Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Trẻ bị ho không cần kiêng tôm, cua, gà


Theo dân gian, trẻ bị ho cần phải kiêng khá nhiều thứ như cua, tôm, thịt gà, rau cải... nhưng theo các bác sĩ, chưa có chứng cứ khoa học cho thấy những thực phẩm này khiến trẻ ho nặng hơn.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ bị ho thường biếng ăn và cần có cách chăm sóc đặc biệt để bình phục nhanh chóng. Trẻ bị ho có thể do rất nhiều nguyên nhân nhưng việc kiêng ăn cho trẻ trong thời gian này là hết sức sai lầm.

Yếu hơn vì kiêng ăn

Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, ho là phản ứng bình thường khi bộ máy hô hấp bị kích thích, như khi thở hít phải hơi hóa chất, khói bụi... hoặc bị dị vật rơi vào đường thở như sặc nước, sặc thức ăn, vật lạ chui vào mũi, ngứa mũi... Thậm chí thành ngực bị nước lạnh kích thích cũng có thể gây ho.

Về bệnh lý, ho có thể do hen suyễn, do viêm nhiễm vi khuẩn, hoặc virus. Khi trẻ bị ho nhiều, có thể kèm theo sốt, hoặc sau cơn ho bị nôn ói, tiếng thở rít..., cần đưa trẻ tới bệnh viện khám để chẩn đoán nguyên nhân chính xác và điều trị kịp thời. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, chế độ ăn đảm bảo sức khỏe cho trẻ cũng là biện pháp rất cần thiết để trẻ nhanh chóng phục hồi.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hướng, Hội Đông y Việt Nam, với Tây y, người bị ho không cần phải kiêng ăn thứ gì. Chỉ riêng người bị ho do hen suyễn cần tránh những thức ăn mà người bệnh hay bị dị ứng gây ho nói riêng, lên cơn hen nói chung như trứng, tôm, cua, cá, sữa bò... Nếu không dị ứng, không cần kiêng ăn. Nếu điều trị ho bằng Đông y, việc kiêng ăn tùy theo thang thuốc, vị thuốc. Tuy nhiên, thực tế có nhiều lương y mới hành nghề, kinh nghiệm chữa trị còn ít, kiến thức về y lý Đông y hạn hẹp nên thường yêu cầu người bệnh kiêng quá nhiều thứ, kể cả những thứ đang rất cần cho cơ thể người bệnh khiến nhiều người yếu hơn, mất sức đề kháng do cơ thể thiếu chất dinh dưỡng.

Cho trẻ ăn món dễ tiêu


Theo bác sĩ Lâm, khi trẻ bị ốm, ho, cơ thể mệt mỏi dễ dẫn đến chán ăn, ăn ít hoặc bỏ ăn. Nếu trẻ không chịu ăn như bình thường hoặc ăn ít hơn, có thể cho trẻ ăn thành nhiều bữa. Cha mẹ cần chú ý, không nên nấu loãng thức ăn hơn thường lệ vì điều đó khiến trẻ đã ăn ít lại càng bị thiệt thòi về chất dinh dưỡng. Vẫn duy trì cho mỡ, dầu vào bột hay cháo của trẻ ngay cả khi trẻ bị sốt kèm theo tiêu chảy.

Theo dân gian, khi bị ho không nên ăn cua, tôm, thịt gà… Chưa có chứng cứ khoa học nào chứng minh những thực phẩm này gây ho cho trẻ cả. Vì vậy, cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm làm đa dạng bữa ăn để trẻ được thay đổi khẩu vị, ăn được nhiều hơn và mau khỏe hơn.

Trẻ rất cần ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất như súp, cháo, sữa... Nên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu sinh tố A, giàu chất kẽm và chất sắt như: các loại thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ.

Cần hạn chế những món ăn chế biến có quá nhiều mỡ như chiên, xào… Đối với món cá, đôi khi trẻ có cảm giác tanh, dễ gây nôn, do vậy nên đợi sau khi bé hết bệnh hãy cho ăn trở lại.

Không nên cho trẻ ăn thực phẩm lạnh, uống nước, sữa lạnh hoặc quá nhiều các thực phẩm béo, ngọt, vị đậm. Cũng không nên cho trẻ ăn lạc, hạt dưa, chocolate bởi đây là nhóm thực phẩm chứa dầu, có thể làm tăng lượng đờm khi ăn. Không nên cho trẻ ăn quýt vì khiến cơ thể sinh nhiệt, sản sinh ra nhiều dịch đờm hơn.

Trẻ ho nhiều có thể nôn ra thức ăn vừa mới ăn xong kèm theo nhiều đờm nhớt, vì thế trước khi cho trẻ ăn nên cho uống vài thìa nước, sau đó cho trẻ nằm sấp rồi vỗ về lưng trẻ nhằm giúp đờm nhớp không còn đọng ở cổ trẻ. Điều này giúp trẻ đỡ ho và ăn bớt nôn. Lúc bình thường, trẻ có thể ăn 6 lần/ngày (kể cả bữa bột và bữa sữa) nhưng lúc trẻ ho có thể tăng 8 - 10 lần/ngày, mỗi lần ăn một ít, đo đó có thể cách khoảng 2 giờ cho trẻ ăn một lần.

Tuyệt đối khi trẻ đang ho, khóc không được ép trẻ ăn, uống bởi việc làm này có thể dẫn đến việc trẻ hít vào phế quản thức ăn, nước uống, dẫn đến sặc, hóc dị vật và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo Dân Việt

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Một chế độ sinh hoạt khoa học cho bé (1-2 tuổi)


Mình sẽ chia sẻ với các mẹ lịch chăm sóc bé Bi của mình. Nếu mẹ nào không có thời gian chăm sóc thì có thể làm lịch cho cô trông trẻ để giúp bé có một lịch sinh hoat khoa học.

Bé Bi nhà mình hôm nay gần được 14 tháng tuổi cháu nặng 12kg và cao 81,5 cm. Ăn, chơi, ngủ và khám phá thế giới xung quanh. Vâng! Ai cũng có những bí quyết chăm con của riêng mình và mẹ nào cũng muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con. Vậy các mẹ hãy chia sẻ với mình như mình cùng chia sẻ cùng các mẹ nhé!

Suốt 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng, mẹ đã che chở cho con bằng sự khởi đầu tốt nhất về cả thể chất và tinh thần. Con chào đời với cân nặng 3,4 kg là khá ổn so với các bạn con rồi. Bây giờ con phải sẵn sàng cho cuộc sống mới thôi!

Trong 6 tháng đầu đời con được bú sữa mẹ hoàn toàn, con chỉ phải làm quen với môi trường và khí hậu bên ngoài khác với trong bụng mẹ. Nên trong giai đoạn này luôn giữ ấm cho trẻ, tắm rửa vệ sinh cho trẻ đúng cách và hợp lý là được. Và nên nhớ rằng sữa mẹ là nguồn thức ăn chính của trẻ trong giai đoạn này nên chế độ ăn uống nghỉ ngơi của người mẹ sẽ ảnh hưởng chính đến nguồn thức ăn và sức đề kháng của trẻ. Trong sữa mẹ đã có chứa sẵn những kháng thể ngăn chặn sự nhiễm khuẩn đường ruột và hô hấp của trẻ. Bé Bi nhà mình trong suốt 6 tháng đầu đời ngoài việc tiêm vacxin thì chưa phải uống thuốc lần nào. Cả cân nặng và chiều cao của cháu phát triển khá tốt.

Sau 6 tháng, mẹ và Bi phải vào với cha trong Kon Tum. Con bắt đầu phải làm quen với môi trường sống mới và thời tiết khác. Nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm trên Tây Nguyên chênh lệch khá cao. Trẻ ở đây thường dễ mắc một số bệnh thông thường hơn so với trẻ ở những vùng khác có nhiệt độ ổn định. Thế là bé Bi nhà mình cũng suốt ngày viêm họng, viêm phế quản… Bi phải uống thuốc lâu dài lại thêm chứng rối loạn tiêu hóa, nên sút cân biếng ăn và kéo theo nhiều hệ lụy.

Một vài lần như thế mình lướt Web tìm kiếm thông tin và được biết rằng: Phải làm tăng yếu tố đề kháng của trẻ để phòng tránh các bệnh thông thường chứ không đợi con bị ốm mới mạng đi khám và uống thuốc, đó chỉ là giải pháp cuối cùng thôi.

Rồi mình đã tìm thấy bí quyết chăm con rất khoa học mà dễ thực hiện và nằm trong tầm tay của tất cả các bà mẹ đấy. Mình cùng chia sẻ cho các mẹ nhé!

Mỗi buổi sáng khi bé thức dậy, hãy gọi bé, nói chuyện với bé và dạy bé tập các động tác thể dục đơn giản. Kết hợp với mát xoa nhẹ nhàng khắp cơ thể bé, chẳng mấy chốc bạn đã đánh thức tất cả các giác quan của bé dậy để bắt đầu ngày một mới. Tiếp theo hãy dùng chiếc khăn và nhẹ nhàng rửa mặt cho bé nhé vừa rửa mặt vừa hát những bài hát quen thuộc vào mỗi buổi sáng bé sẽ rất thích cho mà xem.

Đợi một chút nhé, bé Bi nhà mình còn nhỏ quá chưa thể đánh răng được. Chà! Mình sẽ lấy miếng gạc lưỡi hoặc một chiếc khăn nhỏ và cho một ít nước muối đã pha sẵn với nồng độ loãng thôi rồi sơ lưỡi và toàn bộ miệng cho bé nhé. Biết là hơi khó chịu nhưng nước muối sẽ sát khuẩn cho miệng bé rất tốt đấy.

Bây giờ thì làm gì nhỉ? Cho bé uống một chút nước trắng nhé. Nước vào buổi sáng sẽ giúp bé rửa miệng và thanh lọc chất cạn bã trong cơ thể ra ngoài. Cho bé đi vệ sinh và rửa cho bé thật sạch bằng nước ấm nhé! Xong rôi có thể bắt đầu bữa sáng rồi đấy.

Ăn xong nghỉ một chút thì cho bé chơi tự do bên nhà trẻ với các bạn nhé, đi trẻ sớm giúp trẻ hòa đồng nhanh hơn và có tính cộng đồng tốt hơn.

Tới khoảng 9 giờ sáng bé sẽ được dùng bữa nhẹ, hoặc một ly sữa hay một ly trái cây say với 1 miếng phô mai và thêm chút sữa chua bé sẽ rất thích đấy. Nhớ thay đổi trái cây để tạo cảm giác ngon miệng cho bé nhé.

11 giờ trưa rồi đấy, ten ten!!! Các bé chuẩn bị bữa trưa nào! Nhớ tập cho bé thói quen tập trung ngồi ăn đừng cho bé chạy khắp nơi hay xem ti vi hoặc chơi đồ chơi trong khi ăn đấy nhé! Ăn xong nhớ uống nước và lau miệng thật sạch rồi ngồi nghỉ một chút hãy cho bé đi ngủ.

Khi bé thức dạy hãy cho bé chơi cùng các bạn và buổi chiều là lúc uống nước cam, nước chanh hoặc ăn quýt, bưởi rất tốt. Vì nó bổ sung nhiều vitamin C, nhất là trong những ngày khí hậu khô hanh không tốt cho đường hô hấp. Nếu không chuẩn bị được một số loại trái cây thì có thể dùng Ceelin để bổ sung thêm vitamin C cho bé nhà bạn đấy!

Hơn 4 giờ chiều, nếu trời ấm áp hãy tắm cho bé nhà mình nhé. Còn nếu trời lạnh thì lau người thay đồ là được. Làm như vậy bé sẽ ngủ ngon hơn vào buổi tối.

Khoảng 5h 30 chiều là có thể cho bé ăn bữa tối nhé, ăn xong nghỉ ngơi và xem ti vi hoặc chơi cùng cha mẹ anh chị em trong nhà. Hết thời sự thì cho bé uống sữa trước khi đi ngủ nhé. Uống sữa xong bé ngồi chơi và nghe cha mẹ hát bài chúc bé ngủ ngon, bé sẽ nghe ca khúc quen thuộc và chẳng mấy chốc lại đòi đi ngủ cho xem. Nếu bé nhà bạn còn đái dầm thì hãy đóng bỉm cho bé ngủ ngon và không bị tỉnh giấc mỗi lần bé đi tè.

Trên đây là toàn bộ lịch làm việc và chăm sóc bé Bi nhà mình đấy. Nếu mẹ nào không có thời gian chăm sóc thì có thể làm lịch cho cô trông trẻ, giúp bé có một lịch sinh hoat khoa học kết hợp với ăn uống đủ chất mình nghĩ rằng các mẹ sẽ giúp con mình có sức đề kháng chống lại nhiều bệnh thông thường đấy!

