Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Đòn roi là... hạ sách ?


Trước hết, đánh đòn không phải cách dạy bé về lâu dài. Bởi vì, đánh đòn có thể ngay lập tức ngăn chặn hành vi không mong muốn ở bé, làm bé sợ khi bé sai nhưng lại không giúp bé biết tự kiểm soát hành vi của bản thân. Hậu quả, bé vẫn tiếp tục mắc lỗi.
Ngoài ra, đánh đòn còn vô tình dạy bé rằng, bé cũng được phép đánh người khác (như cha mẹ đã từng đánh bé) hoặc đánh là cách để giải quyết khi có xung đột. Tất nhiên, khi đánh đòn bé, cha mẹ không muốn dạy con điều này.

Nhiều cha mẹ đánh con trong lúc cáu giận thực sự ân hận sau đó. Họ thậm chí còn hối tiếc và ước gì bình tĩnh hơn để nghĩ cách kỷ luật khác đối với con mình. Trong thực tế, khi bé làm gì sai là lúc cha mẹ cần dạy bé cách làm đúng đắn hoặc dạy bé cách mà bé có được thứ mình muốn mà không dùng đến vũ lực.

Phương pháp phạt bé hiệu quả

- Tách bé ra ngoài thời gian ngắn: Đề nghị bé đứng ở một góc (thường là một phút cho mỗi một năm tuổi). Điều này giúp cả bạn và bé “nguôi” giận tạm thời. Ví dụ, nếu bé nhà bạn cào cấu một bé khác, bạn nên nhanh chóng tách bé khỏi cuộc chơi (yêu cầu bé đứng yên trong phòng của bé một lúc). Sau đó, bạn và con sẽ cùng thảo luận xem vì sao bé không được cào bạn chơi...

- Minh họa hậu quả của hành vi xấu: Cách tốt để cho bé thấy bé làm điều gì đó sai là chỉ cho bé thấy việc bé làm sẽ để lại những hậu quả xấu.

- Xử trí với tật xấu “mãn tính” của bé theo nhiều cách khác nhau: Một em bé hay làm mất đồ thì trách mắng thôi là chưa đủ, bạn cần luôn nhắc nhở và giám sát bé. Hoặc bạn cần xem xét để bé không được phép mang đồ chơi ra ngoài...

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

4 loại thực phẩm trẻ cần mỗi ngày


Căn cứ vào độ tuổi, nhu cầu dinh dưỡng và đặc điểm hệ tiêu hóa của riêng mỗi trẻ mà các mẹ có thể bổ sung dưỡng chất cần thiết cho con mình.
Các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em đã phân chia dinh dưỡng cho trẻ theo độ tuổi và cụ thể là chia thành 3 nhóm sau: nhóm từ 0-12 tháng tuổi, nhóm từ 1-3 tuổi và nhóm từ 3-6 tuổi.

Protein

Việc cung cấp các loại thực phẩm protein dựa trên sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ nhỏ là rất quan trọng. Trẻ càng lớn thì nhu cầu về protein càng cao. Những loại thực phẩm có chứa nhiều protein là sữa, trứng, thịt nạc, gan, đậu nành và các sản phẩm từ đậu. Tùy theo điều kiện kinh tế mà người lớn có thể lựa chọn những loại thực phẩm phù hợp để cung cấp protein cho con mình.

Vitamin C và các khoáng chất chủ yếu

Vitamin C có nhiều trong các loại rau củ, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các bà mẹ nên lựa chọn những loại rau có màu đậm như cà rốt, ớt chuông, rau cần, cà tím, rau bina… Đây là những loại rau cung cấp lượng vitamin A dồi dào cho cơ thể.
Trong các loại rau như củ cải, súp lơ… có chứa một lượng vitamin C nhất định cần thiết cho cơ thể. Bên cạnh những loại rau củ trên thì táo, chà là, cam, quýt, bưởi… cũng là nguồn cung cấp khoáng chất quan trọng giúp cơ thể phát triển toàn diện hơn.

Các chuyên gia cho rằng, màu sắc và hương vị của các loại trái cây có tác dụng kích thích sự thèm ăn của trẻ sơ sinh. Khi cho trẻ ăn hàng ngày, người lớn chú ý bổ sung thêm nhiều loại rau củ và trái cây vào thực đơn của trẻ cho phù hợp.

Nhưng bạn nên nhớ rằng khi bổ sung rau xanh vào chế độ ăn uống của trẻ, bạn cần tránh lỗi chỉ dập khuôn cho trẻ ăn một số loại rau xanh quen thuộc. Mà thay vào đó nên đa dạng các loại rau để trẻ không cảm thấy chán.

Ngũ cốc, chất béo và đường

Chất béo, đường và ngũ cốc là 3 loại chất cần thiết để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ở trẻ em, ngũ cốc có thể cung cấp từ 50-60% số năng lượng cần thiết cho cơ thể.

Ngũ cốc cung cấp năng lượng (đường glucozơ) cần thiết cho hoạt động của não. Thêm vào đó, những chất xơ có trong ngũ cốc sẽ giúp điều chỉnh hài hoà lượng đường glucozơ có trong cơ thể.

Ngoài ra, trong thành phần của ngũ cốc còn có chứa hàm lượng vitamin B giúp nuôi dưỡng hệ thần kinh khoẻ mạnh. Chính vì thế, bạn đừng quên bổ sung ngũ cốc mỗi ngày trong khẩu phần ăn uống của con.

Chất đường quan trọng với sức khỏe của trẻ, tuy nhiên người lớn không nên cho trẻ ăn quá nhiều đường vì như vậy sẽ khiến trẻ dễ bị sâu răng hoặc bị béo phì.
Các loại gia vị

Gia vị gồm muối, nước tương, nước mắm, giấm… Khi chế biến thức ăn hàng ngày cho trẻ, người lớn nên chú ý cho một lượng phù hợp các loại gia vị để thúc đẩy sự thèm ăn của trẻ.

Mẹ cần biết khi cho bé ăn trái cây


Trái cây rất tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu bạn cho bé ăn tùy tiện thì bổ đâu không thấy mà lại chuốc họa cho bé. Trái cây rất cần thiết cho quá trình phát triển của các bé. Các ông bố bà mẹ đừng quá tùy tiện cho các bé ăn theo khẩu phần trái cây của cả nhà dù có bổ dưỡng đến mấy. Các bé cần có một chế độ ăn riêng nếu không, bổ đâu không thấy mà bệnh lại vào mình.

Nên ăn loại loại trái cây nào?

Chỉ nên cho các bé ăn trái cây theo mùa.

Trái cây dù đắt tiền, giàu chất dinh dưỡng nhưng nếu trái mùa thì vẫn có thể gây hại cho cơ thể các bé. Phụ huynh nào kỹ tính sẽ phát hiện ra rằng trái cây mua về nhà ngày một to, màu sắc cũng tươi sáng hơn thời trước rất nhiều. Sự thật về việc lạm dụng các loại hóa chất trên trái cây để giữ trái cây tươi, thúc cho mau chín…, có tác động làm rối loạn tiến trình tăng trưởng của các bé, đã được báo đài nhắc đến liên tục trong thời gian gần đây. Vì vậy, hãy cẩn thận với các loại trái cây trái mùa. Các doanh nghiệp sử dụng các loại hóa chất bảo quản để giữ cho vẻ ngoài của trái cây được bắt mắt, dù ở trong số lượng cho phép nhưng vẫn lớn so với khả năng hấp thụ của các bé.
Chỉ nên cho các bé ăn trái cây đúng mùa; chọn các trái chín cây, khi đưa lên mũi ngửi thì vỏ có mùi thơm rất tự nhiên. Trái cây mua về phải được rửa sạch trước khi cho bé ăn; tốt nhất là ngâm trong nước một thời gian. Đừng quên rằng thực đơn trái cây cho bé cũng phải được thay đổi thường xuyên, đừng lúc nào cũng cho bé ăn mỗi một loại trái.

Nên ăn trái cây vào lúc nào?

Một số bà mẹ có thói quen cho dọn trái cây ăn tráng miệng sau bữa ăn; bé cũng có phần cùng cả nhà. Làm như vậy có thể gây hại lên quá trình phát triển của bé. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chung cho mọi người rằng thời điểm ăn trái cây tốt nhất là trước bữa ăn khoảng 30 phút đến 1h đồng hồ. Cơ thể và các chức năng của các bé khác với người lớn chúng ta nên thời gian này cần phải được kéo dài hơn. Nên cho bé ăn trái cây trước bữa ăn một tiếng đồng hồ và sau bữa ăn chừng hai tiếng. Nguyên nhân là trong một số loại trái cây có chứa lượng đường rất cao, nếu bị ứ lại trong bao tử sẽ gây đầy hơi, táo bón cho bé.

Đối với trẻ sơ sinh, cho các bé ăn trái cây trước bữa ăn có thể làm ảnh hưởng đến khẩu vị và làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ bữa ăn chính của các bé.
Các bậc phụ huynh đừng thương con bằng cách cho các ăn mỗi trái cây đắt tiền và bổ dưỡng mà không khéo lại vô tình ủ bệnh trong người các bé đấy.