Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

Đổ bệnh vì nóng !


Nắng nóng gay gắt trong những ngày qua đã khiến người dân Hà Nội lao đao, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, cả nước đang bước vào những ngày hè nóng bức, đây cũng là thời điểm nhiều loại dịch bệnh như tiêu chảy cấp nguy hiểm do khuẩn tả, liên cầu khuẩn, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, viêm não, sốt virus... bùng phát. Điều tra dịch tễ cho thấy dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát phần lớn là do chủ quan của người dân.

Bệnh nhân tăng gấp đôi

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Lão khoa Quốc gia, cho biết: Số bệnh nhân cao tuổi đến khám và điều trị trong những ngày qua tăng gấp đôi so với ngày thường, trung bình mỗi ngày có khoảng 150-200 bệnh nhân tới khám, cấp cứu. Ngoài các loại bệnh thường gặp là tim mạch, tăng huyết áp, viêm phổi, tai biến mạch máu não... đã xuất hiện nhiều bệnh nhân bị say nắng.

Theo bác sĩ Dũng, nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người cao tuổi do sức đề kháng cũng như sự chống đỡ yếu của cơ thể với những thay đổi của môi trường, nhiệt độ bên ngoài. Đặc biệt, bệnh tai biến mạch máu não thường xảy ra khi gặp sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, độ ẩm...

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lượng trẻ đến khám do các bệnh lý về hô hấp cũng tăng mạnh. Ngày cao điểm, bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho gần 2.500 bệnh nhi, đa số mắc các bệnh của mùa nóng như rối loạn tiêu hóa, viêm đường hô hấp, viêm não... Hiện tại, mỗi giường bệnh của bệnh viện có tới hai, ba bệnh nhi nằm, nhiều bệnh nhi phải điều trị ngoài hành lang.

Uống nhiều nước

Theo các bác sĩ, để chủ động phòng chống bệnh nguy hiểm, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện ăn chín uống sôi. Người dân cũng nên hạn chế sử dụng các loại nước giải khát và thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Người cao tuổi tập thể dục buổi sáng không nên ở ngoài trời nắng quá lâu và về quá muộn khi ánh nắng đã chói chang. Hằng ngày nên ăn nhiều rau quả, uống vitamin để tăng sức đề kháng, đặc biệt cần uống từ 1,2 - 2 lít nước/ngày. Nên mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi; khi ra ngoài trời nên đội mũ rộng vành, mang theo ô; với người đang sử dụng thuốc điều trị bệnh, cần uống đều đặn, chú ý theo dõi sức khỏe, nếu có những bất thường cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, phụ trách Phòng Khám - Tư vấn hen, Bệnh viện Nhi Trung ương, khuyên phụ huynh nên hạn chế cho trẻ ra ngoài trời để tránh say nắng, khi ra đường cần đội mũ, mặc áo chống nắng. Việc lạm dụng điều hòa nhiệt độ cũng gây ra những bệnh về họng, thanh quản. Đặc biệt, chế độ ăn uống của trẻ phải được quản lý chặt chẽ. “Phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước khi trời quá nóng để tránh bị mất nước. Nếu cho trẻ đi bơi nên chọn bể bơi trong nhà hoặc đi lúc đã gần tắt nắng và không để trẻ ở dưới nước lâu”- bác sĩ Lộc lưu ý .

Nắng nóng tiếp tục kéo dài

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện vùng áp thấp nóng phía Tây đang có dấu hiệu phát triển và mở rộng về phía Đông Nam, một số nơi khu vực phía Tây Bắc Bộ, vùng núi phía Tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã xảy ra nắng nóng với nhiệt độ từ 35ºC – 37ºC. Tại Mường La (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), nhiệt độ là 37,5ºC; Quỳ Hợp (Nghệ An) 39,1ºC.

Dự báo, ngày 22-5, Bắc Bộ, Trung Trung Bộ và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng trên diện rộng...

B.Trân - NLĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét