Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010

Ngại đến trường khi vào lớp 1


Luôn bày trò để không phải đến trường là vấn đề nhiều phụ huynh lo lắng khi trẻ mới vào lớp 1.

Ngọ nguậy không yên trên lớp, mải chơi, giận dỗi vì không được ngồi chỗ mình thích, không chịu đi học vì “không yêu” cô giáo… là những "chiêu" khiến phụ huynh "toát mồ hôi" sau mấy ngày bé vào lớp 1.

Nằng nặc đòi chuyển trường

Anh Hoàng Thanh, nhà ở phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, dù con gái anh đã trải qua một tháng sinh hoạt hè làm quen ở trường, nhưng đến bây giờ cháu vẫn chưa thể ngồi yên được 5 phút để học.

Buổi tối về nhà ngồi kèm con học, vợ chồng anh rất vất vả vì sự thiếu kỷ luật của con. Cứ viết được một chữ là con kêu mỏi tay, viết thêm một chữ nữa thì con kêu "buồn tè", lúc nào cũng cứ nhấp nha nhấp nhổm, không tập trung. Ở trường, cô giáo phản ánh rằng, thỉnh thoảng con còn tự do đứng dậy, đi lại trong lớp. Cô nhắc nhở được một lúc thì đâu lại vào đó.

Cũng là những lo lắng về trẻ trong những ngày đầu đến lớp, chị Hà An (đường Tô Hiệu, Hà Nội) kể rằng, con chị đi học được hai ngày thì không muốn đến lớp nữa, cháu nằng nặc đòi bố mẹ chuyển trường. Vì theo cháu: "Bạn A cứ trêu con. Bạn ấy rất là đầu gấu. Con không thích các bạn lớp con, con thích các bạn ở mẫu giáo hơn".

Tại một số diễn đàn trên Internet, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự lo ngại khi mới vào lớp 1 mà trẻ đã có tâm lí ngại đến trường. Có trẻ thì sợ cô giáo vì "bị phạt do không chịu ngồi yên"; Có trẻ thì thấy môi trường lạ lẫm, thu mình lại, không giao lưu tiếp xúc với các bạn mới...

Khuyến khích con

Khi cần trao đổi hay góp ý với giáo viên về vấn đề của con mình, phụ huynh không nên nói cho con biết là "bố đã nói với cô rồi", "mẹ đã góp ý với cô rồi, con yên tâm"… Nói với trẻ điều này không khác gì đưa đến cho trẻ một thông điệp "mình đã có một cái ô, mình đã được bố (hoặc mẹ) che chở nên mình làm gì cũng được".

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Mai Hoa - Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống cho rằng, đây là những hiệu ứng tâm lý bình thường ở trẻ khi mới chuyển đến một môi trường học đường xa lạ. Việc trẻ nói thích bạn này, ghét bạn nọ, không thích cô, không muốn đi học... chỉ nói lên rằng bé chưa làm quen được với môi trường mới.

Để giúp bé, cách tốt nhất là bố mẹ nên khuyến khích bé kể chuyện ở lớp, ở trường. Từ những câu chuyện của bé, bố mẹ phân tích đúng sai để giúp bé hiểu những ứng xử của bạn, của cô... Thời gian lắng nghe bé kể chuyện trường lớp tốt nhất là ở cổng trường - lúc bé vừa ra khỏi lớp. Lúc này, câu chuyện đang "nóng hổi", bé sẽ kể hết nếu có người "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu". Nếu đợi lúc về nhà, ăn cơm xong thì câu chuyện của bé đã nguội, thậm chí bé đã quên hết. Nhiều phụ huynh đang lúc mệt mỏi, thấy con nói nhiều thì gắt gỏng hoặc tìm cách hoãn binh "tối về nhà con kể nhé". Điều này sẽ khiến bé cảm thấy không được bố mẹ quan tâm.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Mai Hoa cho rằng, phụ huynh nên để ý đến mọi biểu hiện trên nét mặt, hành động và lời nói khi đến đón con ở cổng trường. "Nếu thấy bé buồn thì hỏi "hình như con đang buồn phải không? Điều gì làm con buồn như vậy?", để tìm cách chia sẻ. Tương tự, nếu con được cô giáo khen, con làm điều tốt thì phải khuyến khích để tăng niềm vui khi đến trường của bé", bà Hoa tư vấn.

Chú ý khi “tiếp xúc” giáo viên

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Quỳnh Chi, Trung tâm tư vấn An Việt Sơn, để giúp con làm quen với lớp học mới, ngoài việc lắng nghe và thấu hiểu con, cha mẹ nên có sự trao đổi thường xuyên với giáo viên. Điều này sẽ giúp cô giáo hiểu hơn tính cách của trẻ, từ đó có cách giáo dục phù hợp, giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập.

Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết cách trao đổi và góp ý với giáo viên một cách có hiệu quả. Theo bà Quỳnh Chi, sai lầm thường thấy nhất ở phụ huynh là phản ứng một cách nóng vội khi biết con bị cô phạt, đánh, mắng. Nhiều người vì "xót con" nên đã gặp ngay giáo viên, thậm chí là gặp ban giám hiệu để phản ánh. Điều này dễ dẫn đến tâm lý ác cảm ở giáo viên. Hơn nữa, việc bố mẹ đứng về phía con, bênh vực con (kể cả khi cô giáo sai) cũng sẽ tạo nên những hiệu ứng tâm lý không tích cực ở trẻ. Trẻ sẽ ghét cô hơn, không vâng lời cô và không nhận ra lỗi của mình.

Lâm Vũ - gia đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét