Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Vợ không còn "zin": Buồn nhưng vẫn hạnh phúc!

Hầu hết những người đàn ông tham gia phỏng vấn đều cho rằng nếu lấy được vợ còn “zin” thì sẽ “nể” hơn. Song nếu vợ của họ không còn con gái thì cũng không vì thế mà chia tay.

Anh Nguyễn Phan Anh (xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết trước khi lấy vợ, anh đã trải qua 3 mối tình. Trừ người bạn học đầu tiên là “chưa có gì”, còn lại hai mối tình sau thì anh đã “tỏ đường đi lối về”.

Mặc dù anh không quá nặng nề vấn đề trinh tiết, nhưng khi lấy vợ, được biết mình là người đầu tiên của nàng đã khiến anh rất sung sướng.

Cả đêm tân hôn, Phan Anh không chợp mắt, chỉ nằm ngắm vợ thiêm thiếp trong tay rồi mỉm cười mãn nguyện. “Sáng sớm khi vợ chưa thức giấc, tôi đã lên tận chợ Hoa mua 100 bông hoa hồng đỏ thắm đặt trên đầu giường của hai vợ chồng, như một lời cảm ơn vì cô ấy đã biết gìn giữ cái quý giá nhất của mình để dành tặng cho tôi”, Phan Anh nói.

Anh Bùi Việt Trung (TP Hoà Bình) lại cho biết chính vì khi lấy anh, bà xã vẫn còn là con gái nên anh rất “nể” vợ.

Theo anh Trung, mặc dù trước khi lấy nhau, bà xã của anh cũng đã trải qua hai mối tình. Song do biết gìn giữ và sống lành mạnh nên cô ấy vẫn giữ được trinh tiết. Hiện hai vợ chồng anh đang phải sống xa nhau do vợ anh đang theo học tại chức ở Hà Nội.

Có đồng nghiệp ghẹo anh: “Cho vợ xuống Hà Nội khác gì xe pơ –giô để bên Bờ Hồ” song anh Trung vẫn rất yên tâm về sự chung thuỷ của vợ. Anh Trung cũng khẳng định rằng mình chưa từng một lần có ý tưởng xuống trường học của vợ để... rình mò hoặc xem trộm điện thoại của bà xã vì anh đặt niềm tin ở cô ấy.

Tuy nhiên, trước câu hỏi: Nếu lấy phải người vợ đã bị “thất tiết” các anh sẽ thế nào?, cả hai người đàn ông trên đều cười xoà và cho rằng: Sẽ buồn, nhưng không vì thế mà cuộc sống của vợ chồng họ không thể hạnh phúc.

Anh Tiến Việt (TX Hà Giang, tỉnh Hà Giang) cũng cho rằng, quan điểm “trinh tiết” trong thanh niên hiện nay chỉ là tương đối. Con số này ở nhóm bạn nam của anh là 50/50.

Những cái nhìn thoáng hơn

Cũng theo anh Tiến Việt, con gái ngày nay phải ra xã hội lao động, làm việc, sinh hoạt, rất dễ vì hoàn cảnh mà “khôn ba năm dại một giờ”. Điều quan trọng là nhân cách con người, là nết ăn nết ở trong sáng, tốt đẹp thì khi kết hôn họ vẫn hạnh phúc.

Anh Nguyễn Hồng Quân (TX Phú Thọ) cho hay, hiện giờ thôn xóm, bản làng đã có điện lưới, mạng và nhiều điểm kinh doanh Internet. Anh từng hỏi một thanh niên về vấn đề “trinh tiết”. Cậu ấy bảo đã yêu mấy người, đi chơi với cô nào cũng “quan hệ”, thì “trinh tiết ở đâu ra?”.

Một số thanh niên thoáng hơn, cho là mình đi “chinh phục” nhiều cô, đến lượt mình tìm được cô nào hợp và sống tốt là được. Gái “thất tiết” mà chiều chồng, thương yêu con, biết đối nhân xử thế còn hơn gái còn trinh mà không biết cách sống. Sau những phút giây thăng hoa, hạnh phúc là cách cư xử, ăn ở, cách đối nhân xử thế... “Nhiều cô từng làm nghề không lương thiện, sau khi đi học nghề, lấy chồng vẫn rất hạnh phúc đấy thôi”- anh Quân ví dụ.

Nhà văn Lưu Quốc Hòa (Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam) cho biết, nhà văn Lê Thanh Kỳ vừa ra mắt truyện ngắn “Chuyện kể trong công viên”, viết về chàng trai cắt tóc lưu động, treo tấm biển “Sim ơi” trên xe. Đó là cách anh ta đi tìm vợ để chuộc lỗi của mình, bởi đêm tân hôn trót trải tấm ga trắng rợn người ra đón những giọt máu hồng... khiến cô vợ trẻ ngoan hiền trong phút hoảng loạn đã bỏ trốn. Vì quá yêu vợ và ân hận vì đòi hỏi “trinh tiết”, anh ta phải lặn lội khắp nơi với tấm biển gọi xé lòng “Sim ơi”...

“Tôi đã có cuộc điều tra xã hội nho nhỏ về sự thành công - thất bại của “Chuyện kể trong công viên”. Kết quả là trên 80% bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ lên án, coi hành vi của anh chồng trên là thiếu quân tử trong đêm tân hôn... Có bạn đọc còn bảo nên tống anh vào nhà thương điên” - nhà văn Lưu Quốc Hoà cho biết.

Tình yêu thực sự của một người đàn ông rộng lượng không bao giờ nghĩ tới chuyện quá khứ của vợ. “Tôi chưa thấy cặp vợ chồng nào ly hôn vì vợ không còn trinh tiết cả”.

Theo Gia đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét