Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Ho do thời tiết



Bác sĩ Hoàng Minh Thu, Trưởng khoa khám Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, thời tiết giao mùa như hiện nay khiến trẻ dễ bị ho kéo dài dù không bị viêm nhiễm gì.
Không nên tự kê kháng sinh

Bé Nguyễn Trần Hải, 4 tuổi, được mẹ đưa đến Bệnh viện Xanh Pôn khám do bị ho hơn một tuần không khỏi. Trước đó, bé Hải đã được mẹ cho đi khám tại phòng khám ở địa phương nhưng bác sĩ cho biết bé không bị viêm nhiễm gì nên kê một số thuốc dị ứng, thuốc bổ.

Sau khi đọc hướng dẫn sử dụng các loại thuốc bác sĩ kê, mẹ bé Hải quyết không cho con uống và cho con lên tuyến trên khám vì nghĩ rằng bác sĩ kê không chuẩn. Tại Bệnh viện Xanh Pôn, bé Hải cũng được bác sĩ kết luận là không bị viêm đường hô hấp, mà ho là do bị kích ứng thời tiết.

BS Hoàng Minh Thu cho biết, nhiều bậc cha mẹ đã tỏ ra lo lắng giống như mẹ bé Hải khi thấy con ho kéo dài không khỏi. Có nhiều người còn tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh cho con uống dù trẻ chẳng bị viêm nhiễm gì. Điều này rất nguy hiểm cho trẻ.

Bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi TƯ cũng cho biết, có rất nhiều trẻ bị ho kéo dài nhưng khi xét nghiệm thì không mắc bệnh gì. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi liên tục, ảnh hưởng đến sức khỏe. Những bé dưới 3 tuổi, hệ hô hấp còn yếu ớt, sức đề kháng cũng kém là đối tượng dễ phản ứng với điều kiện thời tiết, biểu hiện bằng ho.

Trẻ bị ho dị ứng thường ho thành cơn, nhất là trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy, hay lúc chuyển tư thế. Ho do viêm nhiễm thường là trẻ hay sốt, có thể có đờm đục, đờm xanh. Trẻ ho do kích ứng thời tiết thường có rất nhiều đờm nhưng là đờm trong, không sốt, khi xét nghiệm thì bạch cầu không tăng. Ho dị ứng tuy không nguy hiểm nhưng nếu không biết chăm sóc đúng cách, có thể bị bội nhiễm, dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi...

Cách làm dịu cơn ho

“Do đường hô hấp của trẻ rất nhạy cảm với thời tiết, cộng thêm khả năng miễn dịch còn kém nên trẻ rất dễ bị bệnh khi thời tiết giao mùa.

Một nguyên nhân nữa là do tốc độ đô thị hóa, khói bụi nhiều, bầu không khí bị ô nhiễm cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp”, bác sĩ Cấn Phú Nhuận cho biết.
Bác sĩ Vũ Thị Việt, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, những trường hợp ho do dị ứng thời tiết cần được điều trị bằng thuốc dị ứng.

Ngoài ra, vì trẻ thường nhiều đờm, nên cần làm cho các bé sổ được đờm ra, có thể bằng siro ho long đờm hay vỗ rung bằng cách: Người lớn khum bàn tay lại rồi vỗ đều vào vùng lưng bé, phần giữa hai bả vai, làm nhịp nhàng liên tục.

Sau động tác này, trẻ có thể sẽ ho nhiều và nôn, khạc ra đờm nên cần làm lúc trẻ đói, tốt nhất là buổi sáng ngủ dậy, khi bé chưa ăn gì. Với những trẻ không tự khạc được đờm, mẹ có thể kích thích cho bé nôn, có thể bằng cách dùng khăn mỏng sạch lau nhẹ nhàng khoang miệng, lưỡi, kích thích nhẹ vào họng...

Các bác sĩ cũng lưu ý, khi thấy trẻ bị viêm mũi họng dị ứng, hắt hơi nhiều, có mủ đặc có thể xông họng để làm sạch đường thở, giảm bớt chất nhầy tồn đọng, hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, không được lạm dụng, tránh gây hỏng niêm mạc vùng mũi họng của trẻ vì bộ phận này chưa phát triển hoàn thiện.

Để phòng bệnh, theo bác sĩ Hoàng Minh Thu, cha mẹ nên chăm sóc mũi họng thường xuyên cho trẻ bằng nước muối sinh lý vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Tránh đưa trẻ đến chỗ đông người, khi ra ngoài đường cần đeo khẩu trang.

Ngoài ra, do thời tiết hanh khô nên cần cho trẻ uống nhiều nước và ăn uống đủ chất. Khi bé bị ho mà không kèm các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, có thể cho trẻ uống thuốc ho long đờm. Nếu sau 3 ngày trẻ vẫn không đỡ ho, phụ huynh cần cho con đi khám để được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và cho thuốc phù hợp, không nên tự ý mua thuốc điều trị.

Mai Thúy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét