Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2009

Những đứa trẻ song sinh - Cuộc chiến từ trong bụng mẹ


Cuộc hành trình từ khi thụ thai đến ngày ra đời có lẽ là cuộc hành trình nguy hiểm nhất mà bất cứ ai trong chúng ta cũng gặp phải, nhưng cuộc hành trình của những cặp song sinh còn khủng khiếp hơn. Khi nghĩ đến những đứa trẻ song sinh giống nhau, chúng ta thường liên tưởng đến sự gần gũi đặc biệt và một sự hòa điệu hình thành ngay từ lúc còn chung một trứng. Tuy nhiên sự thật lại không phải thế. Thậm chí trong một số trường hợp, song sinh này lại là tác nhân gây ra cái chết của song sinh kia. Tiếc thay, đa số các bậc cha mẹ lại không biết có thai song sinh nguy hiểm như thế nào.

Một trường hợp hiếm
Khi Brittany 20 tuổi, cô kết hôn với anh Chris Smith và không ngờ là mình phải trải qua một năm đầy sóng gió. Trước hết, họ mất ngôi nhà ở Mississippi trong trận bão Katrina năm 2005. Sau đó, thế giới như đổ sụp xuống trước mắt Brittany, khi cô phát hiện mình bị triệu chứng dính liền hai thai (twin-to-twin transfusion syndrome – TTTS), một triệu chứng nguy hiểm chỉ ảnh hưởng đến dạng phôi song sinh giống nhau, tức là song sinh cùng trứng. Đặc điểm của song sinh TTTS là chúng có chung cuống nhau nối với hệ thống cung cấp máu của người mẹ. Như vậy, hai phôi thai phải chiến đấu để hưởng đủ lượng máu cần thiết cho sự sống còn. Theo bác sĩ Anthony Johnson, chuyên viên nghiên cứu về thụ thai nguy cơ cao tại Bệnh viện Nhi, Đại học North Carolina, có đến 60-70% nguy cơ cả hai sẽ chết. Nếu các bác sĩ không làm gì để sửa chữa lại sự không cân đối của dòng máu chảy đến thai nhi, một song sinh hoặc cả hai sẽ chết. Song sinh không nhận đủ lượng máu sẽ thiếu dưỡng chất cần cho sự phát triển, còn song sinh nhận quá nhiều máu có thể chết vì suy tim, khi nó chật vật hỗ trợ song sinh kia. Hy vọng duy nhất để cứu cả hai là một kỹ thuật giải phẫu laser, với mục đích là điều chỉnh hoạt động cung cấp máu bất bình đẳng này. Nhưng phẫu thuật phải tiến hành rất sớm và ngay trong bào thai.

Khi BS Johnson biết song sinh của Brittany rơi vào trường hợp TTTS, ông yêu cầu cô nên phẫu thuật lập tức, vì chỉ chậm một ngày, song thai có thể chết. Johnson tiến hành phẫu thuật trên phôi thai nhỏ chỉ bằng lòng bàn tay của ông. Ông cũng giải thích các nguy cơ có thể xảy ra với vợ chồng Smith và cả hai chấp nhận tất cả, để cứu những đưa bé. Vì phẫu thuật được tiến hành trong tình trạng gây mê cục bộ, Brittany tỉnh táo suốt ca giải phẫu. Đỉnh của công cụ laser nhỏ hơn 1/5 inch bề ngang được gắn với một cái ống. Màn hình cho phép nhà phẫu thuật thấy các mạch máu nhỏ li ti họ cần can thiệp vào. Bác sĩ phải định vị tia laser chính xác vào những mạch máu chung cho hai song sinh để hàn chúng lại. Nếu bắn sai, tia laser có thể làm bị thương thai nhi, xé rách nhau thai và làm cho bọn trẻ chảy máu đến chết. Chỉ đúng mục tiêu là rất khó khăn, vì thai nhi luôn nhúc nhích. Tệ hơn nữa là mỗi lần bác sĩ bắn laser, lại có thêm máu chảy vào tử cung, làm công việc định vị càng khó khăn hơn. Sau 2 tiếng rưỡi đồng hồ, Johnson ngừng phẫu thuật trong bất lực. Brittany được đưa vào phòng hồi sức, nơi đội ngũ bác sĩ y tá sẽ theo dõi cô suốt 24 giờ. Lúc cô tỉnh dậy, Johnson bảo với cô ca phẫu thuật gặp một số phức tạp ngoài dự kiến, khiến nhịp tim của một song sinh bị giảm đột ngột. Ông cũng không biết chắc ca phẫu thuật có thành công không. 36 giờ sau phẫu thuật, Johnson phát hiện ra phẫu thuật laser không hàn đủ các mạch máu chia sẻ giữa hai song sinh và ông không tin rằng mình có thể tái lập ca phẫu thuật trong điều kiện tử cung bị tràn máu.
May rủi của số phận
Sau đó, Johnson làm phần khó nhất trong công việc của mình. Ông phải thông báo với gia đình ca phẫu thuật bất thành và Brittany sẽ mất ít nhất là một trong 2 đứa bé. Không có nhịp tim ở phôi thai lớn hơn. Không có hoạt động tim mạch ở bên đó, nó đã chết. Khi Brittany được cho xuất viện, chị phải sống chung với song sinh đã chết trong vài tháng tháng nữa, để chờ đứa còn lại chào đời, vì song thai TTTS luôn chia sẻ một cuống nhau và một túi nước ối (amniotic sac) nếu mổ bỏ một thai nhi có nghĩa là giết luôn đứa còn lại. Briyttany phải chịu đựng để bảo đảm sự ra đời an toàn của song sinh còn lại. Đứa bé tên là Ian ra đời sau khi rời bệnh viện của Johnson 3 tuần, tức sinh non 14 tuần. Lý do, các bác sĩ không còn chọn lựa nào khác vì trái tim cậu quá yếu. Ivan chỉ cao có 12 inch, phải chăm sóc đặc biệt do sợ bị nhiễm trùng. Một tuần sau Brittany mới được ẵm con vào lòng, khi mọi loại dây nhợ hỗ trợ sự sống còn gắn trên người đứa bé. Cuối cùng, ngay cả Ivan cũng không cứu được, vì quá yếu. Vợ chồng Smith được gọi đến bệnh viện vào lúc nửa đêm. Brittany ôm con vào lòng chờ đứa bé trút hơi thở cuối cùng.
Nhưng không phải lúc nào kết thúc cũng tồi tệ cho những ca TTTS. Cách nay vài tháng, Johnson và đội phẫu thuật của ông đã tiến hành ca giải phẫu laser tương tự với Jennifer Terry, người mang thai lần đầu và phát hiện ra những cơn đau khủng khiếp ở vùng bụng. Cô đến gặp Johnson, chẩn đoán bị TTTS và cô có 3 chọn lựa: không làm gì cả, phẫu thuật laser để cứu cả 2 song sinh, hay hy sinh một để song sinh kia được sống. Jennifer quyết định chọn phương án thứ 2. Bác sĩ dùng kính hiển vi để xác định các mạch máu hai song sinh cùng chia sẻ, rồi hàn chúng lại bằng laser để sự chia sẻ này không còn, mà chỉ còn những mạch máu nuôi riêng rẽ từng đứa. Ca phẫu thuật có vẻ không hoàn hảo lắm, vì có quá nhiều mạch máu chung giữa hai song sinh, nên không thể hàn hết trong 2 giờ trước khi máu ngập tử cung bệnh nhân. Sau đó, qua siêu âm kiểm tra, Johnson báo với Jennifer rằng, song sinh nhận nhiều máu hơn đã chết. May mắn, thai nhi còn lại ra đời mạnh khỏe và hiện đã 6 tháng tuổi.
PHƯƠNG BỐI
(Theo Medical Mysteries Magazine 10.9)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét