Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

Mách bạn cách thay tã không làm bé khó chịu

Nhiều trẻ rất khó chịu mỗi khi được thay tã, trẻ phản ứng bằng cách gào khóc, người ưỡn cong... khiến mẹ rất vất.

Chuẩn bị:

- Để tất cả những thứ cần thiết trong tầm tay, gồm có: tã, khăn lau, túi đựng chất thải.

-Luôn luôn để ý đến bé. Giữ bé bằng một tay trong khi tay kia làm các việc còn lại.

Bắt đầu:

- Gỡ tã ra cho bé. Gập tã lại để chất thải không dính ra da bé.

Lau sạch:
- Nếu con vừa đại tiện xong thì mẹ hãy lau thật sạch bằng tã theo chiều từ trước ra sau.

- Gập tã bẩn lại làm đôi, mặt bẩn ở bên trong.

- Dùng khăn lau sạch mông của bé, chú ý đến các kẽ da. Lau từ trước về sau, nâng chân của con lên để lau cả những chỗ ít nhìn thấy.

Thay tã:

- Thay tã mới sạch cho con, bắt đầu đặt từ dưới mông của bé.

- Kéo tã lên, thắt chặt hai đầu. Giữ sao cho tã chặt nhưng không làm bé khó chịu.

- Nếu bé mới được sinh ra thì phải gập tã không để che qua cuống rốn để cho nó được khô ráo.

- Rửa tay thật sạch sẽ sau khi thay tã cho con.

Trẻ mới sinh cần được thay tã từ 6-8 lần/ngày. Trẻ bú sữa mẹ đi đại tiện ít nhất 2 lần/ngày còn trẻ bú bình đại tiện ít hơn. Nếu bạn thấy có điều gì bất thường thì nên thông báo cho bác sĩ.

Theo Eva

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010

Kinh nghiệm trị rôm sảy cho trẻ

Nhìn cô con gái hơn một tuổi lấm tấm rôm sảy khắp mặt, lưng, liên tục đưa tay gãi rồi kêu ngứa, quấy khóc, chị Trà (Từ Liêm, Hà Nội) xót ruột vô cùng nhưng chẳng biết làm sao.

Cũng như chị, nhiều bà mẹ khác lo lắng khi thấy con bị rôm sảy mà tìm nhiều cách chữa cũng không khỏi.

Ngọc Mai (Thanh Oai, Hà Nội) sinh con vào đầu tháng 5. Những ngày nóng nực vừa rồi, con trai cô quấy khóc liên tục vì ngứa ngáy, khó chịu khi cả mặt lẫn toàn thân đều đỏ ửng những nốt rôm. Bà nội bé hôm nào cũng vò lá vòi voi, lá riềng tắm cho cháu nhưng chẳng đỡ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nho, Khoa da liễu, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô cho biết, thời tiết nắng nóng làm giãn các mao mạch trên da, tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập gây nên hiện tượng viêm da (hay rôm sảy). Ngoài ra, những ngày oi nóng thường khiến trẻ tiết mồ hôi nhiều hơn, nếu không thoát hết sẽ ứ đọng trong các ống bài tiết trên da, khi bị bụi hay chất cặn bã bịt kín, cũng làm da nổi các nốt viêm.

Trẻ nhỏ da rất mỏng manh và nhạy cảm nên dễ bị rôm sảy. Ở người lớn, lớp biểu bì dày hơn nên hiện tượng này ít đi.

Rôm sảy thường mọc thành đừng đám và hay tập trung ở những vùng da có nhiều mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ...

Theo bác sĩ Thanh Nho, với những trường hợp rôm sảy thông thường, chỉ cần tắm cho trẻ hằng ngày để da sạch sẽ. Có thể theo kinh nghiệm dân gian, dùng các loại cây, quả có tính mát như mướp đắng, kinh giới, sài đất, chanh... để tắm cho trẻ cũng có tác dụng tốt. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại lá này cần phải rửa sạch kỹ trước khi nghiền, lọc hay đun nước tắm. Chọn loại phấn rôm chất lượng tốt chấm lên những vùng da bị rôm sảy sau khi tắm cho con cũng là một cách hạn chế tình trạng này.

Ngoài ra, với trẻ lớn đã ăn được có thể cho bé ăn uống các đồ mát như bột sắn dây, nước cam, chanh...

Tuy nhiên, không hẳn bài thuốc nào cũng có tác dụng với tất cả trẻ. Nhiều bà mẹ sau quá trình chữa rôm sảy cho con mới tích lũy được kinh nghiệm thành công cho riêng con mình.

Chia sẻ trên một diễn đàn các bà mẹ, chị Hương cho biết, để da con sạch, mát những ngày nóng, chị dùng nước ấm pha thêm chút muối rồi vắt thêm một hoặc nửa quả chanh và tắm cho bé. Tuy nhiên, với cách này, các bà mẹ phải để ý tỉ lệ chanh, muối với nước bởi nếu chanh, muối nhiều sẽ gây xót cho trẻ và dễ gây kích ứng làn da nhạy cảm của bé.

Một bà mẹ khác lại dùng cách mua cành lá kinh giới rồi về rửa sạch, đun sôi, pha nước tắm cho con. "Bé nhà mình cứ tắm loại nước này là hết bay rôm", chị chia sẻ.

Để tiết kiệm thời gian hơn, chị Nhung - một thành viên khác của diễn đàn - còn tìm mua các loại lá mát như sài đất, vòi voi, kinh giới, tía tô, hương nhu rồi băm nhỏ phơi khô và cất vào túi nilong. Sau đó mỗi lần tắm cho con, chị lấy một nắm bỏ vào nồi rồi đổ nước sôi vào hãm, lọc bỏ bã lấy nước tắm cho bé. "Mình thấy bài thuốc này tốt vô cùng. Con mình từ lúc đẻ đến giờ không bị rôm sảy gì cả dù đẻ ra đúng những ngày nắng nóng nhất", chị Nhung kể.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Nho cho biết, tất cả những cách trên đều hiệu quả khi chữa rôm sảy bình thường cho trẻ nhỏ. Nhưng cũng từng có những trường hợp tắm lá mà trẻ không đỡ, thậm chí còn bị nhiễm trùng da. Đó là khi vùng viêm da quá nặng do trẻ ngứa, gãi gây trầy xước, mất lớp màng bảo vệ. Vì thế, nếu tình trạng con bị mẩn ngứa nhiều, có các mụn đầu trắng trên da, tình trạng rôm sảy dày đặc, đỏ, kéo dài, bố mẹ cần đưa trẻ đến chuyên khoa da liễu để khám và điều trị.

Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ kê thuốc, uống, dùng dung dịch dịu nhẹ tắm làm sạch cho bé, và có thể bôi thêm thuốc kháng sinh cho trẻ. Bác sĩ khuyến cáo, các bà mẹ không nên tự mua thuốc bôi da cho con.

Ngoài ra, để phóng tránh rôm sảy cho trẻ cần cho các bé mặc đồ thoáng mát, thấm mồ hôi, tắm rửa sạch sẽ hằng ngày. Không nên dùng sữa tắm người lớn cho trẻ vì có thể có độ kiềm lớn, gây khô da. Ngoài ra, nên cho bé uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây...

Theo Vnexpress

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

Làm dâu khổ quá đi thôi !


Từ ngày con trai lấy vợ, bà Hòa ít phải xách làn đi chợ hẳn. Một năm sau, mọi việc trong nhà đều do con dâu quán xuyến. Nhiệm vụ chính của bà là phải sống vui, sống khỏe, sống có ích! Những thứ vặt vãnh như cơm nước, chợ búa, tay hòm chìa khóa trong nhà, bà cứ để con lo, Yến, con dâu bà Hòa ra tuyên ngôn. Con trai bà cười mãn nguyện: "Mẹ khổ vì con nhiều rồi, giờ là lúc chúng con được báo hiếu mẹ”.

Hàng ngày, bà Hòa dậy từ 3 giờ sáng, thao thức, trằn trọc mãi trên giường, chờ tới 5 giờ để được đi ra hồ tập dưỡng sinh. Hồi đầu, thấy ngứa ngáy chân tay, bà lọ mọ đi quét nhà, mong được đỡ đần cho vợ chồng con trai. Chúng nó đi làm cả ngày, về lại phải cơm bưng nước rót cho bà, nghĩ cũng tội. Ngờ đâu đúng lúc Yến đi xuống bếp uống nước. Cô nhìn bà cầm chổi quét nhà như nhìn mụ phù thủy cưỡi trên cán chổi vậy. Yến nói nhỏ nhưng rành mạch, dứt khoát: "Mẹ dậy sớm quét nhà thế này, nhỡ ngã ra đấy thì phải tội bọn con. Ba cái việc lặt vặt, con làm loáng cái là xong, không dám phiền đến mẹ!”. Cái chổi trong tay bà Hòa đột ngột rơi vào tay Yến rồi trở về vị trí của nó, ngay sau cánh cửa ra vào. Chẳng nói được câu nào, bà Hòa đành quay về phòng, lại nằm chờ trời sáng.


Mỗi lần tập dưỡng sinh xong, bà Hòa thường tìm cách lân la sang nhà hàng xóm chơi, mãi đến giờ ăn cơm mới chịu đứng dậy ra về. “Sướng nhất bà!", những người bạn già tấm tắc khen bà Hòa mát tay, có được cô con dâu vừa tháo vát vừa thảo hiền. Khối người trong cái khu phố này, 70 - 80 tuổi cũng vẫn còn phải lọ mọ hầu các con. Nghỉ tay ra là chúng nó mát mẻ nọ kia, bê bát cơm lên miệng mà nghẹn đắng, không nuốt nổi. Đâu có ai được như bà Hòa, cơm bưng nước rót ngày ba bữa. Chợ búa không phải nghĩ. Cháu bé thì đã có người giúp việc, cũng chẳng bận đến tay bà. Chỉ tội ông Hòa ngắn số, 50 tuổi đã mất, không được hưởng những ngày an nhàn với sự hầu hạ tuyệt đối của con dâu đảm.

Hàng xóm khen thế thì biết thế, bà Hòa chỉ còn cách cười trừ. Nhìn quanh nhìn quẩn, đúng là không ai được như bà thật. Ngay bên cạnh, có bà Tư, thỉnh thoảng lại thấy mắt đỏ hoe, chạy sang kể tội con dâu lườm nguýt khi bà muốn ăn cháo thay vì ăn cơm nguội mỗi sáng. ở cuối phố thì có ông Hoạt, nhiều hôm bị con dâu cầm chổi đuổi ra khỏi nhà, ông chỉ biết gào lên: "Tao về tao mách con trai tao”. Gào thế cho đỡ bức xúc, chứ đố dám hé môi với con trai, vì ông biết con dâu ông là người kiếm tiền chính trong nhà.

Chẳng hiểu sao, mấy năm trở lại đây, bà Hòa sút cân trông thấy. Giọng nói miền biển của bà không còn sang sảng như trước kia, nhiều khi phải ghé tai vào mới hiểu bà đang nói gì. Trước kia hăng hái góp chuyện là thế, giờ chỉ thấy bà ngồi im lặng, nghe mọi người kể khổ. Trong lòng bà có nỗi trống vắng không chịu nổi, nhưng bà biết nếu như bà nói ra, các bạn già sẽ cho rằng bà là người không biết điều, sướng cũng chẳng biết đường mà sướng. Những đêm không ngủ được, bà Hòa nằm nói chuyện một mình. Bà thích tâm sự như thế với người chồng đã mất. Từ ngày ông bỏ bà lại một mình trên dương gian, bà đã tìm cách khỏa lấp nỗi trống vắng bằng việc chăm chút con trai từng li từng tí. Bà làm việc suốt ngày, tối đến đặt lưng là ngủ, thanh thản. Sao giờ chẳng phải làm gì thì bà lại không ngủ được. Bà thèm nói chuyện với con trai, nhưng con trai giờ đã ngăn cách bà không chỉ bằng một bức tường, mà bằng cả cái tổ ấm mới của nó nữa. Con trai vẫn tự hào về người vợ giỏi việc nước, đảm việc nhà của mình, nên nó không hiểu cho nỗi khổ của mẹ. Bà Hòa thấy mình như người thừa, lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Cháu cũng chẳng dám bế, vì nhìn vào mắt Yến, bà hiểu, cô sợ tay bà yếu, làm rơi mất cháu. Nhiều khi muốn ôm hôn cháu một tí, nhưng biết Yến sợ mất vệ sinh, người lớn hôn vào má trẻ con là truyền bệnh cho trẻ con, bà Hòa lại thôi.

Tiếng thở dài cứ thế nén vào trong. Để đêm đêm, bà Hòa thủ thỉ một mình: "Tôi ăn sung mặc sướng thế này, mà sao tôi thấy mình khổ quá ông ạ. Tôi thấy mình như người thừa, chẳng giúp ích được gì cho con cháu cả. Giá như một ngày chỉ có 12 tiếng thôi, cho nó đỡ dài”.

Theo Đời sống & Pháp luật

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

Đi hát karaoke bị thằng bạn quay lén rùi gửi cho vợ




Năm nay, tôi 41 tuổi. Tôi là nhân viên kinh doanh trong một công ty điện tử. Những tháng ngày này tôi đang cảm thấy mệt mỏi và chán nản thực sự về chuyện gia đình, chỉ là từ một chuyện nhỏ mà vợ cứ xa lánh, dằn vặt, khóc lóc mãi không thôi.

Hai vợ chồng tôi lấy nhau được 13 năm, hiện nay chúng tôi có 1 con 7 tuổi, 1 con 5 tuổi. Trước đây gia đình tôi sống rất vui vẻ, nhưng vì một lần tôi đi cùng mấy anh bạn cùng cơ quan, chúng tôi có vào quán hát karaoke có nữ phục vụ. Trong buổi vui hôm đó tôi có vài cử chỉ thân mật với các cô gái này… Sau đó có người “chơi xấu” đã quay phim bằng điện thoại và gửi lại cho vợ.

Thế là vợ tôi đã ghen lồng lên… Đầu tiên cô ấy ghi đoạn video ra đĩa, rồi bắt tôi xem. Ban đầu là mổ xẻ, phân tích sau đó cô ấy kết luận tôi lăng nhăng, không để cho tôi giải thích. Cô ấy nói tôi cao tuổi mà không đứng đắn, có vợ có con mà không biết giữ gìn. Và cuối cùng cô ấy quy đó là hành động chứng tỏ sự phản bội…

Thú thật tôi rất tỉnh táo, tôi chưa bao giờ dám bước qua giới hạn, cụ thể là chuyện quan hệ với gái bán hoa, ca ve ở ngoài đường. Những chuyện như ôm hay thân mật như thế là bởi ở hoàn cảnh đó ai cũng như thế, ai cũng làm thế, không chỉ riêng tôi…

Hôm đầu cô ấy nói bằng khuôn mặt đỏ bừng bừng còn những hôm sau là tiếng khóc mỗi khi tôi định giải thích. Tôi làm việc nhà thì cô ấy đuổi ra, tôi bế con, cô ấy giục con đi học… Cô ấy cứ làm như tôi đã trở nên ô uế sau khi có cử chỉ thân mật với gái phục vụ ở quán karaoke.

Dù tôi đã ý thức sâu sắc được rằng, với mình gìn giữ hạnh phúc gia đình, chăm lo cho con khôn lớn là quan trọng nhất. Thế nhưng tôi thật sự không chịu được kiểu ghen uy hiếp bằng tiếng khóc, bằng sự phân biệt đối xử của vợ. Tôi cảm thấy căng thẳng sau mỗi ngày làm việc trở về nhà, tôi thấy mình muốn buông tay.

Tôi đã thử nói chuyện thẳng thắn, nhưng cô ấy cứ ôm đứa con nhỏ mà thút thít. Tôi có thề rằng mình chưa bao giờ để “chuyện đó” xảy ra thì cô ấy cũng không tin, chỉ khóc với nước mắt ngắn dài. Thà cô ấy cứ nhảy xổ vào đánh đập rồi tha thứ thì tôi không giận đến thế này. Tôi muốn thét lớn lên rằng: Anh mệt mỏi rồi, đừng “khủng bố” tinh thần anh nữa. Nếu em không tin anh thì chúng ta chia tay… Nhưng tôi sợ vì tính cách của vợ tôi cô ấy sẽ làm liều, nghĩ liều mất. Tôi còn thương vợ, con nhiều nhưng dường như chỉ vì một lỗi lầm của tôi mà họ không còn thương tôi nữa.

Chỉ vì xã giao với đồng nghiệp làm ăn mà tôi bị vợ nghi ngờ, mất niềm tin, đó là bài học cho tôi. Tôi rất mong mọi người cho tôi lời khuyên để tôi có thể gửi thông điệp đến vợ mình làm lành với cô ấy.
Theo Vietnamnet

Con gái lớn... mẹ lo dậy thì



“Không hiếm bé gái độ tuổi 11, 12, 13 đến khám và phát hiện có thai trong sự ngỡ ngàng của cha mẹ”. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết.

Con dậy thì sớm, bố mẹ lo...


Tuổi dậy thì trước đây thường được quy ước là “nữ thập tam, nam thập lục” tức gái 13 trai 16. Nhưng nay, trẻ em “lớn” sớm hơn nhiều. Con gái độ tuổi 10 - 12, con trai 12 - 14 đã trổ mã. Điều cần nói, đây là giai đoạn tâm lý và hiểu biết của trẻ chưa phát triển kịp với cơ thể. Vì thế, nhiều chuyện khó lường đã xảy ra.

Chị Bích H. nhà ở đường Bà Hạt, Q.10, TP.HCM nói về nỗi lo của mình: “Con tôi mới học lớp 5 mà cao trên 1m55, đã có kinh nguyệt, trông cứ như thiếu nữ. Khổ một điều, to xác nhưng bé ham chơi nên lúc nào tôi cũng phải theo con như bóng với hình vì sợ lỡ con “dại một giờ” thì khổ cả đời”.

Chị Trần Thị Tố N. có con học trường Trương Định Q.10, cũng tâm sự: “Con tôi học lớp 5 mà đã dậy thì. Tôi luôn sợ kẹt xe, đón con trễ giờ. Đến trường, thấy tan học rồi là sợ hoa cả mắt. Ở nhà, cháu sang hàng xóm chơi, nhà nào có nam thanh niên, vợ chồng tôi cũng sợ… Cuối cùng, con bé gần như bị giam lỏng: một, ở trường; hai, ở nhà, đi đâu ba mẹ cũng đi kèm cho… yên tâm”.


Một bác sĩ chuyên khoa sản làm việc tại Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, dù là “dân” trong nghề, cũng bần thần khi thấy con mình mới học lớp 5 đã nhú ngực. Chị cho biết: “Tôi hỏi cô giáo và được biết nhiều bé gái trong lớp đã có kinh! Song song với nỗi lo giúp con vệ sinh hằng tháng, tôi phải đối mặt với những câu hỏi của con: “Con gái phải lấy con trai để sinh con phải không?”, “Con học về cơ thể người thấy bộ phận bên dưới có nhiều “lỗ” lắm, vậy con sinh ra từ đâu?”. Vì vậy, tôi gần như thuộc lòng những nghiên cứu, bài viết về trẻ dậy thì của các nhà chuyên môn nước ngoài. Tất nhiên chỉ giải thích được cho con chừng mực và đúng độ tuổi, nhưng tuyệt đối tôi không nói dối vì trẻ đã không còn tin những chuyện em bé được sinh ra từ rốn hoặc nách”.


"Dậy thì sớm sẽ là bệnh khi hiện tượng có kinh lần đầu và xuất tinh đến quá sớm. Ở trẻ nữ (trước tám tuổi) và trẻ nam (trước chín tuổi). Đây không phải là bệnh phổ biến. Khi gặp những trường hợp này, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa nội tiết để điều trị sớm vì bệnh này còn có nguyên nhân: u não, u nang buồng trứng."

Nỗi lo của phụ huynh có con trai cũng không kém gì. Chị Hoàng Kim Y. có con trai 12 tuổi, chia sẻ: “Nửa đêm thức giấc, thấy trong phòng con trai có ánh đèn. Tôi vào thì phát hiện con đang coi phim. Trên màn hình là những cảnh hôn hít mùi mẫn”. Chị Lê Ngọc T. nhà ở Lê Văn Sĩ, Q.3 lại thắc mắc: “Dọn phòng cho con, tôi mới phát hiện con trai đã xuất tinh, tôi báo cho chồng biết để anh nói chuyện với con, nhưng nỗi lo không vơi vì “hồ” đầy xả ở đâu? Vẫn biết, nên hướng con đến các hoạt động lành mạnh như thể dục thể thao, nhưng cha mẹ chỉ có thể đăng ký cho con đi học, chở chúng đi, còn tham gia nhiều hay ít lại tùy thuộc vào cháu”. Cách nào giúp con hiệu quả, làm sao trang bị kiến thức pháp luật cho con... là vô vàn các câu hỏi của phụ huynh có con vóc dáng trưởng thành, hồn con trẻ.

Thiệt thòi


Sự “thức tỉnh” của hệ sinh dục dưới “bàn tay” điều khiển của nội tiết tố đã khiến tâm hồn trẻ không còn thơ ngây về giới tính. Estrogen tác động vào não, khiến các cô cậu dậy thì sớm thích “nghiên cứu” chuyện yêu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập. Chưa hết, trẻ dậy thì thường trái tính trái nết khiến các bậc cha mẹ thiếu bình tĩnh, nếu không có phương pháp đúng sẽ đẩy mâu thuẫn lên cao. Trẻ gái dậy thì sớm còn thiệt thòi hơn các bạn vì dễ bị thiếu “thước tấc” sau này. BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TP.HCM cho biết: “Khi estrogen của buồng trứng bài tiết thì chúng ức chế xương phát triển nên chiều cao chựng lại”. Bé trai dậy thì sớm, tuy không ảnh hưởng gì đến chiều cao nhưng lại vấp phải khó khăn khác. Ngay sau lần xuất tinh đầu, cơ thể đã có nhu cầu tình dục. Ở tuổi này, trẻ có thể vì “yêu” mà bỏ ăn, bỏ học, khiến cha mẹ lo đứng lo ngồi. Nếu thiếu kiến thức pháp luật, trẻ rất dễ phạm tội mà không hay biết.

Cho đến nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang truy tìm nguyên nhân dậy thì sớm. Bước đầu, đã có một số yếu tố được xác định. Theo TS-BS Lê Thị Thu Hà, BV Từ Dũ TP.HCM, có thể do dinh dưỡng đầy đủ và tốt hơn trước đây, cũng có thể do trẻ tiếp xúc sớm với các loại phim ảnh, văn hóa phẩm liên quan đến vấn đề giới tính, nên não bị kích thích khởi động quá trình dậy thì.

TS Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết hiện có nhiều tài liệu đề cập đến “hormone tăng trưởng” thúc vật nuôi phát triển nhanh, rút ngắn thời gian tăng trưởng. Trong các hormone tăng trưởng đó có tiền chất, về mặt hóa học có tác dụng giống nội tiết tố estrogen (xenoestrogen). Bé gái chưa đến tuổi dậy thì nhưng lại tiếp xúc với chất này qua dùng sản phẩm từ vật nuôi nêu trên sẽ có nguy cơ dậy thì sớm, qua việc xuất hiện sớm những hiện tượng đặc trưng của giới nữ.

TS Nguyễn Hữu Đức cho biết thêm, ngay cả dẫn chất phtalat thường làm chất hóa dẻo cho các loại bao bì nhựa, núm vú, bình sữa… Tuy nằm trong nhựa nhưng lại dễ dàng “xâm nhập” vào thực phẩm khi gặp nhiệt độ nóng, có thể gây xáo trộn cơ thể khiến trẻ dậy thì sớm.

Bên cạnh đó, còn có một số hóa chất có thể ảnh hưởng đến trẻ thông qua sự sử dụng của người lớn. Ví dụ như các sản phẩm có chứa hoa oải hương rất tốt cho phụ nữ, làm dịu thần kinh, tăng cường nội tiết do cấu trúc giống estrogen. Nhưng nếu mẹ dùng nhiều các sản phẩm này, có thể gây dậy thì sớm ở bé gái và bé trai khi nhận nhiều nội tiết tố nữ dễ bị béo phì, giọng nói mai mái.

“Chủng ngừa” cho con

Phim, truyện… ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em trong độ tuổi đang lớn, phụ huynh cần chú ý ngăn chặn các trang web sex, ti vi nên đặt ở phòng khách để cả nhà xem chung. Trẻ em chỉ nên xem các chương trình thiếu nhi vào buổi tối và nên ngủ sớm (chiều cao của trẻ “dài” ra khi ngủ). Không nên chế biến thức ăn quá nóng trong các tô chén, bao bì bằng nhựa mà nên thay bằng chất liệu sứ (nhiệt độ quá nóng các phtalat dễ trôi ra). Khi cần mua thức ăn làm sẵn, nên mang tô, đĩa để đựng, tránh dùng các loại bao ni lông, hộp xốp… vừa ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bé, vừa ảnh hưởng đến môi trường. Cha mẹ nên xây dựng cho bé thói quen hoạt động thể dục thể thao, đọc sách có nội dung giáo dục lối sống. Với thể dục thể thao và các môn nghệ thuật, phụ huynh nên cho trẻ tiếp xúc sớm để tìm ra năng khiếu, trẻ cũng sớm nhận ra niềm say mê của mình và phát huy.
Để phòng ngừa bằng cách “chích vaccine” cho con, một số phụ huynh đã mời chuyên gia tình dục học nói chuyện với một nhóm trẻ. Khi trò chuyện chung một nhóm, các em không còn ngại ngần và dễ dàng đặt câu hỏi về giới tính. Chuyên gia tình dục học cũng dễ dàng lồng ghép các bài học về pháp luật, giới tính để dạy dỗ các em.

Theo PNOL

Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

"Phải cân nhắc khi cho trẻ uống nước hoa quả"

Nước hoa quả có lợi cho bé nhưng cho bé uống vào thời điểm nào, độ tuổi nào thì bạn cần cân nhắc.

Trả lời:

Điều này có thể đúng. Uống quá nhiều nước hoa quả có thể gây tiêu chảy. Đó là vì nước ép hoa quả chứa nhiều sorbitol – một loại đường khó tiêu hóa được. Quá nhiều sorbitol có thể làm cho cơ thể cố gắng đẩy nước từ máu vào hệ tiêu hóa dẫn tới lỏng phân. Đó là lí do vì sao nên hạn chế nước hoa quả có chứa sorbitol cao. Táo, lê, đào và nước ép các loại quả họ dâu cũng chứa sorbitol khá cao.

Người lớn cũng không thể tiêu hóa được sorbitol, trẻ em lại càng không. Và trẻ càng dễ bị tiêu chảy hơn người lớn đặc biệt nếu bạn cho trẻ uống quá nhiều nước ép hoa quả. Nên chờ tới khi trẻ ăn dặm (khoảng 4-6 tháng tuổi trở đi). Còn dưới 4-6 tháng tuổi, sữa mẹ và sữa công thức là đủ.
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bạn có thể cho nước hoa quả vào trong cốc nhưng không nên cho trẻ uống quá 4 ao xơ/ngày. Nhiều quá có thể khiến bé mất sự thèm ăn đối với những thực phẩm giàu dinh dưỡng khác, cũng có thể gây sâu răng. Tuy nhiên, cho trẻ uống nhiều nước hơn là nước ép trái cây.
Theo Eva

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

Bà bầu nên nghe đĩa nhạc nào để con thông minh?

Các bà mẹ có thể cho thai nhi nghe nhạc từ tuần thứ 16 trở lên. Mỗi ngày từ 1 tới 2 lần, mỗi lần thì nên kéo dài từ 20 đến 25 phút.

Ngày nay, chuyện nghe nhạc đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu được của các bà mẹ tương lai. Những giai điệu của âm nhạc cũng ảnh hưởng trực tiếp đến những người sắp làm mẹ và tinh thần của đứa trẻ. Các nghiên cứu khoa học tại Trung Quốc và Nhật Bản đã chứng minh: Các bà mẹ khi mang bầu nghe nhiều âm nhạc có lợi cho việc dưỡng thai, đồng thời giảm thấp áp lực của người sắp làm mẹ.
Thai nhi sẽ phát triển không tốt nếu tâm trạng bà bầu không được thoải mái. Cơ thể bà bầu sẽ được thư giãn nếu biết cách nghe nhạc hợp lý. Sự giảm những căng thẳng ở bà bầu khiến thai nhi có thể phát triển một cách bình thường và tốt nhất. Âm nhạc chính là liều thuốc kỳ diệu giúp bà bầu giảm stress.
Dưỡng thai bằng âm nhạc ngày nay càng được nhiều người ứng dụng. Nó không chỉ thúc đẩy sự phát triển cơ thể thai nhi mà còn bồi dưỡng thiên bẩm âm nhạc cho trẻ. Trước kia, khi nói tới việc dưỡng thai thì người ta chỉ cần nghĩ tới việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và giữ cho tinh thần các bà mẹ luôn thoải mái là được. Ngày nay, các chuyên gia còn khuyến khích phụ nữ tích cực trong việc dưỡng thai, đặc biệt phương pháp dưỡng thai bằng âm nhạc là một trong phương pháp dưỡng thai hữu hiệu thường gặp nhất.

Tiến sỹ Minh Châu (Đại học Y) cho biết: Âm nhạc có tác dụng rất tốt cho phụ nữ mang thai như giảm căng thẳng mệt mỏi. Đặc biệt, âm nhạc có tác dụng trong việc dưỡng thai. Mẹ khỏe mạnh, bé sẽ phát triển tốt hơn nếu chọn loại âm nhạc thích hợp cho mẹ và thai nhi. Dưỡng thai có 2 loại âm nhạc: một là cho người mẹ nghe với loại nhạc tao nhã, yên tĩnh; một loại khác cho thai nhi cần nhẹ nhàng, nhanh, sống động. Nhưng vẫn còn tùy vào một số người mang thai, nếu thai nhi đạp tương đối mạnh có thể chọn khúc nhạc nhẹ nhõm, tiết tấu mạnh.

Nghe nhạc vào thời điểm nào?

Tiến sĩ Minh Châu cũng cho biết thêm, nghiên cứa của Giáo sư Chung - Hey Chen ở trường Đại Học Dược Kaohsiung Đài Loan đã chứng minh: Các bà mẹ có thể cho thai nhi nghe nhạc từ tuần thứ 16 trở lên. Mỗi ngày từ 1 tới 2 lần, mỗi lần thì nên kéo dài từ 20 đến 25 phút. Một điều cần lưu ý cho các bà mẹ đó là em bé trong bụng thường ngủ khi người mẹ hoạt động và thức khi người mẹ thư giãn. Vì vậy, người mẹ nên chọn thời điểm nghe nhạc lúc bé thức giấc là thích hợp nhất vì lúc này bé có thể cảm nhận được âm nhạc từ mẹ nhiều hơn. Các bà mẹ có thể chọn thời điểm nghe nhạc vào trước lúc đi ngủ hoặc lúc thư giãn trên giường hoặc trong buồng tắm.

Nghe nhạc gì?

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, nhạc cổ điển là lựa chọn tốt nhất đối với thai nhi. Những âm thanh nhẹ nhàng, du dương với tiết tấu mềm mại làm bà bầu và thai nhi cảm thấy dễ chịu hơn. Giai điệu của các bài hát ru, bài hát đồng quê giản dị, gần gũi với thiên nhiên những bản nhạc cổ điển như của Bethoven, Mozart,Vivaldi, Teleman và Handel... nhẹ nhàng, mượt mà êm dịu có tần số nhịp từ 60 - 80 nhịp/phút tương tự với tần số nhịp tim của con người nên dễ dàng hoá giải những căng thẳng, buồn phiền, lo âu cho các bà mẹ mang thai.
Các bà mẹ không nên lựa chọn những dòng nhạc mạnh như Rap, Rock vì những âm thanh mạnh, lộn xộn của Rap, Rock thật sự là không phù hợp và làm cho chức năng não bộ của bé bị thay đổi không tích cực, tâm tính không ổn định những loại nhạc như vậy không tốt cho bé chút nào mà có thể làm cho bé bị stress.
Hiện nay trên thị trường đang bán rất nhiều các địa nhạc dành cho bà bầu, các mẹ có thể tìm mua tại các cửa hàng bán băng đĩa. Khi nghe nhạc, nếu phụ nữ mang thai bụng to có thể tăng âm lượng to lên một chút và bụng nhỏ giảm đi một chút. Cùng với thai nhi người mẹ có thể nghe những gia điệu nhạc mình yêu thích để đạt tâm lý thoải mái, thư giãn nhất.

Chúng tôi xin giới thiệu một số album tốt cho phụ nữ mang thai như sau:

- Album “Phép màu nhiệm cho con”: Album này là lời nhắn gửi đầy yêu thương, dịu dàng và ý nghĩa cho đứa con của bạn. Bé cảm nhận được tình cảm và sự yêu thương của lòng mẹ. Vì thế, cảm xúc của bé phong phú hơn.

- Album “Baby Bach”: Album này mang màu sắc của thế giới thực, cuốn hút bé qua thị lực và thính lực. Âm nhạc phóng khoáng, tràn đầy năng lượng, lòng hăng hái và sự tự do. Album có tác dụng nâng cao trí thông minh và phát triển khả năng hội họa.

- Album “Baby Mozart”: Album này cónhững giai điệu mang nhiều màu sắc, hình ảnh, tình cảm sẽ kích thích trí thông minh, khả năng nhận biết cảm xúc trước khi bé chào đời.

- Album “Baby Chopin”: Khả năng nhận cảm thế giới bên ngoài của thai nhi phong phú hơn với những âm thanh du dương, vui sáng, trong trẻo, tinh khiết.

Cách nghe nhạc

Nhiều bà mẹ băn khoăn không biết nên nghe nhạc thế nào cho đúng, để không ảnh hưởng tới bé cũng sức khỏe của mẹ. Hiện nay, các bà Bầu đang áp dụng 2 cách nghe nhạc đó là: áp tai nghe vào bụng để bé nghe dễ hơn hoặc là bật loa thật to với mong muốn, bé ở trong kia sẽ tiếp xúc được với âm thanh. Vậy bà Bầu nào biết cách nghe?

Tiến sĩ Minh Châu khuyên các bà mẹ tùy theo hoàn cảnh bạn có thể cho bé nghe bằng cả hai cách. Ở cơ quan, không được bật nhạc to chẳng hạn, bạn có thể dùng tai nghe chuyên dụng chỉ dành cho bà bầu có bán ở các cửa hàng áp vào bụng để cho bé nghe. Đôi khi, ở nhà, bạn có thể bật nhạc, nhún nhẩy theo giai điệu hoặc thì thầm lời hát với bé,… Bé cảm nhận được sự yêu thương và cuộc sống trên thế gian thật tuyệt vời...

Những điệu nhạc nhẹ nhàng, bồng bềnh, du dương sẽ thúc đẩy sự hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, khả năng sáng tạo và biểu lộ cảm xúc của bé yêu. Các mẹ bầu cần chú ý phối hợp đồng bộ các tác dụng của từng loại nhạc để mang lại cho bé sự yêu thương ngọt ngào nhất.
Theo Afamily

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

Điều đơn giản để vợ chồng Hạnh phúc

http://socola.vn/photos/Image/2009/Giadinh/Thang5/05/0502.jpg

Một gia đình hạnh phúc không phải là điều quá khó nếu bạn dành 5 phút dọc và suy ngẫm những điều dưới đây:

Vợ cần phải biết rằng, chồng là chồng, không nên đem so sánh với người khác, không nên khen ngợi chồng người khác giỏi như thế nào, đừng trách móc anh ấy không xuất sắc. Đối với hầu hết đàn ông, khen ngợi và khích lệ sẽ tạo động lực cho anh ấy rất nhiều hơn là trách móc. Yêu anh ấy, bạn phải tôn trọng anh ấy, dù tức giận cũng không nên nói lời làm tổn thương anh ấy, một vết thương bởi lời nói có thể làm anh ấy “chảy máu” suốt đời.

Chồng cần phải hiểu rằng, vợ là vợ, không nên đem so sánh với người khác, không nên khen ngợi vợ người khác xinh đẹp như thế nào, đừng trách móc cô ấy không tài giỏi, không xinh đẹp. Phụ nữ rất yếu đuối và cần được yêu thuơng, hậu quả khi làm tổn thuơng đến tinh thần của cô ấy là rất đáng sợ.

Vợ cần phải biết rằng, không nên để chồng trông thấy gương mặt bạn khi bạn tức giận bởi khi đó trông bạn rất xấu. Công việc của anh ấy đã có rất nhiều áp lực, không thể bắt anh ấy về nhà lại phải dỗ dành bạn để làm bạn vui. Có thể anh ấy có nhiều khuyến điểm, có nhiều tính cách không giống bạn khiến bạn không hài lòng, tuy nhiên, anh ấy không thể trở thành một người hoàn mỹ được, truớc mặt bạn, anh ấy cần phải cởi bỏ lớp mặt nạ khi ra ngoài xã hội để trở về với đúng bản chất con nguời mình. Vì thế, bạn cần phải học cách khoan dung và nhẫn nại với anh ấy.

Chồng cần phải hiểu rằng, không nên coi vợ là một cái thùng rác chứa những bức xúc trong lòng, một người đàn ông làm vậy với vợ mình là một người đàn ông không tốt. Vợ không những hàng ngày đi làm, lúc về nhà còn phải làm rất nhiều công việc gia đình như nấu cơm, dọn nhà cửa, dạy con học bài... Vậy vì sao chồng không có thể để cho vợ được cởi lớp mặt nạ để trở về chính con người mình?

Vợ cần phải biết rằng, sự tôn nghiêm của chồng đối với mình là quan trọng nhất. Cho dù anh ấy yêu bạn đến thế nào, sợ bạn đến thế nào thì bạn cùng nên giữ thể diện cho chồng truớc mặt người ngoài, hãy để anh ấy thể hiện là một “ nam tử hán”. Anh ấy không bao giờ thích bị chê cười là người sợ vợ.

Chồng cần phải hiểu rằng, phụ nữ cũng có lòng tự trọng và muốn độc lập. Chồng cần phải học cách tôn trọng vợ mới có thể nhận được sự tôn trọng của vợ đối với mình.

Vợ cần phải biết rằng, bố mẹ chồng chính là bố mẹ mình, phải nghĩ vậy bạn mới thân thiết gắn bó với họ, họ mới coi bạn như một người con thực sự. Người già cũng giống như trẻ con, chỉ cần chăm sóc và vỗ về họ thì họ sẽ rất vui. Dù sao cũng có ngày chúng ta trở thành người già, nên bạn cần học cách hiểu họ.

Chồng cần phải hiểu rằng, bố mẹ vợ cũng giống như bố mẹ mình, vợ của bạn đã thực hiện tốt nghĩa vụ của một nàng dâu ngoan, vậy tại sao bạn không thực hiện nghĩa vụ của mình?

Vân Anh

Rách giác mạc mắt bé gái 3 tuổi vì chơi chong chóng


Hình ảnh chỉ có tính chất minh hoạ

Đang say sưa với trò chơi “đón gió”, bé gái 3 tuổi bất ngờ bị cánh chong chóng nhựa đập vào mặt, một cọng kẽm nhô ra đã đâm rách giác mạc mắt trái của cháu.

Người nhà bé Nguyễn Thị Thuỳ V. (3 tuổi ngụ tại quận 4 TPHCM) cho biết, trước đó cháu cầm chong chóng chơi một mình ngoài sân. Trong lúc mãi mê V. đã quay ngược chong chóng úp vào mặt mình. Đúng lúc đó gió thổi mạnh khiến cánh của chiếc chong chóng nhựa đập vào mặt cháu.

Quá hoảng hốt, thay vì hất ra bé lại giật tay dí mạnh chong chóng vào mặt mình. Cháu bị một cọng kẽm nhô ra từ trước đâm rách mí dưới của mắt trái gây nên một vết thương dài.

Cháu được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã tiến hành hút máu từ vết thương, mổ cấp cứu lấy dị vật ra khỏi mí mắt. Sau đó, bé được làm lành vết thương bằng laser, khâu giác mạc và bơm silicone nội nhãn để đề phòng trường hợp bị bong võng mạc do vết thương gây ra.

Chiều ngày 15/6, một ngày sau mổ sức khoẻ của cháu đã ổn định. Theo dự tính của các bác sĩ bé sẽ được xuất viện trong vài ngày tới, tuy nhiên phải cần đến vài tháng mắt bé mới dần phục hồi trở lại.

Theo thống kê của các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, có đến hơn 90% trẻ em tổn thương là do sinh hoạt, hoặc chơi các trò chơi bạo lực, các thứ đồ chơi như gậy, phi tiêu, súng đạn…

Tai nạn của bé V. là một trong những trường hợp hi hữu. Vì thế bên cạnh việc lựa chọn những đồ chơi phù hợp cho trẻ, phụ huynh cũng cần phải thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn của các đồ chơi.

Dantri

“Cải tạo” chồng lười



Đàn ông vốn rất ga-lăng nhưng khổ nỗi không ít ông chồng “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” khiến các bà vợ vừa tủi thân, vừa bực bội.

Nhiều mâu thuẫn gia đình cũng nảy sinh từ đây…

Lười “quý hiếm”

Cuối tháng tư vừa qua, những người có mặt ở khu chợ tự phát P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM đã hốt hoảng khi chị M., một tiểu thương phải đi cấp cứu vì sơ ý chặt đứt một phần… ngón tay khi bán thịt cho khách.

Những người biết khá rõ về gia đình chị M. tặc lưỡi nhìn theo chiếc taxi chở chị đi cấp cứu: “Tất cả cũng tại ông chồng lười”.

Lười như chồng chị M. quả thật thuộc hàng “quý hiếm”. Lúc mới lấy nhau, anh làm nghề sơn nước, mỗi tháng kiếm được vài triệu đồng phụ vợ lo cho gia đình. Sau một lần bị ngã phải cấp cứu, anh bỗng sợ độ cao. Thương chồng, chị bảo anh ở nhà tìm việc làm khác ít nguy hiểm hơn. Ở nhà một tháng, hai tháng, rồi ba tháng… vẫn chẳng thấy anh đả động gì đến chuyện đi làm.

Thấy chồng mãi không chịu đi làm, chị M. nói chồng ra chợ phụ vợ bán hàng, anh hào hứng được vài ngày lại đánh bài chuồn. Mỗi ngày, chị M. phải thức dậy từ 2-3 giờ sáng để đi chợ lấy hàng về bán. Hễ vui thì anh dậy đi cùng, buồn thì anh nằm ngủ luôn, mặc kệ chị ra chợ xoay xở với số hàng hóa nặng cả tạ. Sáng bảnh mắt, khi chị túi bụi với khách hàng thì anh còn “bận” nhâm nhi cà phê sáng và đánh cờ tướng. Gọi anh về phụ vợ, anh càu nhàu rồi đứng ở quầy hàng chỉ được chừng 5-10 phút. Xong buổi chợ, về đến nhà đã hơn 12g trưa, chị quay sang cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Anh tỉnh bơ nằm dài xem ti vi hoặc đọc báo. Chờ vợ dọn cơm, anh sà vào mâm ăn rồi buông đũa lên phòng ngủ trưa. Có lần quá mệt, chị đổ quạu: “Tôi có phải đầy tớ đâu mà hầu anh cả đời? Ngại buôn bán thì anh ở nhà lo cơm nước. Còn ngại nấu cơm nữa thì… tôi cho ăn cơm bụi”.

Chị cho anh ăn cơm bụi thật, nhưng cũng chỉ được vài ngày, vì ngoài việc ra đầu đường ăn cơm bụi, anh chẳng thay đổi gì.

Lười như anh Trung (Công ty P.) cũng khiến vợ mệt mỏi. Ở công ty, anh Trung nổi tiếng là người đàn ông lịch sự, ga-lăng với phụ nữ. Chị em nào trong công ty cần sự giúp đỡ, dù nhỏ, dù lớn… anh cũng có mặt tức thì, trợ giúp vô điều kiện. Riêng việc nhà, anh hoàn toàn “tin cậy” và phó thác cho vợ. Chiều về, khi chị sấp ngửa chạy đi đón con thì anh còn la cà đâu đó. Lúc chị nấu cơm, anh ngồi đọc báo, xem ti vi… “Nói chung, ổng lười hết biết. Nhờ việc gì cũng miễn cưỡng, làm quấy quá cho xong, vợ phải làm lại. Ở nhà, ổng mà được 1% cái ga-lăng như ở công ty, tôi cũng phước bảy đời” - chị Hường ấm ức.

Công bằng mà nói, ngoài quý ông “lười bẩm sinh” cũng có những ông lười tại... vợ. Một lần, trong chuyến đi nghỉ mát cùng công ty chồng, chị A. giật mình khi nghe hội các ông chồng, trong đó có cả chồng chị ngồi than phiền về các bà vợ. Chồng chị tỏ ra rất ấm ức: “Suốt ngày bả chê tôi lười chảy thây, hậu đậu… Tối nào cả nhà tôi cũng ăn cơm lúc 8g. Phần sợ tụi nhỏ đói, phần sợ vợ cực, tính xuống bếp giúp vợ, vậy mà vừa thấy mặt tôi, bả nổi sùng: “Anh đứng đó làm gì cho chật chội?”. Lần khác, tôi giành rửa đống chén đũa, hí hửng chờ vợ khen, ai ngờ bả phán: “Lần sau anh đừng rửa chén nữa. Anh rửa không sạch mất công em phải rửa lại”… Bả chê riết làm tôi cụt hứng, hết muốn làm gì. Thôi thì thà mang tiếng chồng lười còn hơn”.

Bí quyết cải huấn

Thật bất công khi phụ nữ phải ôm đồm hết mọi thứ còn chồng đi làm về “ngồi chơi xơi nước”. Có những bà vợ chấp nhận chiều chồng cho yên nhà yên cửa, nhưng cũng có những người quyết không “dung dưỡng” chồng lười.

Mỗi khi được khen là “chồng giỏi, vừa đi làm kiếm được nhiều tiền, vừa biết chia sẻ công việc nhà với vợ con”, chồng chị Quân Quân (Q.7, TP.HCM) lại nhìn vợ tủm tỉm cười.

Vốn là con trai một, lại là cháu đích tôn nên anh được gia đình cưng chiều từ nhỏ. Gia đình gốc Nho học, anh được giáo huấn theo quan niệm: Đàn ông chỉ ở ngoài kiếm tiền, chuyện bếp núc, nhà cửa là của phụ nữ. Lấy vợ về, thời gian đầu gia đình tạm ổn do có người giúp việc. Nhưng khi người giúp việc nghỉ, hạnh phúc gia đình anh cũng bắt đầu lung lay.

Hai vợ chồng cùng đi làm về, vợ sấp ngửa vào bếp nấu nướng trong khi anh ung dung bật máy vi tính đọc tin tức hoặc chơi game. Cơm nước xong, anh lại bật ti vi xem, trong khi vợ còng lưng rửa chén, lau nhà, dọn dẹp. Ban đầu chị lặng lẽ làm việc, nhưng thấy anh cứ dửng dưng, chị nổi cáu: “Anh ngồi vậy mà chịu được à? Phụ em đi chứ”. Thấy vợ cáu kỉnh, anh ngơ ngác: “Anh phụ gì bây giờ?”. Nghe chồng trả lời, chị càng giận cành hông: “Anh nói vậy mà nghe được hả? Anh phải thấy và tự động làm giúp em chớ. Anh đâu phải con nít mà biểu em dắt tay chỉ việc”. Thế là “chiến tranh” bùng nổ.

“Giận nhau mấy ngày, nhưng suy cho cùng, tôi thấy chờ chồng tự động giúp đỡ thì e hơi khó. Tôi nghĩ, nói chuyện thẳng thắn là cách tốt nhất để giải quyết những ấm ức. Tôi liệt kê những việc nhà cần làm mỗi ngày và đặt vấn đề: Anh có thể giúp em những việc nào trong số này? Nhìn tờ sớ việc nhà dài dằng dặc, ông chồng nào vẫn làm ngơ thì coi như... “hết xài”, chị Quân Quân chia sẻ.

Anh Quốc, chồng chị tiếp lời: “Nếu bà xã không trình sớ, tôi cũng không thể hình dung hết nỗi vất vả của vợ. Tôi cứ nghĩ: làm việc nhà đơn giản, chẳng có gì quá khó với phụ nữ. Hơn nữa, nếu không chỉ rõ những việc tôi phải làm thì thú thật tôi cũng không biết giúp vợ thế nào hay chỉ làm mọi việc thêm lộn xộn. Đàn ông chúng tôi cũng chúa ghét bị vợ ra lệnh, sai bảo. Ngọt ngào một chút, biểu leo lên trời hái trăng tụi tôi cũng dám leo, sá gì mấy việc lặt vặt”.

Sự hợp tác, chia sẻ là một trong những yếu tố không thể thiếu trong đời sống hôn nhân. Và bình đẳng giới cũng không ngoại trừ việc hỗ trợ, chia sẻ việc nhà. Những chuyện tưởng chừng rất nhỏ, nhưng nếu không biết cách dung hòa, đôi khi lại có thể dẫn đến những hậu quả lớn.

Theo Phụ nữ TP HCM

Thứ Ba, 15 tháng 6, 2010

Con nuốt kem đánh răng rồi, có sao không mẹ?


Hạt tiêu vừa tròn 19 tháng, răng mọc khá nhiều nên được mẹ cho đánh răng, nhưng bé cứ nuốt kem mà không chịu nhả ra. Liệu kem đánh răng có ảnh hưởng gì tới bé? Làm sao để bé không nuốt kem nữa?

Đây là trường hợp không chỉ mẹ Hạt tiêu gặp phải mà có rất nhiều mẹ lấy làm lo lắng khi rèn mãi mà con không biết đánh răng và luôn nuốt hết kem đánh răng. Để giải quyết “vấn đề nan giải” này, bạn cần dạy con đánh răng từng bước.

1. Hiểu rõ tác hại của Flour

Ai cũng biết flour làm cứng men răng và ngăn ngừa sâu răng nhưng flour được xem là độc chất nếu dùng với liều lượng quá cao.

Nhiều mẹ đã chọn lựa loại kem đánh răng dành cho trẻ em, có chứa hàm lượng flour rất ít, có thể nuốt được, tuy vậy, nếu bé nuốt kem quá nhiều cũng ảnh hưởng đến men răng, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe.


Bệnh dễ mắc phải nhất khi nuốt kem đánh răng là bệnh răng nhiễm flour, được biểu hiện bằng những vết rằn trên răng, răng bị ngả màu. Ngoài ra, những chất tạo mùi, tạo bọt… trong kem đánh răng cũng không có lợi cho sức khỏe của trẻ.

Bệnh nhiễm flour còn khiến xương dễ vỡ và cản trở sự phát triển của trẻ nhỏ.

2. Mẹ làm gương cho con

Mỗi khi đi đánh răng, bạn hãy đánh răng cùng con hoặc đánh răng trước mặt để bé nhìn thấy cách bạn đánh. Khi đánh, hãy thường xuyên súc miệng và nhổ phì phì ra ngoài, trẻ sẽ xem đây là một trò chơi thú vị và bắt chước làm theo mẹ.

Thậm chí, bạn còn có thể tổ chức một “cuộc thi” nho nhỏ giữa hai mẹ con, xem ai đánh răng giỏi và phun nước ra xa hơn. Việc tập trung vào cuộc thách đố của mẹ sẽ làm bé chú tâm và thích thú với việc nhổ nước đánh răng ra ngoài.

3. Làm quen với nước

Tất nhiên, ngay từ ban đầu bạn không thể tạo cho bé thói quen nhổ kem đánh răng ra sau khi đánh được, vì vậy để đảm bảo an toàn cho con, bạn nên cho bé tập với nước trước.

Hơn nữa, các bác sĩ khuyến cáo, không nên cho trẻ dưới 3 tuổi dùng kem đánh răng mà chỉ nên xúc miệng bằng nước muối và đánh răng với nước. Vì vậy, ngay khi con mọc đủ răng bạn có thể cho con tập luyện đánh răng với nước. Sau khi con đã quen với việc đánh răng và biết nhổ nước ra ngoài, bạn có thể chọn lựa các loại kem đánh răng dành cho trẻ em, hàm lượng flour ít hoặc không có flour.

4. Chọn kem đánh răng thích hợp

Cho dù bé đã quen với việc đánh răng đúng cách thì bạn vẫn nên chọn kem đánh răng cho trẻ em, loại không cay, mùi dễ chịu và không có flour. Nếu thử đánh với kem mà bé thấy vị cay, mùi khó chịu… thì lần sau bé sẽ sợ việc đánh răng và bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để thuyết phục con.

Các mẹ nên quan tâm, chăm sóc răng sữa của trẻ ngay từ những ngày đầu và hướng dẫn bé đánh răng đúng cách để tránh sâu răng. Răng sữa bị sâu không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến việc mọc răng cố định sau này.

Theo Afamily

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

Mẹo đơn giản để bé ngày một thông minh hơn

Chỉ bằng tranh ảnh, âm nhạc, đồ vật thân thuộc với bé thôi nhé! Điều quan trọng nhất, mẹ nên dậy bé bất cứ lúc nào cùng chơi với bé để tạo ra thói quen cho bé dễ nhận biết.

Mẹ chọn mua các tranh ảnh có màu sắc bắt mắt
Từ khi con được 6 tháng tuổi, mẹ Mun đã mua về những bức tranh khổ lớn với những hình ảnh các loại hoa, quả, các con vật nuôi trong nhà và các loại thú rừng, tranh ảnh về các loại phương tiện giao thông, tranh về trường lớp mầm non, tranh có những em bé với các hoạt động vui chơi như: hát, múa, ngủ, ăn, xem TV, tranh có những đồ vật trong gia đình, tất cả những bức tranh đều có màu sắc sặc sỡ rất bắt mắt đối với trẻ nhỏ.
Mẹ nên dán tranh sát chân tường nhà. Khi bé chưa biết nói, người lớn trong gia đình chỉ vào những bức tranh và đọc tên các hình ảnh trong tranh. Ngày nào cũng vậy. Dần dần bé nhớ được hình ảnh và tên các đồ vật, con vật, các loại quả... Trong 1 thời gian ngắn bé chưa gọi được tên các đồ vật. Nhưng nếu người lớn hỏi bé tên thứ gì, bé đã chỉ đúng được vào thứ đó. Thỉnh thoảng bé có chỉ sai, mẹ sẽ nhắc lại cho bé nhớ. Bây giờ đi đâu, bé cứ nhìn thấy con vật hay hình ảnh gì là bé lại liên tưởng và hát bài hát có những con vật và hình ảnh đó luôn.
Một mẫu tranh dán tường trong phòng bé
Khi bé biết nói cũng là lúc bé đã ghi nhớ được trong đầu tên và hình ảnh của những thứ bé đã được học, bé đã có thể vừa chỉ vừa gọi đúng tên thứ bé chỉ. Mỗi khi cho bé ăn hoa quả, mẹ có thể hỏi con: “Quả gì đây” và bảo bé chỉ vào tranh, bé sẽ chỉ đúng.
Khi mẹ cho bé nghe nhiều các bài hát thiếu nhi, bé sẽ dần dần thuộc các bài hát đó, nhưng chưa hát được vì bé chưa biết nói. Đến lúc con bi bô tập nói, con sẽ bập bẹ hát theo được luôn.
Bí quyết của mẹ Mun là chọn những bài hát thiếu nhi “đặc biệt”. Ví dụ chọn bài "Em tập đếm" dạy đếm từ số 1 đến 10. Cho bé nghe nhiều lần, giờ đây bé có thể đếm từ 1 - 10.

Nếu có điều kiện, thỉnh thoảng mẹ cho bé sang trường mầm non gần nhà để cùng chơi các trò chơi với những bé lớn hơn, tạo cho bé thích nghi với đám đông. Bé sẽ cùng múa, hát, tập đếm với những bé lớn, như vậy bé sẽ ghi nhớ nhanh hơn.

Mẹo nhỏ không sợ con xé sách báo

Thực tế các bé nhỏ ở độ tuổi từ 0-2 tuổi, hầu hết bé nào cũng xé sách báo và có vẻ rất thích thú với trò này. Khi dán tranh lên tường, mẹ nên dùng băng dính cỡ to và dán kín xung quanh, ngăn cản phần nào việc bé xé tranh.

Mẹ Hai on chia sẻ: “Khi bé hơn 18 tháng tuổi, có 1 lần bé ngã bị đau, khóc và kêu "đau, đau...". Mẹ nhân cơ hội đó lấy quyển tạp chí ra đưa cho bé chơi, bé cầm lấy nín khóc và định xé. Mẹ giữ lại và bảo bé: "Con đừng xé không "nó" đau đấy".

Mẹ có thể hỏi lại bé: "Con ngã đau ở đâu?". Bé có thể chỉ vào đầu gối và nói "đau, đau". Mẹ sẽ lại bảo bé: “Con xé tạp chí là nó đau như thế này này” và lấy tay chỉ vào chỗ đầu gối bị đau của bé. Những lần sau, mỗi khi bé định xé báo hay giấy ... mẹ lại nhắc bé "con đừng có xé không nó đau nó nhóc nhè đấy". Chắc chắn, bé không bao giờ xé sách báo nữa đâu nhé.

Dạy con phân biệt màu sắc cơ bản

Mẹ có thể dạy bé phân biệt 1 số màu sắc cơ bản qua những đồ vật xung quanh hàng xóm trong nhà. Ví dụ nhà hàng xóm có con mèo mun, mẹ dạy bé: "Con mèo đen" và bé cũng chỉ con mèo và nói theo "con mèo đen". Mẹ mặc áo cho bé màu vàng, mẹ có thể nói là màu vàng. Ăn dưa hấu mà đỏ...

Nhiều lần như vậy đến giờ bé đã phân biệt được các màu đen, trắng, xanh. Tuy bé có thỉnh thoảng sẽ bị lẫn các màu gần giống nhau (màu đỏ và hồng), mẹ có thể sửa ngay cho bé. Thỉnh thoảng mẹ nên kiểm tra lại con: “Con mèo màu đen đâu, Dưa hấu đỏ đâu, Áo màu vàng đâu?”.
Theo Afamily

Để bé hết ho

'Con gái tôi 2 tuổi rưỡi, bị ho khoảng hai tuần nay. Tôi đã đưa bé đi khám và uống thuốc theo toa bác sĩ nhưng không hết. Người thì khuyên tôi đừng cho bé uống thuốc tây nhiều, không tốt cho bé, người lại nói nếu không cho uống thuốc, bệnh sẽ không khỏi được và sẽ ảnh hưởng đến phổi của bé.

Tôi rất lo lắng, không biết nên làm gì, mong được bác sĩ tư vấn'.(Lệ Uyên).

Muốn trị dứt ho cho bé, bạn nên xem lại nguyên nhân của triệu chứng ho này là do thay đổi thời tiết, trong nhà có ai hút thuốc lá khiến bé dị ứng với khói thuốc không, hay do đi đường hít nhiều bụi… Cần lưu ý kỹ vì miễn dịch của bé kém hơn so với người lớn.

Nếu bé hắt hơi, chảy mũi, sốt nhẹ kèm với chứng ho, thì phần lớn là do siêu vi, không cần trị bằng kháng sinh. Bạn nên làm thông mũi bé bằng nước muối sinh lý 0,9% trước khi cho bú, ăn và trước khi đi ngủ sẽ giúp bé ăn, ngủ ngon, bú tốt, hết ho đêm.
Trường hợp ho có đờm thì các bác sĩ thường kê toa các loại thuốc ho làm long đờm như Potassium iodine, Guaifenesin... hoặc có tác dụng tiêu chất nhầy như Acetylcystein (Acemuc, Mucomyst, Exomuc), Bromhexin (Bisolvon)… cho đờm loãng ra, khi ho dễ dàng tống đàm ra ngoài. Kháng sinh chỉ được kê toa để trị bội nhiễm vi khuẩn thành viêm phế quản, viêm phổi.
Nếu đã dùng các thuốc trên mà bé vẫn ho, bạn có thể thử phương pháp đơn giản mà hiệu quả sau: Cho bé uống một thìa cafe mật ong trước khi đi ngủ sẽ giúp làm dịu những cơn ho đêm, từ đó giúp bé có giấc ngủ ngon.

Các nhà khoa học thuộc ĐH bang Pennsylvania (Mỹ) đã rút ra kết luận kể trên sau khi thử nghiệm trên 105 bé. Kết quả, ở những bé được uống mật ong trước giờ ngủ, các cơn ho đêm giảm đáng kể và bé ngủ ngon, sâu hơn.

Bạn cũng đừng quên massage hai gan bàn chân bé để giúp bé thư giãn, ngủ ngon giấc. Việc massage sẽ mang lại cho bé cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Nên massage cho bé sau khi tắm, mặc quần áo và đặt bé vào giường

Bước 1: Người mẹ hãy nhỏ một vài giọt dầu như dầu oliu hoặc dầu hạnh nhân vào lòng bàn tay, xoa đều rồi massage lòng bàn chân cho bé. Vuốt chầm chậm, nhẹ nhàng và đều tay theo chiều từ gót chân đến ngón chân. Nếu bé không ho, massage với chút dầu ôliu (có thể thay bằng dầu dừa). Khi bé bị ho, nên sử dụng loại dầu tương tự như dầu cù là, dầu có tinh dầu bạc hà sẽ mang lại tác dụng trị ho cảm khá hiệu quả.

Bước 2: Có thể massage lần lượt từng chân hoặc cả hai chân cùng một lúc.

Một số người nghĩ nên mặc ấm cho bé trước khi đi ngủ, ngại về khuya bé bị lạnh nhưng chính vì mặc ấm lúc đầu hôm, bé sẽ đổ mồ hôi do quá nóng. Mồ hôi sẽ nhiễm lại vào người làm bé bị lạnh, thêm khí trời lạnh về khuya, có thể khiến bé bị sưng phổi, rất nguy hiểm.
Theo PNOL

Bé gái 5 tuổi ngã lầu tử vong lúc bố mẹ vắng nhà



Thấy con còn ngủ nướng, chị Mai nhà ở Bình Thạnh, TP HCM, khóa cửa đi chợ mua thức ăn. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, vừa về đến nhà, chị đã thấy con gái mình nằm bất động dưới đất, cửa lầu 1 mở toang.

Nạn nhân lập tức được đưa đến Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương trong tình trạng mê man. Sau khi được đặt nội khí quản trợ thở, bé được chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị nhưng do chấn thương quá nghiêm trọng, bé đã tử vong sau đó vài giờ.

Đại diện khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, nạn nhân bị chấn thương sọ não, vỡ sọ. Dù tích cực điều trị nhưng vẫn hôn mê sâu, sau đó trụy tim mạch và qua đời.

Người nhà cho biết, tai nạn xảy ra khoảng 8h sáng ngày 10/6. Do trong kỳ nghỉ hè bé ngủ dậy muộn, bố đi làm, mẹ ở nhà thấy con còn ngủ (ở lầu 1) nên khóa cửa ngoài tranh thủ đi chợ. Theo phán đoán của một người thân, có thể khi thức dậy không thấy bố mẹ nên bé hốt hoảng mở cửa phòng và leo ra lan can rồi trượt chân.

Qua tai nạn trên, các bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyên phụ huynh tuyệt đối không nên để trẻ ở nhà một mình, nhất là lúc bé đang ngủ vì thức dậy không thấy người lớn, bé dễ phát hoảng.

VNE

Đánh thức 'thần đồng' trong mỗi em bé

Trẻ con, dù chỉ mới sinh ra, cũng có nhu cầu được người lớn âu yếm, chuyện trò... Lời khuyên của các chuyên gia nhi khoa là bố mẹ hãy khuyến khích trẻ rèn luyện kỹ năng nghe, nhìn, nói, từ khi còn nhỏ để phát triển thông minh.

Dưới đây là những cách trao đổi với bé, phù hợp với từng giai đoạn phát triển từ sơ sinh cho đến tròn một tuổi.

Với bé sơ sinh một tháng tuổi:

- Bạn hãy tạo nhiều bộ mặt khi gần bé. Cố làm theo những tiếng động và bộ mặt của bé thể hiện.

- Nói chuyện nhẹ nhàng vào tai bé. Cho bé nghe nhạc.

- Nâng bé lên vai bạn để bé có thể thấy xung quanh. Đỡ đầu bé khi ẵm bé.

- Cho bé thấy những bức tranh, mẫu hình đơn giản có màu sáng và có trang trí, cách mặt bé khoảng 20-30 cm.

- Treo những vật quay nho nhỏ hay đồ chơi màu sáng ở nôi bé.

- Ẵm bé lên, chăm sóc, hôn và vuốt ve bé. Nói chuyện với bé, gọi tên bé.

Với bé 2 tháng tuổi:

- Khi bạn muốn bé chú ý, hãy nói chuyện nhẹ nhàng với bé bằng giọng cao và nhìn thẳng vào trẻ. Khi bạn muốn bé yên lặng, hãy nói với bé bằng giọng trầm hơn. Hãy nói chuyện thường xuyên với bé.

- Lắc nhẹ cái lục lạc gần đầu bé. Đu đưa một đồ chơi sáng màu trước mặt bé khỏang 10 cm. Nói với bé bạn đang làm gì.

- Kêu tên bé nhẹ nhàng bên tai. Thì thầm với bé cho đến khi bé di chuyển mắt hay cố gắng quay đầu để nhìn thấy bạn. Làm như vậy ở tai bên kia của bé.

- Nếu thời tiết cho phép, hãy đưa bé ra ngòai mỗi ngày. Bây giờ là thời gian tốt nhất để thiết lập một cuộc đi dạo hàng ngày.

- Hãy ôm chặt bé, nói chuyện, vuốt ve và yêu thương bé.

Với trẻ 3 tháng tuổi:

- Khi nói chuyện hãy nhìn trực tiếp vào mắt bé. Khuôn mặt bạn khi nhìn thẳng sẽ có ý nghĩa với bé rất nhiều hơn là khi nhìn nghiêng.

- Cho bé xem nhiều vật thể khác nhau. Để gần bé những vật có màu sáng và hấp dẫn dễ nhìn, nghe hay sờ nhưng phải lớn để bé không bỏ chúng vào miệng. Khuyến khích bé vươn tới vật thể đó hay chạm tới chúng.

- Đưa cho bé một cái lục lạc nhỏ và chỉ cho bé cách lắc nó như thế nào để tạo ra âm thanh.

- Khi có thể, bạn bế bé lên một cách an toàn trong lòng để bé có thể tiếp xúc, nhìn thấy quang cảnh xung quanh.

- Mỗi khi bạn hài lòng hay thích thú với những gì bé làm, hãy khen và gọi tên bé.

- Đu đưa và hát cho bé nghe. Hãy cho bé thật nhiều quan tâm và yêu thương.

Được chơi chung với một nhóm trẻ, bé sẽ dễ hòa nhập xã hội. Ảnh: P.A.

Với bé 4 tháng tuổi:

- Đưa cho bé những đồ vật để bé dễ nhìn, nếm ngửi và nghe. Để bé tập ngửi nước hoa. Tập nghe nhạc từ băng, đĩa. Cho bé đồ chơi để cầm nắm.

- Cắt một băng khoảng 2,5 cm từ một chíếc vớ màu và tròng vào cổ tay để bé có thể nhìn thấy, tìm thấy tay mình dễ hơn.

- Có thể tắm cho bé lâu hơn để chơi đùa. Té nước, đạp nước, giỡn với đồ chơi khi tắm rất cần cho sự phát triển của bé.

- Lấy tay bạn nắm giữ hai chân bé để bé đạp chống trả lại bạn hay để một cái lục lạc phía trên chân bé để bé chòi đạp nó.

- Khi giỡn với bé, bạn hãy khen những cố gắng của bé, cười với bé và ôm chặt bé. Bé sẽ thích thú với những tán thưởng của bạn.

Với bé 5 tháng tuổi:

- Cho bé những đồ chơi mà bé có thể nhận những đáp ứng lại từ đồ chơi đó. Ví dụ như một cái hộp nhạc mà bé có thể khởi động khi kéo một cái quai cầm. Ở 5 tháng tuổi, bé có thể chơi trong chiếc nôi có trò chơi hoặc những vật treo có thể chuyển động được.

- Đặt vào nôi bé một chiếc gương bằng kim loại không vỡ để bé có thể tự thấy mình. Nên chọn một cái gương tốt để bé có thể nhìn thấy hình ảnh mình rõ ràng và nên bảo đảm rằng gương không có cạnh sắc.

- Lập lại những gì bé “nói”, động viên bé nói chuyện và phát triển kỹ năng về ngôn ngữ. Nói với bé những từ hay cụm từ ngắn.

- Tạo cơ hội cho bé gặp những trẻ khác. Cho chúng nhiều thời gian để nhìn nhau, cười, “nói chuyện” và trườn tới gặp nhau.

- Ẵm bồng bé thường xuyên, nói chuyện và thủ thỉ với bé. Hãy cho bé cảm nhận là bạn rất yêu bé.

Với trẻ 6 tháng tuổi:

- Cầm tay bé và cùng vỗ tay với bé khi bạn hát với bé. Hát những bái hát ru bé ưa thích, thay đổi giọng (to, nhỏ, lên xuống), và phát âm từ ngữ rõ ràng.

- Bồng bé vào lòng, mắt bé cách mặt bạn khoảng 20 cm. Bắt chước thể hiện những âm thanh do bé tạo ra.

- Để bé tự ngồi không cần giữ và theo dõi bé. Để nhiều gối xung quanh bé để bé có thể ngã trên đó.

- Để bé nằm sấp và nâng cao chân bé lên 8-10 cm so với mặt sàn. Khuyến khích bé đẩy người lên khỏi sàn bằng hai tay bé.

- Đứng ở một nơi bé có thể thấy bạn và nói với bé rằng bạn đang đi tới bồng bé. Đưa tay bạn ra, khi bé cười, “nói” hay vươn tới bạn, bạn hãy bồng bé lên.

- Tiếp tục những cử chỉ ôm bé, vuốt ve và yêu thương bé.

Với bé 7 tháng tuổi:

- Cho bé xem những cuốn tạp chí và sách hình. Mua những loại mà bé có thể vừa cầm vừa xem.

- Chơi trò “ú òa” với bé. Bịt đầu bạn lại với một cái khăn tay hay tấm mền con nít và hỏi: Mẹ đâu hay bố đâu? Lấy khăn ra và đến lượt bạn lấy chiếc khăn che bé để bé trốn. Bồng bé trước gương và hỏi bé: Ai đây? Sau đó chỉ vào hình bé và gọi tên bé.

- Mở nhạc và dìu cho bé nhảy, nói với bé mình đang làm gì.

- Âu yếm bé thường xuyên và nói chuyện nhẹ nhàng với bé.

Với trẻ em 8 tháng tuổi:

- Tạo những âm thanh hấp dẫn và khuyến khích bé bắt chước làm theo.

- Cho bé nghe những bài nhạc dành riêng cho trẻ sơ sinh và con nít.

- Để bé đứng và tập cho bé nhảy, lắc lư hay đi bộ.

- Bò chung với bé, vỗ tay khen thưởng và hôn bé khi bé đạt kết quả tốt. Nếu bạn có bé lớn hơn, rủ bé lớn chơi với em nhỏ của nó.

- Bỏ đồ chơi trong cái túi lưới và chỉ cho bé cách lấy chúng ra khỏi túi như thế nào và bỏ vô lại.

- Đưa bé cùng đi với bạn đến siêu thị, nơi đi dạo và những nơi đông vui khác. Sự kích thích của những môi trường đa dạng khác nhau rất tốt cho bé.

- Hãy dành thời gian để ôm ấp, vuốt ve, hôn và trò chuyện với bé.

Với bé 9 tháng tuổi:

- Giấu một đồ chơi vào trong tấm mền và hỏi bé “Đồ chơi ở đâu?” Bé sẽ không kiếm được chúng dễ dàng; khi đó bạn hãy mở tấm mền ra cho bé thấy.

- Cho bé những đồ chơi phát ra tiếng kêu (ví dụ con thú bằng nhựa mềm khi bóp vô kêu chút chít,..) và chỉ cho bé cách làm nó kêu như thế nào. Khen bé mỗi khi bé làm tốt trò chơi.

- Đến giờ tắm, bạn có thể cho một súng bắn nước vào trong bồn, chậu tắm và cầm nó bắn nước nhẹ nhàng vào bé và sau đó để bé bắn lại mình.

- Có chế độ ăn và giờ ngủ thích hợp cho bé.

- Âu yếm và nói chuyện thật nhẹ nhàng với bé, đọc truyện hay là hát cho bé nghe. Gần đến giờ ngủ, bạn nên tránh những trò chơi có tính kích thích bé. Để những đồ chơi quen thuộc trong nôi khi bé ngủ.

- Tiếp tục trò chuyện với bé. Cho bé biết bạn đang làm gì và gọi tên những đồ vật quen thuộc.

Với bé 10 tháng tuổi:

- Cho bé xem những cuốn sách với màu sắc sặc sỡ và nhiều hình ảnh. Chỉ cho bé xem và đọc tên của những vật khác nhau trong đó.

- Cho bé xem một trái banh hay một đồ chơi, giấu nó sau lưng bạn và hỏi “Trái banh ở đâu?”. Khi bé kiếm được, lập lại trò chơi một lần nữa.

- Đưa cho bé một cái hộp và nhiều đồ chơi. Bỏ từ từ từng đồ chơi một vào trong hộp. Giúp bé bỏ đầy đồ chơi vào hộp và đổ ra sau đó. Hãy để bé tự chơi một mình.

- Động viên bé cố tự đứng dậy một mình và bạn hãy cho bé biết bạn vui như thế nào khi bé làm được điều đó.

- Để cho bé cầm ngón tay bạn và tự bước đi.

- Nói chuyện với bé thật nhiều, thường xuyên ôm bé và yêu thương bé.

Với trẻ 11 tháng tuổi:

- Đọc to và có biểu lộ cảm xúc cho bé nghe. Kể chuyện cho bé nghe theo những hình trong sách và để cho bé lật sách khi bé đã sẵn sàng.

- Cho bé những đồ chơi để xếp hay những vật có thể xếp khít lại với nhau ví dụ như bộ đồ chơi có thể xếp lồng vào nhau.

- Cho bé những đồ chơi có thể đẩy đi được dù bé chưa thể đi được.

- Cho bé những đồ chơi bắt chuớc theo những vật dụng quen thuộc. Ví dụ như cái đĩa đồ chơi hay cái điện thoại đồ chơi.

- Cho bé nhiều âu yếm và thương yêu.

Với bé 12 tháng tuổi:

- Để bé ngồi trong lòng và mặt đối diện với mặt bạn. Chỉ vào mũi bạn và nói “mũi”, sau đó chỉ vào mũi bé và nói tương tự; lập lại với các cơ quan khác như mắt, tai, miệng, cằm, tóc…

- Đưa bé đi trên những con đường đi bộ thường ngày để bé quen dần với những thứ khác nhau: lá, cỏ, thân cây…

- Giúp bé làm ngôi nhà bằng những đồ vật, những khối plastic và cho bé xô ngã chúng.

- Cho bé những đồ chơi có bánh xe hay cho bé chơi xe tập đi để bé có thể đi vòng quanh căn nhà. Khuyến khích bé đi theo bạn từ phòng này qua phòng khác.

- Tham gia vào những nhóm gia đình có em bé. Nó sẽ giúp cho bé của bạn dễ hòa nhập với những đứa trẻ khác và cho bạn có một nhóm cùng hỗ trợ.

- Ôm ấp và vỗ về bé thường xuyên

(Nguồn: Mead Johnson)

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Những thực phẩm có khả năng phòng cảm cúm cho trẻ

Thông thường chúng ta ít khi chú ý đến một số triệu chứng như hắt hơi nhẹ hoặc chảy nước mũi của trẻ. Nhưng nếu xem những biểu hiện này là triệu chứng của cảm thì số lần bị cảm của mỗi đứa trẻ bình quân khoảng 6 lần/ năm.

Trong trường hợp nào dễ bị lây truyền cảm cúm?

Thông thường cảm thường kéo dài 6-14 ngày, 3 ngày đầu dễ lây nhất nhưng sau khỏi 2 tuần vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Vì thế trẻ con rất dễ bị cảm cúm.

Nếu một đứa trẻ bị cảm cúm và có biểu hiện là chảy nước mũi thì có thể trẻ sẽ không chú ý, thông thường thì trẻ thích dùng tay ngoáy mũi, cứ như thế, vi khuẩn hoặc virus sẽ di chuyển đến tay, quần áo, đồ chơi của trẻ, đồng thời có thể tồn tại trong vòng 30 phút. Và khi những đứa trẻ khác chạm hay chơi những đồ chơi này, sau đó lại dùng tay sờ mũi, dụi mắt và như thế sẽ bị lây nhiễm.

Nhưng trẻ em mỗi lần bị cảm thì cơ thể và khả năng chiến đấu chống lại vi khuẩn virus của trẻ sẽ mạnh hơn. Cứ như thế cho tới lúc học tiểu học, số lần bị nhiễm cảm của trẻ sẽ giảm đi.

Thực phẩm phòng cảm cúm

Trẻ em sau khi sinh trong vòng 3 tháng tuổi, mỗi khi xuất hiện triệu chứng cảm thì nên đưa trẻ đi khám bác sỹ. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm hoặc lớn hơn thì chúng ta có thể xây dựng cho trẻ một “vành đai bảo vệ” từ thức ăn để hạn chế lây nhiễm cảm cho trẻ.

1. Nên ăn nhiều thực phẩm có tính kiềm

Môi trường kiềm trong cơ thể không có lợi cho virus sinh trưởng và phát triển. Điều này có nghĩa là nếu cơ thể giữ được ở trong môi trường kiềm thì virus cảm không thể “thừa cơ chen vào”. Vì vậy nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm có tính kiềm, từ đó thay đổi môi trường bên trong cơ thể, nâng cao sức đề kháng là một trong những biện pháp tốt nhất để đối kháng với virus.

Thực phẩm có chứa nhiều kiềm bao gồm táo, nho, cà chua, cà rốt, rong biển….

2. Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin A

Vitamin A có thể ổn định màng tế bào da trên cơ thể, tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch. Khi cơ thể thiếu vitamin A, khả năng chống lại virus của các tế bào cũng giảm đi, chức năng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp cũng theo đó yếu đi, một khi bị virus, vi khuẩn tấn công thì rất dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp.
Các loại rau quả màu đỏ thường giàu vitamin A.

3. Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C

Vitamin C có công dụng tăng cường thể lực và phòng chống virus lây nhiễm. Vitamin C hỗ trợ sự hình thành kháng thể, tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể. Vitamin C còn có thể đẩy các chất có hại ra ngoài tế bào bạch huyết, phục hồi các tế bào bị thương tổn.

Lúc bị cảm hoặc bị sốt, nồng độ vitamin C trong tế bào bạch huyết sẽ giảm thấp, vì vậy nên chú ý bổ sung thêm những thức ăn hàm chứa vitamin C.

Thực phẩm chứa nhiều vitamin C bao gồm: cam, quýt, lê, dâu tây, rau cần, ớt xanh....

4. Ăn nhiều thực phẩm chứa Kẽm

Kẽm có thể trực tiếp khống chế sự sinh sôi nảy nở của virus cảm, đồng thời tăng cường khả năng đề kháng cho cơ thể, được đặt cho biệt danh “ khắc tinh của virus”.

Thực phẩm chứa kẽm bao gồm: con hàu, thịt nạc, gan lợn, các loại cá, lòng đỏ trứng…
Theo qianlong/Dân trí

Giá của sự đổi đời

Ngồi một mình trong căn phòng bên cạnh tờ đơn ly hôn đã được chồng ký sẵn, chị Hoài vẫn không thể tin đó là sự thật.

Từ Hàn Quốc trở về, chồng chị ôm hai đứa con, ngắm ngôi nhà khang trang, nhìn cửa hàng mỹ phẩm to nhất thị xã, rồi nói: “Tất cả những thứ này là của em, anh sẽ không lấy bất cứ thứ gì, chỉ cần em ký đơn...”.

Đổi đời

Năm 2003, anh là thợ hàn trở về sau khi kết thúc công việc tại thủy điện Yaly, cả thị xã Hòa Bình rộ lên phong trào “đi Hàn làm thợ hàn”. Ban đầu, anh chị cũng bỏ ngoài tai nhưng nhìn đứa con thứ hai ra đời mà cả nhà chỉ biết trông vào gánh hàng tạp hóa của chị nên vợ chồng chị đành lên kế hoạch đổi đời.

Cũng phải nhờ người họ hàng ở Hà Nội và mất gần chục triệu đồng, anh mới đăng ký đi Hàn làm thợ hàn được. Bù lại, lương cho người có tay nghề như anh khá cao. Anh động viên vợ chịu khó chăm con một mình, anh đi vất vả mấy năm, khi về có chút vốn làm ăn sẽ thoát nghèo.



Ảnh minh họa. Nguồn: Inmagine.com

Đúng như dự định của anh chị, ngay năm đầu tiên, anh đã gửi được một số tiền kha khá đủ để trả nợ, ngoài ra, còn mua thêm được một chiếc xe máy. Cả thị xã được dịp lác mắt khi thấy chị cưỡi xe đưa đón con đi học. Ngày ấy, xóm giềng ai cũng mừng xen lẫn ghen tị với anh chị. Sau khi hết hợp đồng 3 năm, anh gọi điện về nói rằng vừa “trốn” được ra làm ngoài, lương cao gấp đôi nên cố làm thêm vài năm nữa để lấy vốn về nước.

Nghe chồng nói, trong lòng chị Hoài không khỏi chán nản nhưng thương chồng nên chị lại động viên anh gắng giữ gìn sức khỏe để làm việc tốt. Đã 3 năm xa cách rồi, lại thêm 3 năm nữa, cô đơn một mình nuôi con, dù dư dả tiền bạc nhưng lại vô cùng trống vắng... Rồi anh cũng gửi tiền về, bảo để xây nhà, tìm xem kinh doanh được gì không. Chị Hoài y theo lời chồng, thuê thợ về làm nhà, ngược xuôi tính toán, vay mượn thêm để mở cho bằng được một cửa hàng mỹ phẩm.

Sau 5 năm anh đi, một căn nhà bốn tầng khang trang đã làm xong, cửa hàng mỹ phẩm, thời trang to nhất thị xã cũng bắt đầu hút khách. Nhưng với chị, căn nhà luôn trống trải, cửa hàng chỉ là nơi chị vùi đầu vào công việc để quên thời gian của tuổi thanh xuân đang vùn vụt trôi qua. “Mỗi sáng chủ nhật, ba mẹ con lại ra ngồi ở cửa hàng, nhìn gia đình người ta dắt nhau đi chơi, không chỉ có mình mà cả hai con đều chảy nước mắt. Chính vì thế mà cửa hàng của mình không bao giờ mở cửa ngày chủ nhật, dù biết đó là ngày đông khách. Có lúc bọn trẻ còn hỏi mình rằng bố mẹ bỏ nhau rồi hay sao mà mãi bố không về” - chị Hoài kể.

Chị giục anh về sớm hơn kế hoạch, ban đầu anh đồng ý nhưng sau lại viện rất nhiều lý do để trì hoãn.

Ngày chồng về...


Và sau đúng 6 năm 8 tháng 13 ngày, chị Hoài được nghe anh báo tin duy nhất mà chị chờ đợi: “Ngày mai anh về”. Nhưng nói xong, không để chị kịp reo lên mừng rỡ, anh đã cúp máy. “Anh báo tin đột ngột khiến mình cứ ngỡ như đang mơ vậy. Mình chỉ còn biết đóng cửa hàng, chạy về nhà dọn dẹp nhà cửa. Chiều đón con đi học về, ba mẹ con đi mua hoa, mua vịt chuẩn bị làm món vịt quay mừng đón anh trở về. Còn đêm hôm ấy, mình không tài nào chợp mắt được, nỗi thương nhớ chồng mấy năm biền biệt cứ trào dâng...” - chị Hoài nhớ lại.

Anh xuất hiện ngoài cổng, không mang nhiều đồ đạc như người đi làm ăn xa mới về. Đặt vali xuống anh ngắm căn nhà và ôm lấy hai đứa con chạy ào đến. Chị ngại ngùng đứng từ xa ngắm anh. Anh thay đổi nhiều quá. Anh không còn gầy đen như trước mà hồng hào, mập mạp.

Anh nhìn chị, cười và bước đến, ngồi xuống bàn uống nước. Rồi anh hỏi các con về chuyện học hành, khen nhà xây đẹp, nói nhìn thấy phố xá thay đổi quá nhiều... Chị mang nước đến cho anh và để các con ở lại với anh, còn chị xuống bếp vừa dọn thức ăn vừa nuốt nước mắt vào trong.

Ngồi ăn cơm, anh không một lần nhìn thẳng vào mắt chị, cũng không kể nhiều chuyện bên xứ Hàn. Các con đi ngủ, còn lại hai vợ chồng ở phòng khách. “Anh ấy đi lại không ngừng giữa nhà. Rồi anh cũng mở lời: “Anh đã trót có quan hệ với con gái ông quản đốc, có con đã hai năm rồi, không thể bỏ về được nữa. Mong em hãy tha thứ. Toàn bộ tài sản em cứ giữ. Anh về muốn nhờ em ký đơn ly hôn”. Lúc đó, mình như người rơi xuống vực thẳm, trân trân nhìn anh đặt lá đơn lên bàn, xách vali đi ra khỏi nhà. Sao cuộc đổi đời lại quá đắt giá như thế này?” - chị Hoài bật khóc.
Theo Người Lao Động

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2010

Chuẩn bị tâm lý cho con vào lớp 1

Đã kết thúc lớp 1, không ít phụ huynh thắc mắc vì sao con mình lại có kết quả không tương xứng với khả năng em học ở nhà. Sự thật, họ chưa lường hết những khó khăn tâm lý mà các bé gặp phải ngay từ những ngày đầu.

Lớp một được xem là bước ngoặt trong cuộc đời của trẻ. Nếu như ở mẫu giáo, hoạt động chủ đạo là vui chơi, thì khi lên tiểu học, việc học là hoạt động chủ yếu.

Quá trình chuyển đổi hoạt động chủ đạo sẽ gây cho trẻ rất nhiều khó khăn, nhất là về mặt tâm lý. Nếu như việc học tập diễn ra tốt đẹp thì kéo theo sự phát triển tâm lý của trẻ cũng đúng hướng, thuận lợi và ngược lại. Vì vậy, hiểu được sự chuyển biến tâm lý của trẻ ở giai đoạn này là rất quan trọng, sẽ giúp trẻ dễ thích nghi với môi trường mới, tiếp thu sự giáo dục dễ dàng.

Những rào cản tâm lý với trẻ

Khi vào lớp 1, các em sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện nội quy học tập, khả năng điều khiển tâm lý của bản thân còn kém. Các em chưa ý thức được rõ giới hạn giữa chơi và học nên gặp nhiều khó khăn trong khi chuyển trạng thái từ hoạt động chơi sang học, trẻ chưa biết phân bố thời gian giữa các môn sao cho phù hợp.

Đặc biệt, trẻ ở lứa tuổi này phải làm quen với phương pháp học tập mới, học nhiều môn khác nhau, kể cả những môn các em không thích. Thậm chí, nếu người lớn không có sự định hướng kịp thời, sẽ có nhiều em căng thẳng trước khối lượng lớn kiến thức vừa mới, vừa trừu tượng. Khả năng phân tán chú ý ở trẻ còn cao, trong khi đó việc học lại đòi hỏi các em phải làm những công việc khéo léo và tập trung.

