Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Phô mai cho bé: Ăn sai thấy ngay hại!

Có khá nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm nên cho bé làm quen với Phô mai.

1. Thời điểm cho bé ăn Phô mai

Các loại phô mai đều có nguồn gốc từ sữa, được “cô đặc” nên có hàm lượng đạm, chất béo, đặc biệt hàm lượng canxi rất cao. Vì thế, cho bé ăn phô mai để bổ sung đạm, chất béo và canxi rất tốt cho sức khỏe của bé. Đặc biệt, phô mai không chứa đường, nên với những trẻ không thể uống sữa do bất dung nạp đường lactose thì sử dụng phô mai thay thế cũng rất tốt.

Có khá nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm nên cho bé làm quen với phô mai. Các chuyên gia dinh dưỡng ở Anh thì cho rằng, khoảng 6 tháng tuổi là bé có thể ăn được phô mai. Nhưng một số chuyên gia ở Mỹ lại gợi ý, cha mẹ chỉ nên cho bé làm quen với món ăn này khi bé được khoảng 8 tháng tuổi. Ngoài ra, một số ít cho rằng, do phô mai thuộc nhóm sản phẩm từ sữa bò nên chỉ an toàn cho bé 1 tuổi trở lên (vì khả năng gây dị ứng cho nhóm bé có cơ địa mẫn cảm với sữa bò).

Vì vậy, nếu thấy bé xuất hiện dấu hiệu lạ khi ăn phô mai, cha mẹ cần tạm ngưng ngay và hỏi ý kiến bác sĩ.
2. Lưu ý khi cho bé ăn phô mai

- Chỉ ăn phô mai không sẽ không đảm bảo dinh dưỡng cho bé. Vì thế, nên cho con ăn phô mai như một bữa phụ, hoặc kết hợp với các sản phẩm khác như: phết vào bánh mì, trộn vào bột, cháo… để vừa bổ sung thêm năng lượng, vừa có các vitamin, chất khoáng từ nguồn thực phẩm khác trong bát cháo.

- Ăn phô mai thường khiến bé đầy bụng nên các mẹ hạn chế việc cho bé ăn lúc trước khi đi ngủ.

- Khi mẹ mới tập cho bé ăn phô mai, nên tập cho bé ăn lúc bé đói, sẽ dễ dàng hơn.

- Giúp bé 'mê' phô mai hơn, nếu cho phô mai vào bột/cháo của bé hàng ngày, mẹ hãy chọn những thực phẩm phù hợp như: khoai tây, cà rốt, thịt bò, gà, tôm. Không nên cho phô mai nấu chung với thực phẩm như: cua, lươn, rau mồng tơi, rau dền.

- Lượng đạm trong phô mai rất cao. Nếu nấu phô mai chung với thịt, cá, trứng, mẹ cần điều chỉnh lượng phù hợp tùy với thể trạng từng bé (tránh trường hợp bị nhiều đạm, thừa đạm). Lúc nào bé không chịu ăn thịt, cá, mẹ chỉ cần cho bé ăn 2 viên phô mai là đủ chất.

- Phômai có thể được dự trữ trong ngăn mát của tủ lạnh. Không nên dùng túi nilon để bọc những viên phômai đang ăn dở vì chất béo trong phômai có thể dính vào những hóa chất độc hại có trong túi nilon.
Theo Eva

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Phát hiện năng khiếu ở trẻ


Rất nhiều trẻ có những năng khiếu đặc biệt nhưng do cha mẹ không kịp thời phát hiện nên không thể giúp con phát triển được năng khiếu của mình.
Cha mẹ nên chú ý phát hiện sớm năng khiếu để giúp con phát triển.

Bạn có thể phát hiện con mình có năng khiếu hay không qua một số đặc tính dưới đây.

Nhận diện những đứa trẻ thông minh

Biểu hiện về nhận thức: Trẻ rất tò mò, quan sát tốt, chú ý lâu vào những việc người lớn đang làm, quan tâm nhiều đến các thành viên trong gia đình, trẻ có trí nhớ tuyệt vời. Khi nói năng, trẻ có khả năng lý luận xuất sắc. Trẻ có khả năng trừu tượng, khái niệm hoá và tổng hợp.

Trẻ nhanh chóng và dễ dàng thấy mối quan hệ trong ý tưởng, sự vật hoặc sự kiện. Có tư duy chính xác, sinh động, độc đáo. Kỹ năng giải quyết vấn đề xuất sắc. Học nhanh và ít cần thực hành, tưởng tượng mạnh mẽ.

Nét xã hội và cảm xúc: Trẻ rất quan tâm đến các vấn đề triết lý và xã hội, rất nhạy cảm về cảm xúc và thể chất. Trong các sinh hoạt hàng ngày, trẻ tỏ ra lo lắng về công bằng và bất công, có thái độ cầu toàn, đầy nghị lực.

Trẻ có năng khiếu thường phát triển tốt tính khôi hài. Ngay từ bé đã biết phát triển mối quan hệ tốt với cha mẹ, thầy cô và người lớn khác. Một điều đặc biệt là trẻ có từ vựng phát triển rộng, có thể đọc sớm và nhanh.Trẻ thích sinh hoạt trí tuệ, thích sách báo dành cho trẻ lớn, có tính đa nghi, phê phán và đánh giá.

Nuôi dưỡng trẻ có năng khiếu bằng cách nào?

Trắc nghiệm đo chỉ số thông minh (IQ) có thể giúp cha mẹ xác định trẻ có năng khiếu, để cha mẹ được yên tâm về năng khiếu của con. Tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý, nếu trẻ chỉ nổi trội trong một vài lĩnh vực (như biết đọc, đếm số sớm) nhưng lại chậm phát triển ở những lĩnh vực khác (như chậm nói, ít giao tiếp bằng ánh mắt, thích chơi một mình) thì cần đưa trẻ đến gặp chuyên viên tâm lý càng sớm càng tốt để phát hiện những vấn đề tâm lý và được hướng dẫn về cách nuôi dưỡng trẻ.
Theo sự hướng dẫn của trẻ: Con bạn thích gì? Trẻ có vẻ giỏi về điều gì? Hãy tạo cơ hội cho trẻ làm việc với những điều trẻ thích hoặc có năng khiếu. Ví dụ: Nếu trẻ thích khủng long thì hãy cho trẻ đọc sách về khủng long. Cho trẻ chơi với trò chơi và hình lắp ghép khủng long. Cho trẻ xem khủng long trong viện bảo tàng. Nếu trẻ giỏi nhạc hoặc thể thao, hãy cho trẻ có cơ hội học một nhạc cụ hoặc chơi một môn thể thao nào đó.

Giúp trẻ quan tâm đến nhiều lĩnh vực rộng hơn: Trong khi điều quan trọng là cung cấp cơ hội cho trẻ làm việc với những điều trẻ quan tâm hoặc có sở trường, bạn cũng cần cho trẻ tiếp cận với những điều mới. Nếu trẻ không được tiếp cận với điều mới, ví dụ như âm nhạc, thì trẻ không thể biết là có thích hay không. Trẻ không cần bị ép buộc để thử những điều mới nhưng trẻ cần được khuyến khích. Không áp đặt, tuy nhiên, cần nhấn mạnh để trẻ không bỏ cuộc sau 2 ngày.

Hãy sáng tạo: Trẻ có năng khiếu suy nghĩ và giải quyết vấn đề, vì thế hãy cho trẻ cơ hội để thực hiện việc đó. Ví dụ, nếu một trẻ nhỏ thích đọc thì bạn nên ghi vài chữ cho trẻ đọc. Nếu trẻ thích khoa học, bạn có thể cho trẻ cùng nấu ăn với bạn rồi hỏi trẻ tại sao rau trở thành mềm khi được luộc và bánh nổi lên khi được nướng.

Cho trẻ sinh hoạt dã ngoại: Khuyến khích trẻ viếng thăm viện bảo tàng, vườn thú, nhà hát, trường học, di tích lịch sử, vườn hoa.

Có nhiều dụng cụ đa dạng tại nhà: Những dụng cụ này không cần phải đắt tiền, chỉ cần giúp trẻ tiếp cận với những điều mới. Ví dụ, để khuyến khích năng khiếu nghệ thuật, bạn chỉ cần mua hộp màu, cọ vẽ, giấy trắng, bút chì.

BS Phạm Ngọc Thanh
Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM