Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Kinh nghiệm nuôi trẻ biếng ăn


Có lần bực quá, tôi ấn mạnh chiếc thìa làm con chảy máu chân răng. Con khóc vì đau, mẹ khóc vì thương con, giận mình.

Kể từ khi con tôi 8 tháng tuổi, cu cậu không chịu ăn uống gì cả. Sữa chỉ uống khoảng 30ml mỗi lần, bột nấu lên, con chỉ căn 2-3 thìa, rồi lại phải bỏ đi.

Nghĩ con chán ăn bột, tôi chuyển qua nấu cháo. Hết cháo lại chuyển qua mì. Kết quả vẫn không hề thay đổi. Ngày trước cháu chịu nằm để ăn nhưng giờ cứ đặt nằm là lật dậy, hoặc đưa tay lên dụi mặt làm thức ăn dây bẩn cả mặt mũi, tay chân. Nhiều lúc, cu cậu còn mím chặt môi không cho đút thức ăn vào. Có lần bực quá, tôi ấn mạnh chiếc thìa làm con chảy máu chân răng. Con khóc vì đau, mẹ khóc vì thương con, giận mình.

Tôi hỏi kinh nghiệm của những người đã từng nuôi con nhỏ, lên mạng tìm hiểu thậm chí là gọi điện nhờ chuyên gia dinh dưỡng tư vấn. Tôi mua cốm vi sinh, rồi thuốc cam v.v... Tôi cũng thay đổi thực đơn, đổi bát và thìa ăn với màu sắc bắt mắt.

Tôi cũng áp dụng luôn cả cái bài mà tôi ghét nhất: gõ bát, gõ đũa, thậm chí nhờ cả bố, cả ông bà của cu Bí vào cuộc, miễn sao để con ăn. Người thì đội rổ lên đầu lắc lư, người thì hắt xì hơi, nhảy múa…

Nhưng con vẫn không ăn quá ba thìa!

Một hôm, có người cô cho số điện thoại của một bác sĩ ở Viện dinh dưỡng, tôi gọi điện ngay lập tức. Bác sĩ hỏi xong những vấn đề về sức khoẻ, răng miệng thì kết luận: Cháu bị biếng ăn sinh lý, sẽ tự nhiên khỏi vào một thời điểm nào đó!

Mỗi đứa trẻ sẽ có vài thời điểm biếng ăn sinh lý, có thể do mọc răng, có thể do quá nghịch ngợm, nhưng rồi sẽ tự nhiên hết nếu các mẹ không quá ép ăn biến con từ biếng ăn sinh lý sang biếng ăn bệnh lý.

Theo Lửa ấm

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Những việc cần làm trước và trong khi mang thai

Để sinh một em bé khỏe mạnh, thông minh, các bậc cha mẹ cần lưu ý từ trước khi mang thai.

1. Đạt trọng lượng “chuẩn”

Việc thiếu cân có thể ảnh hưởng đến sự rụng trứng. Ngoài ra, việc tăng đủ cân sẽ giúp việc mang thai thuận lợi hơn do cơ thể khỏe mạnh, nguy cơ cao huyết áp hay tiểu đường thai kỳ cũng giảm xuống.

Việc năng vận động bằng các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga cũng giúp quá trình thụ thai tốt hơn.

2. Tránh xa rượu và thuốc lá

Cả hai thứ trên đều gây khó thụ thai (do giảm lượng tinh trùng) hay gây hại nghiêm trọng đối với sự phát triển của thai nhi, chẳng hạn như bệnh tim mạch hay thiểu năng trí tuệ.
3. Kiểm tra lại đơn thuốc

Một số đơn thuốc và dược phẩm an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai, nhưng một số thì không. Một số loại thuốc khác thì chưa được xác định rõ có ảnh hưởng hay không. Vì thế bạn thay đổi hoặc ngừng sử dụng cho đến khi bạn sinh xong em bé. Tốt nhất là nên gặp bác sỹ tư vấn ngay lập tức.

4. Gặp nha sỹ

Việc lên kế hoạch khám và làm sạch răng miệng định kỳ 6 tháng/lần không chỉ giảm nguy cơ viêm nhiễm mà còn giúp giảm nguy cơ đẻ non hoặc bị tiền sản giật.

5. Tiêm phòng

Gặp bác sỹ để biết loại vắc-xin nào bạn nên tiêm trước khi thụ thai.

6. Cân nhắc việc kiểm tra gen

Nếu trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến gen thì nên đi xét nghiệm máu kiểm tra.

7. Sửa sang nhà cửa

Các độc tố bạn nên tranh tiếp xúc trong thời kỳ mang thai bao gồm thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa và sơn và đặc biết là dung môi tẩy sơn. Chúng có chứa rất nhiều hóa chất độc hại liên quan đến những khuyết tật ở trẻ. Vì vậy, nếu bạn cần phải sửa phòng hay tân trang đồ đạc hãy làm ngay từ lúc bạn chưa mang thai và nên để việc này cho các đức lang quân.

Nếu sơn sửa phòng cho em bé, hãy sử dụng loại sơn không có chất độc hại.

8. Bổ sung a-xit folic

A-xit folic là các dạng hòa tan trong nước của vitamin B9, cần thiết cho dinh dưỡng hằng ngày và đặc biệt giúp giảm nguy cơ khuyết tật cột sống ở thai nhi. Nhu cầu về chất này tăng cao ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

Loại vitamin này rất nhiều trong cải bó xôi và rất nhiều loại ngũ cốc khác nhưng phụ nữ mang thai nên uống vitamin B9 bổ sung để đáp ứng đủ 400mcg/ngày khi chưa mang thai) và 600mcg/ngày khi đang mang thai). Vì thế giải pháp là bạn sử dụng thuốc uống bổ trợ để đảm bảo có đủ lượng vitamin B cần thiết.

9. Hạn chế cafein

Không có tài liệu nào xác định cụ thể sử dụng bao nhiêu chất kích thích mỗi ngày là tốt cho phụ nữ mang thai, nhưng theo các bác sỹ, càng ít càng tốt, khoảng dưới 150 mg/ngày.

Nếu bắt đầu giảm cafein ngay từ bây giờ, bạn sẽ không phải trải qua cảm giác “cai nghiện” trong thời kỳ mang thai. Hơn nữa, chất cafein cũng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, vì vậy hãy từ bỏ chúng ngay từ bây giờ nếu bạn muốn sớm có thai.

10. Lựa chọn bác sỹ

Việc tìm một bác sỹ, người sẽ chăm sóc việc sinh nở của bạn rất quan trọng vì nó tạo cho bà bầu tâm lý thoải mái, tin tưởng.

11. Mang găng tay khi dọn vệ sinh chó mèo

Trong quá trình mang thai, bạn rất dễ nhiễm những bệnh do những động vật ký sinh gây ra do tiếp xúc với chất thải của động vật nuôi trong nhà. Vì thế bạn nên mang găng tay để dọn dep chúng, nếu không hãy nhờ các ông chồng.

12. Sửa sang đầu tóc

Việc nhuộn tóc trong khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi hay không vẫn đang còn gây tranh cãi. Tuy nhiên nhiều bác sỹ khuyên rằng không nên nhuộm tóc trong thoài gian này.

Vì thế hãy chỉ đến tiệm cắt tóc và sửa sang lại mái tóc, nhuộm màu trước khi có thai thôi nhé.
Theo IV/Dân trí

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Chấp nhận cho chồng có nhân tình suốt 16 năm

Phát hiện ra chồng có nhân tình nhưng vẫn chấp nhận cho chồng song hành với mối tình ấy trong 16 năm để chờ ngày chồng chính thức quay về trọn vẹn với gia đình là một điều tưởng như khó có thể thực hiện được đối với bất kì một người phụ nữ nào.

Thế nhưng, chị đã làm được điều đó. Bằng lòng bao dung, sự hiểu biết, chị đã tự mình kéo hạnh phúc quay về trong cơn bão tình cảm của chồng...

Niềm vui của vị khách hàng cũ

Chị gọi điện đến phòng tư vấn giới thiệu mình là vị khách cũ đã gọi điện đến xin tư vấn cách đây vài năm. Chị bảo lần đó chị cũng hoang mang và đau khổ không biết phải làm thế nào, có nên chờ đợi tiếp hay là giải thoát khỏi cuộc hôn nhân chỉ có vỏ mà không có ruột để chồng chị đến với người phụ nữ ấy. Bởi chị cũng không biết mình làm thế có nên không, liệu sự chờ đợi kia có kết quả hay vô tình chỉ là sự kéo dài đau khổ cho cả chị, cho anh và cho cả người phụ nữ kia. Nhưng rồi, khi gọi điện đến phòng tư vấn xong, chị quyết định vững tâm để chờ đợi.

Và hôm nay, sự kiên trì của chị đã có kết quả. Chị vui mừng gọi điện đến thông báo rằng vợ chồng chị đã chính thức vượt qua được cơn bão ấy dù thời gian vượt bão tới 16 năm trời. Nghe được câu chuyện của chị, chúng tôi không khỏi khâm phục. Bởi nếu là một người khác thì chắc chắn hạnh phúc gia đình đã tan vỡ từ lâu, làm sao có người vợ nào đủ can đảm để khuyên mình hãy cố gắng sống bình yên, chăm lo, yêu thương chồng hơn nữa trong khi biết rõ rằng chồng đang ôm ấp một hình ảnh khác trong lòng, vẫn âm thầm đi lại một bên hai đò bí mật.

Giờ đây, khi thật sự thoát ra khỏi cơn bão tình cảm đó, anh thành thật cảm ơn cuộc đời đã ban cho mình người vợ tuyệt vời. Anh hứa sẽ sống tốt hơn để xứng đáng với những gì chị đã chịu đựng cũng như hi sinh vì gia đình trong thời gian qua.

"Bố có người đàn bà khác, mẹ biết chưa?"

Đứa con gái lớn hớt hải kéo chị vào trong nhà. Không hề phản ứng nhiều, chị bình thản trả lời "mẹ biết rồi". Mặt đứa con gái càng thộn ra tột độ khi nhìn thấy mẹ mình trả lời tỉnh queo.

"Mẹ biết rồi à? Mẹ biết lâu chưa? Sao mẹ lại để yên như thế?..."

Lần này thì nó lại tuôn ra một lốc câu hỏi. "Thực ra thì chuyện này không phải là mới đâu con, bố con có người khác 16 năm nay rồi. Mẹ biết nhưng không muốn làm gì. Vì suy cho cùng bố con và người phụ nữ đó cũng khổ lắm". Con bé nhẩm tính, 16 năm có nghĩa là từ ngày nó chưa ra đời, nói chính xác hơn là từ ngày bố mẹ nó cưới nhau đến bây giờ. Đầu óc của một cô bé gần 16 tuổi vẫn không thể định hình nổi tại sao bố mẹ mình lại có một cuộc sống như thế. Nó vẫn thấy gia đình mình hạnh phúc, bố vẫn đi về đúng bổn phận của mình. Mẹ chăm sóc yêu thương bố chỉn chu. Họ không hề cãi vã nhau dù mẹ biết rằng có một người đàn bà khác song hành cùng bố bên hạnh phúc của mình.

Chị nhìn con gái, lòng thầm thương trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của nó. Dù là chưa lớn hẳn nhưng bây giờ nếu có nói ra thì chắc con bé cũng hiểu được một phần nào đó mà không oán trách gì bố. 16 năm trời, một khoảng thời gian không ngắn nhưng đủ cho chị chiêm nghiệm thế nào là hạnh phúc và bất hạnh. Chị biết chị đang chịu đựng một thì anh và người phụ nữ kia đang phải chịu đựng mười.

Lần đầu tiên và cũng lần duy nhất chị lần theo anh đến chỗ người phụ nữ kia. Sau lần ấy, chị quyết định làm một người "giả câm giả điếc" cho anh vẹn toàn với mối tình của mình miễn rằng anh không vứt bỏ gia đình.

Tìm hạnh phúc trong giông bão tình cảm

Gia đình anh và chị có mối quan hệ thân tình lâu năm với nhau. Đó không chỉ vì trong làm ăn bố anh phá sản may nhờ bố mẹ chị giúp đỡ mới có ngày hôm nay; mà còn vì hai ông bố đã cùng sống chết với nhau ở chiến trường. Họ lớn lên thân thiết với nhau để rồi khi đến tuổi biết thương biết nhớ thì trái tim chị hoàn toàn dành cho anh. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng chiều được lòng người, anh không cùng chị hướng về một con đường.

Qua bạn bè chị biết anh đang yêu và điều đau khổ cho chị là người con gái đó thua kém chị nhiều thứ. Bố mẹ hai bên thấy chẳng có lý do gì mà không tình thông gia với nhau. Chị biết anh yêu người ấy nhưng không đủ sức vượt qua áp lực của bố mẹ. Chê một người vợ xinh đẹp, đoan trang được cả người lẫn nết, bố mẹ chồng tương lai rất mến yêu để rước về một cô gái thua kém mọi bề, bố mẹ lại không hề thích thì cũng bất hạnh không kém. Quá nhiều áp lực và thử thách khiến anh không đủ tự tin vượt qua tất cả để đến với mối tình sâu nặng của mình. Vì vậy, anh đã chấp nhận lễ cưới vì chữ hiếu chín chữ tình một.

Chị biết rõ anh không có tình yêu với mình nhưng chị tin khi về sống với nhau chị sẽ làm cho anh yêu chị. Và nếu như anh không yêu nổi chị nhưng vẫn giữ gia đình êm ấm thì chị cũng chấp nhận. Lý giải cho tất cả điều ấy là chị quá yêu anh và tin tưởng vào tình yêu cháy bỏng của mình.

Cưới nhau xong, chị dồn tất cả tình yêu của mình để lo lắng, chăm sóc cho tổ ấm của mình. Hi vọng anh sẽ nhận được điều ấy mà đoạn tuyệt với mối tình sâu nặng kia. Nhưng bằng sự nhạy cảm của một người vợ, chị biết anh vẫn dành tình cảm cho người xưa và vẫn còn đi lại với người ấy một cách bí mật. Tuy nhiên, anh vẫn hoàn thành nghĩa vụ làm chồng làm cha một cách vẹn toàn cho tổ ấm của mình.

Với vợ, anh cố gắng để chị không bị tổn thương dù anh không hề yêu chị. Ban đầu chị hài lòng vì có đòi hỏi thêm thì cũng như vậy là cùng. Nhưng rồi ý nghĩ bên cạnh anh vẫn còn một người khác song hành trong trái tim khiến chị không chịu nổi. Một lần lặng lẽ theo anh, chị tìm đến chứng kiến cuộc hẹn của hai người. Cô gái ấy biết anh lấy vợ nhưng vẫn không thể vứt bỏ được tình cảm của mình. Cô nói rằng cô chấp nhận sống làm một kẻ ngoài cuộc thua thiệt mọi thứ chỉ cần tình yêu của anh là đủ. Cô sống vì anh, nguyện chung thuỷ với mối tình vô vọng ấy.

Lần đó, chị đã tuyệt vọng vô cùng nhưng vẫn âm thầm chờ đợi anh tỉnh ngộ, nhận ra đâu là hạnh phúc đang hiện hữu. Nhưng chị đã chờ như vậy trong suốt mấy năm trời mà vẫn không có kết quả. Họ vẫn gặp nhau, vẫn dành cho nhau tình cảm, chấp nhận đến với nhau mà không đòi hỏi có tương lai. Lần ấy chị đã suy nghĩ rất nhiều nên chấp nhận chờ đợi cái ngày anh quay về toàn tâm toàn ý với gia đình hay ly hôn để giải thoát cho cả ba người. Và chị đã gọi điện đến phòng tư vấn để giúp mình có sự lựa chọn đúng đắn hơn.

Sau lần nói chuyện ấy, chị không còn có ý định tìm gặp người phụ nữ kia thêm một lần nào nữa. Mặt khác chị cũng không tra hỏi hay bắt anh phải chọn lựa giữa vợ con và gia đình. Chị tìm quên nỗi buồn ấy bằng cách tự an ủi bản thân rằng mình vẫn có được một gia đình trọn vẹn, anh dẫu có "một bến hai đò" nhưng vẫn không bỏ bê vợ con, vẫn hoàn thành trách nhiệm của mình. Nếu có đau khổ và thua thiệt nhất thì chỉ có người phụ nữ kia. Chị sẽ âm thầm cạnh tranh lành mạnh với đối phương để anh làm trọng tài.

Một lần chị tình cờ phát hiện chồng viết nhật kí mạng. Chị đọc được nỗi niềm day dứt của anh và của cả người phụ nữ kia. Chồng chị viết chỉ vì người tình không đòi hỏi tương lai, lại rất vun vén và nhắc anh phải có trách nhiệm với gia đình hơn mỗi khi họ gặp nhau. Lần hẹn hò nào cũng vậy, chỉ được một lúc là cô lại giục anh về với gia đình, rằng cô không muốn anh bất hạnh trong hôn nhân và lại càng muốn vì tình yêu mà trở thành tội đồ của một người vợ và những đứa trẻ vô tội. Hoá ra họ yêu nhau nhưng không hề thanh thản khi đến với nhau.

Thời gian như một minh chứng cho lòng thử thách, sau 16 năm cuối cùng người phụ nữ kia cũng nhận ra đâu là bến bờ cần nhất cho cuộc đời mình và anh cũng cảm thấy đó là điều tốt nhất cho tất cả. Họ chia tay nhau. Chị đã bắt đầu cảm nhận được tình yêu anh dành cho chị đã bắt đầu bén rễ.

Hôm nay anh trở về hoàn toàn đổi khác sau chuyến công tác. Chị biết đó là chuyến công tác đặc biệt của anh. Người phụ nữ ấy cuối cùng cũng nhận ra tình yêu ảo ảnh của mình. Một người đàn ông yêu cô và cũng như chị song hành cùng cô trong suốt 16 năm trời. Họ xin chuyển công tác về một tỉnh xa và làm đám cưới ở đấy. Chuyến công tác của anh là về nơi ấy một lần cuối chứng kiến người xưa cập bến hạnh phúc. Chị đã thành công dẫu sự trở về của anh hôm nay phải trải qua một thời gian dài. Nhưng đó sẽ là tình yêu trọn vẹn và vĩnh cửu, chị tin là như vậy.

Theo Eva

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

5 lưu ý khi cho trẻ đi khám


Nhiều gia đình không có thói quen lưu lại sổ khám bệnh của trẻ hoặc không mang theo trong những lần khám tiếp theo. Đó là một sai lầm

1. Hãy lấy hẹn trước, nếu nơi bạn khám bệnh có tổ chức việc này. Việc khám bệnh theo hẹn sẽ tránh được chuyện cả trăm con người chen chúc, lay lắt nằm ngồi chờ đến lượt mình. Bạn không phải chầu chực lâu, và giảm được áp lực của đám đông lên người thầy thuốc.

2. Nếu không thật cần kíp, hãy đi khám vào buổi chiều. Một thói quen khá lạ của người Việt Nam là thích đi khám vào buổi sáng, trong khi các phòng khám lại thường vắng hoe từ sau giờ nghỉ trưa đến cuối giờ chiều. Thật vậy, nếu không vì một vài xét nghiệm cần thiết phải làm sau một đêm nhịn đói, bạn hoàn toàn có thể đến bệnh viện vào buổi chiều. Vừa đỡ mất công chờ đợi, vừa an tâm hơn nếu thầy thuốc có thể dành nhiều thời gian hơn cho bạn.

3. Tránh đi khám bệnh vào các buổi sáng đầu tuần hay cuối tuần. Tin tôi đi, mọi thứ hai đầu tuần là cơn ác mộng của tất cả các thầy thuốc. Rồi không hẹn mà gặp, dường như mọi bệnh nhân đều đổ xô về bệnh viện trong ngày cuối tuần, kể cả những người bệnh triền miên như cao huyết áp, tiểu đường… Đã phải giải quyết những tồn đọng sau 2 ngày cuối tuần, hệ thống y tế lại càng quá tải với một làn sóng bệnh nhân vào ngày đầu tuần.

Cũng vì vậy, nên tránh ngày cuối tuần. Nhiều bệnh viện chỉ làm nửa ngày thứ 7, không đủ thời gian khảo sát cho thấu đáo là đương nhiên. Nhân viên nghỉ bù, ra trực, vô trực…, thiếu hụt nhân lực, chậm trễ là điều khó tránh. Đã có nhiều thống kê cho thấy tỉ lệ sai sót, và ngay cả tử vong tăng lên đáng kể trong các bệnh viện ở Mỹ vào ngày cuối tuần.

4. Hãy chuẩn bị hồ sơ của mình. Rất nhiều lần, tôi đã toát mồ hôi hột khi phải loay hoay lật từng trang xét nghiệm, bệnh án nhàu nát, thậm chí hôi hám, đầy kiến và mối mọt, mà bệnh nhân mang lại. Thật tệ, những người này không hề ý thức được, chuẩn bị hồ sơ cũ của mình cho tử tế, ngăn nắp, sạch sẽ… cũng là một cách tiết kiệm khá nhiều thời gian cho thầy thuốc. Và chắc chắn, một hồ sơ bệnh sử thông suốt, chu đáo sẽ dẫn đến nhiều thành công hơn cho cuộc khám bệnh hiện tại, chắc chắn là thế.
Nhưng mà có hồ sơ cũ, dù nhếch nhác bẩn thỉu cũng là đỡ. Khá nhiều gia đình, không hiểu do đâu, đi khám bệnh về là vứt ngay hồ sơ vào sọt rác. Hoặc không thèm mang theo trong những lần khám bệnh kế tiếp, “Có gì bác sĩ cứ cho làm lại từ đầu cho cháu, tôi không ngại tốn kém!”. Đây không phải là vấn đề tốn kém, mà người thầy thuốc cần nắm được diễn tiến của bệnh trong quá khứ, qua những bằng chứng giấy trắng mực đen. Với lại, dù có làm lại từ đầu, rất mất thời gian để xác định lại những chẩn đoán đã được có trong những lần khám trước.

Hồ sơ bệnh án cũ là cực kỳ quan trọng, xin hay giữ nó như một bản CV, hay lý lịch sức khỏe của mình.

5. Hãy hòa nhã, lịch sự và tôn trọng những người cùng đi khám, cũng như với nhân viên y tế. Rất đơn giản, xin đừng hút thuốc, nói chuyện lớn tiếng, khạc nhổ, mở chuông điện thoại… nơi công cộng. Không cần áo đầm veston dạ hội, nhưng cũng xin đừng mặc áo ngủ quần đùi đi khám bệnh. Cũng chẳng cần trang điểm đậm như sắp đi chụp ảnh thời trang. Ví dụ nhé: đánh son môi, sơn móng tay chẳng hạn, đã che mắt thầy thuốc về triệu chứng thiếu máu hay tím tái, nếu có.

Bác sỹ Lê Đình Phương - Theo Lửa ấm

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Cho trẻ đi sớm, chân có bị vòng kiềng?



Con tôi mới 11 tháng tuổi, cháu đã bắt đầu vịn giường đi men. Chồng tôi ngày nào cũng dẫn cháu đi loanh quanh trong nhà, nói rằng như thế cho cháu nhanh biết đi. Tôi thì sợ nếu ép cháu đi sớm quá sẽ khiến cháu bị vòng kiềng. Rất mong nhận được lời khuyên của bác sĩ.

Trần Thị Lý (Thái Bình)

Trả lời:

Trẻ biết đi sớm hay muộn hoàn toàn phụ thuộc vào bản năng, sức khoẻ và độ cứng cáp của trẻ. Việc ép trẻ đứng, đi sớm sẽ gây những tác hại cho sức khoẻ của trẻ sau này.

Tổn thương dễ nhận thấy nhất là ở vùng chân hoặc có dáng đi bất thường. Phổ biến là dáng vòng kiềng, chân đi hình chữ X (đầu gối tì vào nhau, hai bàn chân xòe ra ngoài), chữ O (đầu gối khuỳnh ra ngoài) và chữ K (một chân thẳng, một chân cong), bàn chân bẹt... Đây là hậu quả của việc lạm dụng xe tập đi khi trẻ mới 6 - 7 tháng tuổi, hay do bố mẹ ép con đi sớm khi thấy bé bắt đầu vịn giường đứng lên. Do hệ xương, gân, cơ, dây chằng chưa phát triển đủ để đáp ứng với việc đi lại, hệ vận động của trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu, dễ biến dạng xương chân. Đó là chưa kể, việc lạm dụng cho trẻ sử dụng xe tập đi quá sớm, quá nhiều có thể sẽ làm chậm khả năng biết đứng, biết đi của trẻ bởi trẻ đã quen di chuyển mà không cần cố gắng, lười tập đi bằng đôi chân thực sự của mình.

Trường hợp trẻ bị bất thường về dáng đi như chân cong, bàn chân xoay trong, khó khăn khi ngồi khoanh chân, đi hay bị vấp ngã... cần cho trẻ đi khám sớm, tốt nhất trước khi trẻ được 30 tháng tuổi để được điều trị kịp thời.

ThS. Lê Hưng - Theo SKĐS

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Nhường nhịn chồng




Vợ chồng mình vốn được bạn bè xem là một trong những cặp hạnh phúc. Em vừa là người vợ đảm, vừa là một người bạn thân thiết của anh nên bọn mình có thể chia sẻ với nhau được rất nhiều điều.

Có thể, vì ta có chung nhiều thứ, cùng lớn lên thời bao cấp khó khăn, cùng sống những năm tháng du học sinh khi còn trẻ, cùng lăn lộn với thời kinh tế thị trường, lại bằng tuổi nên dễ hiểu nhau. Nhưng đôi lúc, vợ chồng “bằng vai phải lứa” quá cũng làm anh thấy khó chịu. Anh không thích mỗi lần tranh luận, em buông câu: “Cho anh thắng”. Em đâu biết, anh tranh luận không phải để tranh phần thua thắng với em mà chỉ bảo vệ quan điểm của mình.

“Cho anh thắng!”, anh biết không phải khi đó em công nhận anh, mà nhận ra trong giọng nói, thái độ của em có cả thách thức, không thèm chấp. Lúc đó, anh có cảm giác bị coi thường và ấm ức. Nhưng, anh có cố thanh minh hay giải thích thêm cũng vô ích, bởi em sẽ phẩy tay, quay mặt đi. Anh thấy mình bị xúc phạm.



Anh không nhớ chúng ta bắt đầu từ đâu, vấn đề gì mà tranh luận. Đôi lúc có thể từ một lý do lãng xẹt, hoặc từ quan điểm về một việc hoàn toàn không liên quan đến bọn mình. Loanh quanh một vòng rồi anh lại nhận được kết thúc thật khó chịu khi em buông một câu “cho anh thắng”. Phải chăng vì khi yêu em, anh đã nhường em nhiều quá? Phải chăng vì chúng ta là bạn nên em nghĩ có quyền bình đẳng. Vợ vẫn là “em”, chồng vẫn là “anh” mà!

Giá như khi tranh luận, em chịu khó lắng nghe một chút. Và quan trọng, khi kết thúc vấn đề, em chịu khó nhẹ nhàng hơn một chút. Ông bà bảo “cơm sôi bớt lửa” mà em lại đổ thêm dầu vào lửa. Anh thấy buồn, thỉnh thoảng cảm thấy không được em cảm thông tôn trọng, dù anh không phải là người bảo thủ và nóng nảy. Anh vẫn nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và em biết đó, anh vẫn sẵn sàng xin lỗi em nếu anh sai.

Đàn ông ít khi chấp nhận thua hay công nhận người khác đúng ngay. Phải được suy nghĩ, tranh luận, lật qua lật lại vấn đề, thậm chí phải trải nghiệm. Anh vẫn biết vợ chồng cần trao đổi, chia sẻ, thậm chí tranh luận mọi vấn đề để hiểu nhau hơn. Phải công nhận, em là một người phụ nữ thông minh và hiểu biết, mình có thể bổ sung cho nhau rất nhiều. Anh vẫn luôn muốn được cùng em chia sẻ. Chỉ có điều, cách kết thúc cuộc tranh luận của em sao nặng nề và... thua đủ quá. Anh không thấy vui mỗi khi được em cho phần thắng về mình; chỉ thấy hụt hẫng, ấm ức.

Cảm giác khó chịu đó tuy không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng mình nhưng nếu điều chỉnh sớm, có lẽ em sẽ giúp chúng ta sống vui vẻ hơn. Anh muốn trong mỗi lần tranh luận, cả hai ta cùng thắng, bởi tận cùng đó chính là gia vị cho “thực đơn” gia đình ngày mỗi đậm đà, nồng nàn...
Theo Dân trí

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010

Ngại đến trường khi vào lớp 1


Luôn bày trò để không phải đến trường là vấn đề nhiều phụ huynh lo lắng khi trẻ mới vào lớp 1.

Ngọ nguậy không yên trên lớp, mải chơi, giận dỗi vì không được ngồi chỗ mình thích, không chịu đi học vì “không yêu” cô giáo… là những "chiêu" khiến phụ huynh "toát mồ hôi" sau mấy ngày bé vào lớp 1.

Nằng nặc đòi chuyển trường

Anh Hoàng Thanh, nhà ở phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, dù con gái anh đã trải qua một tháng sinh hoạt hè làm quen ở trường, nhưng đến bây giờ cháu vẫn chưa thể ngồi yên được 5 phút để học.

Buổi tối về nhà ngồi kèm con học, vợ chồng anh rất vất vả vì sự thiếu kỷ luật của con. Cứ viết được một chữ là con kêu mỏi tay, viết thêm một chữ nữa thì con kêu "buồn tè", lúc nào cũng cứ nhấp nha nhấp nhổm, không tập trung. Ở trường, cô giáo phản ánh rằng, thỉnh thoảng con còn tự do đứng dậy, đi lại trong lớp. Cô nhắc nhở được một lúc thì đâu lại vào đó.

Cũng là những lo lắng về trẻ trong những ngày đầu đến lớp, chị Hà An (đường Tô Hiệu, Hà Nội) kể rằng, con chị đi học được hai ngày thì không muốn đến lớp nữa, cháu nằng nặc đòi bố mẹ chuyển trường. Vì theo cháu: "Bạn A cứ trêu con. Bạn ấy rất là đầu gấu. Con không thích các bạn lớp con, con thích các bạn ở mẫu giáo hơn".

Tại một số diễn đàn trên Internet, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự lo ngại khi mới vào lớp 1 mà trẻ đã có tâm lí ngại đến trường. Có trẻ thì sợ cô giáo vì "bị phạt do không chịu ngồi yên"; Có trẻ thì thấy môi trường lạ lẫm, thu mình lại, không giao lưu tiếp xúc với các bạn mới...

Khuyến khích con

Khi cần trao đổi hay góp ý với giáo viên về vấn đề của con mình, phụ huynh không nên nói cho con biết là "bố đã nói với cô rồi", "mẹ đã góp ý với cô rồi, con yên tâm"… Nói với trẻ điều này không khác gì đưa đến cho trẻ một thông điệp "mình đã có một cái ô, mình đã được bố (hoặc mẹ) che chở nên mình làm gì cũng được".

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Mai Hoa - Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống cho rằng, đây là những hiệu ứng tâm lý bình thường ở trẻ khi mới chuyển đến một môi trường học đường xa lạ. Việc trẻ nói thích bạn này, ghét bạn nọ, không thích cô, không muốn đi học... chỉ nói lên rằng bé chưa làm quen được với môi trường mới.

Để giúp bé, cách tốt nhất là bố mẹ nên khuyến khích bé kể chuyện ở lớp, ở trường. Từ những câu chuyện của bé, bố mẹ phân tích đúng sai để giúp bé hiểu những ứng xử của bạn, của cô... Thời gian lắng nghe bé kể chuyện trường lớp tốt nhất là ở cổng trường - lúc bé vừa ra khỏi lớp. Lúc này, câu chuyện đang "nóng hổi", bé sẽ kể hết nếu có người "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu". Nếu đợi lúc về nhà, ăn cơm xong thì câu chuyện của bé đã nguội, thậm chí bé đã quên hết. Nhiều phụ huynh đang lúc mệt mỏi, thấy con nói nhiều thì gắt gỏng hoặc tìm cách hoãn binh "tối về nhà con kể nhé". Điều này sẽ khiến bé cảm thấy không được bố mẹ quan tâm.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Mai Hoa cho rằng, phụ huynh nên để ý đến mọi biểu hiện trên nét mặt, hành động và lời nói khi đến đón con ở cổng trường. "Nếu thấy bé buồn thì hỏi "hình như con đang buồn phải không? Điều gì làm con buồn như vậy?", để tìm cách chia sẻ. Tương tự, nếu con được cô giáo khen, con làm điều tốt thì phải khuyến khích để tăng niềm vui khi đến trường của bé", bà Hoa tư vấn.

Chú ý khi “tiếp xúc” giáo viên

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Quỳnh Chi, Trung tâm tư vấn An Việt Sơn, để giúp con làm quen với lớp học mới, ngoài việc lắng nghe và thấu hiểu con, cha mẹ nên có sự trao đổi thường xuyên với giáo viên. Điều này sẽ giúp cô giáo hiểu hơn tính cách của trẻ, từ đó có cách giáo dục phù hợp, giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập.

Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết cách trao đổi và góp ý với giáo viên một cách có hiệu quả. Theo bà Quỳnh Chi, sai lầm thường thấy nhất ở phụ huynh là phản ứng một cách nóng vội khi biết con bị cô phạt, đánh, mắng. Nhiều người vì "xót con" nên đã gặp ngay giáo viên, thậm chí là gặp ban giám hiệu để phản ánh. Điều này dễ dẫn đến tâm lý ác cảm ở giáo viên. Hơn nữa, việc bố mẹ đứng về phía con, bênh vực con (kể cả khi cô giáo sai) cũng sẽ tạo nên những hiệu ứng tâm lý không tích cực ở trẻ. Trẻ sẽ ghét cô hơn, không vâng lời cô và không nhận ra lỗi của mình.

Lâm Vũ - gia đình

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

Bạn trai luôn "vênh váo" là giỏi về sex

"Bạn trai tôi luôn khoe khoang là giỏi chuyện giường chiếu và chúng tôi bắt đầu đưa ra một thách đấu xem sau này ai sẽ là người 'yêu' giỏi nhất..."

"... Một ngày nào đó, chúng tôi có thể sẽ làm 'chuyện ấy' và tôi muốn tạo ấn tượng cũng như hạ bệ anh ấy. Hãy mách cho tôi những thủ thuật để có thể 'đánh bại' bạn trai".
Tất nhiên tôi có thể mách cho bạn một số thủ thuật nhưng tôi thẳng thắn nói với bạn rằng tôi không muốn làm vậy. Bạn đã tuyên bố một cuộc chiến tranh trên giường ngủ trong khi bạn thậm chí còn chưa biết tình dục là như thế nào.
Một sự chòng ghẹo nho nhỏ như ai sẽ là người “yêu” giỏi nhất có thể tạo hứng khởi và khơi mào cho màn dạo đầu. Nhưng nếu như bạn muốn “hạ bệ” anh ấy thì điều đó không mang nghĩa chòng ghẹo hay tán tỉnh nữa. Nó cũng không mang nghĩa yêu đương.
Giường ngủ không phải là nơi để ghi điểm hay chứng tỏ điểm số, đặc biệt nếu đó là lần đầu tiên bạn quan hệ tình dục. Tôi đã nhận được rất nhiều lá thư hỏi mẹo tạo ấn tượng trong lần quan hệ đầu tiên. Thông thường họ muốn biết làm sao để biến đó thành một đêm đặc biệt, làm sao để không có cảm giác lo lắng, hay làm sao để có trải nghiệm tuyệt vời với bạn tình.
Tôi chưa từng nghe thấy câu hỏi làm sao để “chiến thắng” bạn tình trên giường ngủ. Nếu bạn nghĩ đây là một mối quan hệ tình cảm hơn là một cuộc thi thì bạn không nên có ý nghĩ đó. Khi ấy, hai bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn trong mối quan hệ cũng như “chuyện ấy” sau này.

Theo Notw/Báo Đất Việt

Bố mẹ tiến sĩ, con học dốt

Người ta thường nghĩ bố mẹ giỏi thì con cái được thừa hưởng gene và tự khắc giỏi. Thực tế không ít trường hợp ngược lại.

Kỹ năng sống quyết định thành công của trẻ sau này.
Ảnh minh họa
Mặc dù cả hai vợ chồng chị Đan đều ham học và đã có bằng tiến sĩ nhưng cô con gái thì ngược lại. Cô bé ghét phải đến trường mỗi sáng và kết quả học tập thường đứng ở cuối lớp.
Bé Kim Vân, 10 tuổi, con gái chị Đan (phố Cự Lộc, Thanh Xuân, Hà Nội) năm nay đang học lớp 5. Chị Đan và chồng đều là tiến sĩ, giảng viên đại học, được mọi người đánh giá cao về tri thức, trình độ. Vợ chồng chị đều ham học từ bé và đến nay vẫn say mê nghiên cứu.
Nhưng ngược với bố mẹ, bé Vân dù mới ở bậc tiểu học mà chỉ đạt kết quả học tập rất lẹt đẹt. Chị Đan cũng đã chú ý kèm con và còn thuê cả gia sư giỏi về tận nhà kèm, nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Bé Vân vẫn tỏ ra không hứng thú với việc học, thậm chí còn ghét phải đến trường mỗi sáng.
Chị Đan rất đau đầu về việc học hành của cô con gái và còn có cảm giác xấu hổ với bạn bè đồng nghiệp vì “mang tiếng giỏi mà không dạy nổi con”.
“Không hiểu con bé giống ai nữa, hai vợ chồng đều là tiến sĩ mà đi họp phụ huynh lần nào nghe cô giáo đọc kết quả xếp hạng, con mình cũng đứng gần cuối lớp”, Đan than thở.
Một trường hợp khác là cu Hiếu, con trai của vợ chồng Nam – Linh (Thụy Khuê, Hà Nội). Từ thời còn đi học, cả hai đều là dân “trường chuyên” với những thành tích học tập rất đáng nể. Khi sinh con, hai vợ chồng đều rất tự tin nghĩ cả bố và mẹ suốt thời đi học đều đứng nhất nhì lớp thì con cũng sẽ như thế hoặc có kém thì cũng đứng thứ ba, thứ tư là cùng.
Nghĩ thế nên vợ chồng Nam không bắt ép con học quá nhiều và để cho con tự học theo ý thích là chính. Cu Hiếu cũng thể hiện là một đứa trẻ thông minh, tiếp cận với mọi vấn đề khá nhanh, nhưng lại có nhược điểm là quá hiếu động và ít khi tập trung vào việc gì được trong thời gian dài.
Ngay từ năm lớp một, kết quả học tập của Hiếu đã không tốt nhưng anh Nam vẫn không cho là quan trọng. Tuy nhiên đến lớp hai rồi lớp ba, tình hình vẫn không thay đổi. Hiếu thường bị cô giáo nhận xét là không tập trung vào bài học; bài được giao thì làm xong rất nhanh nhưng hay làm sai.
Đến lúc này, anh Nam mới thực sự để ý đến khả năng học tập của cậu con trai và để tâm kèm cặp cho cu cậu nhiều hơn. Thế nhưng mỗi lần được bố ngồi kèm và hướng dẫn thì Hiếu làm bài đúng bài, còn không thì có khi cu cậu làm sai cả những phép tính đơn giản nhất. Vợ chồng Nam băn khoăn, nghi ngờ không biết con mình có thực sự được thừa hưởng gene thông minh từ bố mẹ hay không.
Chỉ thông minh chưa chắc đã học giỏi
Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Công Khanh (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng để đạt được kết quả học tập tốt, ở mỗi học sinh cần hội tụ, kết hợp nhiều yếu tố đan xen, tương hỗ.
Một đứa trẻ có tư chất tốt, chỉ số thông minh cao thì điều đó cũng chỉ quyết định được 20% khả năng thành công ở học đường. Phần còn lại là các yếu tố như khả năng hòa nhập, thích ứng với cộng đồng (cụ thể ở đây là trường lớp, bạn bè); sự hứng thú với việc học tập, khả năng kiên trì thực hiện nhiệm vụ của bài học, khả năng chú ý, biết lắng nghe cô giáo, khả năng cảm nhận được những lời khen và cả lời chê của mọi người để biết tự đánh giá bản thân… Kết hợp tất cả những yếu tố đó mới có thể đem lại thành công trong kết quả học tập của trẻ.
Trước đây nhiều người vẫn cho rằng, gene di truyền là yếu tố quyết định trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học hiện đại đã chứng minh sự phát triển trí tuệ, tri thức của mỗi người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bổ sung cho nhau.
Trong đó, yếu tố môi trường tiếp xúc, sự tương tác với xã hội góp phần đặc biệt quan trọng. Vì thế, theo tiến sĩ Khanh, việc đứa trẻ có bố bà mẹ rất tài giỏi, thông minh, bản thân nó được thừa hưởng gene tốt đó nhưng khi đi học lại không phát huy được cũng là chuyện bình thường.
Nguyên nhân có thể từ chính đứa trẻ như thiếu kỹ năng sống, khả năng thích nghi học đường kém, thiếu tự tin, nhút nhát nên không chơi được cùng bạn, và không có điều kiện để thể hiện bản thân.
Tiến sĩ Khanh từng gặp trường hợp: đứa trẻ hiểu và có thể làm tốt bài tập cô giao nhưng vì nhát nên không dám giơ tay phát biểu, khi được gọi lên bảng thì lúng túng, dẫn đến kết quả sai và nhận điểm kém. Tình huống này nếu xảy ra nhiều lần sẽ càng khiến trẻ tự ti, không muốn cố gắng nữa.
Lại có những đứa trẻ quá hiếu động, từ ngữ chuyên môn gọi là “tăng động”, dù thông minh nhưng cũng không đạt kết quả học tập tốt. Nó hiểu vấn đề rất nhanh nhưng không bao giờ chịu ngồi yên. Trong lớp, cô giáo có dạy gì nó cũng không chú ý. Những đứa trẻ này thường thiếu tính kiên trì, nhanh chán nản và không mấy khi tập trung lâu vào bài học, thường bị nhận xét là “nhanh nhảu đoảng”.
Có khi lỗi ở cha mẹ
Một số cha mẹ chủ quan, cho rằng mình giỏi thì con cũng đương nhiên thừa hưởng trí thông minh đó và tự nó cũng học giỏi được mà không cần phải rèn giũa quá nhiều. Họ cho rằng với những thiết bị, sách báo đầy đủ, hiện đại, chắc chắn con mình sẽ học giỏi vì ngày xưa họ không có điều kiện như thế mà vẫn học tốt và thành đạt được.
Thông thường, bố mẹ tài giỏi cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ bận bịu, ít có thời gian chú ý đến con cái mà phó mặc cho thầy cô, ông bà, người giúp việc. Họ có thể kiếm được nhiều tiền, cho con cuộc sống đầy đủ về vật chất.
Trẻ được bảo bọc trong điều kiện lý tưởng, không phải va vấp nhiều với thực tế xã hội bên ngoài… Điều này cũng có mặt trái là làm cho các kỹ năng sống, hiểu biết thực tế của trẻ bị thiếu hụt nhiều.
Trẻ chỉ biết đến các trò chơi điện tử, xem ti vi... Những hình thức giải trí này không có tác dụng nhiều đối với việc tiếp thu tri thức của trẻ mà ngược lại còn làm cho trẻ mất dần khả năng tương tác xã hội, khả năng đặt câu hỏi khám phá, không có nhu cầu giao tiếp và hậu quả là quá trình tư duy cũng bị chậm lại, thiếu sáng tạo.
Giải quyết vấn đề này, trước tiên cha mẹ cần đánh giá con có những khả năng gì, điểm mạnh và điểm yếu trong tính cách, từ đó chú ý rèn dạy những kỹ năng mà con đang thiếu hụt, phát huy những điểm mạnh.
Tốt nhất, nên tìm đến các nhà tư vấn tâm lý lâm sàng về lứa tuổi của con để có những lời khuyên tốt nhất cho tình trạng của trẻ. Cha mẹ cũng nên rèn dạy con một số kỹ năng từ khi trẻ mới 2- 3 tuổi và kéo dài đến cả sau này.
Nên tranh thủ thời gian chơi cùng con nhưng không áp đặt mà để cho trẻ tự nhiên bộc lộ hết khả năng, tính cách của mình. Từ đó, cha mẹ có hướng uốn nắn, tạo cho trẻ những thói quen tích cực như ham khám phá, đặt câu hỏi và tự tìm ra lời giải đáp với những sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh. Điều đó sẽ giúp cho trẻ phát triển tốt khả năng học hỏi sau này.
“Những đứa trẻ thông minh nếu không được rèn luyện, hướng dẫn thì năng lực của nó cũng có thể bị thui chột, mai một đi” , tiến sĩ Khanh nhận xét.
Theo Báo Đất Việt

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Điểm G của quí ông, ở đâu?


Nữ có điểm G, còn nam giới có không? Vai trò của điểm G ở nam như thế nào? Không ít người rất tò mò về chuyện này.

Theo các chuyên gia: Với một số nữ, điểm G vẫn còn mơ hồ, còn điểm G ở nam là một bí mật. Điểm G được Ernest Graefenberg phát hiện ra từ năm 1950 là vùng phát sinh cảm giác mạnh nhất; nằm cách thành vùng kín khoảng 3-4cm, đây là vùng tạo ra sự hưng phấn và thích thú mạnh.

Tuy nhiên, điểm G không rõ rệt với mọi phụ nữ. Nếu như có phụ nữ nào không cảm thấy gì đặc biệt trong quan hệ tình dục thì cũng nên biết: Sự kích thích và hưng phấn tình dục ở mỗi người rất khác nhau. Những động tác khởi đầu bao giờ cũng được coi là có giá trị lớn để phát sinh hưng phấn và khoái cảm. Tư thế tình dục cũng góp phần tạo ra cảm giác tình dục mạnh.

Khám phá những khu vực phát sinh khoái cảm ở nam giới không phải là chuyện dễ dàng. Liệu quí ông có một khu vực nào đó nếu được kích thích thì sẽ dẫn đến đỉnh điểm cảm giác như nữ không?

Theo giáo sư Gerard Leleu (trường ĐH Anh) thì điều đó có thể lắm vì có một vùng nhỏ mà ông đặt tên là “vùng gây cương dương” nằm ở đáy chậu, nếu được mơn trớn nhè nhẹ sẽ tạo ra khoái cảm, làm tăng khả năng dũng mãnh, thậm chí nếu bạn tình nữ khéo léo, còn có thể gây ra xuất tinh.

Phải chăng chính vùng nhỏ đó tương đương với điểm G. Mà vùng nhỏ đó hình như lại ứng với một khu vực rất thiết yếu để tạo ra cảm giác dễ chịu - đó là tuyến tiền liệt! Vậy nếu thực sự không có điểm G giống như nữ thì một số quí ông cũng cảm thấy rất dễ chịu khi được thầy thuốc ấn nhẹ vào tuyến tiền liệt qua đường thăm ở phía sau.

Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ chỉ bằng hạt dẻ tây, nằm ở cổ bàng quang, có niệu đạo đi qua, không chỉ góp phần tạo ra tinh dịch mà tham gia cả vào việc tạo ra khoái cảm và sự xuất tinh. Khi các ống dẫn tinh đã đầy ứ thì tuyến tiền liệt co và gây ra xuất binh. Tiếp theo là các cơ hành hang co và đẩy tinh binh ra thành từng nhịp qua đường niệu đạo. Những cơn co thành nhịp của nhóm cơ hành hang góp phần rất lớn vào việc tạo ra cảm giác đỉnh điểm của hành vi tình dục.

Song trên thực tế, có mấy nam giới chấp nhận bạn tình làm động tác như thầy thuốc để tạo ra khoái cảm cho mình... Đó cũng là lí do để người ta nói rằng nữ giới được hưởng lợi nhiều hơn nam trong quan hệ tình dục.

Hà Hương
Theo CLEO

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

Đại gia Việt dạy con tiêu tiền

Trong khi các bậc phụ huynh thường ngại cho con em mình "dính líu" đồng tiền từ quá nhỏ, thì bài học vỡ lòng doanh nhân dùng để giáo dục con là biết sử dụng đồng tiền đúng cách.
Theo tổng giám đốc của một doanh nghiệp xăng dầu lớn ở TP HCM, với một số đức tính của con cái, ông quan niệm “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, song riêng cách chi tiêu của trẻ thì cha mẹ là người hoàn toàn có thể giáo dục và định hướng được.

Vợ chồng ông vì thế rất nỗ lực trong việc dạy con hiểu được giá trị đồng tiền. Con lớn của ông giờ đang học ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, ngay từ hồi 7 - 8 tuổi đã có một cuốn sổ riêng ghi chép các khoản chi tiêu trong ngày.

“Nhờ ghi vào sổ sách nên lần sau cháu nhớ được giá trị của từng món đồ đã từng mua. Và lần sau cần mua thêm quyển sách, quyển vở hay quà vặt, đồ chơi, cháu tự bảo bố mẹ cho xin ngần này tiền để mua món đồ này. Vì thế, có lần chúng tôi rất ngạc nhiên khi mới học lớp hai mà cháu đã thắc mắc cửa hàng gần trường bán đồ đắt hơn gần nhà và nói: lần sau con sẽ về gần nhà mua cho rẻ”, vị doanh nhân hào hứng kể.

Ông cũng cho biết, khi có thêm con thứ hai (năm nay lên lớp 6) tuy tuổi cũng không còn trẻ nhưng hai vợ chồng ông không hề vất vả gì trong việc giáo dục con cách tiêu tiền, vì cháu cứ theo “nếp” nhà và học theo anh cả mà làm.

Ông tâm sự là rất e ngại về việc hiện nay nhiều trẻ mới học cấp một nhưng hàng ngày được bố mẹ cho rất nhiều tiền tiêu vặt nhưng các bậc phụ huynh lại không dạy con hiểu được giá trị đồng tiền, cũng không cần biết con tiêu những gì.

"Con của một người bạn tôi dù đã học lớp 5 rồi nhưng vẫn không biết giá một tô bún cháu thường ăn sáng là bao nhiêu. Có những người hoàn cảnh khá giả nên trước mặt con vô tình hay thể hiện gia đình họ là tầng lớp giàu có, con cái sau này sẽ thừa hưởng cả gia tài kếch xù. Điều này rất nguy hiểm, dễ khiến con cái có suy nghĩ ỷ lại và không cần cố gắng học tập, lao động, tiêu xài phung phí", ông nói.

Một phó tổng giám đốc của Ngân hàng thương mại CP An Bình thì lại chia sẻ một số cách dạy trẻ sử dụng và tiết kiệm tiền rất thú vị đó là thông qua các trò chơi.

Ông kể, hồi con mới 5 - 6 tuổi, hai vợ chồng đã cắt giấy để vẽ các tờ tiền giả, sau đó đút tiền giả vào một cái ví cũ, đưa cho con để chơi đồ hàng. Thường bố mẹ vào vai người bán thịt, rau, cá, còn con là khách mua. “Chẳng hạn khi con mua một lạng thịt heo giá 7.000 đồng, con đưa tờ 10.000 đồng thì mẹ sẽ hỏi “tôi phải trả lại cho cô/bà bao nhiêu tiền ấy nhỉ?”, lúc đó con tôi buộc phải tính tiền thối lại. Đến cuối buổi, chúng tôi thường hỏi hôm nay con đi chợ hết nhiều tiền không, cá đắt hơn hay thịt, rau đắt hơn. Mỗi lần được khen tính đúng là con bé rất vui”.

Ngoài ra, còn rất nhiều trò chơi khác giúp trẻ làm quen với việc tính và phân biệt tiền, như đi tìm kho báu hay xếp tiền. Trò xếp tiền rất đơn giản, chỉ cần bỏ lộn xộn cả tiền xu và tiền giấy, tiền polyme với các mệnh giá 200, 500, 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 đồng… vào một chiếc hộp, sau đó yêu cầu bé xếp các tờ tiền có trị giá tương đương nhau lại thành một chồng, để bé phân biệt được các loại tiền có giá trị lớn bé khác nhau.
Vợ chồng ông Trần Văn Chín, Chủ tịch HĐQT VMC Group, cũng có cách dạy con sử dụng và quản lý tài chính cá nhân rất độc đáo. Gia đình ông hiện có hai con trai đều đang học tiểu học. Từ hồi bé, hai cháu đã được bố mẹ giải rằng, tài chính cũng có nhiều khoản mục như nhu cầu thiết yếu, hưởng thụ, tiết kiệm… và phải biết lấy tiền từ khoản nào để chi cho một việc cụ thể nào đó.

Vợ chồng ông Chín thuê thợ đóng cho mỗi cháu 6 chiếc hộp gỗ nhỏ xinh, tượng trưng cho 6 “tài khoản” trong ngân hàng của mỗi cháu, gồm tự do tài chính 10%, dự phòng 10%, nhu cầu thiết yếu 50%, tài khoản hưởng thụ 10%, tài khoản học tập 10% và tài khoản từ thiện 10%. Những chiếc hộp được sơn các màu xanh, đỏ, trắng, đen, vàng, xám để các cháu dễ phân biệt.

Vợ chồng ông Chín đã dày công lập ra quy trình thu nhập của hai con, để các cháu căn cứ vào đó kiếm tiền bỏ vào các hộp tài khoản. Chẳng hạn các cháu được điểm cao, biết tiết kiệm điện nước, biết nhường nhịn người khác, biết sinh hoạt cá nhân hay chơi thể thao đúng giờ giấc… đều được thưởng tiền. Nhưng số tiền này hai con của ông Chín không được phép sử dụng tùy tiện, mà khi làm việc gì các cháu đều phải tính toán.

Ví dụ, tiền ăn sáng các cháu phải lấy từ tài khoản nhu cầu thiết yếu, mỗi lần gia đình đi du lịch thì các cháu có thể mang theo một ít tiền từ tài khoản hưởng thụ để mua quà cho bạn bè. Khi có việc gì bất ngờ cần đến tiền để mua như mua bim bim cho một em bé hàng xóm qua chơi…, các cháu sẽ trích từ tài khoản dự phòng để chi tiêu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty sách Thái Hà, cũng là người trực tiếp giảng dạy nhiều lớp doanh nhân, trong đó có việc hướng dẫn họ cách dạy và cùng con quản lý tài chính, cho biết: “Một nghiên cứu của tôi chỉ thấy rằng 74% các em nhỏ là con cái các doanh nhân ở Việt Nam không được hướng dẫn về quản lý tài chính cá nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này nhưng lý do chính vẫn là bố mẹ quá bận hoặc họ thấy việc này không phải là điều quan trọng trong việc giáo dục con cái lúc nhỏ. Ở nước ngoài, con cái được học cách sử dụng và chi tiêu tài chính cá nhân từ nhỏ. Có những cháu từ tiểu học đã học và ở tại những khu học xá, phải tự đi siêu thị, tự lo chi tiêu, ăn uống… Điều này khiến trẻ con ở phương Tây học được tính độc lập sớm hơn ở Việt Nam”.

Ông Hùng cũng cho hay, hiện nay nhiều doanh nhân tại Hà Nội và TP HCM đã nhận ra vấn đề này và ngày càng chú trọng hơn tới việc dạy con chi tiêu, quản lý tài chính cá nhân. Có những doanh nhân còn tự đọc sách, nghiên cứu và “thảo” ra một chương trình riêng thú vị cho con cái của họ.

Theo Đất Việt

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Chăm sóc trẻ bị ho cảm tại nhà

Trẻ em rất dễ bị viêm dường hô hấp, đặc biệt khi thời tiết thay đổi. Trong đó, đa số trường hợp là bệnh nhẹ với các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.

Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 7 ngày nếu được chăm sóc đúng cách.

Nhận biết trẻ ho cảm thông thường

Để biết chắc con mình chỉ bị ho cảm thông thường, phụ huynh cần thực hiện các bước sau:

Kiểm tra 4 dấu hiệu nguy hiểm:

- Không uống được hoặc bỏ bú: nghĩa là khi đút từng thìa (muỗng cà phê) nước hay sữa cho trẻ uống nhưng trẻ không nuốt được, hoặc trẻ không thể tự mút khi đưa vú mẹ vào miệng trẻ.

- Nôn tất cả mọi thứ: khi đút từng thìa nước hoặc sữa, trẻ uống được nhưng ngay lập tức trẻ nôn ra ngay. Cho trẻ ngưng vài phút, lặp lại như trên nếu trẻ vẫn ói ngay nghĩa là trẻ có dấu hiệu “nôn tất cả mọi thứ”.

- Co giật: trong cơn co giật, mắt trẻ thường “đứng tròng” hoặc “giật giật”, các cơ vùng mặt cũng co giật theo, hai tay, hai chân co quắp lại. Lưu ý, trẻ có thể sốt cao hoặc không sốt.

- Li bì: trẻ ngủ nhiều hơn bình thường và khó lay gọi, hoặc khi lay gọi trẻ mở mắt nhưng sau đó lại thiếp đi.

Kiểm tra các dấu hiệu nặng

- Thở nhanh: đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên trong một phút. Nếu nhịp thở từ 60 lần trở lên (đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi), 50 lần (đối với trẻ từ 2 – 12 tháng tuổi) và 40 lần (đối với trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi) thì trẻ đó thở nhanh.

- Thở co lõm ngực: quan sát lồng ngực khi trẻ nằm yên. Bình thường khi hít vào, lồng ngực hai bên nở ra. Nếu khi hít vào, hai bên lồng ngực lõm vào, trẻ bị thở co lõm ngực.

- Thở rít: phụ huynh để tai ở vùng mũi miệng trẻ, mắt quan sát vùng ngực - bụng. Bình thường khi trẻ hít vào, tai ta nghe được tiếng thở của bé có âm sắc nhẹ nhàng. Nếu tai ta nghe một âm sắc thô ráp khi trẻ hít vào, trẻ có dấu hiệu thở rít.

Trẻ bị ho cảm thông thường là trẻ chỉ ho, sổ mũi và không có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm và dấu hiệu nặng nào ở trên.

Hướng dẫn cách chăm sóc

Nếu trẻ bị ho cảm thông thường nên được chăm sóc đúng cách như sau:

- Tiếp tục cho trẻ ăn, bú: khi bị bệnh trẻ thường biếng ăn, biếng bú. Phụ huynh nên khuyến khích và cho trẻ ăn, bú nhiều lần trong ngày. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, cần làm thông thoáng mũi trước khi cho bú.

- Cho trẻ uống đủ nước. Nếu trẻ ho nhiều, có thể cho trẻ uống thuốc ho an toàn như: tắc chưng đường, mật ong, tần dày lá hoặc các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, làm thông thoáng mũi:

- Trẻ lớn: hướng dẫn trẻ hỉ mũi đúng cách. Hỉ mũi từng bên. Dùng ngón tay đè một bên mũi, hỉ mạnh bên kia và làm ngược lại. Lưu ý: không được bịt hai mũi cùng một lúc.

- Trẻ nhỏ: phụ huynh dùng giấy mềm xếp góc nhọn (bấc sâu kèn), đưa vừa đủ vào mũi trẻ. Làm vài lần đến khi sạch nước mũi. Trong trường hợp nước mũi đặc gây nghẹt mũi nhiều, phụ huynh nên dùng dung dịch natriclorua 0,9% nhỏ 2 - 3 giọt mỗi bên mũi, sau đó dùng giấy mềm làm sạch mũi như trên.

Theo dõi để phát hiện các dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay như: không uống được hoặc bỏ bú, thở mệt, sốt cao.

Những điều không nên làm

- Tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mũi có chất co mạch vì có thể gây ngộ độc cho trẻ - rất nguy hiểm.

- Dùng miệng để hút mũi trẻ vì có thể lây bệnh truyền nhiễm.

- Dùng tăm bông để ngoáy mũi vì có thể làm tổn thương mũi trẻ.

Theo BS. Ngọc Lan- giadinh

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

Dạy con cách chấp nhận thất bại



Em không cần con thi phải đạt thình tích cao. Em chỉ sợ nhìn thấy con em đau khổ và suy sụp khi thất bại!

Lời nói của cô em gái có con vừa thi học sinh giỏi cấp thành phố khiến tôi muốn nói với em : Hãy dạy con mình cách chịu đựng và vượt qua thất bại!

Bạn hạnh phúc khi con học giỏi, thành công nhưng cũng có lúc bạn phải khổ sở, thậm chí đau khổ khi con mình thất bại.

Cậu con trai của tôi là một người khá thông minh, nhanh nhẹn và sáng tạo. Từ khi còn rất nhỏ, bé đã học chơi cờ vua. Lên cấp II, con tôi đã có "một kho" cúp chiến thắng các giải đấu thiếu nhi. Huấn luyện viên luôn khen ngợi nó, bạn bè ngưỡng mộ nó. Thế nhưng một ngày kia, mọi chuyện bỗng trở thành tai họa khi nó gặp những thất bại đầu tiên. Nó nổi nóng, đập phá, gầm gừ một cách đáng sợ. Cuối cùng, chúng tôi đành phải quyết định ngưng việc luyện tập và tham gia thi đấu của con. Chúng tôi muốn nó suy nghĩ lại và có cái nhìn bình tĩnh hơn với cả chuyện thắng và thua.

Còn cậu con trai của em gái tôi thì khác. Nó học rất giỏi và thường đứng đầu lớp. Thế nhưng từ ngày lên cấp 3, mọi việc không còn được như vậy nữa. Nó chỉ đứng đầu trong một số môn. Lần đầu tiên, khi biết vị trí đứng đầu lớp không còn thuộc về mình, Bình thất vọng và khổ sở đến mức mẹ nó chỉ sợ nó tự tử. Kỳ thi học sinh giỏi lần này chưa có kết quả, nhưng nhìn con bước ra khỏi cuộc thi không còn chút sinh khí nào, mẹ nó đã biết rằng nó làm bài không như ý. Nó ủ rũ và chán chường đến mức khiến cả nhà hoảng sợ.

Gia đình đã phải tổ chức một cuộc vui nho nhỏ để động viên tinh thần thằng bé. Và bây giờ cả nhà gần như nín thở chờ kết quả thi dù đã động viên nó rất nhiều, nào là học tài thi phận, nào là chuyện thi cử có khi còn phụ thuộc vào may mắn…

Trong cuộc sống hôm nay, bạn luôn được các chuyên gia tâm lý khuyên: Hãy dạy con lòng tự tin, tự hào và kiêu hãnh về chính bản thân mình. Rằng tất cả những phẩm chất đó sẽ dẫn con đến với những thành công trong sự nghiệp mai sau. Chính vì thế, khi con mình thất bại, không ít ông bố bà mẹ đổ lỗi cho... ngoại cảnh, thậm chí là đổ lỗi cho những người khác.

Cũng như em gái tôi, thay vì nói với con trai rằng: “Con hãy rút kinh nghiệm xem, có phải do con quá chủ quan mà không chịu học những phần đó, do con quá tự tin mà không ôn bài kỹ... nên con không làm được bài hay không” thì em gái tôi lại nói: “Đề thi kỳ quái quá, mẹ nghe nhiều người nói vậy”… chẳng hạn ! Và thế là thay vì dạy con cách vượt qua những tình huống khó khăn bằng cách rút kinh nghiệm của thất bại, em gái tôi chỉ cố gắng làm cho con hết buồn…

Tôi đã thử hỏi “Làm sao dạy con vượt qua thất bại?” để hỏi nhiều người quen. Mỗi người có một câu trả lời khác nhau. Và phần lớn tập trung vào giải pháp như tôi và cô em gái đã làm. Hoặc cấm con không cho làm việc đó nữa, hoặc tìm cách đổ lỗi thất bại ấy cho một ai khác. Tất cả những giải pháp đó dường như là sự chọn lựa dễ dàng nhất nhưng hình như nó có hại nhiều hơn có lợi cho con bạn. Vậy đâu là giải pháp?
Hãy giúp trẻ rút kinh nghiệm

Hãy dành lời khen cho con nếu bạn biết rằng nó đã hết sức cố gắng, ngay cả khi nó không thành công như bạn mong đợi, đừng quá thất vọng và đổ lỗi cho người khác. Hãy cùng trẻ tìm ra những gì khiến nó dù hết sức cố gắng nhưng vẫn chưa thành công.

Biết động viên con

Những điểm số hiện tại không phải là thước đo sức học tập của con, vị trí thứ hai không có nghĩa là con không giỏi. Ngày hôm qua con đã bệnh nặng, con sốt, nhưng con đã hết sức cố gắng và điều đó với mẹ mới là quan trọng nhất. Những lời như thế của bạn sẽ có tác dụng khích lệ con trẻ

Bạn cũng đừng phóng đại hay thu nhỏ sự việc

Ai cũng đã từng thất bại trong cuộc đời mình, hãy làm cho trẻ hiểu được điều đó bằng cách lấy dẫn chứng từ chính những gì bạn đã từng trải qua. Cũng đừng im lặng khi trẻ thất bại, điều ấy sẽ làm chúng căng thẳng nhiều hơn với thắc mắc: "Vì sao mẹ và bố cũng không muốn nói tới điều đó? Có lẽ mình đã làm họ thất vọng kinh khủng”.

Đừng mang những mơ ước của mình áp đặt lên con trẻ

Bạn rất mong con thành công trong môn toán. Bạn nghĩ chỉ có giỏi toán mới được gọi là học sinh giỏi. Thế nhưng con bạn lại thích học… sinh vật. Với bạn điều ấy thật là vớ vẩn. Và vì thế, khi điểm toán của con chỉ trung bình, trong khi điểm sinh vật của nó tuyệt đối, nó được chọn vào đội đi thi học sinh giỏi môn sinh vật, bạn cũng chẳng thèm để ý, chẳng thèm khen ngợi, chẳng thèm chia sẻ niềm vui với con!

Con bạn sẽ có con đường thành công riêng phù hợp với chúng. Và nhiệm vụ của bạn là khích lệ chúng làm bất cứ điều gì mà chúng mong ước và có thể đặt hết tình cảm, nhiệt huyết của mình vào, chứ không phải bị lôi cổ theo những lối đi mà bạn chọn.

Nếu bạn bình tĩnh, con bạn sẽ bình tĩnh

Khi trẻ nổi nóng hay rủ rũ, bạn rất lo lắng. Nhưng có những người thật sai lầm khi họ cũng nổi nóng hay ủ rũ theo. Hãy dạy con cách kiềm chế cảm xúc của mình bằng cách làm gương cho con. Hãy ngồi xuống, trò chuyện với con một cách ôn tồn và lắng nghe con khóc, rên rỉ, than thở một cách điềm tĩnh. Con bạn sẽ học theo gương của bạn ngay lập tức khi nó hiểu rằng chưa có gì là ghê gớm xảy ra và không có gì là không thể cứu vãn.

Và cuối cùng điều quan trọng nhất là bạn hãy thể hiện cho con thấy dù con thành công hay thất bại, bạn vẫn yêu nó hơn tất cả chứ không phải là những điểm số hay chiến thắng.
Bạn yêu con vì chính con, chứ không phải vì con là một cậu bé tuyệt vời, hơn hẳn những cậu bé khác. Điều đó sẽ giúp trẻ an tâm và tin tưởng vào chính mình hơn!

Theo PNO

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Chị chồng - em dâu: Tốt sao cho đủ?


Tối qua, Thương đã gọi điện hỏi trước: “Em có cái váy đã mặc được một lần khi đi nghỉ mát. Giờ em mang bầu, bụng to mặc không vừa nữa. Chị mặc hộ em nhé”. Chị chồng cô cười hồ hởi, còn dặn: “Để đó cho chị. Em chị em mình người tương đương, mắc cái gì cũng vừa khít”. Thế mà khi cầm chiếc váy, có mặt cả nhà, chị chồng cô lại nói kiểu ấy. Mẹ chồng Thương còn thêm vào:“Mua váy mới mà mặc. Đáng bao nhiêu”. Chị chồng Thương tỏ vẻ miễn cưỡng, vứt cái váy vào góc ghế nhưng lại không quên mang theo khi ra về.

Sau mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, mối quan hệ giữa các chị em dâu trong nhà cũng có thể gây nên nhiều phiền phức

Chồng Thương có một người chị gái, cưới chồng và sống cách đó không xa. Biết chồng quý chị gái, Thương cũng muốn lấy lòng chị. Một lần, thấy chị chồng than kém ăn, mệt mỏi, Thương lặn lội đi bốc thuốc bắc biếu chị. Chẳng được chị chồng cảm kích và cũng chẳng được một lời cảm ơn, trái lại, Thương bị chê lên – chê xuống: “Thuốc có mùi mốc hay sao ấy. Không mua cẩn thận thì chết đấy”.

Cơm nước, mọi việc trong nhà, một mình Thương cáng đáng hết. Cứ cách ngày, vợ chồng, con cái anh chị chồng lại sang chơi, có khi ăn, ngủ tại đó nhưng chưa bao giờ, Thương được chị giúp rửa một cái bát. Cô có cảm giác, chị chồng nghiễm nhiên coi chuyện nhà là của em dâu.

Cùng cảnh với Thương, Tiên (quận 1, TP HCM) hết lòng chiều chị dâu nhưng chỉ chuốc lấy bực mình. Hai chị em làm cùng phố. Tiên chủ động rủ chị dâu đi ăn trưa và giành phần trả tiền. Vài lần đầu, cô còn thấy chị dâu thiện chí: “Để chị trả” nhưng nhiều lần sau, ăn xong là chị ngồi hí hoáy điện thoại hoặc báo có việc bận là đứng lên, đi luôn. Tiên bảo, biết thế cô không chiều chị dâu ngay từ đầu để đỡ nhận lại phần thiệt thòi cho mình.

Tốt sao cho đủ


Sau mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, mối quan hệ giữa các chị em dâu trong nhà cũng có thể gây nên nhiều phiền phức. Nhiều nàng dâu mới có suy nghĩ đơn giản là cứ hết lòng chiều bố mẹ chồng, chị em chồng là được đền đáp lại. Tuy nhiên, tình cảm có thể diễn biến theo chiều hướng không như nàng dâu mong muốn. Khi ấy, nàng dâu sẽ bị tổn thương vì ai cho đi, cũng mong được nhận lại. Chưa kể nàng dâu có thể trở nên oán ghét vì cách ứng xử không được tế nhị, tâm lý của chị em chồng.

Nguyên tắc là không nên cả nể để chiều ý của cả nhà chồng. Chuyện gì cũng có những giới hạn riêng. Hơn nữa, một người được chiều nhiều, dần dần sẽ thành thói quen, coi đó là chuyện đương nhiên, không cần đáp lại. Tâm lý em dâu mới về phải làm việc này, việc kia, mua cái này, cái kia, còn mình thì hiển nhiên được… nhận không hiếm ở các thành viên trong nhà chồng. Do đó, khi đã tạo thành thói quen thì rất khó để thay đổi. Hoặc nếu nàng dâu có ấm ức muốn thay đổi thì cũng không nhận được sự cảm thông của nhà chồng. Trái lại, có khi còn mang tiếng “dâu hư”, “đổ đốn”… gây sứt mẻ tình cảm.

Vì thế, nàng dâu cần xác định cái gì có thể làm, cái gì có thể từ chối. Cần nêu ý kiến của mình để nhà chồng hiểu và thông cảm với mình hơn.

Theo Afamily

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Ngủ với chồng của tình địch để trả thù



Biết chồng chán mình và có những biểu hiện khác lạ bao ngày nay, chi Liên đâm ra nghi ngờ. Chị ngấm ngầm theo dõi từng cử chỉ, động thái và các cuộc gọi đến, đi trong điện thoại của chồng. Chị theo dõi chồng cả lúc anh đi làm và ngầm phát hiện anh có bồ.

Hành trình theo dõi chồng…

Mặc dù chưa bắt tận tay, day tận mặt nhưng chị vẫn cho là chị không suy xét nhầm. Anh đã thay đổi rất nhiều và lý do vì sao thì chính chị cũng không hiểu. Có thể do chị đã quá mẫn cảm chăng? Đã nhiều lần chị không cho phép nghi ngờ anh nhưng lần này thì không thể.

Có lẽ tại chị đã quá hờ hững với chồng, tại chồng đã chán chị hay tại người đàn bà kia có sức quyến rũ quá lớn? Chị quyết định phải nhìn tận mặt người phụ nữ ấy, xem cô ta là ai mà có khả năng vượt mặt một người vốn được coi là đẹp như chị. Và rồi, chị đã lên kế hoạch theo dõi chồng và người phụ nữ trong quán café hôm đó.



Chính là cô ta, người đã khiến chồng chị lạnh nhạt và quên mất chị. (Ảnh minh họa)


Quán café nằm ngay bên góc con phố, gần cơ quan của chồng chị. Tất nhiên là không gian quá rộng nên anh cũng không thể để ý được có những ai ra vào đó. Và chị ngồi tại một góc đối diện, đeo kính đen để tránh ánh nhìn của chồng. Chị nhìn cho kĩ khuôn mặt người phụ nữ kia để nhỡ cho rõ. Nhưng thật không ngờ chị nhận ra người đàn bà đó, là người cùng cơ quan anh, đã đến nhà chị ăn cơm một lần cùng các đồng nghiệp khác. Chị sững sờ chột dạ…

Không còn nghi ngờ gì nữa, người đàn bà đó và anh đang nắm tay nhau, nhìn nhau âu yếm. Chính là cô ta, người đã khiến chồng chị lạnh nhạt và quên mất chị. Không thể để yên cho họ như thế, chị gầm gừ. Thì ra bao lâu nay họ đã có mối quan hệ ấy.

Chị Liên bắt đầu lục tìm trong danh bạ điện thoại của chồng tên của người đàn bà ấy. Rồi chị gọi điện đến cơ quan anh, giả mạo là khách làm ăn, muốn gặp chị ta. Thế rồi mọi thông tin về người phụ nữ đó chị Liên đã nắm trong tay.

Chị đến tận nhà của người phụ nữ kia, chỉ để nhìn xem bộ mặt của gia đình ấy, nhìn xem cuộc sống của chị ta ra sao mà lại nỡ đi cướp chồng của người khác. Chị Liên thật sự ngạc nhiên trước ngôi biệt thự khang trang, lỗng lẫy của gia đình đó. Hỏi ra mới biết rằng, chồng chị ta là một giám đốc doanh nghiệp. Nhưng có lẽ chính sự giàu có, lắm tiền nhiều của đã khiến cho gia đình chị ta không hạnh phúc. Chồng chị đi suốt ngày, bỏ quên vợ, lao vào công việc và các mối quan hệ xã hội, làm ăn khiến một người giàu sang như chị cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Và chẳng hiểu trời xui, đất khiến thế nào, một người chán chồng và một người chán vợ lại gặp nhau, họ đến với nhau và bỏ rơi chị.

Và cuộc tình với chồng của tình địch

Chị tò mò muốn biết người đàn ông đang sống cùng căn nhà với chị ta là ai, như thế nào. Và chị lại lập một kế hoạch tiếp xúc. Chị đến quán cà phê nơi mà chị biết anh ta vẫn ngồi ngâm nghê đọc báo mỗi khi đi làm. Làm sếp nên thời gian không mấy gò bó, thích đến thì đến, đi thì đi.

Chị Liên là một người đàn bà đẹp và sang trọng và khéo ăn, khéo nói nên việc tiếp xúc với một người đàn ông như anh ta cũng không phải là người khó. Hơn nữa anh ta cũng là lãnh đạo nên rất hiểu cách ứng xử xã hội. Hai người đã bắt đầu đi vào câu chuyện một cách tự nhiên sau vài lần chị tự tạo “hiện trường giả” là cùng sở thích uống cà phê sáng ở nơi đó. Thế rồi mối quan hệ trở nên thân thiết sau khi hai người có những tương đồng về công việc. Lại một kẻ chán vợ và một người muốn trả thù đã gặp nhau.

Chị không thể lý giải nổi tại sao chị lại thường xuyên đến quán đó nhiều đến thế mặc dù công việc tìm hiểu “tiểu sử” của người đàn ông kia coi như đã xong. Phải chăng chị đã đem lòng quý mến anh ta? Chị sợ những giây phút đó nhưng chị không thể điều khiển lòng mình thôi muốn gặp người đàn ông đó.

Và thật trớ trêu thay, trong lúc chán chồng, chị đã vô tình ngã vào lòng gã đàn ông giàu có ấy. Hai người quấn lấy nhau rất nhiều lần trong nhà nghỉ và khách sạn. Chính chồng chị đã đẩy chị vào con đường tội lỗi ấy. Nhưng chị thấy yêu người đàn ông này và chị cảm nhận được anh ta cũng rất yêu chị. Có lẽ từ lâu người vợ kia của anh ta đã quên mất trách nhiệm của mình, bỏ anh bơ vơ. Chị là người hiểu anh, hiểu tâm tư của anh nên đã lôi cuốn được anh ta ngã vào lòng chị, mê muội và say đắm.

Chị chỉ định ngủ với chồng người đàn bà đó để trả thù nhưng không thể ngờ rằng, chị đã có tình cảm với anh ta và chính anh ta cũng nhận ra rằng anh ta đang yêu chị. Chị quyết định đem hết chuyện của mình để nói với người đàn ông đó hi vọng được anh ta tha thứ. Nhưng chị không ngờ chính sự thành thật của chị lại khiến cho anh ta càng yêu chị hơn. Thật sự chị đã cảm nhận được điều đó.

Chị đang vô cùng lo lắng và băn khoăn liệu có nên bỏ chồng để lấy người đàn ông đang hết lòng yêu thương chị? (Ảnh minh họa)


Ở đời vốn thế, thứ mà ta đã có thì lại không mong ước khát khao nhưng khi ta vô tình đánh mất đi thì lại là lúc ta hối tiếc và ân hận. Sự việc bị phơi bày khi chính người vợ của anh ta phát hiện ra chị ngoại tình với chồng mình. Chị Liên thản nhiên không hề lo sợ bởi chị chỉ là người gây ra tội sau hai người đó. Anh chồng chị hiểu chuyện và hết lời xin lỗi vợ, mong vợ quay lại bên mình. Nhưng thật lòng, lúc này đây chị không còn tâm trí để suy nghĩ. Tình cảm chị đã dành hết cho người đàn ông kia nhưng còn ân nghĩa vợ chồng bao lâu nay thì sao? Chị không muốn bỏ chồng để mang tiếng xấu và người đàn bà kia cũng kiên quyết không từ bỏ anh mặc dù chính cô ta đã phản bội chồng mình trước.

Cuộc tình tay tư trong vòng xoáy không có lối thoát. Chị Liên thật sự không biết phải làm thế nào. Chị đang vô cùng lo lắng và băn khoăn, liệu có nên bỏ chồng để lấy người đàn ông đang hết lòng yêu thương chị?

Theo eva

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

Luyện trí thông minh cho con bằng tưởng tượng


Trí tưởng tượng của bé vô cùng phong phú. Bé nào cũng có những câu chuyện, lời nói ngộ nghĩnh chính người lớn không thể nghĩ ra. Đây là cách tốt nhất để luyện tập cho trí não của bé.

Tại sao nên khuyến khích bé tưởng tượng

Không ít bố mẹ đã đặt ra câu hỏi này. Câu trả lời thật đơn giản. Trẻ ở tuổi mẫu giáo bắt đầu có năng lực suy nghĩ trừu tượng và có thể tạo ra những thế giới tưởng tượng bất ngờ. Kỹ năng ngôn ngữ của chúng ta phát triển hơn nên chúng có thể diễn đạt tốt hơn suy nghĩ của mình.

Trò tưởng tượng giúp trẻ nâng cao sức sáng tạo của mình và thậm chí khuyến khích lối suy nghĩ có khoa học. Ví dụ khi chơi xây lâu đài, trẻ có thể đối mặt với những rắc rối và đi đến giải pháp. Chơi tưởng tượng với bạn bè dạy cách trẻ thảo luận và làm việc cùng nhau. Đây là cách tốt nhất để luyện tập cho não trẻ sau này.

Chị Hiền Chi – mẹ bé Mi ở Lĩnh Nam (Hà Nội) - cho biết: “Con gái tôi hồi trước vẫn sợ bác sỹ. Tôi sẵn sàng đóng vai bé bị đau răng, nhờ bác sỹ khám hộ. Bé rất thích và cảm thấy hào hứng lắm. Tôi giảng giải cho con nghe đi bác sỹ không phải là chuyện gì quá đáng sợ. Nhờ có bác sỹ, cả nhà được khỏe mạnh. Cháu thích lắm và không còn sợ bác sỹ nữa”.

Theo tự nhiên, bạn sẽ là người đầu tiên con bạn bắt chước. Sau đó bé mới đóng những vai khác trong thế giới của người trưởng thành như bác sỹ, cầu thủ, giáo viên… Và hiển nhiên, không phải tất cả mọi sự tưởng tượng đều dựa trên thực tế.
Trẻ ở tuổi mẫu giáo bị thu hút bởi những nhân vật như siêu anh hùng, công chúa bởi những nhân vật ấy có sức mạnh, tài giỏi và phép thuật. Ngoài ra, những người bạn ảo cũng có vai trò như một người phát ngôn để con bạn nói lên những điều mà trong những trường hợp khác bé có thể cần thời gian để chấp nhận. Bố mẹ cũng nên hướng dẫn sự tưởng tượng của con sao cho được đa dạng, phong phú.

Phát triển trí tưởng tượng cho bé

Theo mẹ Bông Meo trên diễn đàn Web Trẻ thơ, bố mẹ nên cho trẻ tiếp xúc nhiều với truyện tranh hội họa, các cảnh làng quê, đi thăm các danh lam thắng cảnh, các con thú lạ, xem 1 số chương trình tivi, những bộ phim hoạt hình có tính chọn lọc, giúp trẻ mở mang, hiểu biết, làm giàu thêm ý tưởng thì óc tưởng tượng cũng sẽ được mở mang thêm.

Khi bé được 2 tuổi, biết nói, óc tưởng tượng cũng trở nên phong phú hơn. Khi bé 4 tuổi, bố mẹ hãy cho bé chơi thật nhiều đồ chơi, đọc sách cho bé làm nâng cao khả năng tưởng tượng của con
Hãy kể cho trẻ nghe những câu chuyện cổ tích, thần thoại những câu chuyện đầy hứng thú, giàu óc tưởng tượng. Bố mẹ hoàn toàn có thể hỏi bé những câu như là: theo con thì con thỏ có lấy lại được nhà của con cáo không? Hoàng tử có lấy công chúa không?

Đừng quên khích lệ, động viên trẻ kể lại. Luôn động viên, khen ngợi con khi con có những ý tưởng mới cho câu chuyện. Không nên trách phạt hoặc nặng lời nếu con có những ý tưởng hơi kỳ cục. Hãy kiên nhẫn kể lại và hỏi lại ý tưởng của con.

Bố mẹ có thể tự sáng tác ra những bài thơ gần gũi với con người và đồ vật xung quanh bé. Điều đó vừa dạy dỗ con và tạo cho con biết óc tưởng tưởng phải như thế nào.

Em Bông nho nhỏ/ Học lớp 1 B/ Hôm nay học về/ Vừa đi vừa hát/ Thấy năm đồng bạc/ Của ai đánh rơi/ Bông nhặt lên rồi/ Đem trình cô giáo/ Tươi cười cô bảo/ Đáng khen em Bông/ Thấy của không tham/ Cho Mười điểm tốt.
Bố mẹ cần động viên khuyến khích các hoạt động của bé. Đừng cấm đoán hay can thiệp thô bạo cho rằng đó là những suy nghĩ viển vông, vớ vẩn, vô tích sự... Hãy cho bé khả năng tự học, nâng cao khả năng sáng tạo.

Theo Afamily

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Mẹo giúp bé ngủ ngon vào đêm


Sự phát triển trí tưởng tượng của bé cũng là một nguyên nhân khiến bé khó ngủ sâu. Điều này khiến cho việc hình thành thói quen ngủ đúng giờ của bé trở nên cần thiết hơn.

Bé và giấc ngủ

Bạn chính là người quyết định bé cần ngủ bao nhiêu. Phần lớn các bé trong độ tuổi 1-2 tuổi cần ngủ 10-13 giờ mỗi ngày bao gồm cả việc bé ngủ trưa nữa.

Một vài bậc cha mẹ thấy rằng, bé cần ngủ thêm vào ban ngày. Tuy nhiên, một số khác thì lại nghĩ rằng, chính vì do bé ngủ trưa nhiều nên ban đêm, bé ngủ ít và thường quấy mẹ. Họ nghĩ rằng, thời gian buổi trưa nên cho bé chơi hoặc thư giãn bằng việc đọc sách. Nên kết hợp thời gian ngủ trưa và thời gian ngủ buổi chiều với nhau.
Nếu bạn muốn kết hợp các giấc ngủ ngày của bé lại thì nên thử nghiệm một vài tuần trước khi hình thành thói quen cho bé. Các mẹ bé cần chắc chắc một điều là bé đã được nghỉ ngơi, thư giãn hợp lí.

Nơi ngủ và tư thế ngủ của bé yêu như thế nào là thích hợp?

Các bé trong độ tuổi này vẫn có thể ngủ cũi. Không nên để đồ chơi nặng, các con thú bông trong cũi và các loại dây rợ xung quanh cổ bé. Gió có thể làm cho những sợi dây này quấn quanh cổ bé khi bé trở mình gây ra rắc rối. Vị trí đặt cũi nên tránh xa khu rèm cửa, chắn gió, treo tranh hoặc những vật treo tường vì khi có gió lớn, những vật này có thể gây nguy hiểm cho bé.
Bé đang trong độ tuổi tò mò và muốn tìm hiểu mọi thứ xung quanh nên có thể trèo ra khỏi cũi và có thể làm đổ cũi (trong một vài trường hợp đặc biệt). Chính vì vậy, không nên để những đồ chơi, những vật khiến bé tò mò bên cạnh cũi của bé.

Nếu như một ngày nào đó bất thình lình bé trèo ra khỏi cũi và bạn thấy bé đang lang thang trong phòng khách thì bạn nên chuyển bé ngủ từ cũi sang ngủ giường. Lần đầu tiên ngủ ở giường cũng là thời gian khó khăn với bé vì bé chưa quen.

Bé thức giấc vào ban đêm vì một vài lí do như thỉnh thoảng bé cảm thấy không dễ chịu như bị đau răng, ốm hoặc bé lo lắng như mẹ đâu rồi, ba đâu rồi hoặc những giấc mơ và cơn ác mộng ảnh hưởng tới giấc ngủ của bé. Bé khó có thể phân biệt được giấc mơ và hiện thực cho nên khá là sợ hãi khi thức giấc. Để hạn chế tình trạng này, bạn không nên cho bé xem phim hoặc đọc sách kinh dị, những hình ảnh ma quái trước giờ đi ngủ.

Môi trường cũng là một trong số những yếu tố khiến cho bé thức giấc vào ban đêm. Bé có thể lạnh quá hoặc nóng quá. Trong những tháng mùa đông, bạn nên mặc cho bé quần áo ngủ thật ấm.

Tiếng ồn cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé thức giấc vào ban đêm. Bé sẽ thích nghi với tiếng ồn xung quanh nhưng nếu bạn có xem TV thì nên mở nhỏ hoặc nói chuyện cũng nên nhỏ nhẹ thôi.

Bé khá là sợ hãi khi ngủ một mình vì bé có thể nhìn thấy những hình thù kì quái khi bóng đêm buông xuống. Bạn nên để điện sáng mờ, giúp bé đỡ sợ tối hơn.

Mẹo giúp bé ngủ sâu

- Công thức bí mật: Tắm nước ấm + đọc truyện = ngủ ngon. Chính hai việc này khiến cho cơ thể của bé được thư giãn tối đa. Trước khi bé chìm vào giấc ngủ, nên ở bên cạnh bé một chút nhưng không quá lâu.

- Hạn chế việc cho bé uống nước trước khi ngủ. Vì sẽ khiến bé buồn tiểu vào ban đêm.

- Mát xa cho bé trước khi ngủ. Bé cảm thấy dễ chịu, thoải mái và sẽ dễ dàng chìm vào giấc ngủ sâu. Nhưng không nên làm nó như một thói quen. Khi bé không được mẹ mát xa sẽ khó ngủ.

- Kiểm tra toàn bộ căn phòng trước khi tắt điện về phòng mình. Như cửa sổ đã đóng chưa, rèm cửa có gây hình thù kì quái hay không, đồ chơi đã được lấy ra hết khỏi cũi hoặc giường bé chưa?....

Khi nào nên gọi bác sĩ?

Những rắc rối khi ngủ đến thường xuyên hơn: bé gặp ác mộng nhiều lần, nhiều ngày, thức giấc nhiều lần nhiều ngày… bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn.

Theo Eva