Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Bí quyết giúp bé biếng ăn ngon miệng hơn


Ép mãi con cũng chỉ chịu nhấm nháp vài muỗng cơm, bạn băn khoăn nghĩ thầm: Sao con người ta xúc từng chén ăn ngon lành, dễ dàng mà con mình lại thế?

Thật ra, có những “BÍ KÍP” rất hay từ các bác sĩ chuyên khoa Dinh dưỡng Nhi Khoa dành cho mẹ, để giúp bé hào hứng với chuyện ăn hơn đấy. Bạn đã biết chưa?

1. Chỉ cho con ăn khi bé… muốn ăn!

Thông thường, mẹ nào cũng sốt ruột muốn con ăn thật nhiều. Điều này vô tình gây áp lực cho chính trẻ. Chưa kịp đói đã thấy mẹ “lăm le” cầm chén cơm, chén bột đòi đút tiếp, bé đâm ra ngán. Vì thế, nguyên tắc đơn giản đầu tiên là hãy để con có cơ hội được… thèm ăn. Đừng sợ bé bị “đói”! Đói một chút trong trường hợp này rất tốt, nó khiến bé thật sự quan tâm đến bữa ăn và chủ động đòi ăn.

2. Quan tâm đến tính đa dạng của món ăn

Bạn không chịu nổi nếu ngày nào cũng ăn đúng vài món cố định phải không? Hãy biết rằng bé yêu cũng… y như thế! Nếu bạn tưởng con còn nhỏ, chẳng biết gì đến “thưởng thức” hương vị thì bạn nhầm rồi đấy. Dù là bột hay cháo, cơm thì bé vẫn cần đến sự phong phú, thay đổi thường xuyên thực phẩm. Cho bé ăn đa dạng, không những bé được cung cấp đầy đủ dưỡng chất mà còn cảm thấy tò mò nếm thử các hương vị mới.

3. Chú ý cách trình bày

Bạn nên cố gắng chọn những kiểu tô chén xinh xắn, trình bày các món theo hướng ngộ nghĩnh, có màu sắc bắt mắt. Cũng đừng làm một tô hay chén quá đầy. Trên dĩa hoặc trong chén của bé chỉ nên có lượng thức ăn thật vừa phải mà thôi. Bằng cách đó, bé sẽ thích thú “khám phá” món ăn và cảm thấy chẳng khó khăn gì để… “măm” hết chừng ấy.


4. Chấp nhận sở thích “trái khoáy” của bé

Nếu bé có vài sở thích ăn uống trái khoáy nhưng điều đó không gây hại cho sức khỏe thì bạn đừng khăng khăng từ chối! Ví dụ nhiều bé nhất định chỉ chịu ăn với cái chén màu đỏ, chỉ chịu ăn nếu bánh mì cắt thành hình tam giác, hay chỉ chịu ăn các món có trộn thêm chút phô mai vào. Chẳng sao cả, bạn hãy chiều theo ý bé! Bằng cách đó, bé sẽ thấy bữa ăn không giống như “cuộc chiến” giữa hai mẹ con và thấy nó thật bình thường, thoải mái.

5. Cuối cùng, đừng quên đến với ngày hội “Bé biếng ăn, bác sĩ ơi”!

Chắc chắn sẽ còn vô vàn những “bí kíp” thú vị khác nữa giúp bé ngon miệng hơn mà bạn chưa khám phá hết.

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Trẻ cần chơi để … tăng chỉ số IQ


Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ từ sáu tuổi trở lên có khả năng tiếp thu rất cao những kỹ năng và kiến thức. Điều này chúng ta có thể thấy rõ qua việc bé chơi đùa không biết mệt mỏi. Không chỉ thích chơi, mà bé còn có khả năng tập trung hiểu và chấp nhận luật lệ của các trò chơi.

Trong lớp thì bé đã biết ngồi yên để lắng nghe cô giáo. Bé đã biết nhận ra các con vật, các hình ảnh khác nhau, các hành động xung quanh… Đây là đặc điểm chung của hầu hết các bé ở giai đoạn này, sự thông minh hơn kém giữa các bé là không lớn. Tuy nhiên, vì sao khi càng lớn thì sự lanh lợi, thông minh giữa các bé lại có sự chênh lệch với nhau khá cao? Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do khi bé bước vào giai đoạn bắt đầu có khả năng nhận thức, tức từ khoảng sáu tuổi trở lên, các bậc cha mẹ đã không khuyến khích hoặc không biết cách khuyến khích khả năng phát triển chỉ số thông minh của con.

Cũng theo các chuyên gia tâm lý, trong giai đoạn này, do trẻ mới bắt đầu học cách đánh vần, cách phát âm nên cha mẹ không thể khuyến khích sự phát triển chỉ số thông minh của trẻ qua việc chỉ đại các kiến thức mang tính khoa học. Đây thực chất chỉ là sự “nhồi nhét”, vừa khiến trẻ không tiếp thu được, vừa chịu áp lực rất lớn từ cha mẹ. Trong giai đoạn này, trẻ nhận thức tốt nhất là được xem các trò chơi hoặc được trực tiếp tham gia vào các trò chơi. Vì vậy, cách tốt nhất để bố mẹ giúp con phát triển sự hiểu biết, trí thông minh, sáng tạo trong giai đoạn này là tìm một trò chơi mang tính giáo dục cao cho trẻ.

Kinh nghiệm bảo vệ con khi giao mùa


Thời tiết giao mùa, cô bé bên hàng xóm bằng tuổi của con đang bị ho gần hai tuần nay vẫn chưa khỏi, nhưng con trai mẹ vẫn rất khỏe mạnh (trộm vía con).

Mẹ biết được mẹ có thai con khi mẹ cảm thấy trong người mình rất khó chịu, mẹ nói với bố con: “Mình ơi! Hình như em có em bé rồi hay sao ấy”. Bố con mắt sáng long lanh, rồi hỏi: “Có thật không em?”, “Có thật rồi mà, em thấy người khác lắm”.

Thế rồi bố lấy xe ra ngay hiệu thuốc mua cho mẹ cái que thử thai. Kết quả là một vạch rõ và một vạch hơi mờ mờ. Bố con sung sướng lắm, bố nói to: “Anh được làm bố rồi…”.
Từ đó mẹ đã dành nhiều thời gian để chăm sóc bản thân mình hơn, cũng như mẹ lên một chế độ ăn thật phù hợp với từng thời kỳ phát triển của con, mẹ luôn tâm niệm rằng khi có bầu mẹ khỏe mạnh thì khi sinh con ra con của mẹ cũng sẽ khỏe mạnh.

9 tháng 10 ngày trôi đi cũng thật nhanh, giây phút mẹ được bế con trên tay, được hát ru à ơi cho con say giấc ngủ đã đến, mẹ hạnh phúc vô cùng khi con trai mẹ sinh ra được 3,7 kg. Mẹ sẽ chăm con thật cẩn thận để con trai mẹ lớn lên khỏe mạnh và thông minh nữa.

Từ khi mẹ sinh con đến lúc con 7 tháng tuổi, con không ốm đau gì, không sổ mũi lần nào cả (trộm vía con). Lần duy nhất con trai mẹ bị ốm là lúc giao mùa từ mùa xuân sang mùa hạ. Lần đó con bị sốt phát ban, người con mẩn đỏ lên và ngứa ngáy, con hâm hấp sốt, mẹ lo lắng vô cùng, mẹ đã cùng bố đưa con vào viện, và thật may là con trai mẹ không sao cả.

Con chỉ bị sốt phát ban bình thường thôi, mẹ con mình trở về nhà, hàng ngày mẹ đã đun nước mướp đắng để lau người và tắm cho con. Thật may mắn, hai ngày sau những nốt phát ban trên người con bay hết, con trai mẹ lại khoẻ mạnh bình thường và không còn lười chơi như hôm trước nữa. Từ đó mẹ luôn nhủ với lòng mình rằng mẹ phải để ý đến thời tiết lúc giao mùa để mẹ bảo vệ con tránh những dịch bệnh khó đoán trước.

Bây giờ con đã được 15 tháng và đây cũng đang là giai đoạn chuyển mùa, mẹ cũng rất lo lắng khi ở lứa tuổi này con rất hiếu động, thích khám phá, thấy cái gì lạ, cái gì mới là con chạy đến và đưa tay ra sờ rồi nắm lấy, con chưa ý thức được cái nào là bẩn cái nào là sạch trừ khi mẹ dạy cho con biết.
Nhưng đến thời điểm này mẹ yên tâm vì mẹ đã có những lựa chọn đúng. Kinh nghiệm của mẹ rất đơn giản, hầu như bà mẹ nào cũng biết nhưng có thể chưa áp dụng triệt để trong nuôi con. Còn mẹ, mẹ tin rằng chế độ nuôi con của mẹ đã rất khoa học.

Ngoài những bữa ăn chính, mẹ nghĩ ra rất nhiều chiêu để bồi bổ cho con, mẹ khéo léo cắt hoa quả thành nhiều hình thù hấp dẫn để thu hút con, vì mẹ biết đó là nơi cung cấp nhiều vitamin nhất giúp nâng cao sức đề kháng. Hoặc nếu có bổ sung vi chất, mẹ cũng không chọn món đắt tiền, có thể chỉ là một chai Ceelin ngon ngon con thích.

Những phương pháp rất đơn giản nhưng mẹ đã thành công. Mẹ quan sát thấy cô bé bên hàng xóm bằng tuổi của con đang bị ho gần hai tuần nay, nhưng con trai mẹ vẫn rất khỏe mạnh (trộm vía con), con không bị khụt khịt hay sổ mũi.

Mẹ đã luôn giữ ấm cổ cho con mỗi khi sáng sớm con ngủ dậy, nếu con có đòi đi ra ngoài thì mẹ sẽ mặc áo ấm cho con, tránh cho thóp vào cổ con bị hở vì nếu hở con dễ bị nhiễm lạnh.

Mỗi khi đêm ngủ mẹ luôn để ý để đắp chăn cho con, một chiếc chăn mỏng đắp ngang bụng con khi con bắt đầu ngủ, đêm đến thì sẽ chuyển sang chiếc chăn dạ ấm hơn và đắp lên cổ con, mẹ cũng rất sợ khi con ngủ con đạp sẽ làm chăn trùm mặt, vì thế mẹ luôn phải để ý mỗi giấc ngủ của con.

Rồi về bữa cháo hàng ngày mẹ nấu cho con ăn, mẹ luôn chú ý các thực phẩm giàu năng lượng, các thực phẩm giúp con trai mẹ khoẻ mạnh và có thêm sức đề kháng cho cơ thể. Thực đơn cho con luôn được thay đổi giúp con ăn ngon miệng mỗi khi tới bữa.

Và còn, còn rất nhiều điều mẹ sẽ làm cho con trai của mẹ nữa, những điều mẹ làm không gì ngoài mong muốn con trai của mẹ luôn thật khỏe mạnh, thông minh và sau này lớn lên sẽ là một người công dân có ích. Con hãy cứ hay ăn chóng lớn và khỏe mạnh con trai nhé!

Mẹ sẽ luôn bên cạnh để nâng bước cho con. Mẹ yêu con thật nhiều!

Họ tên:Lê Thị Mỹ Thuận
Ngày sinh: 20/02/1985
Địa chỉ: Kiến An, Hải Phòng
Tự bạch bản thân: Tôi đang là nhân viên kế toán cho một công ty tư nhân. Tôi hạnh phúc vì mình có một câu con trai rất kháu khỉnh và khỏe mạnh.

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Cách phòng bệnh tay chân miệng


Bệnh TCM do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp nhưng đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách tốt nhất để tránh căn bệnh này là chủ động phòng ngừa.

Vệ sinh đúng cách là biện pháp phòng chống TCM hiệu quả.

Nghỉ học không phải là cách tốt nhất

Cách phòng bệnh TCM

Nguy cơ lây nhiễm bệnh TCM có thể giảm đáng kể nếu thực hiện tốt các biện pháp sau:

Vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau mỗi lần làm vệ sinh cho trẻ.

Ăn chín, uống sôi.

Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi của trẻ mà có thể nhiễm virus gây bệnh bằng nước và xà phòng.

Hạn chế tối đa, không cho trẻ việc tiếp xúc trực tiếp như sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh. Cách ly trẻ trong thời gian mắc bệnh cũng có thể làm giảm đáng kể khả năng lây nhiễm cho những trẻ khác.

Như phần đầu của chuyên đề đã đề cập, nhiều phụ huynh đã chọn biện pháp cho con nghỉ học cho... lành. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho cả phía nhà trường và cả phía phụ huynh.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, cho con nghỉ học không phải là giải pháp tốt nhất. TCM là bệnh lý lây nhiễm do virus. Nếu bệnh được phát hiện sớm có thể tự khỏi sau 5-7 ngày và chỉ cần điều trị tại nhà. Theo TS Cảm, một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,2 - 0,5%) trẻ bị mắc bệnh ở thể nặng. Vấn đề là cả gia đình và nhà trường phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ để phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh, kịp thời cách ly trẻ và khoanh vùng, xử lý ổ dịch.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vẫn không yên tâm khi thấy con có biểu hiện sốt đã vội vàng đưa con tới các bệnh viện, gây tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn trong thời gian qua. Chính sự mất bình tĩnh này đã dẫn đến nguy cơ lây chéo bệnh TCM giữa người mắc bệnh với người chưa mắc bệnh, đặc biệt là với trẻ em.

Để giúp các bậc cha mẹ không lúng túng, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ hướng dẫn một số cách phân biệt bệnh TCM với các bệnh lý khác.

Một số bệnh có thể có những nốt phát ban như sốt virus, dị ứng (hồng ban đa dạng, không có phỏng nước), viêm da mủ (đỏ, đau, có mủ), thủy đậu (phỏng nước, gặp ở nhiều lứa tuổi, rải rác toàn thân.), sốt xuất huyết Dengue (chấm xuất huyết, bầm máu, xuất huyết niêm mạc). Theo BS Điển, bệnh TCM cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh do nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi. Để phân biệt cần lưu ý với các vết phát ban, sốt phát ban, các ban thường xen kẽ ít dạng sẩn, thường có hạch sau tai, còn ban của bệnh TCM xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Đặc biệt, cha mẹ có thể nhận biết được nếu chú ý: Trẻ có nốt ở cả bụng, tay, chân... thì không phải TCM.

Để phòng bệnh, quan trọng là giữ vệ sinh sạch sẽ từ môi trường, đồ chơi, đến bàn tay trẻ và đặc biệt là bàn tay người chăm sóc trẻ. Một nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy 40% số trẻ mắc bệnh là từ bàn tay người chăm sóc không đảm bảo vệ sinh. Các bác sĩ khuyên mọi người cần chủ động tìm hiểu bệnh TCM qua các khuyến cáo của ngành y tế trên các phương tiện thông tin; khi thấy các triệu chứng giống các khuyến cáo, kịp thời đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị. Ngoài việc vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa thường xuyên, các phụ huynh cần tích cực rửa tay trước khi ăn và chăm sóc trẻ. Các cô nuôi dạy trẻ, các giáo viên cần chú trọng tới việc giữ vệ sinh cho trẻ tại trường học để ngăn chặn căn bệnh này.

Chăm sóc trẻ mắc bệnh hợp lý, đúng cách

Trong các tháng còn lại của năm nay, từ tháng 10 - 12, các chuyên gia, bác sĩ nhận định tình hình dịch TCM vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng cả số mắc và tử vong. Do đó, khuyến cáo các chuyên gia là phụ huynh cần cẩn trọng nhưng không hoang mang, tiến hành các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.

Trong trường hợp trẻ mắc bệnh TCM, không có biến chứng thì có thể chăm sóc, điều trị trẻ tại nhà bằng cách: Vệ sinh răng miệng và thân thể, tránh làm nhiễm trùng các bóng nước. Giảm đau, hạ sốt cho trẻ bằng thuốc paracetamol. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu và cố gắng cho trẻ ăn thành nhiều bữa. Đặc biệt, không nên cạy vỡ các bóng nước để tránh nhiễm trùng cho trẻ.

Với những trường hợp được chỉ định điều trị tại nhà (chỉ loét miệng, có thể kèm theo tổn thương da) thì cha mẹ cần chú ý cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ, hạ sốt cách 6 tiếng một lần, vệ sinh răng miệng. Ngoài ra cần cho bé nghỉ ngơi, tránh kích thích, trong vòng 5-10 ngày đầu của bệnh, cứ 1 - 2 ngày cần cho trẻ khám lại. Khi thấy trẻ có dấu hiệu nặng như: Sốt cao hơn 39oC, thở nhanh, khó thở, rung giật cơ, chới với, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, co giật hôn mê... cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Để phòng ngừa bệnh dịch có thể lây nhiễm rộng ra người xung quanh và cộng đồng, cha mẹ có trẻ bị bệnh cần lưu ý: Cách ly trẻ, cho nghỉ học tại nhà, thông báo với y tế phường, xã nơi cư trú, thông báo với trường học. Đối với các xã, phường có trẻ bị mắc TCM thì dù là một trẻ mắc thì cũng phải tiến hành xử lý môi trường, xử lý như một ổ dịch.

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Tuyệt chiêu dạy dỗ "con một"


Hiếm hoi mới sinh được một đứa con vì lập gia đình muộn, chị bạn mình hết mực cưng chiều, chăm chút cậu con trai quý tử.

Nhưng càng lớn, bé càng trở nên khó bảo. "Mắng thì nó nhờn mà đánh thì mình xót", chị chia sẻ. Vậy mấu chốt để dạy những đứa trẻ "con một" thế nào đây?

Hãy loại bỏ vị trí "độc tôn" của trẻ

"Của hiếm là của quý", con một thường được cha mẹ dồn hết tình yêu thương, tâm huyết để chăm sóc, cưng chiều. Nhưng điều này khiến trẻ luôn biết mình là trung tâm của sự chú ý và được đáp ứng tất cả những gì chúng muốn nên càng lúc càng trở nên khó bảo, bướng bỉnh, hay quấy nhiễu…

Một khi bạn sinh thêm con, vị trí "độc tôn" của trẻ đương nhiên bị tước bỏ. Trước tiên, chúng sẽ khó thích nghi với việc phải chia sẻ tất cả những gì từng thuộc riêng mình chúng: cha mẹ, phòng ngủ, đồ chơi… với một nhân vật hoàn toàn mới. Nhưng sau đó, chúng sẽ học được cách nhường nhịn và biết quan tâm đến người khác khi dần dần nhận ra vị trí vốn có của mình đã thay đổi.

Hơn thế, bạn nên đề cao vai trò "làm anh, làm chị" của trẻ hay chỉ cho trẻ cách tham gia vào các công việc gia đình như chăm sóc em bé, dọn dẹp nhà cửa…

Hãy dạy trẻ cách hoà đồng với thế giới bên ngoài

Những đứa trẻ là con một cần phải được gặp gỡ nhiều bạn bè cùng trang lứa để học cách sống hoà hợp với mọi người. Trường học không phải nơi duy nhất chúng có thể làm điều đó. Bạn nên để trẻ đến chơi nhà các bạn hoặc cho phép trẻ ra ngoài cùng các anh chị em họ. Việc này giúp trẻ có cơ hội cọ xát với thế giới bên ngoài: học cách tự làm chủ bản thân và giải quyết các mâu thuẫn…

Đừng quá "đề cao" trẻ

Là đứa trẻ duy nhất trong gia đình, con một thường quen với cách cư xử của người lớn, vì vậy chúng nghĩ rằng mình già dặn hơn so với các bạn khác. Ngoài ra, việc dồn hết quan tâm và yêu thương của cha mẹ vào một đứa trẻ sẽ khiến nó luôn cảm thấy mình là "trung tâm của vũ trụ". Điều này có thể ảnh hướng không tốt đến mối quan hệ của trẻ với các bạn khác.

Bên cạnh đó, sự quan tâm quá mức của bạn sẽ khiến trẻ trở nên yếu ớt và thiếu tin tưởng ở bản thân, đồng thời, nó cản trở tính năng động và khả năng sáng tạo của trẻ.

Đối với con một, bạn đừng nên lúc nào cũng theo sát vì sợ trẻ có thể sẩy chân. Hãy cứ để trẻ vấp ngã và học cách đứng dậy. Bởi không phải lúc nào, và ở bất cứ đâu, bạn cũng có thể đi bên con mình.