Các em cũng khó thiết lập mối quan hệ với thầy cô, bạn bè. Mặt khác, khi đi học lớp 1, trẻ tự nhận thấy mình đã lớn, phải có vai trò và trách nhiệm mới đối với gia đình. Đây là những rào cản lớn với trẻ.
Ngoài quần áo, đồ dùng học tập..., việc tạo cho trẻ một tâm lý sẵn sàng là rất quan trọng. Ảnh: BT

Phụ huynh quan tâm đến con sẽ nhận thấy những biểu hiện nổi bật ở các em như: không thích đi học hay đi học muộn (kể cả bố mẹ chở đến trường, các em cũng cố nấn ná thêm ở bên ngoài, chưa thích vào lớp); nói chuyên riêng khi cô đang giảng bài; học không đồng đều các môn, thường thì các em thích môn nào thì học tốt môn đó; quên không làm bài tập cô giáo yêu cầu, không tự giác học (chỉ học khi nào người lớn nhắc nhở); có khá nhiều trường hợp các em không dám nói với bố mẹ về điểm kém và việc phạm khuyết điểm của mình ở trường.

Những nguyên nhân khiến trẻ chưa thích nghi

Trẻ gặp khó khăn tâm lý phần nhiều do gia đình thờ ơ, không quan tâm hoặc quá quan tâm đến trẻ, làm cho các em bối rối khi bước vào và làm quen với môi trường học mới.

Không ít phụ huynh khó hình dung được rằng bước sang một môi trường học tập mới, trẻ hoàn toàn lạ lẫm, các em chưa được chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đi học, chưa tìm thấy hứng thú trong học tập, những điều mới lạ trong những bài học còn trừu tượng chưa kích thích được tính tự giác, tích cực của trẻ. Vì thế, trẻ chưa hình thành được cách thức học tập khoa học và hiệu quả.

Có những bậc phụ huynh cứ nghĩ rằng cho con ăn uống, may sắm áo quần và sách vở là đủ. Trong khi đó, điều trẻ cần là cha mẹ chỉ dẫn các em hiểu rõ nội quy học tập cần phải làm gì? Làm như thế nào? Làm để được cái gì?

Ở thời điểm này, điểm số còn quá chung chung đối với trẻ. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại yêu cầu trẻ hàng tuần, hàng tháng phải có một số điểm 10 nhất định, làm cho trẻ chỉ biết “chạy” theo điểm, để được cha mẹ khen thưởng.

Một nguyên nhân khác là cách dạy của giáo viên chưa phù hợp, khiến các em ngỡ ngàng, khó làm quen trước việc dạy của giáo viên mới (không giống như ở mẫu giáo). Giáo viên thường xuyên kiểm tra, đánh giá mọi công việc của trẻ, nhưng chưa động viên, khuyến khích kịp thời, làm cho mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh luôn có khoảng cách, các em khó gần gũi với giáo viên.

Cách giúp trẻ vượt qua bước ngoặt lớp một

Chia sẻ cùng trẻ. Trong thời điểm này, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho trẻ, ngoài quần áo, đồ dùng học tập... thì việc tạo cho trẻ một tâm lý sẵn sàng là rất quan trọng.

Hãy nói với trẻ biết trước về môi trường mới, thầy cô mới, nội dung học tập mới, những khó khăn cũng như thuận lợi nhất định để trẻ tập làm quen ngay ở nhà. Đồng thời nếu có điều kiện cha mẹ cũng nên cho trẻ làm quen với môi trường học tập mới trong dịp hè, như cho trẻ đến trường để thăm quan, làm quen với anh chị lớn tuổi hơn, tập thói quen chấp hành nội quy...

Cha mẹ tạo điều kiện thuận lợi cho con học tập, xây dựng bầu không khí gia đình luôn vui vẻ, ấm cúng, đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, tạo cho trẻ tâm lý thoải mái trong khi học tập.

Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, tôn trọng nhân cách trẻ, động viên các em trong suốt quá trình học tập... là con đường ngắn nhất để cùng trẻ khắc phục những khó khăn tâm lý ở những ngày đầu khi bước vào lớp 1.

Theo Nguyễn Văn Công
Giảng viên tâm lý học - Trường Đại học sĩ quan Lục quân 2

4 hành vi báo hiệu bạn sẽ ly hôn

Nếu như các cặp vợ chồng hạnh phúc thường có những điểm chung, thì các cặp bất hòa cũng có những điểm tương đồng. Dưới đây là 4 hành vi thường gặp dự báo họ sẽ ly hôn.

Tiến sĩ John Gottman chỉ ra trên suntimes.

Chỉ trích: Không có gì sai khi bạn bày tỏ nhu cầu hoặc cảm giác của mình cho bạn đời biết. Tuy nhiên, cách mà bạn bộc lộ những cảm xúc này rất quan trọng. Khi chỉ trích bạn đời, bạn đang tấn công cá nhân anh ấy. Bạn tấn công vào tính cách, vai trò làm chồng của anh ấy và cả sự tự tôn.


Đây là một ví dụ về sự chỉ trích: "Anh có bao giờ nghĩ trước khi nói không? Giờ thì chị gái tôi sẽ cằn nhằn cả tháng trời về lời bình luận xuẩn ngốc của anh?"

So sánh với câu sau: "Em biết anh đang nói đùa, nhưng chị gái em rất dễ nổi cáu. Anh có thể xin lỗi chị ấy để chúng ta có thể trở lại hòa bình được không?"

Bảo thủ: Khi bạn bảo thủ, bạn bị trói chặt trong nhu cầu luôn muốn được thừa nhận là đúng. Bạn muốn thách thức bạn đời, và bạn muốn được xem là người chiến thắng. Một vài ví dụ như sau:

"Nếu anh nghe lời khuyên của em, chúng ta đã không phải đến bữa tối muộn thế này. Em biết đường cao tốc đó đã bị chặn, em biết nó mà".

"Đúng như em đã đoán, lũ trẻ không chăm sóc đến con chó con. Em đã bảo anh điều này sẽ xảy ra mà. Lần tới, tại sao lại không nghe lời em nhỉ?".

Coi thường: Giống với chỉ trích, coi thường động chạm tới cảm xúc của người khác. Coi thường gây ra những vết thương lòng rất khó lành. Khi bạn coi thường bạn đời, bạn thường dùng những hành động như nhướng mắt, chế riễu, chửi, hoặc lăng mạ bạn đời.

Chặn họng bạn đời: Điều này xảy ra khi bạn tách mình khỏi bạn đời và nhu cầu của người ấy. Chẳng hạn, bạn rời khỏi phòng khi hai người đang tranh cãi, hoặc đóng sập cửa khi cô ấy đang cố gắng nói với bạn về cảm giác của mình.

Khi tạo ra sự bế tắc này, bạn cảm giác mình đang ở trên cao hơn người kia, hoặc đang tỏ ra không thèm tranh cãi, nhưng thực ra bạn đang chọn cách né tránh vấn đề.

Khi ấy, bạn đời của bạn sẽ có cảm giác như là người duy nhất cố gắng duy trì mối quan hệ, rất cô đơn và tâm trạng khổ sở.

Và mặc dù không có công thức chính xác cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc, song các nghiên cứu đã chỉ ra một hướng đi đúng: đó là nói chuyện nhẹ nhàng, biết lắng nghe, và trên tất cả là hãy hài hước với nhau.
Theo Vnexpress

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

Cách xử trí tai nạn mùa nóng ở trẻ

Để giảm bớt cái nóng của mùa hè, những ngày này, phụ huynh thường cho trẻ đến hồ bơi, công viên nước… để vui chơi. Với tính hiếu động của trẻ, những tai nạn đáng tiếc đều có khả năng xảy ra. Bên cạnh dó, trong mùa nóng thực phẩm khó bảo quản, dễ ôi thiu, càng tăng thêm nguy cơ ngộ độc cho trẻ. Gặp những trường hợp này, cần phải xử trí ban đầu như thế nào cho đúng?

Phụ huynh cần theo dõi sát trẻ khi đi tắm đề phòng ngạt nước.
Ngộ độc thức ăn

Những ngày nóng bức này, thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn, ôi thiu cao. Một nguyên nhân gây ngộ độc nữa là hóa chất còn đọng lại trong thực phẩm do quá trình rửa chưa lấy đi hết. Bộ máy tiêu hóa của trẻ còn yếu nên ngộ độc dễ xảy ra. Trẻ sẽ có dấu hiệu: đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy nhiều lần có lẫn máu, sốt cao, mất nước. Những dấu hiệu này xảy ra sau khi ăn hoặc uống trước đó trong vòng 24 tiếng. Nguy hiểm nhất đối với ngộ độc thức ăn là tình trạng mất nước, nên phải bù nước cho trẻ kịp thời. Khi thấy trẻ khóc không có nước mắt, môi lưỡi khô, da không đàn hồi, sụt cân… là tình trạng mất nước đang xảy ra. Phụ huynh nên bù nước nhanh chóng cho trẻ bằng nước muối sinh lý (oresol) có bán sẵn tại các quầy thuốc, hoặc nước dừa pha chút muối và một số loại nước trái cây. Nôn ói là một dấu hiệu tốt khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, chú ý tư thế của trẻ khi nôn, đầu phải thấp và nghiêng về một bên. Như vậy sẽ hạn chế chất nôn tràn vào phổi gây viêm phổi, ngạt thở rất nguy hiểm. Ngừng ngay việc sử dụng thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc. Mang cả chất nôn và thức ăn nghi ngờ có độc vào bệnh viện để tiện cho việc xét nghiệm. Lưu ý phụ huynh tuyệt đối không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy. Việc bảo đảm vệ sinh, rửa tay trước khi ăn, cho trẻ uống sôi, ăn chín cũng cần thiết để ngộ độc thực phẩm không có cơ hội xảy ra trong những ngày này.

Ngạt nước

Ngạt nước làm nước sặc vào phổi và dạ dày quá nhiều làm trẻ không thở được và tử vong. Cũng có trường hợp lượng nước vào trong phổi ít nhưng gây phản xạ co thắt thanh quản làm trẻ tím tái, ngưng hô hấp, hệ tuần hoàn ngưng hoạt động… Việc sơ cứu khi đưa trẻ ra khỏi môi trường nước là hết sức cần thiết. Đặt trẻ nằm ngửa cằm lên cao, làm động tác hà hơi thổi ngạt, ấn tim năm lần một nhịp… Vẫn tiếp tục sơ cứu trong lúc đưa trẻ đến bệnh viện hay nhập viện để ngăn ngừa suy hô hấp muộn. Phụ huynh nên cho trẻ học bơi và cách sơ cứu khi xuống nước để tránh tai nạn ngạt nước. Trước khi xuống nước nên khởi động tay chân để không bị chuột rút trong môi trường nước.

Phỏng

Phỏng có nhiều nguyên nhân: phỏng nước sôi, phỏng lửa, phỏng hóa chất, phỏng điện… Phỏng vào mùa hè thì nguy cơ cao nhất vẫn là phỏng điện, lửa do thời tiết nóng chập điện, gây cháy… Phỏng gây đau rát vùng da tổn thương nên trẻ sẽ khóc quấy dữ dội. Sơ cứu trẻ bị phỏng: đầu tiên cởi bỏ lớp áo quần nơi phỏng. Lưu ý không nên cố gỡ bỏ mảnh áo quần dính vào da, hay cố rửa chất bẩn nơi vết phỏng không đúng cách, vì có thể làm nhiễm trùng nặng thêm. Tuyệt đối không dùng các loại kem, thuốc gia truyền, nước mắm, giấm… đắp lên vết phỏng mà chỉ cần rửa dưới nguồn nước lạnh. Nhiều trường hợp, trẻ bị vết phỏng nhẹ nhưng phụ huynh lại dùng nước mắm, kem đánh răng bôi vào vết thương gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng và hoại tử vết phỏng.

BS. NGỌC LAN

Thứ Ba, 8 tháng 6, 2010

Vợ Bắc, chồng Nam

Tôi và vợ là sự kết hợp của hai miền Nam - Bắc. Tuy phong tục, tập quán, thói quen… hơi khác, nhưng mọi thứ chỉ là chuyện nhỏ. Không có trở ngại nào ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng tôi, ngược lại còn cuốn chúng tôi vào nhau. Thú thật, trước ngày cưới, chúng tôi cũng có rắc rối về vấn đề tổ chức. Hai bên sui gia đều giành quyền tổ chức tiệc cưới theo cách của địa phương mình. Sợ to chuyện không hay, cuối cùng tôi nghĩ ra cách tổ chức tiệc cưới theo kiểu hiện đại, tại một nhà hàng ở TP.HCM, tạo ra sự công bằng cho cả hai phía.

Chúng tôi xây tổ ấm ở một căn nhà ngoại thành TP.HCM. Đây là món quà ba tôi đã tặng vợ chồng tôi. Niềm vui chưa trọn thì chúng tôi lại vướng chuyện “Bắc - Nam”. Vốn là người miền Bắc, nên khẩu vị ăn uống của nàng có phần hơi mặn. Do vậy, những món ăn nàng nấu tuy bắt mắt, hấp dẫn nhưng rất khó nuốt vì mặn. Nhưng nếu tôi nhảy vào bếp, đồ ăn trở nên “ngọt ngào”, nàng lại ăn không vô. Sau nhiều lần bị chuyện mặn-ngọt “hành hạ”, tôi đưa ra một quyết định tuyệt vời: người giảm muối, người giảm đường. Thế là hài hòa, phù hợp cho cả hai người.



Ảnh minh họa. Nguồn: Inmagine.com

Trong sinh hoạt, nàng có thói quen họp đồng hương với những người xa quê. Nàng kể, khi chưa lấy tôi, nhóm đồng hương của nàng thường họp ở công viên hoặc một quán lề đường nào đó. Giờ đã có nhà cửa hẳn hoi, lại rộng rãi nên nàng xin phép tôi cho nàng họp đồng hương ở nhà mỗi tháng vào chủ nhật. Tôi đồng ý vì cảm thông cho cảnh những người xa quê. Nói thì hay nhưng khi chứng kiến cảnh mọi người tụ tập lại nói cười ồn ào tôi cũng phát mệt. Thấy không quen, tôi xin làm “chân sai vặt” phục vụ trà nước cho nàng và bạn bè. Lần đầu là vậy, nhiều lần sau thành quen, giờ tôi cũng thành “đồng hương” của mọi người, mỗi tháng thiếu vắng bạn bè của nàng là cảm thấy như thiếu thứ gì đó. Ngược lại, thỉnh thoảng bạn bè tôi ở miền Tây lên chơi, nàng cũng tiếp đãi rất ân cần, chưa bao giờ làm mất lòng ai cả.

Còn cách tiêu dùng, tôi và nàng cũng có những ý thích khác nhau. Nàng thích hoa đào, tôi lại yêu hoa mai. Nàng mê phim, ca nhạc có những ca sĩ Hà thành trình diễn, tôi lại thích các ca sĩ Nam bộ. Nàng khoái bánh chưng, tôi thích bánh tét… Nhưng chẳng sao, vì mỗi lần mua hoa, mua bánh là nàng mua cả hai thứ.

Nói chung, còn rất nhiều chuyện chúng tôi “chỏi” nhau do trái ngược cách sống, nhưng nhờ “thương nhau củ ấu cũng tròn” nên cũng qua hết. Cái chính là biết tôn trọng, cảm thông và san sẻ cho nhau mọi thứ trong cuộc sống thì dù vợ chồng “xung khắc” đến cỡ nào cũng có thể tìm được tiếng nói chung.
Theo Phụ nữ TP HCM

Bổ sung vitamin cho trẻ như thế nào?

Vitamin (còn gọi là sinh tố) là những chất dinh dưỡng cần thiết được cung cấp hàng ngày để cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Tuy lượng cung cấp nhỏ, thậm chí rất nhỏ, nhưng số vitamin cần thiết lại lên đến con số 13, gồm 4 vitamin tan trong dầu là A, D, E, K và 9 vitamin tan trong nước như vitamin C, các vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6, PP.). Vì thế việc lựa chọn thuốc bổ sung vitamin không đơn giản.

Do cơ thể không thể tự tổng hợp được vitamin (ngoại trừ khi tắm nắng thích hợp để biến tiền vitamin D thành vitamin D), nên ta phải ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất để được cung cấp đủ vitamin. Nếu hàng ngày, ăn uống đầy đủ chất, với 600g thức ăn ta sẽ được cung cấp khoảng 1g vitamin.

Hiện nay, việc nghiên cứu về tác dụng của vitamin đã có nhiều bước tiến mới. Ngoài chức năng dinh dưỡng, nhiều công trình khoa học còn ghi nhận chức năng sinh hóa mới của một số vitamin. Vitamin K có thêm chức năng tham gia chuyển hóa calci, vitamin D tham gia vào chức năng miễn dịch (tức sự đề kháng) của cơ thể, vitamin B6 tham gia điều hòa các chất sinh học có cấu trúc steroid (như hormone sinh dục) v.v... Ðặc biệt, có 3 vitamin được công nhận có tác dụng chống oxy hóa là vitamin C, vitamin E, beta-caroten (tức tiền vitamin A). Ðây là những vitamin có thể vô hiệu hóa các gốc tự do (là các chất có hại cho cơ thể) giúp bảo vệ tế bào, mô, phòng ngừa một số bệnh, làm chậm quá trình lão hóa.

Những đối tượng nào cần bổ sung?

Nếu hàng ngày ta ăn uống với chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ thì không sợ thiếu vitamin. Ðặc biệt, nên tăng cường rau cải, trái cây các loại cho bữa ăn vì đây là nguồn vitamin thiên nhiên rất tốt. Nên lưu ý một số đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin như người ăn kiêng, người bệnh (nhiễm khuẩn, bỏng, phẫu thuật), người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người nghiện rượu, hút thuốc nhiều... Riêng đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, đương nhiên phải được bổ sung vitamin; hoặc trẻ sau giai đoạn bị bệnh (nhiễm khuẩn, ho hen, tiêu chảy...) thì việc uống thêm vitamin là cần thiết.
Trẻ bình thường có cần bổ sung vitamin?

Về mặt lý thuyết, nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và tình trạng bình thường (tức không có dấu hiệu suy dinh dưỡng) thì không cần bổ sung vitamin. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng nên bổ sung vitamin. Bởi vì các vitamin vốn có trong thực phẩm sẽ bị mất đi hay giảm trầm trọng trong một bữa ăn đầy đủ nhưng chất lượng thực phẩm không đảm bảo (rau bị héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C), hoặc bảo quản chế biến thực phẩm không tốt (gạo càng trắng càng có ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C sẽ không còn...). Vì vậy nhiều khi bác sĩ vẫn khuyên cho những trẻ xem ra khỏe mạnh uống bổ sung vitamin. Còn với trẻ béo phì, bác sĩ thường khuyên nên ăn chế độ ít chất béo và cần thiết phải bổ sung các vitamin, vì chế độ ăn ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K.

Những lưu ý khi bổ sung vitamin cho trẻ

- Sử dụng thuốc bổ sung vitamin không thay thế được thức ăn, mà vẫn phải ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm.

- Trong các loại vitamin, vitamin A và D không được dùng thừa, dùng quá liều vì sẽ tích lũy lại trong cơ thể và có thể gây ngộ độc. Nếu dùng loại Multivitamin ngày uống 1 viên thì không được chứa quá 5.000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A và không quá 400 IU vitamin D. Nếu dùng loại dung dịch uống, phải lấy số giọt hoặc thể tích (số ml) theo đúng bản hướng dẫn sử dụng thuốc. Nên cho trẻ dùng dạng lỏng như dung dịch uống vì vừa dễ uống vừa dễ hấp thu.

- Không nên dùng vitamin C liều quá cao (hơn 1g/ngày) vì có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa, sỏi thận khi dùng dài ngày.

TS. Nguyễn Hữu Đức

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010

Đòn hiểm của ôsin




Tao đã nện cho mụ ấy một đòn chí mạng - Thơm “ôsin” kể với bạn gái của mình, cũng là một ôsin - Nếu mụ ấy tử tế thì tao sẽ tử tế lại.

Nhưng mụ ấy rất nanh nọc. Đưa tiền đi chợ về bắt khai từng xu và mắng thậm tệ: “Cái con nhà quê này! Mày đi chợ thì phải mặc cả chứ, thịt nạc thăn hôm nay chỉ 66.000 đồng thôi. Ngu mất cả phần của chó”. “Cái con nhà quê này mày uống sữa tắm hay sao mà chóng hết thế.

Hôm qua chai sữa tắm còn một nửa mà hôm nay đã hết sạch rồi”. Hễ mở mồm ra là mụ ấy gọi tao là cái con nhà quê này. Mà mụ ấy cũng nhà quê một cục, ở Hải Dương lên, ngọng líu ngọng lo “nòng nợn, miến nươn” may vớ được ông chồng có học hàm học vị mà thành bà nọ bà kia chứ cao sang gì. Vậy mà lúc nào cũng vênh mặt lên, khinh người như rác “cái con nhà quê này sao mày buôn điện thoại ghê thế. Một tháng 3 lần gọi về quê mà lần nào cũng trên 10 phút”. Tao hận lắm. Đã thế thì cái con nhà quê này sẽ cho mụ ấy biết tay.

Ông chủ thường làm việc khuya. Cứ tầm khoảng 11 giờ là tao phải pha café cho ông ấy. Tao mua hai bộ váy áo trắng tinh và mỏng tang... Tao mang café đến cho ông chủ. Ông ấy lịch sự cám ơn rồi liếc rất nhanh vào ngực tao. Nhìn ánh mắt của ông chủ tao biết ông ấy muốn gì rồi. Hôm sau mang café đến tao đứng từ phía sau, cúi xuống, đặt cốc café lên bàn, cố ý chạm cái “quả bưởi” vào lưng ông ấy một tí. Ông ấy nắm tay tao nói cám ơn. Rồi mụ ấy phải về Hải Dương thăm bà mẹ bị ốm hai hôm. Thời cơ đến rồi. Tao sẽ “bắt sống” ông chủ cho mụ ấy biết mặt. Tao với ông chủ có hai đêm tít mít. Được ăn của lạ, ông ấy rất hào hứng và không thể quên được. Ông chủ thỉnh thoảng lại dúi cho tao một tệp tiền. Mụ ấy ky bo một thì ông chủ rộng rãi mười. Thấy tao mặc có vẻ khiêu khích, mụ ấy mắng: “Cái con nhà quê này, sao mày mặc trông chướng mắt thế!”. Tao nói: “Cháu ngủ trên tầng thượng, lại không có điều hoà nên nóng lắm, phải mặc thế cho mát. Vả lại cháu ở một mình mà”. Ông chủ bênh tao: “Buổi tối ở nhà thì mặc thoáng một chút cũng được. Nhưng ban ngày thì phải mặc cho kín đáo”. Mụ ấy lườm chồng đến rách cả khoé mắt.

Rồi mụ ấy nghi ngờ chồng. Cứ để mụ ấy nghi, càng nghi tao càng thích. Tao cố tình khiêu khích ông chủ nhiều hơn. Mỗi lần mang café tới, tao lại chạm vào ông chủ một cái. Rồi một hôm, ông chủ làm việc khuya hơn mọi ngày. Gần 2 giờ sáng rồi mà ông ấy vẫn ngồi trước máy vi tính. Tao rón rén đi xuống, nghe nhịp thở của mụ ấy đều đều, hình như đã ngủ say rồi. Tao định đến gần ông chủ nhưng ông ấy chỉ tay lên gác thượng và nháy nháy mắt. Tao biết ông ấy muốn nói gì. Tao lên gác, bật đèn ngủ, nằm chờ, trong khi cánh cửa chỉ khép hờ. Một lúc sau, tao nghe tiếng cánh cửa mở rất khẽ. Người mở cửa không ai khác ngoài ông chủ. Vì quen rồi nên ông ta không phải giữ gìn gì hết, lập tức “hành sự” ngay. Tao ôm ông ấy rất chặt...

Bỗng đèn trong phòng tao bật sáng và mụ ấy đứng chấn trước cửa, mồm há hốc, mặt méo xệch, mắt xếch lên giận dữ. Tao vớ cái quần của ông ấy, che phần dưới của mình, còn để mặc cho ông chủ cứ thỗn thện thế cho mụ ấy ngắm. Tao thừa biết rằng mụ ấy không dám làm to chuyện, vì mụ ta phải giữ thể diện và sự thăng tiến của chồng. Ngay sáng hôm sau mụ ta đưa cho tao một tháng lương và mắng: “Con nhà quê! Cút đi cho khuất mắt tao!”. Tao giả vờ sợ hãi và nói rằng: “Cháu xin lỗi cô chú. Nhưng cháu đang có thai. Xin cho cháu ở lại đây, sau khi sinh nở xong cháu sẽ về quê”. Mày có biết mụ ấy sợ hãi như thế nào không? Mặt tái mét đi, lắp bắp mãi mới nói được: “Tao lạy mày! Cầm 2 triệu đồng đi giải quyết cái của nợ ấy đi rồi về quê”. Tao doạ tiếp: “Cháu không dám làm việc đó đâu, thất đức lắm. Cháu sẽ về quê sinh con và sẽ không ai biết hết. Nhưng cô chú phải cho cháu 50 triệu đồng”. Mụ ta đứng thần ra một lúc rồi mở két, đếm đủ 50 triệu đồng đưa cho tao: “Của nợ! Cút đi” - Thơm “ôsin” cười đắc thắng - tao doạ thế thôi chứ có chửa chiếc gì đâu. Trước đó tao đã uống thuốc tránh thai rồi. Tao rời nhà ấy nhưng tình cảm của vợ chồng nhà ấy không yên nữa. Tất cả là tại cái thói nanh nọc của mụ chủ. Vì thế tao mới trả thù.

Câu chuyện này tôi nghe lỏm được tại một trung tâm giới thiệu việc làm ở Hà Nội. Thiết nghĩ các bà vợ hãy cẩn thận với ôsin, đừng để phải nếm đòn thù như bà chủ này.

Theo Gia đình & Xã hội

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Cho trẻ ăn nhiều hải sản để phòng thiếu máu, thiếu sắt

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 50% trẻ em dưới 2 tuổi bị thiếu máu, thiếu sắt.

Trẻ bị thiếu máu sẽ bị chậm phát triển tâm thần vận động, giảm khả năng miễn dịch và khi đến tuổi đi học trẻ sẽ bị giảm khả năng phát triển về ngôn ngữ, vận động, các hoạt động phối hợp và giảm chỉ số IQ từ 5 - 10 điểm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu máu thiếu sắt là do chế độ dinh dưỡng cung cấp thiếu chất sắt.

Sự hấp thu sắt bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Một yếu tố quan trọng là dạng của sắt trong thức ăn. Heme là thành phần chính của huyết sắc tố để cấu tạo nên hồng cầu. Sắt ở dạng heme có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật và dễ được hấp thu hơn là sắt không ở dạng heme có nguồn gốc thực vật.


Thức ăn giàu sắt ở dạng heme bao gồm các loại hải sản như nghêu, sò huyết, tôm, cá... các loại phủ tạng động vật như gan heo, gan gà, gan bò. Nên cho trẻ ăn đầy đủ các loại thực phẩm nói trên và các loại thịt bò, thịt gà, trứng để trẻ được bổ sung sắt đầy đủ.

Một số loại thức ăn giàu sắt không ở dạng heme như bột ngũ cốc, đậu tươi nấu chín, hạt bí đỏ, mật đường, các loại rau xanh như rau muống, măng tây... Sự hấp thu của sắt không ở dạng heme có thể được làm tăng lên khi được ăn kèm những thức ăn chứa sắt ở dạng heme trong cùng một bữa ăn. Ngoài ra, những chất làm tăng hấp thu sắt cũng có thể giúp tăng hấp thu sắt không ở dạng heme. Cần chú ý tránh ăn chung với những thức ăn có tính ức chế sự hấp thu sắt.

Nên ăn nhiều chất làm tăng hấp thu sắt như thịt cá, gia cầm, các loại trái cây: vitamin C, cam, dưa đỏ, dâu, nho, các loại rau: bông cải xanh, cà chua, khoai tây, tiêu xanh và tiêu đỏ... Chất làm giảm hấp thu sắt là rượu vang đỏ, cà phê, trà, các loại củ dền, củ cải, sản phẩm từ đậu nành.

Việc chọn một chế độ dinh dưỡng gồm những thực phẩm giàu chất sắt có thể giúp bé phòng tránh được bệnh thiếu máu thiếu sắt. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, nếu trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ với những thức ăn giàu chất sắt mà vẫn thấy trẻ xanh xao, cần đưa trẻ đi khám bệnh để tầm soát các nguyên nhân như nhiễm giun móc, viêm loét dạ dày, rong kinh ở tuổi dậy thì hoặc thiếu máu bẩm sinh di truyền.

Các bà mẹ trong gia đình cần quan tâm đến thành phần dinh dưỡng của bữa ăn cho trẻ. Cho trẻ ăn đa dạng, thay đổi món, bổ sung rau, củ quả đúng cách. Tránh làm cho trẻ chỉ ăn một vài món ưa thích khiến mất cân bằng vi chất trong khẩu phần ăn, gây ra các bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Theo ThS Nga Anh