trái cửa khi ra chơi ngoài lan can lầu 2, bé gái ở TP HCM được những người hàng xóm giải cứu bằng cách lót đệm dưới đất rồi bảo em nhảy xuống. Cú phi thân bất thành đã khiến bé bị chấn thương đầu và gãy chân.

Bé đang được điều trị tại bệnh viện.

Tại Bệnh viện Bệnh viện Nhi đồng 2, ngoài nhiều vết trầy trên mặt, nạn nhân được xác định gãy cả hai chân và chấn thương sọ não.

Ông của em bé cho biết, khoảng một tuần trước, lúc bố mẹ vắng nhà, bé ra hành lang lầu 2 chơi rồi táy máy bóp ổ khóa cửa. Ông không thể để đưa cháu vào nhà được, đành cầu cứu hàng xóm giúp.

Thay vì đưa thang đến giải cứu hoặc phá cửa từ phía trong, một số người lại mang nệm chất dưới đường rồi thuyết phục bé nhảy xuống đệm. Tuy nhiên vừa chạm tấm nệm, người em lại bị tung lên cao rồi văng ra ngoài.

Sáng nay tại bệnh viện, em bé vẫn đang được theo dõi kỹ sức khỏe. Theo các bác sĩ, tình hình sức khỏe của bệnh nhi đang tiến triển theo chiều hướng tốt.

VNE

Nỗi lo con được nghỉ Tết nhiều ngày

Nhìn thấy bé Na chạy ra cổng báo năm nay được nghỉ Tết sớm và dài đến 16 ngày, chẳng những không vui cùng bé, vợ chồng chị Hạnh lại nhìn nhau thở dài: "Con nghỉ ở nhà lâu thế thì lấy ai mà trông".

Con vui được nghỉ tết nhiều ngày, bố mẹ thêm lo. Ảnh: Thiên Chương.

Không riêng chị Hạnh, từ vài tuần nay, việc các bé học sinh được nghỉ Tết quá dài đã trở thành đề tài nóng của các bậc phụ huynh tại Sài Gòn vốn phải tất bật với cả "núi" công việc trước và sau tết Nguyên đán.

Chồng làm tài xế taxi, vợ làm công ty du lịch, chị Xuân - anh Nam nhà ở quận 1 cho biết, công việc của anh chị kéo dài đến những ngày giáp Tết. "Nhà không có người giúp việc, chúng tôi vốn xem trường bán trú là nơi cứu cánh để cả hai có thời gian 'cày'. Giờ cả tuần lễ trước Tết hai nhóc đều ở nhà, không biết phải xoay sở ra sao", chị Xuân than khó.

Cùng hoàn cảnh với vợ chồng chị Xuân, ngay sau khi nhận được thông báo lịch nghỉ tết của nhà trường, chị Thủy nhà ở quận 3 gần như phát khóc, vội vã gọi báo "hung tin" với ông xã. "Nhà chỉ có hai vợ chồng và một đứa con. Người thân lại ở xa, tôi thực sự không biết phải làm sao nữa", chị Thủy nói. Trước tình thế "không biết bỏ con cho ai trông", chồng chị đã phải cầu cứu bà nội bé từ miền Trung vào.

Gia đình chị Mỹ ở quận 8, sau khi đã tính toán mọi cách, túng thế đành phải lên kế hoạch đưa cả hai nhóc về quê với bà. "Biết bà già yếu và chắc chắn đứa nhỏ 3 tuổi sẽ khóc khi xa bố mẹ nhưng không còn cách nào khác bởi hai vợ chồng ai cũng phải quần quật làm cho đến ngày 28 tháng Chạp và sau tết lại phải đi làm ngay từ mồng 4", chị Mỹ tâm sự.

Theo các thầy cô, việc học sinh được nghỉ tết kéo dài 16 ngày (từ 23 tháng chạp đến hết mồng 8) như năm nay là do cả đầu và cuối kỳ nghỉ đều rơi vào những ngày cuối tuần.

Trước cảnh khó của quá nhiều phụ huynh, một số trường mầm non công lập đã đồng ý trông trẻ vào đợt nghỉ tết, tuy nhiên các cô cũng chỉ trông giúp vào hai ngày 25 và 26. Riêng ở cấp tiểu học, học sinh vẫn phải nghỉ ở nhà vì rất ít trường nhận trông các em theo hình thức bán trú trong những ngày nghỉ.

Một số phụ huynh hiến kế, nếu không gửi con được ở trường, không gửi được người thân hoặc không kịp tìm người giúp việc, bố mẹ có thể tìm đến các nhà giữ trẻ hoặc các trường mầm non tư thục bởi đây là những nơi có thể trông trẻ trong những ngày cận và sau tết.

Việc gửi con tạm ở nhà hàng xóm cũng là cách mà một vài phụ huynh từng áp dụng, tuy nhiên "nếu con nhà mình quá hiếu động thì việc căn dặn con để không làm mất lòng láng giềng là điều hết sức cần thiết", chị Mỹ, nhà ở quận Phú Nhuận nói.

Tại Hà Nội, các em học sinh được nghỉ ngắn ngày hơn (11 ngày, bắt đầu từ 28 tết) nên việc xoay xở của các bậc cha mẹ cũng 'dễ thở hơn'. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người sẽ gặp khó khăn khi mùng 4 tết đã phải đi làm trong khi trẻ đến mùng 9 mới đi học lại. "Khéo mà mấy ngày ra Tết tôi phải 'tha' bé Bông đến cơ quan thôi, vì chẳng biết gửi ai những ngày đó cả, mà người giúp việc về quê tận miền Trung, không muốn ra sớm", chị Hòa, Mễ Trì, Hà Nội, có con gái 3 tuổi tâm sự.

VNE

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

DHA không quyết định trí thông minh ở trẻ


Trí thông minh của trẻ được hình thành chủ yếu do môi trường gia đình chứ không phải nhờ lượng DHA có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức được làm giàu, theo nghiên cứu mới đây của Đại học Southampton (Anh).

DHA là một axit béo thuộc nhóm omega-3. Các nghiên cứu trên động vật trước đó đều cho thấy, việc thiếu hàm lượng DHA trong suốt thời kỳ phát triển của bộ não có thể dẫn đến một số vấn đề về phát triển trí óc. Tuy nhiên, những thử nghiệm về hiệu quả của sữa công thức có chứa DHA ở trẻ đã chứng minh điều ngược lại.

Theo Medicalnewstoday, các nhà khoa học thuộc Đại học Southampton (Anh) đã theo dõi 241 trẻ từ khi sinh ra cho đến lúc lên 4 tuổi để thấy mối quan hệ giữa việc bú sữa mẹ và sử dụng sữa công thức giàu DHA lúc sơ sinh, sự thể hiện của trẻ trong các bài kiểm tra trí thông minh và những khía cạnh khác về các hoạt động của bộ não.

Kết quả cho thấy, DHA không quyết định đến trí thông mình của trẻ.

Bác sĩ Catharine Gale, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu này đã bác bỏ một số điều không có thật về tác dụng của DHA. Chúng ta đều biết rằng sữa mẹ có một số lợi ích rõ ràng cho sức khỏe nhưng DHA, dù là có tự nhiên trong sữa mẹ hay được thêm vào trong một số loại sữa công thức thì không phải là thành phần bí mật có thể biến con cái bạn thành thiên tài Einstein".

Cũng theo bác sĩ, trí thông mình của trẻ không liên quan gì đến hàm lượng DHA mà chúng hấp thụ được khi còn sơ sinh. Các yếu tố về gia đình, chẳng hạn như trí thông minh của người mẹ và sự khích lệ tư duy mà trẻ nhận được mới là điều quan trọng nhất ảnh hưởng đến trí thông mình của trẻ.

VNE

Khi trẻ tò mò về chỗ kín

Ảnh minh họa: Lafayettecountyhealth.org.

3 đến 6 tuổi, trẻ thường thích chơi trò "bác sĩ" (cho nhau xem các bộ phận kín). Lúc này, bạn không nên mắng con gay gắt mà hướng sự chú ý của trẻ vào hoạt động khác. Sau đó, giải thích với con rằng mọi người thường không làm như thế.

Trả lời những câu hỏi của con về giới tính là một trong những trách nhiệm mà những người làm cha mẹ cảm thấy khó nhất. Làm thế nào để cung cấp cho con thông tin cần thiết mà không "vẽ đường cho hươu chạy"? Kidshealth đưa ra cho bạn một số gợi ý:

- Bạn có nên đặt bí danh cho những bộ phận kín?

Khi trẻ lên 3 tuổi, cha mẹ có thể dùng những tên gọi chính xác của những bộ phận này. Không có lý do gì bạn phải dùng những từ lóng thay thế. Những từ như: dương vật hay âm đạo... nên được gọi theo tên chính xác của nó chứ không phải một cách ám chỉ nào đó. Bằng cách này, trẻ sẽ học cách có cử chỉ phù hợp mà không thấy bối rối.

- Bạn nên nói gì khi con hỏi em bé sinh ra từ đâu?

Điều đó phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Bạn có thể nói rằng em bé lớn lên từ một quả trứng trong tử cung mẹ, vừa chỉ vào bụng của bạn và chui ra từ một nơi đặc biệt gọi là âm đạo. Bạn không cần phải giải thích hành động yêu bởi vì rất ít trẻ có thể hiểu được khái niệm này.

Tuy nhiên, bạn có thể nói rằng khi một người đàn ông và một người phụ nữ yêu nhau, họ thích ở gần nhau. Bạn có thể nói với con tinh trùng của bố kết hợp với trứng của mẹ và sau đó, em bé bắt đầu phát triển.

Hầu hết trẻ dưới 6 tuổi sẽ chấp nhận câu trẻ lời này. Bạn hãy trả lời câu hỏi này mà không hề lảng tránh và bạn sẽ thấy con thỏa mãn dù là có ít thông tin.

- Bạn sẽ làm gì nếu bắt gặp con đang chơi trò "bác sĩ" (chỉ cho nhau xem những bộ phận kín)?

Trẻ từ 3 đến 6 tuổi thường thích chơi trò này nhất. Nhiều cha mẹ có phản ứng thái quá khi chứng kiến hoặc nghe nói về cách cư xử này. Tuy nhiên, mắng trẻ một cách gay gắt không phải là cách giải quyết vấn đề. Cha mẹ cũng không nên nghĩ điều này sẽ dẫn đến những hành vi bừa bãi khác. Thường thì sự có mặt của cha mẹ đã đủ để làm gián đoạn trò chơi này.

Bạn có thể hướng sự chú ý của trẻ vào các hoạt động khác mà không cần làm ầm lên. Sau đó, bạn hãy ngồi lại và nói chuyện với con. Hãy giải thích rằng mọi người thường không thích khoe cơ thể mình ở nơi đông người. Bằng cách này, bạn sẽ đặt ra những giới hạn mà không khiến con cảm thấy có tội.

Đây cũng là độ tuổi thích hợp để bạn bắt đầu nói với con về những đụng chạm nào là tốt và không tốt. Hãy nói với con rằng cơ thể là của chính con và rằng chúng cũng có những bộ phận kín. Không ai có thể chạm vào những chỗ này nếu chúng không thích hoặc không muốn. Bạn cũng hãy nhắc nhở con là nếu có bất cứ ai từng chạm vào trẻ theo cách này khiến bé thấy sợ thì trẻ nên nói người đó ngừng lại và sau đó kể lại cho bạn nghe.

- Khi nào bạn nên nói với con về cơ quan sinh dục nam và nữ?

Thực sự thì việc học về tình dục không nên chỉ gói ghém trong một bài học. Đây là một quá trình hé lộ từ từ. Bạn nên trả lời khi trẻ đưa ra những câu hỏi để thỏa mãn trí tò mò tự nhiên của trẻ.

Tuy nhiên, nếu con không hỏi, bạn cũng không nên bỏ qua chủ đề này. Khi lên 5, bạn có thể giới thiệu với con những quyển sách phù hợp với sự phát triển của con.

- Khi nào bạn nên nói với con về chu kỳ kinh?

Bạn nên nói cho con về việc có kinh trước khi con lên 8, một vài điều cần thiết với trẻ ở trường. Các sách dạy thì cần thiết nhưng các bà mẹ cũng nên chia sẻ với con kinh nghiệm của chính bản thân mình với con gái. Chẳng hạn, họ bắt đầu "đến tháng" khi nào và cảm giác lần đầu như thế nào...

VNE

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

Cháu bị bỏng vì bà dùng tỏi trị bệnh

Lo lắng vì cháu bị nôn ói và tiêu chảy, nghe theo lời chỉ bảo của hàng xóm, bà Hoa nướng tỏi đắp lên bụng bé để “điều trị”. Sau khi đắp, chẳng những không hết bệnh, toàn bộ vùng bụng của bé còn bị bỏng nặng phải nhập viện.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), bệnh nhân 2 tuổi được xác định bỏng da rất nặng. Đặc biệt, nhiều vết bỏng bị nhiễm trùng khiến da khi khuyết sâu và có mủ. Phải mất gần một tuần, bệnh mới có dấu hiện thuyên giảm nhưng vẫn để lại vết sẹo.

Bà ngoại của bệnh nhi cho biết, người hàng xóm khẳng định, đắp tỏi nướng có thể làm "ấm bụng" chống buồn nôn và tiêu chảy. "Tưởng thật tôi làm theo, nhưng không ngờ ngay sau khi điều trị, da bụng của bé lập tức ửng đỏ".

Các bác sĩ cho biết, trong dân gian, tỏi đúng là một vị thuốc giúp chữa và phòng tránh một số bệnh, tuy nhiên việc nướng tỏi rồi đắp trực tiếp lên làn da của trẻ là không nên bởi dễ gây bỏng.

Năm 2009, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận không ít trường hợp bị bỏng hoặc dị ứng da vì người lớn dùng gừng và đậu xanh để trị bệnh cho trẻ.

VNE

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

Con trai dễ thương của Thanh Thúy

Nữ diễn viên khoe vẻ tươi trẻ và rạng rỡ khi chụp ảnh cùng cậu con trai 5 tháng tuổi. Thanh Thúy sẽ quay lại sân khấu kịch vào Tết này.
Dưới đây là hình ảnh mới nhất về gia đình nhỏ của nữ diễn viên:


Thanh Thúy đã lấy lại vóc dáng sau khi sinh con.
Bé Cà Phê được 5 tháng tuổi cười duyên bên mẹ Thanh Thúy.

Thanh Thúy kể, cậu con trai (trộm vía) rất thích cười và ít khóc nhè. Khi Cà Phê đói, bé chỉ cần mút mút ngón tay ra hiệu mẹ cho bú chứ không quấy mẹ.

Bà mẹ một con bên "chàng hoàng tử" bụ bẫm.

Hai mẹ con nữ diễn viên rất ăn ảnh. Thanh Thúy ẵm bé như lúc nhỏ được mẹ của chị bế để có được bức ảnh giống nhau làm kỷ niệm.

Đây là bức ảnh cũ của gia đình mà Thanh Thúy rất thích. Trong ảnh là mẹ Thúy đang bế Thanh Thúy trên tay.
Mẹ và con cùng "xì tin". Sau khi sinh con, Tết này Thanh Thúy xuất hiện trên sân khấu kịch Phú Nhuận trong những vở diễn cũ như Tiền, Ngôi nhà hoang...
Mái ấm nhỏ của đôi vợ chồng nghệ sĩ Thanh Thúy - Đức Thịnh.
VNE

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng

Có nhiều nguyên nhân gây suy dinh dưỡng cho trẻ. Nhưng dù nguyên nhân nào thì hậu quả cũng là trẻ bị thiếu năng lượng và chất dinh dưỡng làm trẻ không tăng cân, chiều cao và giảm trí thông minh. Do đó, chế độ ăn của trẻ suy dinh dưỡng có nguyên tắc chung là làm tăng năng lượng và tăng chất dinh dưỡng.

Tăng dầu mỡ: Vì dầu mỡ cung cấp năng lượng gấp đôi chất bột và chất đạm. Mỗi bát bột, cháo hoặc cơm của trẻ cần có một muỗng canh dầu hoặc mỡ.

Nấu đặc: Vì nếu nấu loãng, nhiều nước thì năng lượng sẽ thấp. Nhưng trẻ sẽ khó ăn do đó ta dùng men amylase (có trong bột mộng bắp) hoặc neopeptin theo chỉ định của bác sĩ nhỏ vào chén bột đặc sẽ làm bột lỏng ra và trẻ sẽ dễ ăn hơn.

Tăng bữa ăn: Ngày ăn 5-6 bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa. Cho trẻ ăn thêm bữa tối trước khi ngủ. Nên ăn thêm bữa phụ ví dụ như sau khi ăn bữa chính nếu trẻ ít hơn nửa chén thì cho trẻ uống nửa ly sữa, nửa cốc sữa chua, nửa quả chuối..., vì làm như vậy trẻ đỡ chán ăn.

Tại sao lại một nửa mà không phải là một? Vì chỉ cần cho trẻ ăn thêm vừa sức của trẻ, không nên ép ăn hết khi trẻ đã chán. Vì làm thế, trẻ sẽ nôn thức ăn ra và sẽ rất "sợ ăn" dẫn tới biếng ăn sau này. Đặc biệt trẻ suy dinh dưỡng nên cho ăn thêm một bữa tối trước khi đi ngủ.

Tăng cường chất dinh dưỡng: Thức ăn nên đủ chất dinh dưỡng nhưng trẻ phải ăn cả xác thực phẩm. Do đó, khi chế biến phải chú ý băm nhỏ, nấu mềm và nêm phù hợp với khẩu vị của trẻ. Trẻ thường ăn nhạt và không thích có nhiều mùi gia vị. Những thực phẩm thích hợp với trẻ nhỏ là trứng, thịt băm, cá băm, rau cũng nên xắt nhỏ.

Lưu ý, không nên cho trẻ uống nước trái cây trước khi ăn hoặc coi nước trái cây là một bữa phụ vì nước trái cây rất ít năng lượng, ít chất xơ, chỉ có vitamin tan trong trong nước và có đường nên sẽ làm trẻ "ngang dạ" không muốn ăn bữa chính.

Ngoài ra khi trẻ đã bị suy dinh dưỡng thì trẻ cần bổ sung một số vi chất dinh dưỡng (vitamin và muối khoáng), nên trẻ cần được các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng khám và theo dõi sức khỏe để cho thuốc thích hợp. Các bà mẹ không nên tự ý mua thuốc cho con vì tuy là "thuốc bổ" nhưng nếu dùng không đúng cũng sẽ gây ra hậu quả không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa-skds

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

Bé 11 tháng tuổi sống thực vật vì tắc trách của điều dưỡng

Đi lại, ăn uống bình thường trước khi nhập viện, song hiện tượng ngưng tim sau khi mổ lồng ruột khiến bé An Khoa liệt chân tay, không thể bú. Phụ huynh cho rằng bé bị như vậy là do điều dưỡng trực tắc trách.

Đến sáng nay, bệnh lồng ruột đã khỏi nhưng bé Nguyễn Hoàng An Khoa (tạm trú ở Hóc Môn, TP HCM) vẫn còn nằm tại khu lưu trú khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong tình trạng tay chân không cử động, mắt trợn ngược, nuốt rất khó từng thìa sữa.

Chị Phương và bé Khoa. Ảnh: Thiên Chương.

Chị An Thị Phương, mẹ của bệnh nhi cho hay, trưa ngày 14/12, sau khi cô giáo gọi điện thoại báo bé bị ói và đau bụng, gia đình đưa đến phòng mạch tư khám, chẩn đoán rối loạn tiêu hóa và cho thuốc uống.

Chiều ngày 15, thấy bé vẫn còn đau và ói nên gia đình chuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bé bị lồng ruột (ruột quấn vào nhau). Ca mổ được tiến hành lúc 1h30 sáng ngày 16/12. Sau đó bé được đưa ra phòng hồi sức cách ly. Đến 5h sáng cùng ngày, giờ cho thân nhân vào thăm, chị Phương đến chỗ con mới phát hiện cháu toàn thân lạnh toát và tím đen.

“Thấy con như thế, tôi vội quay qua gọi một cô điều dưỡng đang ngồi cách đấy hơn một mét, thì cô này gắt: 'Làm sao mà phải kêu, kêu cái gì mà kêu' rồi tiếp tục ngồi viết viết gì đó. Chừng hai phút sau, bà của cháu kiểm tra thấy tim không đập, chúng tôi phải gọi một lần nữa thì các cô mới đến xem và đưa cháu bé đi làm cấp cứu”, chị Phương kể.

Chị Phương cho rằng, hành vi của cô điều dưỡng là vô trách nhiệm, thiếu lương tâm, không đúng với tinh thần “lương y như từ mẫu”. “Chính thái độ này đã khiến bé bị thiếu oxy lên não và lâm vào tình trạng đời sống thực vật như hiện nay”, mẹ cháu bé bức xúc.

Trao đổi với VnExpress.net, đại diện ban giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh viện đã lập hội đồng làm rõ sự việc và đưa ra những kết luận: Thứ nhất, bệnh nhi bị ngưng tim là do diễn tiến nặng trong quá trình bệnh lý. Thứ hai, điều dưỡng trực rạng sáng hôm ấy chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc báo động bệnh của thân nhân bệnh nhân.

Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện, kiêm Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, bé Khoa nhập viện với tình trạng lồng ruột muộn, có biến chứng mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm trùng nhiễm độc đường tiêu hóa do phân ứ từ hiện tượng lồng ruột gây nên.

Sau chẩn đoán, dù bệnh nhân bị sốc, các bác sĩ vẫn chỉ định mổ cấp cứu lúc 1h30 ngày 16/12 (tức sau 3 giờ nhập viện) vì nếu không mổ, bé sẽ tử vong. Tuy nhiên các bác sĩ của êkip mổ đã không thông báo tình trạng sốc với gia đình mà chỉ cho biết bệnh trạng và phải phẫu thuật.

Cuộc phẫu thuật tiến hành khoảng nửa giờ. Đánh giá của các bác sĩ lúc ấy cho thấy, việc chữa lồng ruột hoàn tất. Bệnh nhi được chuyển đến phòng hồi sức cách ly để được theo dõi. Tuy nhiên khoảng 3 tiếng đồng hồ sau phẫu thuật, tình trạng ngưng tim xảy ra.

Theo đánh giá của bệnh viện, tình trạng ngưng tim là do diễn tiến nặng của bệnh lý dẫn đến. Bệnh viện cũng thừa nhận, việc phát hiện ngưng tim là do người nhà chứ không phải do cán bộ trực.

Trong cuộc họp chiều 21/1, ban giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 khẳng định, điều dưỡng trực rạng sáng hôm ấy chưa thực sự quan tâm đúng mức việc tình trạng báo động bệnh của thân nhân. Bệnh viện sẽ xem xét và sẽ kỷ luật nghiêm đối với cá nhân này.

Chưa thể xác định rõ thời gian bé bắt đầu ngưng tim là khi nào và hiện tượng ngưng tim kéo dài trong bao lâu, tuy nhiên bệnh viện khẳng định, nguyên nhân khiến bé bị liệt người là do não bị tổn thương bởi thiếu ôxy não, thiếu máu não.

Trong buổi tiếp xúc với VnExpress.net sáng nay, mẹ bệnh nhi nghẹn ngào ôm con và cho rằng, chị dứt khoát không cho con xuất viện dù bệnh lồng ruột đã được chữa khỏi. "Bệnh viện phải có trách nhiệm trong vụ việc và phải chữa trị cho con tôi bình phục", chị Phương nói.

Cũng theo chị Phương, từ khi xảy ra vụ việc đến nay, cô điều dưỡng trực hôm ấy vẫn cố tình tránh mặt vợ chồng chị.

VNE

Lọt vào nồi cháo, cháu bé bị bỏng nặng

Chở con rẽ vào đầu một ngõ hẻm ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định, người cha đã tông vào nồi cháo đang nấu trên hè khiến cháu bé lọt thỏm vào nồi đang sôi nên bỏng rất nặng.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, Trưởng khoa Ngoại chấn thương - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, cháu Lê Đại Lợi, 3 tuổi, ở KV3, phường Trần Phú, bị bỏng tới 80% diện tích bề mặt cơ thể, nặng độ 2-3.

Chiều ngày 22/1 gia đình đã đưa cháu Lợi ra Hà Nội để chữa trị vì vết bỏng của cháu quá nặng.

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: Danh Toại.

Tai nạn thương tâm này xảy ra đêm ngày 21/1. Anh Lê Thanh Hòa đi xe máy chở con là cháu Lợi khi qua rẽ vào hẻm tại đầu hẻm 249 Nguyễn Huệ đã tông vào nồi cháo đang nấu trên hè của gia đình anh Lê Văn Hùng. Gần như toàn thân cháu bé lọt thỏm vào nồi cháo đang sôi nên bỏng rất nặng, anh Hoà cũng bị bỏng một phần trên cơ thể.

Theo điều tra ban đầu, gia đình anh Hùng nấu cháo để bán cho người nhà bệnh nhân trong bệnh viện Đa khoa tỉnh ra mua nên thường xuyên nấu nướng trước nhà dù diện tích hẻm chỉ khoảng 1,5 m, gây nguy hiểm cho người đi đường. Gia đình anh này rất khó khăn. Anh Hoà chạy xe ôm trước cổng bệnh viện còn vợ không có nghề nghiệp.

Công an thành phố Quy Nhơn đang điều tra xử lý vụ việc.

VNE

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

Bệnh tiêu chảy ở trẻ

Gần Tết nhiều trẻ nhập viện do bệnh tiêu chảy. Hàng trăm trẻ đang nằm Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, vì bệnh đường tiêu hóa, nhiều nhất là tiêu chảy (150 ca), cao hơn cả bệnh hô hấp và truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 hôm nay cho biết, trẻ bị bệnh tiêu chảy nhập viện nhiều nhất ở độ tuổi 1-3. Nguyên nhân chủ yếu do vi trùng, virus và ngộ độc thức ăn.

Khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngập bệnh nhi. Ảnh: Dzoăn Quy.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ bị tiêu chảy điều trị nội trú hiện cũng tăng hơn các tuần trước với trên 100 em mỗi ngày. Số bệnh nhi nhập mới trong ngày khoảng 25 trường hợp, nhiều em bị suy kiệt do mất nước.

Theo các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa của hai bệnh viện nhi tại TP HCM, trường hợp trẻ bị tiêu chảy nhẹ với các triệu chứng như đi tiêu phân lỏng, sốt, ói, mệt, thì không cần nhập viện liền mà chỉ cần chăm sóc kỹ tại nhà, cho uống dung dịch nước biển khô để bù nước.

Song trường hợp trẻ tiêu chảy nhiều thì phải nhập viện, tránh gây mất nước, trụy tim mạch dẫn đến tử vong.

“Việc tự cho trẻ uống thuốc trị tiêu chảy bán ngoài thị trường hoặc tự phân nhỏ liều thuốc tiêu chảy của người lớn cho bé uống là hoàn toàn không nên, vì dễ khiến phân ùn lại gây tắc ruột có thể tử vong”, một bác sĩ nói.

Tiêm văcxin ngừa bệnh tiêu chảy do virus gây nên là quan trọng. Nhưng theo các bác sĩ, trong lúc bệnh đang tăng ca, việc giữ gìn vệ sinh trong ăn uống cũng góp phần hạn chế khoảng 20% khả năng mắc bệnh.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh tiêu chảy do vi trùng chiếm 10%, do virus chiếm trên 80%. Ngoài virus Rotavirus, năm nay bệnh viện này còn phát hiện thêm loại Norovirus gây bệnh.

VNE

Bé 2 tuổi suýt tắc thở vì mứt mơ

Ba ngày trước, phòng cấp Cấp cứu - khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế đã cứu sống một cháu bé 2 tuổi ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị mắc một trái mứt mơ trong thực quản.

Tiến sĩ Trần Kiêm Hảo, Phó khoa Nhi, cho biết, khi nhập viện, cháu Hồng quấy khóc, nước dãi chảy nhiều, nôn liên tục, không ăn uống được, vùng cổ phía trước sưng nề, gần như kiệt sức. Người nhà của bé cho biết, trước đó, em vẫn đang chơi đùa cùng anh trai và bà nội ở nhà.

Các bác sĩ đã tiến hành cho cháu làm xét nghiệm, chụp phim, siêu âm nhưng nhưng không xác định được bệnh. Sau đó họ đã quyết định nội soi đường tiêu hóa thì phát hiện có dị vật với đường kính 1,5 cm ở đoạn đầu thực quản.

Lúc này, bà nội của cháu mới cho biết, lúc ở nhà cháu đã ăn mứt mơ (quả mơ bỏ hạt, đem làm mứt).

Sau 15 phút phẫu thuật nội soi, các bác sĩ lấy được một phần trái mơ ra khỏi thực quản, phần còn lại đẩy xuống dạ dày theo đường tiêu hóa ra ngoài. Hiện cháu bé đã ăn uống bình thường và sức khỏe đang dần hồi phục.

Theo bác sĩ Kiểm, nếu dị vật để lâu ở trong cổ, bệnh nhân có thể viêm nhiễm tại chỗ, áp xe thực quản, thậm chí nhiễm trùng toàn thân, để lại hậu quả nặng nề.

Bác sĩ khuyến cáo, trẻ nhỏ rất tò mò lại chưa tự kiểm soát được việc ăn uống của mình nên bố mẹ cần có sự quan tâm sát sao. Người lớn cần giám sát bữa ăn của các cháu, không cho trẻ nô đùa khi ăn.

VNE

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

Sai lầm hay gặp khi nấu và cho con ăn dặm

Dù ngày nào cũng rất kỳ công chế biến và đổi món liên tục, hết thịt, cá, tôm, cua, lươn, mực... nhưng cô con gái 16 tháng tuổi của chị Hoa vẫn lười ăn và chỉ được 9 kg. Chị đưa con đi khám dinh dưỡng và ngạc nhiên khi bác sĩ bảo: 'Lỗi tại mẹ. Đi học nấu và cho con ăn nhé!".

Thực ra, chị Hoa, Gia Lâm, Hà Nội luôn nghĩ chắc con có vấn đề về hệ tiêu hóa hay hấp thu không tốt. Chị muốn được bác sĩ kê đơn thuốc kích thích cho bé ăn nhiều chứ không nghĩ cách nấu của mình có vấn đề gì.

Tuy nhiên, đến học lớp nấu bột, khi được bác sĩ phân tích, chị mới biết vì con gầy nên gia đình cố cho cháu ăn thật nhiều chất đạm, rồi mỗi bữa ăn là một cuộc chiến nhồi nhét nên càng ngày con bé càng sợ ăn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Yến, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, trường hợp như chị Hoa rất nhiều. Hiện nay, do vừa có điều kiện kinh tế, vừa đẻ ít con nên các gia đình thường rất quan tâm đến trẻ và luôn cố gắng đảm bảo một chế độ dinh dưỡng tốt nhất để bé phát triển tối ưu về thể chất và trí tuệ.

Thế nhưng, nhiều bà mẹ đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào bữa ăn cho trẻ mà bé vẫn không thích ăn và không tăng đủ cân. Lý do là họ chưa biết nấu đúng cách hoặc sai khi cho con ăn. Chính vì thế, các cháu không thích ăn, hay nôn ói... dẫn đến còi, suy dinh dưỡng hoặc hay rối loạn tiêu hóa.

ádf

Bác sĩ dinh dưỡng đang hướng dẫn các mẹ cách nấu bột cho bé mới ăn dặm. Ảnh: MT.

Theo bác sĩ Yến, tùy vào lứa tuổi và khẩu vị của từng cháu mà mẹ có thể chế biến cho phù hợp nhưng phải đảm bảo làm sao bát bột/cháo luôn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm...), chất béo (dầu, mỡ), chất bột đường (bột, gạo), vitamin và khoáng chất (rau xanh, củ).

Ngoài ra, các chất này cần được cân đối lượng vừa phải để vừa cung cấp đủ năng lượng, dưỡng chất, vừa giúp bé hấp thu và tiêu hóa tốt.

Qua kinh nghiệm khám và điều trị các vấn đề về dinh dưỡng cho trẻ, theo bác sĩ, những sai lầm dưới đây là các bà mẹ hiện đại hay mắc nhất:

-Cho trẻ ăn dặm quá sớm. Thời điểm thích hợp nhất để cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi. Tuy vậy, có rất nhiều bà mẹ cho con ăn bột từ khi bé mới được 3, 4 tháng và nếu thấy con thích thú lại cho bé ăn nhiều ngay. Lúc này khả năng tiêu hóa tinh bột của bé còn kém, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa.

- Bắt con ăn quá nhiều và phải ăn hết khẩu phần: Ở mỗi tháng tuổi, nhu cầu năng lượng của bé khác nhau và mẹ nên cung cấp một lượng vừa phải. Nếu bắt trẻ ăn nhiều quá, mà bữa nào cũng cố ép ăn hết bát, bé sẽ chán và sợ ăn.

- Quá ưu tiên đạm: Nhiều mẹ nấu bột cứ cho thật nhiều thịt, cá, trứng,... và nghĩ như thế mới đủ chất nhưng lượng đạm quá nhiều không những làm bé rối loạn tiêu hóa mà còn dễ dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ. Bát bột phải đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm.

- Chỉ cho ăn nước, không ăn cái: Hiện nay ít bà mẹ mắc sai lầm này hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, vẫn có chị em ninh xương, nghiền rau, xay thịt chỉ lấy nước, bỏ cái để nấu bột cho con vì nghĩ như thế cũng đủ chất rồi hay sợ trẻ bị hóc, ói. Thực ra, các chất dinh dưỡng, vitamin nằm trong phần xác thực phẩm là chính.

- Không cho hoặc cho rất ít dầu khiến bát bột không cung cấp đủ năng lượng cho trẻ. Thực ra dầu ăn dễ tiêu hóa lại rất giàu năng lượng và giúp hòa tan các chất khác khiến cơ thể dễ hấp thu.

- Nghiền nhuyễn mọi thức ăn: Khiến bé không được học nhai, chỉ biết nuốt chửng, từ đó không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến nhanh chán. Nhiều trẻ 3 tuổi đi mẫu giáo không ăn được cơm cùng các bạn do ở nhà bố mẹ vẫn cho ăn cháo xay.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh có thói quen nấu một nồi cháo có đầy đủ thịt, rau từ sáng rồi để bé ăn cả ngày, đến bữa nào lại lấy ra xay rồi nấu lại. Với cách này, cháo bữa sau sẽ có mùi khó chịu, rau giảm chất lượng và chắc chắn trẻ sẽ không thích ăn.

- Các bữa ăn kéo dài quá: Nhiều người cố bắt con ăn hết bát bột, vừa ăn vừa chơi hay đi rong có khi kéo dài cả 1-2 tiếng. Điều này vừa làm bát bột vữa, khó ăn, vừa khiến bé thêm chán. Hơn nữa bữa ăn kéo dài khiến thời gian tới bữa sau quá ngắn, bé còn chưa kịp cảm thấy đói. Vòng luẩn quẩn này khiến bé ngày càng không muốn ăn. Tốt nhất, bữa ăn chỉ nên kéo dài nhiều nhất là 30 phút, dù bé mới ăn được ít cũng nên kết thúc.

Hiện nay, chiều thứ 5 hằng tuần, khoa dinh dưỡng, Viện Nhi trung ương, đều có lớp hướng dẫn các mẹ thực hành nấu bột/cháo cho trẻ, đồng thời trả lời những thắc mắc của các mẹ về vấn đề dinh dưỡng của con.

Tại lớp học, bác sĩ về dinh dưỡng, tiết chế sẽ thực hành giúp các mẹ cách nấu một bữa bột/cháo hoàn chỉnh cho con với lượng và tỉ lệ các loại thực phẩm thích hợp cho từng lứa tuổi. Theo các bác sĩ, nên cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc dần. Riêng với thịt, rau, cần tập cho bé ăn từ dạng mịn đến thô dần để trẻ tập nhai. Các bà mẹ hạn chế sử dụng máy xay sinh tố mà nên băm.

Dưới đây là gợi ý của bác sĩ về chế độ ăn bột/cháo của trẻ trong 2 năm đầu (kết hợp với các bữa phụ +sữa mẹ hoặc sữa công thức):

- 6-7 tháng: 1 bữa bột lỏng khoảng 100 - 200 ml

- 8-9 tháng: 2 bữa bột đặc 200 ml.

- 10-12 tháng tuổi: 3 bữa bột đặc 200 ml - 250 ml

- 12 - 24 tháng: 3 bữa cháo 250 - 300 ml

- 24 tháng trở đi có thể ăn cơm cùng gia đình

Với mỗi bé, tùy thể chất, khẩu vị có thể thời gian và số bữa khác đi.

Theo Minh Thùy
VnExpress

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2010

Trẻ sổ mũi kéo dài dễ bị viêm xoang

Viêm xoang có thể dẫn đến các biến chứng ở tai, mắt... Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Thấy con gái 5 tuổi chỉ ho, sổ mũi, chị Lan (Hà Nội) nghĩ con bị cảm thường nên tự mua thuốc cho uống. Nhưng một tuần sau khi đưa con đi khám, chị mới biết bé đã bị viêm xoang.

Thời tiết trở lạnh, nên chị Lan nghĩ việc trẻ con ho, sốt, sổ mũi cũng là bình thường. Chị cứ bám theo cách điều trị sổ mũi thông thường, tự chữa. Tuy nhiên, chỉ sau mấy ngày, chị thấy con sụt cân và xanh xao, chảy nước mũi xanh đặc, ăn uống hay nôn. Đưa con vào bệnh viện, chị không ngờ con mình còn nhỏ đã bị viêm xoang.

"Bác sĩ nội soi hốc mũi và bảo bé đã bị xoang, tôi vẫn không tin. Tôi đã đưa cháu đến 2 bệnh viện lớn để kiểm tra và kết quả vẫn thế. Giờ cứ trời trở lạnh hay thay đổi đột ngột, tôi lại nơm nớp lo bé bị xoang lại", chị Lan tâm sự.

Theo thạc sĩ Hà Minh Lợi, khoa Mũi xoang dị ứng, Bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương, nhiều người nghĩ bệnh xoang chỉ người lớn mới bị, còn trẻ thì không. Tuy nhiên, thực tế bệnh này cũng khá phổ biến ở trẻ từ 6 tuổi trở lên.

Việc chảy nước mũi là bình thường, ở một số trẻ có thể tự khỏi. Tuy nhiên, khi đã thò lò mũi xanh, đồng nghĩa trẻ đã có dấu hiệu bị viêm xoang. Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm màng niêm mạc lót ở trong xoang, đặc biệt là những xoang quanh mũi, thạc sĩ Lợi cho biết.

Biểu hiện của bệnh có thể là chảy mũi vàng - xanh đặc, hơi thở hôi, ăn uống hay bị nôn, đau đầu, người mệt mỏi, phù quanh mắt, sốt nhẹ hoặc sốt cao. Bệnh được chia thành 3 loại dựa theo thời gian các triệu chứng kéo dài, dưới 4 tuần là viêm xoang cấp, 4-12 tuần là bán cấp và sau 12 tuần là viêm xoang mãn tính.

"Điều đặc biệt là có đến 50% số trẻ bị viêm xoang đều khởi đầu từ những biểu hiện như sổ mũi, cảm cúm thông thường do virus gây ra như trường hợp con chị Lan. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị dứt điểm sẽ chuyển sang bị bội nhiễm (do vi khuẩn), dẫn đến viêm xoang", thạc sĩ Lợi cho biết.

Ngoài ra, ở một số trẻ có những yếu tố thuận lợi như viêm Amidan quá phát, Amidan to, hay bị viêm đường hô hấp trên, trẻ suy sinh dưỡng, sức đề kháng kém... đều dễ bị xiêm xoang.

Cũng theo thạc sĩ Lợi, bệnh viêm xoang ở trẻ khó phát hiện hơn so với người lớn. Bởi vì, khi đi khám, người lớn có thể nói đầy đủ và đúng các triệu chứng của bệnh còn trẻ thì không. Các bác sĩ phải tiến hành nội soi mềm vào hốc mũi hoặc thậm chí chụp CT Scan khi cần thiết mới phát hiện được.

Bên cạnh đó, do đặc điểm thể trạng, xoang trẻ em dễ bị nhiễm trùng lan tỏa và dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều như: áp xe mắt (có thể dẫn đến tử vong), viêm não, nhiễm trùng huyết, viêm thận, viêm tai giữa...

"Đặc biệt, các biến chứng ở mắt là phổ biến nhất. Mắt bị viêm và phù nề dữ dội, bị đẩy lồi ra phía trước, nhãn cầu bị hạn chế vận động, bị mù hoàn toàn nếu thiếu máu cục bộ kéo dài trong 90 phút", thạc sĩ Lợi nói.

Đã có một trường hợp bé gái 4 tuổi từng vào bệnh viện cấp cứu vì bị áp xe mắt, nguy hiểm đến tính mạng.

Thạc sĩ Lợi cho biết, khi vào viện, bé bị sốt cao, người mệt mỏi, ăn kém, mắt trái bị sưng tấy, mắt dần lồi ra phía trước. Các bác sĩ đã phải chụp CT Scan và chẩn đoán bé đã bị xiêm xoang mãn tính và có biến chứng ở mắt. Dù đã được phẫu thuật cấp cứu nhưng thị lực của bé giảm chỉ còn 7/10.

Để phòng bệnh viêm xoang ở trẻ, cha mẹ cần phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cho trẻ bằng việc mặc ấm vào ngày lạnh, tránh bụi, khói, đặc biệt là khói thuốc lá. Thường xuyên dùng nước mũi loãng rửa mũi cho trẻ.

Khi trẻ bị sốt, ho, sổ mũi thông thường, cha mẹ nên đưa con đi khám, để chữa dứt điểm. Đặc biệt, khi trẻ đã xuất hiện tình trạng chảy mũi vàng xanh, đặc sánh chứng tỏ bé đã bị viêm mũi thì cần phải đi khám ngay. Khi trẻ đã bị viêm xoang, thì cha mẹ tuyệt đối không dùng kháng sinh tùy tiện tránh gây các biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, trẻ còn cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều trái cây, rau xanh và tập luyện thể dục để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

VNE

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

Giúp trẻ quậy thành trẻ ngoan

Hàng trăm bạn trẻ nức nở khóc, ôm lấy bố mẹ và hứa “con xin lỗi vì đã hư hỏng, từ nay sẽ thay đổi”. Hình ảnh này diễn ra tại đêm tổng kết khóa học “Tôi tài giỏi” khiến những người có mặt không cầm được nước mắt.

“Thật kỳ diệu, không thể tin thằng nhóc ngang ngạnh nhà tôi mới mấy ngày trước còn hỗn hào với bố mẹ, nay lại ngoan như đứa trẻ lên ba”, anh Tuấn, có con tham gia khóa học từ ngày 8 đến ngày 10/1 do Tập đoàn giáo dục đa quốc gia Adam Khoo Learning Technologies Group (Singapore) và Công ty TGM tổ chức tại TP HCM, cho biết.

Không khí hào hứng của các học viên khóa "Tôi tài giỏi". Ảnh: TGM.

Anh Tuấn tâm sự, nỗi khổ lớn nhất của vợ chồng anh là cậu con trai 16 tuổi hỗn láo, sống khép mình trong phòng gần như không giao tiếp với bố mẹ.