Chúc các mẹ chăm con tốt nhé và chúc các bé luôn ngoan và khỏe mạnh như bé Bi nhà minh!
Mẹ Vũ Thị Thảo
Sinh ngày: 24/06/1985
Con: Đặng Vũ Đại Dương
Sinh: 15/10/2010
Nơi đang sống: Tp Kon Tum
Tự bạch: Mình thích giây phút cả gia đình đoàn tụ bên cậu nhóc yêu quý. Và mong được các mẹ chia sẻ cách chăm con cùng mình để các bé yêu luôn khỏe mạnh.

Cách tính chiều cao của trẻ


Áp dụng công thức tính chiều cao của trẻ dưới đây, con bạn có phát triển đúng chuẩn?
Chiều cao chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố: mạnh nhất là yếu tố dinh dưỡng (32%), sau đó là yếu tố di truyền (23%), vận động thể lực (20%), môi trường và ánh nắng, tình hình bệnh tật, giấc ngủ ... Nếu được chăm sóc tốt thì thế hệ sau luôn có chiều cao vượt lên so vớ thế hệ trước.

Các mốc phát triển chiều cao của trẻ

- Giai đoạn trong bào thai: trong 9 tháng mang thai, nếu người mẹ được ăn uống tốt tăng từ 10 - 20kg thì con sẽ đạt được chiều cao 50cm lúc chào đời và nặng từ 3kg trở lên.

- Giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi: 12 tháng đầu trẻ tăng 25cm; 2 năm tiếp theo mỗi năm trẻ cao thêm 10cm nếu được nuôi dưỡng tốt.

- Giai đoạn dậy thì: bình thường con gái từ 10 - 16 tuổi và con trai từ 12 - 18 tuổi. Trong thời gian dậy thì sẽ có 1 - 2 năm chiều cao tăng vọt từ 8 - 12cm mỗi năm nếu được nuôi dưỡng tốt. Nhưng trong thực tế, chúng ta không thể biết chính xác năm đó là năm nào nên vẫn phải đảm bảo dinh dưỡng tốt cho trẻ suốt trong thời gian dậy thì để trẻ phát triển. Sau thời kỳ dậy thì, cơ thể trẻ cũng tăng chiều cao nhưng với tốc độ rất chậm, tổng cộng số tăng chiều cao của các năm sau không bằng một năm chiều cao tăng vọt của thời kỳ dậy thì.

Người ta thường ước tính chiều cao của trẻ khi trưởng thành sẽ gấp đôi chiều cao lúc 2 tuổi (chẳng hạn lúc 2 tuổi trẻ cao 82cm, thì khi lớn sẽ cao 1,64m). Hoặc chiều cao lúc trưởng thành bằng chiều cao lúc 10 tuổi nhân với 1,25 (ví dụ khi 10 tuổi trẻ cao 1,4m thì lúc trưởng thành trẻ sẽ cao 1,75m).

Qua đó chúng ta thấy sự chăm sóc nuôi dưỡng trong các giai đoạn mang thai, 3 năm đầu và giai đoạn dậy thì là rất quan trọng để phát triển chiều cao của trẻ.

Công thức tính chiều cao của trẻ

X = 75cm + 5cm x (N – 1)

Trong đó: X = chiều cao hiện tại của trẻ

75 = chiều cao của trẻ lúc 1 tuổi

5 = Chiều cao tăng trung bình trong một năm

N = Số tuổi của trẻ (tính theo năm)

Ví dụ: Nếu con bạn 4 tuổi: X = 75 + 5(4-1) = 90 cm

Như vậy, một đứa trẻ đúng 4 tuổi, phát triển bình thường sẽ có chiều cao là 90cm.
Tuy nhiên sự phát triển chiều cao của trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như di truyền, chế độ dinh dưỡng cũng như tình hình bệnh tật của trẻ và chế độ luyện tập cũng như môi trường sống của trẻ. Để giúp bé có được một chiều cao lý tưởng, bạn nên chú ý chế độ dinh dưỡng tốt, thực phẩm nhiều canxi, tắm nắng và năng cho trẻ vân động ngoài trời, môi trường sống của trẻ nên trong lành. Đặc biệt chú trọng vào thời điểm trong 2 năm đầu tiên và trong giai đoạn trước dậy thì.