“Đưa con đến trường, vừa dặn dò vài câu đã bị nó quát 'bố im đi'. Người giúp việc thấy mặt nó là trốn, vì cu cậu có thể la mắng bất cứ lúc nào. Vậy mà sau khi trở về từ khóa học, nó hòa nhã hẳn. Thay vì tới giờ mới xuống ôtô đến trường, nay nó đã biết dậy sớm, lân la vào bếp tìm thức ăn”, anh Tuấn kể.

Không riêng anh Tuấn, hàng chục phụ huynh khác cũng mừng đến rơi nước mắt vì sau buổi tổng kết khóa học, những quý tử vốn hách dịch, bỗng nhiên biết nói lời yêu thương, biết hối lỗi và cam đoan sẽ là người tốt.

“Nhiều năm chứng kiến cảnh con hư, răn đe đủ thứ mà vẫn không thay đổi, cứ tưởng nó trượt dài; thì thật bất ngờ khi thấy con trai vốn quen lớn lối, trốn học, quậy phá lại bật khóc và sà vào lòng mẹ”, chị Thủy nhà ở Bình Thuận xúc động tâm sự.

Với vợ chồng anh Thông, nhà ở quận Bình Thạnh, những người từng lận đận lao đao vì con hỗn hào thì mọi việc diễn ra trên cả tuyệt vời. Bởi, anh nói: "Chưa bao giờ chúng tôi dám nghĩ con mình lại có thể nói câu 'Con yêu ba mẹ lắm'".

Những phút cuối cùng trong buổi lễ tổng kết khóa học cũng là thời khắc xúc động nhất dành cho cả khán phòng. Bước lên sân khấu, đứng trước mọi người để bày tỏ cảm xúc với cha mẹ, nhiều bạn trẻ lặng người đi đầy xúc cảm.

Bật khóc trong lúc phát biểu, một học viên tâm sự, trước kia em không thể hòa nhập cùng bạn bè, mối quan hệ giữa em và mẹ thực sự rất tệ. Tệ hơn nữa là em mất hết tất cả niềm tin và động lực vào bản thân, không cảm thấy được niềm vui sống. "Thế mà giờ thì em hoàn toàn yêu đời và cảm thấy yêu thương mẹ hơn", học viên này khẽ khàng nói.

Bật khóc trong buổi tổng kết khóa học. Ảnh: Thiên Chương.

Lý giải nguyên nhân khiến mình thay đổi sau khóa học, hầu hết học viên đều cho rằng, tại đây các em được khơi lại những khả năng của bản thân mà từ lâu nay không hề nhận ra. Và cũng tại đây, suy nghĩ mình là người vô dụng, là thằng tồ, là cô bé kém thông minh, đã không còn nữa.

Hải, sinh viên năm thứ nhất nói: "Không có cách răn dạy như ra lệnh, cũng không có lối áp đặt theo kiểu 'con phải như thế này, con phải như thế khác, con nhất nhất phải nghe theo lời ý đẹp của bố mẹ', các anh chị ở TGM đã để chúng em tự nói về thế mạnh của bản thân, từ đó tự xây dựng kế hoạch cho chính mình". Theo Hải, cách nói dễ lọt tai và những phương pháp vừa học vừa chơi của các anh chị hướng dẫn khóa học đã khiến các em tự tin phát huy thế mạnh của bản thân hơn.

Cùng tốt nghiệp với các bạn, Thanh Huy, 19 tuổi nghẹn ngào khẳng định mình sẽ từ bỏ quá khứ ham chơi; và hứa sẽ học thật chăm để bù đắp tình thương của cha mẹ đã dành cho mình.

Quá sớm để đánh giá được tính hiệu quả của khóa học, tuy nhiên hai ngày sau khi khóa học kết thúc, anh Khải nhà ở quận 1, chị Thanh ở quận 5 và chị Quỳnh (Đồng Nai) đều thừa nhận con họ đã không còn nhút nhát, thiếu tự tin, chán học, mê game và vô lễ như trước.

Trao đổi với VnExpress.net, anh Trần Đăng Khoa - dịch giả "giáo án" "Tôi tài giỏi, bạn cũng thế" và "Bí quyết tay trắng thành tỷ phú", đồng thời là diễn giả của khóa học cho biết, việc khơi gợi những khả năng có sẵn của bản thân các em, để các em tự thiết kế mục tiêu trong cuộc sống, tự hành động và bảo vệ thành quả mà mình làm được qua những trò chơi... sẽ giúp giới trẻ dần biết quý những giá trị trong cuộc đời, từ đó biết yêu thương những người xung quanh hơn.

Tuy nhiên cũng theo ông Khoa, để khóa học hiệu quả và có tác dụng lâu dài, ngoài các khóa nâng cao, những buổi sinh hoạt mà các học viên có thể đăng ký tham gia sau đó, thì vai trò của phụ huynh cũng hết sức quan trọng. Tình cảm yêu thương quan tâm với thái độ thông cảm, tôn trọng, thấu hiểu của cha mẹ luôn là liều thuốc hiệu quả nhất giúp các em thành người.

VNE

Trẻ đau dạ dày vì bị ép ăn

Lo lắng vì bị ép ăn, học quá nhiều có thể khiến trẻ bị đau dạ dày

Gần đây, con trai kêu đau bụng nhưng một lúc là hết nên chị Liên nghĩ con giả vờ để trốn ăn. Chỉ đến khi thấy con nôn ra máu, chị mới hoảng hốt đưa cháu đi khám và biết bé bị đau dạ dày.

Mới đầu con kêu đau bụng thì chị nghĩ có khi bé bị đau bụng giun. Nhưng, chị đã mua thuốc cho con uống mà bé vẫn kêu đau. Cứ đến giờ ăn là y như rằng chị thấy con nhăn mặt. Hôm nào mẹ bảo "Đau bụng thì thôi không ăn nữa" là bé lại chạy nhảy tung tăng đi chơi, không thấy kêu ca.

"Tôi nghĩ chắc con không thích ăn nên mới giả vờ thế, chứ không phải bệnh tật gì. Đến khi bác sĩ bảo bé bị đau dạ dày, tôi cũng vẫn không tin vì trẻ con có ăn uống gì bậy bạ, thất thường đâu mà bị bệnh này được", chị Liên tâm sự.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai thì giống như chị Liên, rất nhiều người vẫn quan niệm rằng chỉ có người lớn mới bị đau dạ dày do ăn uống, sinh hoạt bừa bãi. Tuy nhiên, hiện nay bệnh này đang có xu hướng tăng nhiều ở trẻ em. Trẻ có thể bị ngay từ hồi học mẫu giáo, thậm chí chỉ mấy tháng tuổi, trong đó tuổi hay gặp nhất là 10-14.

"Nhiều cha mẹ không hiểu vì sao con mình bị đau dạ dày. Trường hợp con chị Liên, nguyên nhân bé mắc bệnh là do stress vì bị ép ăn. Thực tế không một cha mẹ nào nghĩ mình ép con ăn lại khiến trẻ mắc bệnh", tiến sĩ Dũng cho biết.

Cũng theo ông, đau dạ dày là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ. Trong số những trẻ đến khám vì lý do đau bụng âm ỉ thì có đến quá nửa là đau dạ dày.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh đau dạ dày ở trẻ nhỏ, nhưng chủ yếu vẫn là vấn đề stress. Ở trẻ lớn là do bị ép học quá nhiều. Một số cha mẹ vì muốn con học giỏi, muốn quản lý con mà tìm cách đăng ký cho con học càng nhiều lớp càng tốt, học ở trường, học thêm, gia sư... Với trẻ nhỏ, lý do lại là vì bị ép ăn. Cha mẹ nào cũng thương con, thấy con ăn không đủ khẩu phần, ăn ít là ép con ăn cho bằng được rồi hay kêu "Ăn chậm quá, ăn nhanh lên. Từ đầu bữa đến cuối bữa mãi không hết bát cơm". Điều này khiến bé lúc nào ăn cũng lo lắng, không cảm thấy ngon miệng nữa.

"Cảm giác thèm ăn rất quan trọng, với trẻ cũng vậy. Khi ép trẻ cố nuốt sẽ khiến bé có cảm giác muốn nôn ọe, thậm chí ợ lên, gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản (dịch dạ dày chứa axit trào lên thực quản). Điều này rất nguy hiểm", tiến sĩ Dũng cho biết.

Theo tiến sĩ, dạ dày có thể chịu được axit còn thực quản không chịu được nên mới gây ợ nóng. Nếu trào lên họng sẽ gây ho. Để lâu có thể gây viêm loét dạ dày. Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh có thể do nhiễm vi khuẩn H.Pylori phối hợp với một trong 2 yếu tố gây stress như trên. Trẻ bình thường cũng có một tỷ lệ nhất định mang vi khuẩn này (30-50%), nhưng chỉ khi bị tác động của 2 yếu tố kia mới gây bệnh và khiến bệnh càng nặng hơn.

Tiến sĩ Dũng cho biết, biểu hiện của bệnh chủ yếu là những cơn đau bụng, không dữ dội mà âm ỉ, giống như giả vờ một lúc là hết. Đây là biểu hiện ban đầu của bệnh. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ trẻ không diễn tả đúng cơn đau, vị trí đau nên nhiều trường hợp người lớn dễ bỏ qua. Một số phụ huynh lại nghĩ trẻ đau bụng do ăn uống, giun sán, nên thường cho trẻ uống thuốc tẩy giun.

Ngoài ra, ở một số cháu có biểu hiện cấp tính như đột ngột nôn, đi ngoài ra máu, có trường hợp da xanh lớt, mệt không học được, gục trên lớp gia đình đưa đến bệnh viện thì biết chắc chắn là đau dạ dày.

Tuy nhiên, ở một số cháu không nôn ra máu mà chỉ đi ngoài phân đen, trường hợp này khó phát hiện. Vì người Việt Nam, dù trẻ con hay người lớn đều không có thói quen nhìn phân, vì thế khó nghĩ đến viêm loét thành tá tràng, dẫn đến chảy máu nhiều.

Tiến sĩ Dũng cho biết, điều cha mẹ cần lưu ý là biểu hiện đau dạ dày ở trẻ và người lớn là khác nhau. Chẳng hạn, người lớn thường hay ợ chua, ợ hơi nhưng trẻ con thì thường rất ít khi có các biểu hiện này.

"Cùng là biểu hiện đau dạ dày, nhưng người lớn đau thượng vị còn trẻ thì đau khắp bụng. Vì thế, nếu đối chiếu triệu chứng đau dạ dày của người lớn vào trẻ con thì nhiều khi sẽ bị bỏ sót", tiến sĩ Dũng nói.

Tiến sĩ Dũng khuyến cáo, cha mẹ nên đưa con đi khám sớm nếu thấy trẻ hay kêu đau bụng. Tình trạng viêm, loét để càng lâu có thể loét sâu, ăn vào mạch máu, gây chảy máu. Lúc này cần phải truyền máu, cầm máu, trường hợp đặc biệt không cầm máu nổi phải nội soi can thiệp. Đã có trẻ phải đi cấp cứu vì xuất huyết dạ dày.

Bệnh này có thể điều trị trong thời gian ngắn, khoảng 1, 2 tháng hay lâu hơn là 3-6 tháng, dùng thuốc để giảm tiết dịch vị, chống axit dạ dày, dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn H.Pylori. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ phải loại bỏ được những yếu tố gây căng thẳng ở trẻ, để bệnh không tái đi tái lại nghiêm trọng hơn.

VNE

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2010

Thận trọng với thuốc ho, cảm lạnh

Cảm lạnh (CL) là bệnh thường xảy ra nhất là từ tháng 11 tới tháng 4. Trong khoảng thời gian này, bệnh xuất hiện với ba cao điểm: vào mùa thu khi trẻ em bắt đầu đi học, rồi giữa mùa đông và cuối cùng là vào mùa xuân khi mà mọi người tưởng là đã không còn bị CL viếng thăm. Cũng như bệnh cúm, CL do virus gây ra với cả vài trăm loại khác nhau nhưng nhóm Rhinovirus (virus mũi) là thường thấy hơn cả.

Nguyên nhân gây CL

Như tên gọi, virus này xâm nhập cơ thể qua mũi và miệng. Virus nằm trong các giọt nước nhỏ li ti từ miệng mũi bệnh nhân thoát ra khi họ ho, hắt xì hơi hoặc nói. Chúng bay lởn vởn trong không khí cả mấy giờ và người lành hít phải là mang bệnh. Virus cũng lây lan qua các đồ dùng của bệnh nhân như: điện thoại, khăn mặt, bát đĩa, bàn viết máy vi tính. Sờ đụng vào các vật dụng đó rồi đưa tay lên miệng, lên mũi là mắc CL ngay. Hiện nay, chưa có vắcxin ngừa CL. Phương thức phòng bệnh giản dị và hữu hiệu là không tiếp cận quá gần với người bệnh, bệnh nhân che miệng mũi khi ho; rửa tay thường xuyên; không dùng chung vật dụng với bệnh nhân, nghỉ ngơi tại nhà khi mắc bệnh, uống nhiều nước.

Thuốc cảm thường có rất nhiều hoạt chất nên thận trọng khi dùng cho trẻ
Trẻ em từ 1 - 5 tuổi thường hay bị CL cả chục lần mỗi năm và cũng thường hay bị các biến chứng như: viêm phổi, viêm tai trong, viêm phế quản. Lý do là hệ miễn dịch của các em chưa mạnh, các em cũng hay tụ tập tại nhà giữ trẻ, mẫu giáo, rồi cũng chưa có thói quen rửa tay, che mũi miệng như người lớn. Người lớn ít bị CL hơn, nhưng cũng được virus tới thăm 5 - 6 lần mỗi năm. Với họ, sự mệt mỏi thể xác, căng thẳng tinh thần, kém dinh dưỡng là những rủi ro khiến CL dễ xảy ra, vì sức đề kháng miễn nhiễm suy giảm. Cũng có nhiều ngộ nhận cho là gặp luồng gió độc, phơi đầu trong mưa, tắm nước lạnh buổi sáng gây ra CL. Nhưng đó cũng chỉ là do truyền khẩu vô căn cứ, chứ nếu không có virus thì cũng không bị bệnh này.

Về điều trị CL

Có mấy điều quan trọng cần được mọi người lưu ý:

- Không có phương thức nào trị khỏi được CL.

- Kháng sinh không công hiệu với virus gây CL.

- Thuốc chống cảm, ho, nghẹt mũi trên thị trường không những không làm CL lành hoặc mau chấm dứt mà còn có nhiều tác dụng phụ cần biết để tránh.

Trên thị trường có cả trăm loại thuốc chữa CL được quảng cáo, vì nhu cầu của dân chúng quá cao. Cứ thấy hắt hơi, sổ mũi, ho... là bổ nháo bổ nhào ra tiệm thuốc Tây mua thuốc. Thuốc do các viện bào chế uy tín sản xuất cũng có mà thuốc rỏm vô danh cũng nhiều. Lại còn thuốc quảng cáo là có thêm vitamin, khoáng chất, antioxidant. Bệnh nhân hoa cả mắt không biết lựa thứ nào.

Theo các nhà chuyên môn y tế, trong đa số các trường hợp, không cần thuốc men mà chỉ cần áp dụng vài sự tự chăm sóc là bệnh cũng qua đi. Vì bản chất của CL là vậy: có vẻ như hung dữ nhưng tiền hung hậu kiết. Nếu thấy cần có thuốc để giảm bệnh thì cân nhắc coi dấu hiệu nào cần đến thuốc, thuốc gì, dùng bao lâu và liệu có phản ứng phụ nào không?

Có 3 loại thuốc để giảm dấu hiệu CL:

Thuốc chống nghẹt mũi: hoạt chất chính của thuốc này là một chất tổng hợp tương tự như epinephrine (adrenaline) do phần tủy tuyến thượng thận tiết ra. Cả hai thứ có tác dụng làm co mạch máu. Tại mũi, thuốc làm giảm sung huyết, niêm mạc xẹp xuống, lỗ mũi thông, bệnh nhân thở dễ dàng. Nhưng thuốc cũng làm nhịp tim nhanh, tăng huyết áp ở người đang bị cao huyết áp, kích thích thần kinh với sợ hãi, nóng nảy, run tay, khó ngủ, chóng mặt, nhức đầu, đổ mồ hôi, nôn ói… Đang bị cao huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường không nên uống thuốc này nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

Thuốc chống đau, giảm nóng sốt: đau mình, nhức đầu là chuyện thường xảy ra khi bị CL, nhưng may mắn là chúng không kéo dài quá vài ngày và không quá dằn vặt. Thuốc thường dùng là acetaminophen, ibuprofen rồi đến aspirin. Aspirin thường gây ra xuất huyết dạ dày nên cần dè dặt. Cũng nên nhớ là không bao giờ cho các cháu dưới 12 tuổi dùng aspirin, vì có thể gây ra hội chứng Reye, tổn thương thần kinh, đôi khi chết người. Acetaminophen hoặc paracetamol được dùng nhiều hơn vì tương đối an toàn. Tuy nhiên không dùng quá thường xuyên và quá liều lượng chỉ định để tránh tổn thương cho gan. Thuốc có trong nhiều dạng thuốc chống CL khác nhau, cho nên cần coi kỹ nhãn hiệu để tránh ngộ độc do quá liều lượng cho trẻ em.

Thuốc ho: ho không phải là một bệnh mà chỉ là triệu chứng của một bệnh nào đó trong cơ thể. Ho cũng là một phản ứng tự nhiên khi có chất kích thích ở họng, như nhớt từ mũi từ miệng, vật lạ từ ngoài bay vào họng. Ho là để tống xuất các vật này ra ngoài. Nhiều bệnh nhân sau giải phẫu còn được khuyến khích ho để thông đàm, loại vi khuẩn. Nhưng CL mà ho liên tục thì quả là cũng đau ngực, khó chịu. Do đó mới có thuốc chống giảm ho. Có thể là ho khan hoặc ho ra đàm và với nhiều người, thuốc ho đều có thể phần nào làm nhẹ. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ có ý kiến là không nên uống thuốc ho, vì thuốc không chữa được nguyên nhân gây ra ho, đôi khi lại tạo ra tác dụng phụ, đặc biệt là ở trẻ em. Cơ quan Thực - Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến khích không nên dùng thuốc cảm ho ở trẻ em dưới 2 tuổi. Các viện bào chế cũng tự nguyện ghi cảnh báo lên nhãn hiệu là không nên cho trẻ em dưới 4 tuổi dùng thuốc cảm ho bán tự do trên thị trường. Sự ngộ độc khi các em uống quá liều lượng có thể đưa tới tử vong. Ho khi CL chỉ kéo dài vài tuần. Nếu ho quá lâu, lại ra đàm có màu thì nên đi khám bệnh ngay, vì có thể bị bội nhiễm vi khuẩn, sưng phổi. Kháng sinh tuyệt đối không có vai trò nào, trừ khi bội nhiễm vi khuẩn, viêm phổi.

Chăm sóc trẻ bị CL

- Để các cháu nghỉ ngơi thoải mái. Nếu ở tuổi mẫu giáo, đi học nên giữ em ở nhà. Không tiếp xúc với em bé khác để tránh lan truyền.

- Tránh sống trong môi trường có khói thuốc lá.

- Cho các cháu uống nhiều nước (cam…) để làm loãng đàm rãi, nước mũi cũng như tránh khô nước vì nóng sốt, chảy nước mũi, nhất là khi cháu tiêu chảy, nôn ói.

- Cho các cháu dùng thêm nước súp gà nóng có chất cysteine có tác dụng giảm nghẹt mũi.

- Với cháu bú sữa bình, nên giới hạn sữa vài ngày, vì sữa làm nhớt mũi khô, khó loại bỏ.

- Không khí trong phòng khô làm giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm. Dùng máy phun bụi nước để giảm kích thích mũi, tránh khô khó thở. Nhớ không hướng bụi nước vào giường các cháu. Muốn tránh meo mốc, nên thay nước mỗi ngày và rửa máy bơm bụi nước theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Khi cháu bị nghẹt mũi, nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào một lỗ mũi để làm loãng nhớt, rồi cũng làm như vậy ở lỗ mũi bên kia. Hút nhớt mũi với ống hút làm bằng cao su. Có thể dùng nước muối ở mọi tuổi, ngay cả bé sơ sinh.

- Nếu các cháu kêu đau khô cổ: cháu lớn cho súc miệng với nước muối hoặc vài giọt dung dịch 1 thìa nước chanh pha với 2 thìa mật ong để họng bớt kích thích. Trẻ trên 4 tuổi có thể ngậm kẹo ho.

- Giữ đầu cháu cao và ở vị trí ngồi nhiều hơn để giúp loại đàm nhớt. Nếu sau 3 - 4 ngày mà cháu không bớt, lại có nóng sốt cao, đau họng, nôn ói… nên đưa cháu đi bác sĩ ngay.

BS. NGUYỄN Ý ĐỨC-SKĐS

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Chuyên đề Nghẹt mũi ở trẻ dưới 1 tuổi


Khi bé bị nghẹt mũi, bé sẽ cảm thấy rất khó chịu. Có thể do lạnh hoặc dị ứng nhưng nghẹt mũi sẽ trở thành một vấn đề thực sự, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có một số việc bạn có thể làm để giúp bé thoát khỏi bệnh nghẹt mũi.

Sau đây là một số cách chữa nghẹt mũi mà con bạn có thể mắc phải:

1. Không cho bé dưới ba tháng tuổi uống thuốc. Thậm chí nếu đó là thuốc dành cho trẻ em, cũng không cho bé uống. Thay vì giải quyết vấn đề nghẹt mũi, nó có thể gây nguy hiểm cho bé. Vì vậy, luôn tránh cám dỗ cho bé uống thuốc.

2. Thay vì cho bé uống thuốc, bạn có thể sử dụng một số cách giúp bé khỏi bệnh nghẹt mũi. Những giọt nước muối rất hữu ích trong trường hợp này. Nhỏ vài giọt nước muối vào trong mũi của bé. Mát xa bên mũi mà bạn nhỏ nước mũi vào.

3. Một lựa chọn hữu ích khác nhằm loại bỏ bệnh nghẹt mũi cho bé đó là biện pháp hút. Có nhiều thiết bị hút được bày bán trên thị trường có thể hút nước nhầy ra khỏi mũi của bé. Những thiết bị này nói chung có bán trong các hiệu thuốc.

4. Tắm hơi cũng là một biện pháp tốt để loại bỏ bệnh nghẹt mũi ở trẻ. Đặt bé vào phòng tắm và bật vòi hoa sen ở mức nóng có thể. Ngồi trong nhà tắm với bé. Khi bé thở trong hơi nước nóng, nó sẽ làm thoát đờm dãi trong ngực bé giúp rửa sạch đường mũi của bé.

5. Hãy nhớ, bởi vì bé bị nghẹt mũi nên bé phải thở bằng miệng. Điều này có thể làm bé bị mất nước. Đảm bảo bé uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây hoặc các loại nước khác giúp ngăn tình trạng mất nước.

6. Nhiều bé sẽ hoảng sợ khi bé không thở tốt bằng mũi bởi vì bé bị nghẹt mũi. Trong thời gian bé bị nghẹt mũi, việc giúp bé cảm thấy an tâm là điều rất quan trọng đối với bé.

Nghẹt mũi có thể là một điều rất khó khăn đối với bé nhưng nếu bạn thực hiện đúng các bước, bạn có thể giúp bé loại bỏ bệnh nghẹt mũi rất dễ dàng. Hãy nhớ, không cho bé uống bất kỳ loại thuốc nào khi bé dưới ba tháng tuổi.

1. Đừng hút mũi bé bằng…miệng (nếu bé không bị sặc)

- Hút bằng miệng là vô tình đưa vi trùng từ miệng của mẹ vào mũi của bé. Tốt nhất là dùng cây tăm bông quấn sẵn, làm sạch và thông thoáng mũi bằng giấy mềm sạch là an toàn nhất! -

- Nếu bé ói ra đường mũi thì tạm thời hút ngay bằng miệng, chứ đừng chờ lấy đồ hút, bé sẽ tím tái ngay vì hít thức ăn vào phổi

Làm sạch mũi bằng cách mua một chai nước muối sinh lý 9 phần ngàn (0,9%o) mà ở tiệm thuốc tây nào cũng có bán, rồi nhỏ vào mũi của bé 2-3 giọt mỗi bên mũi. Sau khi nhỏ nước muối, dùng giấy thấm mềm (khăn giấy mềm) quấn lại như cái sâu kèn, rồi lần lượt đưa vào mũi của bé, làm từng mũi một, khi sâu kèn thấm ướt dịch mũi thì lấy ra và thay bằng con sâu kèn sạch khác, đến lúc khô và thông mũi thì sang mũi bên kia. Ngày làm khoảng vài ba lần hoặc khi thấy cháu tắc mũi, làm trước khi cho cháu bú. Trước khi làm sạch mũi cho bé, mẹ phải rửa tay sạch bằng xà bông để tránh nhiễm trùng cho con. Tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi của người lớn cho trẻ, vì sẽ làm bé ngộ độc, đặc biệt là trẻ sơ sinh đến dưới 7 tuổi. Triệu chứng ngộ độc thuốc gây co mạch là sau khi nhỏ vài giọt thuốc nhỏ mũi bé sẽ vã mồ hôi, tay chân lạnh, lừ đừ, thở yếu, hôn mê và nguy hiểm đến tính mạng nếu không xử trí kịp thời.

Đối với trẻ lớn thì hướng dẫn trẻ hỉ mũi. Dùng một ngón tay bịt một mũi, hỉ mũi thật sạch, rồi đổi tay bịt mũi bên kia. Không tự ý dùng thuốc nhỏ mũi hoặc kháng sinh khi chưa đi khám bác sĩ.

Trường hợp bé khò khè khó thở, bạn nên đưa bé đi khám ngay để bác sĩ giúp bạn tìm đúng nguyên nhân bệnh và tư vấn cách điều trị tốt nhất!

2. Nước biển lấy từ độ sâu sử dụng cho trẻ 2 tháng tuổi trở lên

Con gái tôi gần 2 tháng tuổi. Bé thường hay bị nghẹt mũi nên bú mẹ không được nhiều. Tôi thường thông mũi bé bằng nước muối clorid 0,9%, nhưng thấy không hiệu quả lắm. Cho tôi hỏi tôi có thể dùng nước biển sâu để sử dụng cho bé không, lấy nước mũi bé ra bằng cách nào (Bé nghẹt mũi nhưng không thấy chảy mũi, chỉ hắt xì thôi), nếu sử dụng được thì bao nhiêu lần trong 1 ngày.

Xin cảm ơn

Nghẹt mũi là một trong những triệu chứng thường hay gặp ở trẻ nhỏ. Ngoài Natri clorid 0.9% (chỉ chứa Natri clorid), bạn có thể dùng nước biển sâu để thông mũi cho bé. Nước biển sâu là chế phẩm được tinh chiết từ nước biển ở độ sâu 450 m chứa nhiều nguyên tố vi lượng đặc biệt là ion đồng, kẽm có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm, săn se niêm mạc, phục hồi các niêm mạc suy yếu.

Vì chế phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên không chứa chất bảo quản, chất co mạch hay kháng sinh nên không gây bất kỳ tác hại nào cho niêm mạc mũi. Bạn có thể vệ sinh mũi cho bé theo cách sau: Để bé ở tư thế nằm, nhỏ vào mỗi lỗ mũi bé 2-3 giọt Nước biển sâu làm loãng dịch mũi, sau đó dùng tăm bông nhẹ nhàng lấy dịch mũi ra. Dùng 2-3 lần/ngày. Bạn nên tìm mua dạng nhỏ giọt (15ml) cho phù hợp với độ tuổi của bé.

Nếu tình trạng nghẹt mũi của bé kéo dài, bạn nên đưa bé đến khoa sơ sinh của các bệnh viện để được khám và can thiệp sớm nếu có gì bất thường.


3. Không được dùng thuốc xịt mũi co mạch cho trẻ nhỏ hơn 7 tuổi.

Thuốc nhỏ mũi co mạch được dùng phổ biến ở nước ta là Naphazoline, có tên là Rhinex 0,05%, Nasoline 0,05% không được dùng cho trẻ nhỏ hơn 7 tuổi. Tuy nhiên thực tế nghiên cứu tại bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch thường xảy ra ở nhóm tuổi từ 1 tháng đến 3 tuổi, do người nhà tự ý dùng loại thuốc này cho trẻ em. Chỉ cần nhỏ 2 giọt là đã đủ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Đáng lưu ý là thân nhân của những trẻ này biết rõ thuốc sử dụng phổ biến cho người lớn nhưng lại không biết tác dụng phụ cũng như giới hạn tuổi sử dụng của loại thuốc này ở trẻ em.

Ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch gây ra những tác hại như thế nào?

BS Nguyễn Thị Kim Thoa: Sau khi nhỏ mũi từ 30 phút đến 2 giờ, sẽ xuất hiện các biểu hiện vã mồ hôi, tay chân lạnh ngắt. Nhanh chóng sau đó, trẻ lừ đừ, hôn mê, thở yếu. Thậm chí có những dấu hiệu nặng như ngưng thở từng cơn, nhịp tim không đều có thể dẫn đến tai biến nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Những biện pháp nào có thể phòng tránh ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch ở trẻ em?

BS Nguyễn Thị Kim Thoa: Thực tế cho thấy mặc dù triệu chứng nghẹt mũi rất hay gặp ở trẻ em nhưng đa số các bà mẹ không biết cách chăm sóc khi trẻ bị bệnh nên đã tự ý điều trị nghẹt mũi theo kinh nghiệm hay mua thuốc không toa. Do vậy để phòng tránh ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ em, cần tuyên truyền rộng rãi, nhắc nhở lại khuyến cáo không dùng thuốc nhỏ mũi co mạch cho trẻ em dưới 7 tuổi. Ngoài ra, những thân nhân của trẻ; các cô giáo ở nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo cũng cần biết cách chăm sóc trẻ khi bị nghẹt mũi để tránh tai biến cũng như diễn tiến bệnh kéo dài gây biến chứng.

Xử trí đúng khi trẻ bị nghẹt mũi.
BS Nguyễn Thị Kim Thoa: Áp dụng biện pháp làm thông mũi như sau:

- Đối với trẻ nhỏ, làm sạch mũi bằng bấc sâu kèn:
. Dùng khăn giấy mềm, dai, để làm bấc sâu kèn. Đặt vào hốc mũi để thấm ướt dịch mũi, sau đó lấy ra và đặt lại một bấc sạch. Lập lại các bước này cho đến khi sạch mũi.
. Nếu trẻ bị nghẹt nhiều, nên sử dụng dung dịch nhỏ mũi là nước muối sinh lý 0,9% làm loãng dịch mũi để dễ dàng làm sạch mũi: nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý vào từng lỗ mũi, chờ vài phút, sau đó làm sạch mũi.
- Đối với trẻ lớn, hướng dẫn trẻ hỉ sạch mũi từng bên đúng cách. Dùng một ngón tay bịt một lỗ mũi, hỉ mũi bên kia và tiếp theo làm ở bên mũi còn lại,
Hướng dẫn trẻ tránh thói quen hỉ mũi thật mạnh cả 2 bên, động tác này làm tăng đột ngột áp lực trong tai, dễ gây rách màng nhĩ.
Làm thông mũi 2 đến 3 lần mỗi ngày và trước khi cho trẻ bú, ăn. Ngoài ra, chăm sóc trẻ nghẹt mũi cũng cần tăng cường nước uống và dinh dưỡng đầy đủ. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có ý kiến của bác sĩ.

Những điều không nên làm
- Dùng miệng để hút mũi trẻ, sẽ lây lan thêm mầm bệnh cho trẻ
- Tự ý dùng kháng sinh để trị nghẹt mũi

Xử lý khi bé bị ngạt mũi
Ngạt mũi là do tình trạng viêm, làm cho đường mũi bị tắc. Đối với bé, đây là bệnh thường gặp. Nhiều bậc cha mẹ chủ quan không chữa triệt để cho bé, điều này làm nảy sinh nhiều biến chứng nặng hơn: Viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi...
Thuốc chống ngạt mũi phần lớn có tác dụng làm co mạch, giảm phù nề, trả lại sự thông thoáng cho mũi nhưng chỉ có tác dụng chữa triệu chứng; không có tác dụng điều trị triệt để căn nguyên gây bệnh.

Đặc biệt không được tự ý mua thuốc nhỏ mũi cho con ở ngoài hiệu thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, nhất là các loại thuốc sau:

- Các loại thuốc mà trong thành phần ghi có chứa menthol hay tinh dầu bạc hà.

- Naphazolin (thuốc gây cường giao cảm). Tác dụng tại chỗ là thuốc gây co mạch mạnh, kéo dài, làm cho máu không đến được niêm mạc mũi, gây hoại tử.

- Xylomethazolin có tác dụng như naphazolin nhưng yếu hơn...

Khi bé bị sổ mũi thường xuyên, không nhất thiết phải đưa đị bệnh viện, nhưng phải đưa đến trạm y tế xã để bác sĩ kê đơn cho loại thuốc phù hợp.

Trước khi dùng thuốc, phải tiến hành vệ sinh mũi, thao tác này quan trọng ngang với việc dùng thuốc: Vệ sinh mũi cho bé ngày 3 lần hoặc nhiều hơn bằng dung dịch nước muối sinh lý (natriclorid 0,9%).

Thao tác như sau: Nhỏ vào mỗi bên mũi bé 2-3 giọt/lần. Nếu bé đã biết xì mũi ra là tốt nhất, nếu không phải lấy khăn sạch thấm và rửa nước mũi cho bé. Sau khi vệ sinh mũi sạch sẽ thì mới nhỏ các loại thuốc theo chỉ định của cán bộ y tế.


Yeucon.org tổng hợp

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

8 giải pháp cho bé chậm tăng cân

Các mẹ có thể khắc phục ngay tình trạng tăng cân chậm bằng những điều chỉnh trong bữa ăn hàng ngày của bé.

Các mẹ thường hay lo lắng vì thấy bé tăng cân chậm. Dù bé chậm tăng cân do nguyên nhân nào thì cũng có hệ quả là bé bị thiếu năng lượng và chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến việc phát triển chiều cao và trí thông minh của bé.

Các mẹ có thể khắc phục ngay tình trạng tăng cân chậm bằng những điều chỉnh trong bữa ăn hàng ngày của bé.

Nấu bột/cháo của bé đặc thêm một chút. Vì bột/cháo loãng thì lượng năng lượng trong đó rất thấp.

Tăng lượng dầu mỡ trong bữa ăn của bé. Vì dầu mỡ cung cấp năng lượng gấp đôi chất bột và chất đạm. Mỗi chén bột, cháo hoặc cơm của trẻ cần có một muỗng canh dầu hoặc mỡ. Không nên hạn chế lượng dầu, mỡ trong hai năm đầu đời phát triển của bé.

Tăng bữa ăn hàng ngày cho bé. Có thể cho bé ăng ngày ăn 5 - 6 bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa. Cho bé ăn thêm bữa tối trước khi ngủ. Cho trẻ ăn thêm bữa phụ. Ví dụ sau khi ăn bữa chính, nếu thấy bé ăn ít, có thể cho bé uống sữa, ăn chuối để bù đủ lượng năng lượng. Điều đó giúp bé ăn ngon miệng hơn là ép bé ăn hết khẩu bột/cháo.

Không nên ép bé ăn hết khẩu phần thức ăn khi bé đã chán. Ép bé ăn đôi khi sẽ làm bé trớ ra thức ăn ra và sẽ rất "sợ ăn", dẫn tới biếng ăn sau này. Chỉ cho bé ăn lượng vừa đủ.

Cho bé ăn phần “cái” các thực phẩm nấu trong bột và cháo. Nhiều mẹ hiện nay chỉ ninh nhừ lấy nước, hoặc xay lấy nước các thực phẩm cho bé ăn. Điều này hoàn toàn sai lầm. Thức ăn nên đủ chất dinh dưỡng nhưng phải cho bé ăn cả xác các thực phẩm. Do đó, khi chế biến phải chú ý xắt nhuyễn, nấu mềm và nêm phù hợp với khẩu vị của bé.

Không nên coi nước trái cây là bữa ăn phụ vì nước trái cây rất ít năng lượng, ít chất xơ. Nó chỉ có các vitamin hòa tan trong nước. Không nên cho bé uống nước trái cây trước khi ăn vì nó sẽ làm trẻ "ngang dạ" không muốn ăn bữa chính.

Không nên tự ý mua “thuốc bổ” quảng cáo trên thị trường cho con. Vì nếu không đúng liều lượng, sẽ gây hậu quả không tốt cho sức khỏe của bé. Nếu các mẹ muốn cho con dùng thuốc bổ, cần có sự tư vấn và chỉ định của các bác sỹ chuyên khoa.

Nên cho bé đi khám dinh dưỡng, kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi tình hình sức khỏe của bé.

Theo Afamily


Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2010

Bé thông minh nhờ bố mẹ biết cách

Không phải cứ ăn thật nhiều món bổ dưỡng, đáp ứng tối đa mọi nhu nhu cầu thì con bạn sẽ thông minh mà tất cả đều cần có sự tập luyện.
Trực tiếp nói chuyện với con:
Đây là một trong những phương pháp phổ biến nhất hiện nay được rất nhiều các bậc phụ huynh áp dụng vì nó vừa đơn giản vừa đem lại hiệu quả cao.
Ngay từ khi bé sinh ra các bậc phụ huynh đã cần chú ý thường xuyên nói chuyện với con, thông qua cử động của miệng, ánh mắt, cơ mặt của bố mẹ, người thân bé sẽ học được cách phản ứng nhanh nhạy và sớm biết nói hơn.
Khi được bố mẹ nói chuyện cùng bé sẽ hóng chuyện và bắt chước cử động cơ miệng, não bộ lúc này sẽ phát huy hết khả năng để ghi nhớ các động tác của miệng, lưỡi để có thể phát ra âm thanh. Từ đó bé sẽ tự tư duy và “bật” nói sớm.
Giao lưu bằng mắt:
Từ 1 tháng tuổi trở đi bé bắt đầu có khái niệm về hình ảnh xung quanh, bé có thể nhìn xa 45cm (khoảng cách thích hợp cho trẻ nhìn vật gì đó) và góc nhìn phù hợp là góc 45 độ. Các bé thường bị hấp dẫn bởi những vật có màu sắc rực rỡ như màu đỏ, màu xanh nõn chuối, màu da cam…
Tuy nhiên, để bé có khái niệm về màu sắc và phát triển khả năng phân biệt, phán đoán các bậc phụ huynh cần chọn lựa đồ chơi đa dạng về màu sắc. Khi được tiếp cận với nhiều màu sắc, loại đồ chơi khác nhau não bộ của bé sẽ tự phân tách, chọn lọc, đánh giá nhờ vậy mà khả năng phân tích và tư duy logic của bé sẽ sớm được hình thành.
Phát triển khả năng nghe:
Tai được đánh giá là một trong những bộ phận giúp phát triển trí thông minh nhanh nhất chính vì vậy ngay từ khi mang bầu các nhà khoa học đã khuyến khích các thai phụ thuờng xuyên nghe nhạc giao hưởng.
Dựa vào những rung động âm thanh tác động tới màng nhĩ và gián tiếp tác động tới não bộ giúp bé nhạy bén hơn. Khả năng thính giác được phát triển giúp bé linh hoạt và nhanh nhẹn hơn trong mọi hoạt động sống.

Yeucon.org tổng hợp sưu tập (còn tiếp...)

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2010

Những cách đơn giản giúp bé nghe lời


Khi đặt ra quy định, bạn đưa ra cả hậu quả khi không tuân thủ. Vài ngày đầu, bạn có thể nhắc nhở và tạo cho trẻ cơ hội để sửa sai. Nhưng về sau, nếu trẻ không thực hiện đúng quy định thì nhất quyết phải chịu phạt như đã hứa.

Nếu gia đình bạn không có những quy định rõ ràng, có thể khiến trẻ cảm thấy không chắc chắn và lo lắng. Điều này sẽ khó khăn hơn cho bé khi phải học cách để cân bằng giữa những gì chúng muốn và việc tôn trọng những nhu cầu của người khác.

Việc đặt ra một số quy tắc trong gia đình sẽ giúp bé biết được đâu là giới hạn và cha mẹ kỳ vọng điều gì. Trang Raisingnetwork đưa ra cho bạn một số lưu ý sau:

- Danh sách quy định càng ít và rõ ràng thì sẽ hiệu quả hơn một danh sách những quy tắc dài thườn thượt. Càng có nhiều quy định thì trẻ sẽ càng khó học và nhớ chúng. Và bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để dạy con và ép con vào quy củ.

- Bạn cũng cần lưu ý có một số quy tắc bạn có thể áp dụng trong mọi tình huống, ở bất kỳ đâu như giữ lịch sự hay không đánh nhau. Nhưng một vài quy định có thể dành cho tất cả các thành viên trong nhà, trong khi một số chỉ dành cho trẻ.

Ngoài ra, bạn cũng nên dành thời gian để đặt ra một số quy tắc với những tình huống cụ thể. Đó có thể là những quy định khi ngồi trên xe ô tô, đến thăm nhà của một ai đó, sử dụng máy tính...

- Đưa ra quy định là trách nhiệm của cha mẹ, tuy nhiên sẽ trẻ rất thích khi được tham gia việc đặt ra các quy định. Việc này sẽ giúp trẻ hiểu những quy tắc này là gì và tại sao lại cần phải có. Bạn hãy viết những quy định này và dán ở một vị trí dễ thấy trong nhà để thành viên nào trong gia đình cũng thấy.

Khi trẻ chưa biết đọc, bạn có thể vẽ những bức tranh minh họa các quy định và sau đó dán ở một vị trí trẻ dễ thấy. Trong khi làm việc này, bạn có thể để bé tham gia cùng, đây là cơ hội để bé biết về các quy tắc này.

Được 3 tuổi, trẻ đã có thể cùng bạn thảo luận về những quy định trong nhà. Càng lớn trẻ lại càng có thể tham gia nhiều hơn, những quy định nào cần có và trẻ sẽ chịu hậu quả như thế nào nếu phá vỡ.

- Những quy định trong gia đình sẽ thay đổi khi trẻ lớn hơn. Chẳng hạn, khi bé càng lớn những quy định về sự riêng tư sẽ trở nên quan trọng hơn. Bạn hãy thường xuyên để ý những quy định và thay đổi khi cần thiết.

- Khi đặt ra những quy định, bạn cần nghiêm túc thực hiện chúng. Khi bạn đã đưa ra một quy định, thì bạn cũng sẽ đề ra hậu quả phải chịu khi không tuân thủ quy định. Một vài ngày đầu, bạn có thể chỉ cần nhắc nhở con và tạo cho trẻ cơ hội để sửa sai. Nhưng về sau, nếu trẻ không thực hiện đúng như đã quy định thì nhất định phải chịu phạt như đã đề ra.

- Tuy nhiên, bạn không thể chỉ dựa vào những quy định để hướng dẫn cách cư xử của con. Trẻ thường dễ quên và thường hay lặp lại sai lầm. Chẳng hạn, trẻ biết có quy định "chỉ được chơi trong sân", tuy nhiên khi quả bóng của bé rơi ra khỏi hàng rào, ra đường thì bé có thể hoàn toàn quên quy tắc kia. Vì thế, khi con còn bé bạn phải thường xuyên để ý đến con.

VNE